Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Một tháng ở Melbourne

13.8.2007

Chuyến bay Boeing 777-200, VN 781, bay thẳng từ Saigon đến Melbourne kéo dài gần 8 tiếng. Quá nửa hành khách là người Việt, trong đó có những người tôi đã gặp ở cửa hàng Duty Free Tân Sơn Nhất… Tại đây, họ mua thuốc lá Winfield màu xanh, giống như Salem ngày xưa, giá 26 đô la Mỹ một cây. Vốn đã từng là ‘dân hút thuốc’ nhưng tôi chưa bao giờ hút Winfield nên không hiểu sao hiệu thuốc lá này lại thịnh hành đến như vậy.

Ngồi cạnh tôi là một ông người Việt, sau khi nói chuyện về nhiều đề tài, tôi đổi hướng câu chuyện sang thuốc lá Windfield… Cũng may, ông khách tỏ ra am hiểu: “Windfield ở Úc có giá nên những người Việt ‘sành điệu’ thường mua, không phải họ hút mà là bán lại để hưởng chênh lệch, gọi là gỡ lại chút tiền còm…”. À ra thế, người Việt mình dù ở đâu cũng không quên ‘làm kinh tế’ khi có cơ hội!

14.8.2007

Giờ Sài Gòn sớm hơn 4 tiếng so với Melbourne. Cất cánh lúc 10 giờ tối nhưng khi đến Melbourne cũng mới tờ mờ sáng dù hành trình kéo dài. Trước lúc hạ cánh, trên phi cơ thông báo những luật lệ nghiêm ngặt về vấn đề kiểm tra thực phẩm của Úc. Vi phạm nhẹ thì thực phẩm bị bỏ lại ngay ở phi trường, những trường hợp nặng có thể bị phạt tiền.

Có tới 3 lines dẫn đến các khu vực kiểm tra hành lý của thuế quan. Người Úc làm việc rất nghiêm và kỹ. Họ dùng cả dao để rạch những những gói bọc kín khi không nhìn thấy bên trong chứa gì. Họ còn hỏi có mang theo thịt bò, thịt heo hay không. Nếu có, thịt sẽ được tống vào thùng rác ngay tại quầy. Cũng may, các loại thực phẩm khô có ghi nhãn rõ ràng như mì gói, mực khô, cà phê, mít sấy khô… đều được passed. Ra khỏi khu vực thuế quan mới thở phào nhẹ nhõm!

Bích Hà đón tại phi trường từ sáng sớm nhưng không có con rể vì còn bận đi làm. Thời tiết tại Melbourne lúc này là mùa đông dù mới chỉ là tháng 8, xứ Down Under mà! Con gái còn cẩn thận mang theo cả áo ấm cho bố mẹ. Trời se lạnh nhưng vẫn thấy ấm lòng vì sự săn sóc của con.

Nhà Hà & Phước ở một khu yên tĩnh, có sân trước, sân sau nhưng chỉ để trồng cỏ chứ không có hoa vì hai vợ chồng còn bận… đi cầy. Hàng xóm bên tay trái là một cặp vợ chồng Việt-Úc, bên phải và phía sau lưng là 2 gia đình Việt Nam, nghe nói có gốc từ miền Bắc.

Với con gái

Bữa ăn sáng đầu tiên tại Úc là món sandwich ăn với trứng gà, jambon có trét Vegetime, một loại thực phẩm ‘quốc hồn quốc túy’ của nước Úc. Ngày xưa, khi còn đi dậy, tôi đã giảng cho học trò về Vegemite, đại khái là món này trét trên sandwich hay toast tựa như bơ nhưng lại là bã của chất men (yeast) sau khi đã nấu bia.

Vegemite hoàn toàn không có chất rượu nhưng lại chứa nguồn vitamin dồi dào khi được pha chế với các loại rau quả (vegetable) nên mới thành cái tên Vegemite. Cảm giác đầu tiên của tôi khi ăn thử Vegetime có vị ngọt như mật ong hay mứt jam, gần giống với bơ đậu phụng, nhưng có phần mặn hơn.

15.8.2007

Vợ chồng con gái đã lên lịch sẵn để tiếp Mon & Dad. Hà sẽ nghỉ 2 ngày và Phước sẽ nghỉ 2 ngày tiếp theo sau đó cả hai sẽ cùng nghỉ. Nhà chỉ có 1 chiếc xe nên hôm nay 3 chúng tôi đi xe bus ra khu mua sắm. Ở Melbourne có vé Metcard đặc biệt dùng chung cho các phương tiện công cộng như xe bus, xe lửa và xe điện (tram). Cũng có nhiều loại Metcard: đi trong vòng 2 giờ, vé nguyên ngày hoặc vé tháng.

Có một cuộc gặp gỡ thú vị trên xe bus. Một bà cụ người Á đông khi lên xe bà cụ hỏi một cách tỉnh bơ bằng giọng Quảng Nam: “Có ai là người Việt không?”. Không ngờ tài xế lại là người Việt nên hỏi lại: “Bà đi đâu?”… Qua câu chuyện làm quen trên xe mới biết bà sang Úc được 9 năm và bà nhờ chỉ chỗ làm thẻ MediCard. Con cái bận đi làm nên cụ phải tự lo. Với vốn liếng tiếng Anh bập bõm nhưng bà cụ tỏ ra rất tự tin trong giao tiếp.

Trong khi chờ đợi Bích Hà đi hỏi dùm, bà cụ thản nhiên kéo ghế cửa hàng Starbucks phía bên ngoài để nghỉ chân nhưng không gọi thức uống. Con gái dắt bà cụ rời quán cà phê được một lúc lại nghe bà cụ than: “Mình bậy quá, kéo ghế ngồi mà khi đi lại không để ghế vào chỗ cũ cho người ta…”. 

Chuyện nhỏ nhưng phải ghi lại. Dù ở tuổi nào đi nữa, người Việt sống tại nước ngoài cũng đã phần nào tiêm nhiễn chút lịch sự tối thiểu của phương Tây. Trường hợp bà cụ 80, dù không thực hiện việc trả ghế lại chỗ cũ nhưng cũng đã nhận thức được thế nào là cách hành xử đúng đắn. 

16.8.2007

Ngày của Hồng Hoa và Đạt. Khi còn ở Việt Nam, Hồng Hoa là bạn thân cùng làm tại Bệnh viện Sài Gòn với bà xã còn Đạt là một sĩ quan VNCH. Tôi còn nhớ mãi, hồi đó anh thường đi chiếc Mobylette màu xám mỗi khi đón vợ.

Đạt lái xe chở vợ đến thăm chúng tôi. Cả hai đều thuộc loại… nói nhiều nên gặp lại nhau sau một thời gian xa cách mới có dịp cà kê dê ngỗng, hết chuyện này đến chuyện khác. Từ chuyện Đạt một mình vượt biên sang đến Úc rồi bảo lãnh vợ con đoàn tụ đến chuyện hai con giờ đã trưởng thành, một đứa đã lập gia đình và một hãy còn ở chung với bố mẹ…  

Việc Đạt & Hoa liên lạc được với Hà & Phước ở Melbourne cũng thuộc loại… hy hữu. Nhân một lần vợ chồng Đạt ghé thăm một người bạn lại là láng giềng của Hà & Phước, Hà nhận ra Hồng Hoa và báo tin về nhà. Thế là trái đất tròn, tình bạn vẫn còn duy trì sau bao năm xa cách. 

Đạt đưa chúng tôi đến thưởng ngoại cảnh chùa Quang Minh gần nhà, đến trưa ra Footscray ăn phở ở tiệm Chú Thể. Gọi tô nhỏ nhưng vẫn không ăn hết! Thịt bò ở Úc vốn có tiếng, thịt mềm, rất nhừ đối với những người có tuổi, như vậy tạm coi là ngon. Người phục vụ tại đây là những thanh niên, họ nói tiếng Bắc. Không biết chừng là du học sinh từ Việt Nam qua?

Chùa Quang Minh

Buổi tối cơm nước xong xuôi, đến gần 10g Hà & Phước rủ đi casino Crown, coi chơi cho biết. Crown khá hấp dẫn về đêm với ánh đèn mầu, người ra vào nhộn nhịp, có đến gần nửa là người châu Á, chắc Việt Nam chiếm đa số! Điều đáng nói là ít thấy người Việt chơi slot machines, có lẽ máy đánh bạc chỉ dành cho các loại ‘tép riu’, chơi vài chục đồng nên… không bõ! Bà xã thử thời vận. Bỏ vào máy tổng cộng $5, bấm một hồi ăn được… $5. Hên quá, thế là hòa vốn!

Người Việt thường tụ tại các sòng poker, roulette, lotto. Sòng chia thành nhiều cấp có đề biển rõ ràng để người chơi ‘liệu cơm gắp mắm’: $10, $20, $30… lên đến $100. Những khuôn mặt ‘đỏ đen’ căng thẳng trông rất tội nghiệp vì họ tự nhốt mình vào vòng cờ bạc. Con rể kể, có những doanh nhân ăn nên làm ra, có những người đã từng làm chủ mấy căn nhà nhưng rốt cuộc rồi cũng hết sạch, thân bại danh liệt cũng chỉ vì cờ bạc. Một đêm cả nhà ‘đi đánh bạc’ mãi đến 2 giờ sáng mới về đến nhà. Cũng may huề vốn!

Casino Crown với con rể

17.8.2007

Vợ chồng Hà & Phước làm cơm đãi bạn bè nhân dịp cuối tuần có bố mẹ qua Melbourne chơi. Khách có vợ chồng Hải thuộc tuýp người ‘ăn to nói lớn’ và vợ chồng Vượng là nhà báo, cộng tác trên radio SBS, chương trình Việt ngữ, có vợ cũng tên Hà và là em gái của Hải. Vượng ăn nói chững chạc và dĩ nhiên có nhiều thông tin về chính trị và xã hội tại Úc cũng như Việt Nam.

Con rể nấu ăn rất giỏi. Phước có thể nấu cả món Việt lẫn món Úc, ai ăn cũng phải khen. Đặc biệt có món ‘gỏi già’, đặc sản sông nước miền Tây nhưng phải đợi đến khi sang Úc tôi mới được thưởng thức qua tài làm bếp của Phước. Gỏi già gồm cá, mực, thịt, đậu hũ nấu với me chua và ăn với bún. Điều thú vị là bún khô làm ở bên Tàu nhưng lại có đề tiếng Việt! Nghe nói, ở Sài Gòn, trong chợ Bến Thành, có một hàng bán gỏi già rất đông khách ăn dù giá 30.000 đồng một tô.

Bữa cơm thân mật có cả rượu vang đỏ và mọi người chuyện trò rôm rả từ chiều đến tận 9 giờ tối. Khách về vội vàng lên mạng đọc tin tức: Một bà cụ 70 tuổi người Việt đáp chuyến bay Saigon-Melbourne bị quan thuế phát hiện có mang trong người chất bạch phiến.

Phước nói những vụ như vậy vẫn thường xảy ra. Người ta lợi dụng người già cả để chuyển ma túy vào Úc, nếu trót lọt con cháu kiếm được khá tiền, nếu bị phát giác, người già chắc cũng được châm chước. Úc không áp dụng luật tử hình, tội nặng nhất là chung thân. Đối với những người ‘gần đất, xa trời’ xem ra án chung thân cũng chẳng là bao!

18.8.2007

Thứ Bảy là ngày bận rộn. Buổi sáng cả nhà đi xem chợ Second Hand Market, một loại như chợ trời, chuyên bán đồ cũ với giá rẻ nhưng khách đến chợ phải mua vé vào cửa với giá $2, tiền Úc. Chợ chỉ họp vào những ngày cuối tuần nhưng lúc nào cũng tấp nập người mua-bán với khoảng 100 gian hàng dã chiến. Có người dựng lều, có người bầy hàng trên bàn và có người bày ngay trên mặt đất. Khách hàng có thể mặc cả thoải mái cho đến khi ‘thuận mua, vừa bán’!

Mặt hàng bầy bán tại đây rất đa dạng, từ ‘chổi cùn giẻ rách’ cho đến chậu kiểng bonsai, hoa phong lan… Có cả hàng Việt Nam như băng nhạc, CD, VCD, DVD, xuất xứ là hàng sang băng lậu, giá rẻ mạt. Có hàng còn để nhạc Việt hay cải lương qua máy cassette.

Hỏi chuyện một người bán, anh ta nói thủ tục giữ chỗ rất đơn giản, chỉ cần đóng $4 là có quyền đem xe vào rồi bầy hàng ra bán. Chắc chắn thu nhập chẳng bao nhiêu nhưng đây cũng là cách giải quyết những món hàng không còn dùng đến theo kiểu như garage sale của Mỹ. Triết lý của loại chợ trời có lẽ gói gọn trong câu… Cũ người mới ta!

Second Hand Market

Buổi chiều ghé thăm nhà Đạt & Hoa. Căn nhà quá đẹp với vườn hoa và cây cảnh có từ thời chủ trước là người Úc gốc Ý. Đạt đã về hưu nên có thì giờ chăm sóc từ vườn trước đến sân sau. Cây cối được tỉa xén một cách tỷ mỷ tạo thành những hình độc đáo như quả cầu, bình hoa…

Ngoài những giống hoa của Úc, Đạt còn trồng các loại cây trái nhiệt đới như lựu, ổi, ớt để gợi lại những hình ảnh quê hương. Ở Đạt, tôi thấy một bài học về sự kiên trì hiếm có, từ việc chăm sóc cây cảnh đến những lo toan trong cuộc đời. Một thân một mình vượt biên và được nước Úc chấp nhận như một di dân.

Vườn hoa nhà Đạt

Nước Úc coi những cựu quân nhân VNCH như những người lính đã từng chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Úc. Những người như Đạt nhận được tiền trợ cấp, tương đương với lương của cựu quân nhân Úc. Bên cạnh đó, anh còn được hưởng những ưu đãi trong cuộc sống qua việc được miễn phí hoặc giảm giá các dịch vụ công cộng như điện, nước, giao thông như những cựu chiến binh Úc.

Tôi cũng gặp lại Nguyễn Lương Năng trước đây dạy tại trường Sinh ngữ Quân đội Sài Gòn. Qua những lời tâm sự, chúng tôi thấy Mỹ là nước đồng minh ‘số một’ của VNCH trong suốt cuộc chiến nhưng chế độ đãi ngộ dành riêng cho các cựu quân nhân miền Nam chỉ là con số không nếu so với những gì nước Úc đã làm. Thật may mắn cho những cựu quân nhân đã chọn hoặc được chọn để định cư tại Úc. Câu nói Đất lành chim đậu quả là không sai!

24.8.2007

7 giờ tối xuất phát chuyến đi Bright vào cuối tuần. Bright là một thị trấn vùng quê cách Melbourne khoảng 3 giờ lái xe. Có một điều trùng hợp thú vị giữa Bright và Đà Lạt. Cả hai thành phố đều có khí hậu rất thích hợp cho người lớn tuổi. Đà Lạt cách Sài Gòn hơn 300km, xa lộ từ Melbourne đi Bright cũng có một khoảng cách tương tự nhưng chỉ mất 3 giờ trong khi lên Đà Lạt kéo dài đến 5 hay 6 tiếng.

Một cuộc hội ngộ lý thú ở Bright

Chuyến đi còn có 2 cặp Vượng & Hà và Hải & Hoa, tổng cộng 4 cặp, đi 2 xe, lên thăm thầy Thịnh và chị Thanh Xuân ở Bright. Mối quan hệ của chúng tôi cũng khá ly kỳ. Khi còn ở Ban Mê Thuột, tôi học môn sử của thầy Thịnh, sau đó thầy lập gia đình với Thanh Xuân, học dưới tôi vài lớp. Hải và Hà là em của Xuân, đại gia đình đều đoàn tụ tại Úc.

Khi vợ chồng con gái quen với gia đình Thịnh & Xuân ở Melbourne mới ‘té ngửa’ về mối quan hệ giữa bố và thầy Thịnh ngày xưa. Trong khi con gái gọi thầy cũ của bố là ‘anh’ thì tôi vẫn quen mồm ‘thưa thầy’! Giây phút đầu tiên thầy trò gặp lại nhau thật bất ngờ và xúc động ngay khi bước vào nhà với… bài quốc ca VNCH vang lên từ máy cassette. Phản ứng tự nhiên, mọi người đều đứng nghiêm.

Công viên bên sông Ovens

Thị trấn Bright nằm gọn trong thung lũng có dòng sông Ovens êm đềm. Công viên nằm bên bờ sông là một địa điểm lý tưởng để nghỉ ngơi và tận hưởng hoa đồng cỏ nội. Bright còn giữ lại nhiều di tích lịch sử của thời đổ xô đi tìm vàng tại Melbourne vào những năm 1850.

Cuốc, xẻng và thau đãi vàng tại Beechworth

Tại Beechworth, du khách có thể thấy di tích những mỏ vàng, nhìn tận mắt cách thức lọc vàng và luyện vàng thô thành những thỏi vàng nguyên chất. Bên cạnh đó là viện bảo tàng trưng bày vật dụng và hình ảnh của thời tìm vàng. Victorian Gold Rush chính thức khởi đầu từ năm 1851, hầu như vào cùng thời điểm với California Gold Rush tại Mỹ trong thời kỳ 1948-1852.

Vào mùa đông, Mt Beauty ở Bright tuyết phủ trắng xóa trên đỉnh

Hai ngày ở Bright là một kỷ niệm khó quên đối với cả chủ lẫn khách. Chúng tôi, dù đã lớn tuổi, nhưng nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười đùa như thời son trẻ. Chỉ tiếc một điều khi mọi người về lại Melbourne, chỉ còn anh chị Thịnh & Xuân ở lại với cuộc sống hàng ngày trầm lắng. God bless you all.

29.8.2007

Mãi tới hôm nay mới là ngày ‘chính thức’ làm một tour Melbourne. Đã nhiều lần chạy xe quanh khu vực downtown ‘cưỡi xe xem hoa’ nhưng hôm nay chúng tôi mới thực sự khám phá thành phố lớn thứ hai của Úc, chỉ đứng sau Sydney. Rất ít người biết Melbourne đã từng là thủ đô của Australia trong suốt thời gian kể  từ ngày 1.1.1901 đến năm 1927 mới chuyển về Canberra.

Melbourne là thành phố lớn thứ hai của Đế quốc Anh mang nhiều công trình kiến trúc từ thời nữ hoàng Victoria. Nổi bật nhất là Royal Exhibition Building được xây dựng từ năm 1880 và đây cũng là công trình đầu tiên của Úc được UNESCO chọn làm Di sản Thế giới vào năm 2004.

Tòa nhà Triển lãm Hoàng gia

Nhà ga Trung tâm ở góc đường Flinders và Swanston cũng là một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn của Anh. Nơi đây, hàng ngày có đến 1.500 chuyến xe lửa chở khoảng 110.000 hành khách. Ngày cũng như đêm, Flinders Street Railway Station lúc nào cũng nhộn nhịp người qua lại và là trái tim của Melbourne

Flinders Street Railway Station

Queen Victoria Market thu hút hầu hết du khách khi đến Melbourne, người ta nói chợ được thành lập từ những năm 1850. Ngày nay, chợ mở rộng đến 7 hectares, có hơn 1000 gian hàng bày bán đủ các loại rau quả, thực phẩm, quần áo và thủ công mỹ nghệ. Hôm chúng tôi đến Queen Vic có cả mấy con lạc đà cho du khách dạo chợ. Đúng là... đi chợ kiểu Úc!

Queen Victoria Market

Ngoài kiến trúc, ảnh hưởng của Anh vẫn còn in đậm nét trong cuộc sống hàng ngày tại Úc, từ ngôn ngữ giao tiếp (Australian English là biến thể của British English) cho đến kiểu lái xe bên trái. Riêng tại Melbourne, người lái xe khi gặp bảng Hook Turn có thể rẽ phải khi đang giữ lề trái tại các ngã tư có mật độ xe qua lại đông đúc.

Khi đèn đỏ của làn đường bạn đang đi sáng lên và đèn lưu thông của làn đường vuông góc chuyển sang màu xanh, bạn sẽ điều khiển xe 90 độ để chuyển hướng vào đường muốn rẽ. Xe của bạn lúc đó sẽ được ưu tiên so với các xe đang di chuyển thẳng hướng theo làn đường bạn muốn rẽ! Thật ly kỳ, chỉ ở Melbourne mới có.

2.9.2007

Đến Melbourne tôi đã bỏ ra vài ngày để tìm hiểu về cộng đồng người Việt tại đây vì trong những thập niên 1970 và 1980, nhiều người tị nạn từ Campuchia và Việt Nam đã chọn nơi đây làm quê hương. Footscray được coi như trung tâm sinh hoạt lớn nhất của người Việt tại Melbourne với vô số hàng quán, văn phòng dịch vụ nổi lên san sát, hoàn toàn không có chỗ cho McDomalds hay Starbucks.

Chợ Footscray

Cách trung tâm Melbourne khoảng 2km có khu Richmond cũng là nơi tập trung một số cửa hàng của người Việt dọc theo đường Victoria. Đặc biệt tại đây có một mô hình chợ Bến Thành thu nhỏ được dựng lên để nhắc nhở những người xa quê nhớ đến Sài Gòn ngày xưa.

Chợ Bến Thành tại Richmond

Chịu khó đi khoảng 20km về phía tây nam sẽ gặp Springvale, một địa danh quen thuộc đối với người Việt khi di dân đến Melbourne. Nơi đây, trước kia tập trung những thuyền nhân tỵ nạn được chính phủ Úc chấp nhận cho nhập cư. Ngày nay, thị trấn này vẫn còn một số người ở lại để sinh sống và kinh doanh nhỏ lẻ.

Springvale đã từng là trại tỵ nạn của người Việt
khi mới đến Melbourne

11.9.2007

Rời Melbourne vào đúng ngày Bin Laden tấn công nước Mỹ 6 năm về trước. Nhờ trời phi cơ đáp xuống phi đạo an toàn chứ không đâm xầm vào World Trade Center! Tiệc farewell vẫn còn tràn đầy cảm xúc đọng lại trong lòng khách phương xa. Xin tạm biệt Melbourne sau 1 tháng sống và vui bên những người thân và bạn bè ở xứ kangaroo.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 9: Thời hội nhập)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

10 Comments on Multiply

anhoai76 wrote on Feb 25, '11
Cám ơn Mr Chinh đã viết 1 bài thật dài về những điều nho nhỏ ở Úc.... An biết hết mấy cái địa danh trong bài và đã từng đến... dù An khg có ở ngay vùng có người VN định cư nhiều.
Vụ thuốc lá WField thì người kia họ giải thích chưa có thuyết phục lắm... ở Úc... tất cả các loại thuốc đều mắc như nhau cả.. xê dịch có chăng chỉ vài đồng... đa số là bạn bè nhờ mua... mà mỗi người mua được có 1 cây thôi.. Nếu bán lại thì lời khoảng vài chục... đáng gì đâu phải khg?:-)
Crown Casino thì thế đó.... từ ngày còn nhỏ... trong nhà An đã nói hoài rằng.. Con à... cờ bạc là bác thằng bần... Sau này lớn rồi mới chứng kiến và biết chắc chắn 1 điều... hầu như chưa ai làm giàu nhờ đi casino cả... thật vậy. Chợ Victoria thì tuyệt... bán rất nhiều rau, quả tươi... chợ đó là khu chợ đón tiếp hầu hết tất cả những ai đi du lịch đến Úc đó.... Mel chỉ có thế.. tất cả vỏn vẹn nho nhỏ.... khg như Mỹ phải khg?.. Tháng 8 là tháng lạnh cao điểm ở bên này.... À còn cái vụ giữ lane trái mà quẹo phải thì nhiều lúc An cũng còn confused lắm. :-)))... nó hơi bị rắc rối... vụ này khg có nhiều ở Mel đâu.. thông thường chỉ có ở những con đường gần trung tâm thành phố thôi hà.

nguyenngocchinh wrote on Feb 25, '11
anhoai76 said “Cám ơn Mr Chinh đã viết 1 bài thật dài về những điều nho nhỏ ở Úc....An biết hết mấy cái địa danh trong bài và đã từng đến...dù An khg có ở ngay vùng có người VN định cư nhiều.
Thanks anhoai76 for the information provided. Ở Mel. mang tiếng là 1 tháng nhưng thật tình tôi cũng chưa rõ lắm về thành phố này. Thấy gì viết nấy nên kể lại cho vui vậy thôi, chắc chắn còn nhiều sai sót.

kinhkhatran wrote on Feb 25, '11
nguyenngocchinh said “Thanks anhoai76 for the information provided. Ở Mel. mang tiếng là 1 tháng nhưng thật tình tôi cũng chưa rõ lắm về thành phố này. Thấy gì viết nấy nên kể lại cho vui vậy thôi, chắc chắn còn nhiều sai sót.”
Một cuộc du lịch đầy thú vị phải không, thưa Anh?

tangtinhtinh2 wrote on Feb 25, '11
Đọc bài của bác gần như được tới Mel. vậy. :)

phamngocthienan wrote on Feb 25, '11
HIHI, DU LỊCH MEO BƠN BẰNG VĂN LUN! HIHI, À MÀ EM TÒ MÒ CÁI MÓN Vegetime GHÊ HEM BIET NÓ RA MẦN RĂNG !HIHI

penseedl wrote on Feb 26, '11, edited on Feb 26, '11
nguyenngocchinh said “Gỏi già gồm cá, mực, thịt, đậu hũ nấu với me chua và ăn với bún.”
Món này hơi lạ! Đã nấu rồi thì không thể là "gỏi " nữa. Xin hỏi anh Chính vì sao lại gọi món này là "Gỏi Già " vậy ?

nguyenngocchinh wrote on Feb 26, '11
Như đã nói, phải tới Mel tôi mới được thưởng thức món bún gỏi già của miền sông nước Cửu Long nên sự hiểu biết về món bún này chỉ là con số không. Pensee thắc mắc nên tôi lướt một vòng net và xin trích lại vài đoạn có liên quan đến gỏi già:
“Bún gỏi già thực ra cũng hao hao giống bún mắm thôi. Nói là giống, nhưng vị của nó khác nhau xa. Bún mắm và bún gỏi già có chung nguyên liệu là mắm cá. Bún gỏi phải nấu chung với me, mới cho ra vị nước lèo chua chua ngọt ngọt ăn không ngán là vì vậy. Đặc biệt, món ăn này chỉ ăn chung với tép là ngon nhất. Tép bạc, tép lột, hay tôm sú lột đều được cả. Những con tép đỏ au, được lột vỏ kỹ càng trông hấp dẫn làm sao ấy. Bún gỏi già chua chua ngọt ngọt ăn ghém với rau muống và bông chuối bào... Nhưng mà nó ngon nhờ hẹ. Nếu không có cọng hẹ nào thì cái tô bún của bạn coi như tiêu. Thêm nữa phải có nước chấm đặc biệt nó là nước cốt mắm cá linh nguyên chất, rất thơm và có vị ngọt đậm đà.” (Bún gỏi già Mỹ Tho, http://vietbao.vn/Doi-song-Gia-dinh/Bun-goi-gia-My-Tho/10890036/239/)
“Không biết món ăn này xuất xứ từ đâu. Nhưng tôi chưa thấy trên thành phố này có một nơi nào bán món này cả, cả tên gọi cũng rất khác biệt. Bún gỏi già... Tôi không thể giải thích được vì sao nó lại có tên như thế. Mỗi lần về Mỹ Tho là tôi lại chạy ra quán ăn quen thuộc, gọi một món quen thuộc:” Bún gỏi già”. Chắc các bạn sẽ thắc mắc lắm vì không biết tại sao cái món bún có cái tên lạ tai lại làm tôi thích thú... Tôi ăn nhiều rồi, nhưng chưa lần nào thử nấu cả, không phải lười biếng đâu, vì không có bí quyết, tôi sợ mình sẽ làm hư món khoái khẩu của mình.” (http://www.tiengiang.gov.vn/xemtin.asp?idcha=1028&cap=4&id=1055)
Tiện đây nếu quý vị nào biết về bún gỏi già xin cho ý kiến, thanks.

nguyenngocchinh wrote on Feb 26, '11
Lại mới tìm thêm được một bài viết về loại bún này nhưng lại được gọi là 'gỏi dà' chứ không là 'gỏi già'. Xin trích để các bạn cùng tham khảo:

"Sóc Trăng và Bạc Liêu là những tỉnh có nền văn hóa cộng cư Kinh - Hoa - Khmer. Đồng thời, mỗi dân tộc đều lưu truyền những món ngon độc đáo, ngày càng được nâng cao thành một nghệ thuật như: bún nước lèo, bún bò cay Bạc Liêu, bún tiêu Sóc Trăng… Trong đó, món "bún gỏi dà" Sóc Trăng, hương vị thật ấn tượng.
Sao gọi "gỏi dà"?
Người viết đã bỏ công đi tìm hỏi nhiều nơi về nghĩa gốc của hai chữ “gỏi dà” nhưng vẫn chưa hài lòng, vì bao nhiêu lý giải đều mang tính suy diễn. Như bà Trịnh Thị Ngọc Nữ, 64 tuổi, chủ quán "bún gỏi dà" ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, giải thích như sau: Nguồn gốc của gỏi dà là món gỏi cuốn. Sau đó người ăn không cuốn nữa mà cho bún vào tô, trộn thêm thịt, tép, rau và tương xay trộn đều để và ăn như và cơm. Sau nữa, các bà nội trợ mới có sáng kiến cho thêm nước súp vào tô thành món “bún gỏi dà” như hiện nay. Do tiếng Nam bộ phát âm những chữ V, D, Gi khá giống nhau nên có người nói gỏi dà, người đọc gỏi già.
Chưa hài lòng với cách giải thích của bà Ngọc Nữ, người viết lại tìm đến nhà "cô Năm gỏi dà" ở đường Cần Thơ. Do cô Năm bán món "gỏi dà" lâu năm nên đã thành danh cô “Năm Gỏi Dà”. Nay cô đã qua đời. Con cháu cô Năm nói rằng, “gỏi dà” là món bún tép, có thêm thịt luộc và rau sống. Đây là món ăn thuần Việt, rẻ tiền lại ngon miệng nên được nhiều người ưa thích.
Như thế chúng ta có thể tạm kết luận rằng, “gỏi dà” là món ăn xuất phát từ bún khô, sau đó mới nâng lên thành bún nước. Nhưng nước bún gỏi dà không có hương vị mắm đồng hoặc mắm bò hóc như bún nước lèo Sóc Trăng, Bạc Liêu và Trà Vinh.
“Mỹ Xuyên có bún gỏi dà
Dùng qua sẽ thấy đậm đà hương quê”
Đó là hai câu thơ do chính bà chủ quán Ngọc Nữ sáng tác và treo trước quán ăn để mời chào bao thực khách gần xa.
Thành phần của một tô bún "gỏi dà" cũng giống như tô bún riêu, bún mắm, bún nước lèo… nhưng khác ở chỗ nước súp đậm đà mùi vị tương xay và ít nước me chín. Bà chủ quán Ngọc Nữ cho biết bí quyết của món bún gỏi dà là tép và nước súp. Phải là tép đất mới ngọt đậm. Những vùng quê của Sóc Trăng vẫn còn loại tép ngon này quanh năm. Tép luộc xong được người nấu lột bỏ vỏ lấy thịt, để nguyên con màu đỏ tươi trông rất đẹp mắt. Nồi nước súp phải hầm bằng xương heo chung với nước luộc tép, nêm thêm ít đường, ớt và ít nước bột me chua.
Ngoài ra, món này còn hơn thua nhau ở thành phần gia vị và sự tinh tế trong chế biến các món tương xay trộn với đậu phộng rang đâm nhuyễn và tỏi phi. Những loại gia vị này giao hòa với nhau tạo thành một hương vị hấp dẫn đặc trưng không lẫn vào đâu được. Nếu muốn khẩu vị thêm "bắt bén", bạn có thể vắt thêm chút chanh và cho vào chút tương ớt, cặp thêm ít rau thơm, thế mới đúng điệu.
Một anh bạn nhà thơ bình luận về "bún gỏi dà" thật chí lý: “Đây là một tô bún đặc sắc nhờ hội đủ các chất đạm, chất béo, rau tươi và nhiều thứ gia vị thơm tho. Mình chỉ ngửi và nhìn mấy con tép màu đỏ tươi trên mặt tô sóng sánh nước cũng đã… nổi thèm!”
Nước bún gỏi dà ngọt tự nhiên, không cần cho thêm bột ngọt. Tép đất tươi nguyên con vừa mềm vừa ngọt. Còn thịt đùi heo luộc thái nhỏ vừa giòn vừa béo. Thêm vị cay cay, bùi bùi của tương và ớt làm cho người thưởng thức cứ nhớ mãi… Tại chợ Bến Thành, TP.HCM, cũng có bán món này, nhưng không ngon, giá lại đắt.
(Nguồn: Xì xụp bún gỏi dà, http://www.tinmoi.vn/Xi-xup-bun-goi-da-1072069.html)

andropause wrote on Feb 26, '11
Đọc bài của anh + xem hình các bạn bloggers ở Úc em thấy dần dần quen thuộc với các địa danh nơi đây !
Thanks anh Chinh.

penseedl wrote on Feb 27, '11
Bài viết "Xì-xụp Bún gỏi dà" diễn tả món ăn đặc biệt này vừa lạ vừa hấp dẫn thật. Có dịp đi thăm Sóc Trăng chắc chắn sẽ phải tìm ăn cho được món đặc sản này.
Cảm ơn anh Chính đã bổ sung thêm một "Món ngon quê nhà" nữa.




1 nhận xét:

Popular posts