Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Thời thơ ấu: từ Vĩnh Yên đến Hà Nội (1)

Tôi chào đời tại thị xã Vĩnh Yên, cách Hà Nội khoảng 55km. Qủa thật đây là một địa danh cho đến lúc này, dù trên đầu đã hai thứ tóc, vẫn còn hoàn toàn xa lạ đối với với tôi. Tôi chỉ biết Vĩnh Yên qua một vài câu chuyện của mẹ.

Theo phong tục thời đó, trong gia đình tôi cũng như một số gia đình khác ở miền Bắc, con cái gọi cha bằng Cậu và gọi mẹ bằng Mợ. Cậu Mợ cũng đi vào văn học Việt Nam từ thời Tự Lực Văn Đoàn bên cạnh những từ khác dành cho đấng sinh thành: ba, bố, thầy, tía... và me, mẹ, má, mạ, bầm, u, đẻ...

Tôi sinh ngày 19 tháng 6 năm 1946, khoảng 5g sáng. Tôi vẫn thường nói đùa với con cháu: "Ngày xưa sinh nhật của ông lớn lắm vì trùng vào ngày Quân lực VNCH". Đó cũng là thời điểm Việt Minh và Quốc Dân Đảng đang đánh nhau. Nghe nói ở Vĩnh Yên, Quốc Dân Đảng đã lập chiến khu đánh cả Nhật lẫn Pháp. Tuy nhiên, nổi trội hơn cả là một tổ chức có tên Việt Minh được Đồng Minh giúp vũ khí tiền bạc để chống phát xít Nhật. Thế rồi Quốc Dân Đảng và Việt Minh lại trở súng thanh toán lẫn nhau một cách không thương tiếc.

Trong bối cảnh hỗn mang đó, mọi người trong ngày 19/6/1946 đều trốn xuống hầm và chỉ còn mẹ tôi nằm trơ trọi bên đứa con còn đỏ hỏn giữa hai lằn đạn Quốc Dân Đảng và Việt Minh. Nghe kể lại thì cũng may có chú bếp bò lên tiếp tế thức ăn cho mẹ tôi được đúng một lần. Mãi đến chiều, ngớt tiếng súng, mẹ tôi mới được bà đỡ săn sóc và đến tối bố tôi mới vào thăm vì phải lo chuyện chiến sự.

Tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng là bố theo Quốc Dân Đảng. Ông Nguyễn Thái Học là người thành lập Quốc Dân Đảng từ năm 1927 với chủ trương dành độc lập trong tay thực dân Pháp theo mô hình của Tôn Dật Tiên bên Trung Hoa. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu là một thất bại trong việc chống Pháp nhưng Nguyễn Thái Học đã để lại cho đời một câu nói bất hủ: “Không thành công cũng thành nhân”.

Quốc Dân Đảng được thành lập trước Đảng Cộng sản Đông dương 3 năm nhưng đảng chỉ được sự hậu thuẫn của giới trí thức thành thị và binh lính trong quân đội thuộc địa, trong khi đảng Cộng sản lại dựa vào công nhân và nông dân. Sau khi Nhật đầu hàng đồng minh năm 1945, Cộng sản ra sức thanh trừng Quốc Dân Đảng để dành vị trí lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp.    

Sau này, tìm hiểu về địa danh Vĩnh Yên mới biết nơi đây đã xảy ra cuộc chiến đầu tiên trong chiến tranh Đông Dương giữa một bên là Jean de Lattre de Tassigny, vị tướng người Pháp lừng danh thời thế chiến thứ hai, và tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Minh. Cuộc chiến kéo dài từ ngày 13 đến 17/1/1951.

Trước khi tướng De Lattre đến Hà Nội vào tháng 12/1950, quân đội Pháp đã thiệt hại khoảng 6.000 quân trong các cuộc đột kích liên tục của Việt Minh dọc theo Đường thuộc địa số 4. Paris phải điều vị tướng tài ba sang Việt Nam trước tình hình quân sự ngày càng tồi tệ. Tướng Võ Nguyên Giáp chọn chiến trường Vĩnh Yên là nơi thử thách tài thao lược của De Lattre.

Bảo vệ Vĩnh Yên, Pháp có 2 tập đòan quân di động (GM) khoảng 6.000 người và Việt Minh điều động 2 sư đoàn 308 và 312 từ Việt Bắc về vùng đồi núi Tam Đảo bao quanh thị trấn Vĩnh Yên. Với chiến thuật biển người, tướng Giáp tấn công Vĩnh Yên và quân đội Pháp phản công bằng bom napalm, lần đầu tiên được xử dụng tại Việt Nam. Pháp đã thắng tại Vĩnh Yên nhưng đây mới chỉ là chiến thắng ban đầu và cuối cùng đã chịu thua Việt Minh sau trận Điện Biên Phủ năm 1954.

***

Bức hình ba anh em, xưa nhất mà tôi còn giữ đến tận bây giờ, được chụp tại Hà Nội. Lúc đó tôi khoảng 3 hay 4 tuổi, chú bé phía bên phải là em trai Nguyễn Ngọc Quang và cô bé Nguyễn Thị Dung còn ngậm vú nằm gọn trên bàn. Chiếc bàn bằng mây, một kiểu bàn ghế thông dụng của thời tiền chiến.

Tuy nhỏ hơn tôi 2 tuổi nhưng Quang có khuôn mặt bầu bĩnh hơn, phải công nhận cu cậu ‘đẹp mã’ và ‘to con’ hơn tôi rất nhiều. Điều đáng tiếc là Quang mất sau khi chụp bức hình này độ vài tháng. Người tin dị đoan sẽ bảo là chụp hình 3 người nhưng tôi không nghĩ như vậy.

Bức ảnh xưa nhất của 3 anh em: tôi đứng phía sau,
Quang bên phải và Dung nằm trên bàn

Như đã nói, Vĩnh Yên là một địa danh quá mờ nhạt đối với tôi dù sau này, khi còn ở Hà Nội, tôi đã có một hai lần trở lại vào dịp nghỉ hè. Với trí nhớ của một chú bé, tôi chỉ hình dung Vĩnh Yên có... mùi chua chua, có lẽ đó là mùi đặc trưng của đồng quê miền Bắc. Thì ra đó là mùi của cây tre ngâm nước lâu ngày nên mới có mùi… cơm thiu!

Tại thị xã Vĩnh Yên, Cô Mơ, em của mẹ, có một cửa hàng chụp ảnh, một hình thức photo studio ngày nay. Tôi nhớ rõ sự kiện này vì còn giữ vài tấm hình chụp tại đây với phông nền vẽ hình con thuyền đang lờ đờ trôi trên sông nước. Cảnh chẳng hợp tí nào với một cậu bé đứng trước hình ảnh thơ mộng kiểu người lớn.

Hình chụp năm1953 (trước khi vào Nam)

Bức hình thứ hai chụp chung với Vinh, con cô Mơ, cũng vẫn trước phông cảnh sông nước hữu tình. Gia đình bên ngoại tôi có truyền thống đặt tên con theo các loại trái cây: mẹ tôi tên Mận, em gái tên Mơ, chị cả tên Lựu, cậu út tên Đào. Thậm chí bà ngoại cũng có tên Quýt khiến trong nhà mỗi khi nói đến trái quýt phải gọi trại là ‘cam nhỏ’ vì sợ... phạm húy!
  
Hình chụp tại Vĩnh Yên

Vĩnh Yên nổi tiếng với dãy núi Tam Đảo, có đến hơn 20 ngọn núi ở độ cao 1.600m, ngày nay được gọi là Vườn quốc gia Tam Đảo. Nơi đây đã trở thành một địa điểm nghỉ dưỡng do người Pháp thành lập với hàng trăm biệt thự nằm rải rác khắp khu vực. Những tòa nhà Tây ngày nay chỉ còn là phế tích trong hoang tàn, đổ nát, trơ ra những móng, tường, công trình ngầm nằm lẫn với cỏ cây, rêu phong, nắng mưa...

Người ta nói, ở Tam Đảo một ngày có đến 4 mùa: buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa có nóng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may của mùa thu và buổi tối có cái lạnh giá của mùa đông. Thị trấn còn có Thác Bạc cao khoảng 30m. Từ trên cao, thác đổ xuống một dòng nước bạc lóng lánh dưới ánh mặt trời. Đôi khi có cả ánh cầu vòng phản chiếu trong nắng.

Tuy không sánh bằng Đà Lạt ở Cao nguyên Trung phần, Tam Đảo là khu nghỉ mát bậc nhất miền Bắc. Chỉ tiếc một điều là cho đến bây giờ tôi vẫn chưa một lần về thăm nơi chôn nhau cắt rốn. Có một sự tình cờ và trùng hợp khá ngạc nhiên. Vĩnh Yên - Tam Đảo, nơi tôi ra đời vốn là một nơi nghỉ mát nổi tiếng của miền Bắc. Đến thời thơ ấu, tôi lại lớn lên tại Đà Lạt, thành phố nghỉ mát tại cao nguyên, thời đó còn được gọi là Hoàng triều Cương thổ - đất của nhà vua!

Người ta nói ông Hồ Chí Minh khi còn sống có một nguyện vọng tha thiết là khi lìa đời sẽ được yên nghỉ tại vùng núi Tam Đảo, đồng thời ước mong mỗi người đến thăm mộ sẽ mang một cây nhỏ trồng trên núi. Nếu đúng như vậy, đây là một nguyện vọng rất phù hợp với ‘phong trào xanh’ đang thịnh hành trên khắp thế giới ngày nay.

Mãi sau này tôi mới nhận ra: Vĩnh Yên là tên thị xã, Tam Đảo là tên thị trấn, cả hai đều nằm trong tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày nay, Vĩnh Phúc bao gồm thành phố Vĩnh Yên và thị trấn Phúc Yên. Trong "sơ yếu lý lịch" của chế độ này, nguyên quán và quê quán là hai phần đòi hỏi sự tách biệt rõ ràng khiến tôi nhiều lúc phải băn khoăn khi đặt bút khai. Tôi chỉ biết điền vào hai chữ Vĩnh Yên trong khi người ta lại đòi hỏi phải chi tiết hơn về quận, huyện, phường, xã.

Sau 1975, tôi có dịp ra Bắc nhiều lần nhưng chỉ loanh quanh ở Hà Nội, từ những khách sạn bình dân như Ngọc Lan trên đường Nguyễn Thái Học đến những nơi sang trọng như Meritus (West Lake) ở Hồ Tây hay Guoman gần báo Vietnam News. Chưa lần nào tôi về lại Vĩnh Phú, Vĩnh Phúc hay Vĩnh Phúc Yên để tìm hiểu về nơi đã sinh ra đời. Chuyến đi xa nhất trong một lần ở Hà Nội là về Hà Tây để tìm hiểu về gia đình Tuyết (Liễu) trước khi cô gái này trở thành con dâu trong gia đình.

Người ta có thể nói vì không nặng tình với quê hương của mình nên tôi chẳng bao giờ trở lại chốn cũ trong khi có thừa điều kiện để đi đó đi đây. Đây là một thái độ dứt khoát của gia đình tôi: sau 1975 không hề liên lạc với một người bà con nào ở miền Bắc trong khi hầu hết các gia đình có gốc miền Bắc tìm cách nối lại quan hệ họ hàng với người thân từ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Có thể đây là một thái độ sai lầm nhưng ít ra cũng giúp gia đình tôi tránh được cảnh dở khóc dở cười khi "người miền Nam nhận họ, người miền Bắc nhận... hàng".

Họ vào miền Nam trước là gặp lại họ hàng sau là tha về Bắc từ con búp bê mất tay và các thứ ‘chổi cùn, giẻ rách’ đến các món xa xỉ như đồng hồ, xe đạp, radio, TV, xe Honda... Đó là một thực tế đau lòng khi giữa hai miền có một sự khác biệt về tiện nghi đời sống vật chất trong thời buổi đất nước vừa thống nhất hai miền.

Anh bộ đội trên đường trờ về quê từ miền Nam 

Cho đến bây giờ, hố ngăn cách giữa hai miền Nam-Bắc vẫn còn đó. Tôi nghĩ, phải chờ cho đến khi không còn những người thuộc thế hệ tôi may ra mới được san lấp. Giữa cuộc di cư của người Bắc vào Nam năm 1954 và cuộc "Nam Tiến" của người miền Bắc sau năm 1975 là hai biến cố lớn nhưng có những hệ quả khác hẳn nhau.   

Năm 1954, với hơn 1 triệu người Bắc vào Nam đã tác động một cách tích cực đến cuộc sống của người miền Nam. Người Bắc vốn cần cù, chí thú làm ăn đã thay đổi hẳn nhân sinh quan của người miền Nam vốn sống dễ dãi vì được thiên nhiên ưu đãi. Hơn nữa, thành phần di cư vào Nam đa số là công chức, quân nhân nên trình độ tương đối cao hơn giới lao động tay chân. Văn nghệ sĩ di cư cũng đã góp phần thay đổi nền văn học miền Nam bấy giờ, tạo nên một giai đoạn văn hóa phát triển rực rỡ, tiêu biểu cho một chính thể, một quốc gia độc lập. Cho đến bây giờ, nền văn học miền Nam vẫn là niềm tự hào, hãnh diện của người miền Nam.

Thế nhưng, điều tương tự đã không xảy ra sau 1975. Đơn giản là vì có sự cách biệt rất lớn về văn hóa, xã hội, hay nói chung là trình độ dân trí giữa hai miền Nam Bắc. Văn hóa nói chung, văn học nói riêng của miền Bắc sau gần 20 năm dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa đã đi theo một con đường khác hẳn miền Nam.

Cho đến bây giờ, người ta vẫn không thể xóa nhòa trong ký ức của người miền Nam, và thậm chí cả về sau này trong lịch sử, hành động của đám thanh niên rầm rộ đi đến từng nhà để tịch thu sách vở, văn hóa ‘ngụy’. Thua một thế lực dường như kém cỏi hơn mình về nhiều mặt khiến người miền Nam ‘uất ức’ trong chiến bại, mang trong lòng tâm trạng ‘kiêu hãnh’ của kẻ ‘ngã ngựa’ bởi những lý do ngoài ý muốn. 

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 1: Thời thơ ấu)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts