Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Hồi ức học trò

Tôi trúng tuyển vào Đệ Thất trường Trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt năm 1958. Từ tiểu học bước lên trung học tôi tự thấy mình lớn hẳn lên. Hồi còn ở tiểu học mỗi lớp chỉ có một thầy hay cô phụ trách suốt năm học, lên đến Đệ Thất bắt đầu có sự tiếp xúc với nhiều giáo sư dạy các môn nên mỗi buổi học trở nên phong phú và sống động hơn.

Ngày xưa, thầy cô giáo dạy trung học được gọi là giáo sư, lên đến đại học thì có giảng sư. Tại trung học, giáo sư đến giờ vào lớp dạy, hết giờ sang lớp khác rồi giáo sư khác lại tiếp tục vào tựa như ca sĩ chạy show! Cậu học sinh mới bước vào trung học như tôi cảm thấy đây là một thế giới hoàn toàn mới lạ. 

Đà Lạt có hai trường trung học công lập, trường dành cho nam sinh mang tên Trần Hưng Đạo, trường dành cho nữ sinh là Bùi Thị Xuân. Trước năm tôi bước vào Đệ Thất, trường Trần Hưng Đạo có tên là trường Bảo Long (hoàng tử, con vua Bảo Đại) và tiền thân của trường nữ Bùi Thị Xuân là trường Phương Mai (công chúa, con vua Bảo Đại) được thành lập từ năm 1953.

Trường Bảo Long được thành lập từ năm 1951 và chỉ dành cho quốc gia nghĩa tử, một hình thức của trường Thiếu sinh quân, nhưng tại đây chỉ dạy văn hóa chứ không huấn luyện quân sự. Học sinh trường Bảo Long theo chế độ nội trú, họ là con em của những người trong quân ngũ đã hy sinh vì nước nên cũng nổi tiếng là một tập thể nhiều cá tính.

Kể từ năm 1956 Bảo Long đổi tên Trần Hưng Đạo và tiếp nhận học sinh phổ thông, trước đó học sinh nam nữ học chung tại trường Phương Mai. Trường Trần Hưng Đạo gồm nhiều dãy phòng học xây dựng dọc theo sườn đồi thoai thoải. Những lớp nhỏ như Đệ thất, Đệ lục chiếm các dãy phòng phía dưới chân đồi và càng lên cao là các lớp lớn hơn.

Ngoài Trần Hưng Đạo và Bùi Thị Xuân, Đà Lạt còn có Lycée Yersin, được thành lập từ năm 1933 cho con em người Pháp và một số học sinh người Việt thuộc gia đình khá giả theo chương trình Pháp. Trường Grand Lycée (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Lâm Đồng) được khởi công xây dựng năm 1929 và năm 1933 các lớp học đầu tiên của trường này được khai giảng, dạy chương trình trung học của Tây. Vào năm học 1935–1936, trường bắt đầu mở thêm các lớp triết học, toán học là những lớp cuối của bậc phổ thông trung học.

Năm tôi vào Đệ Thất, hiệu trưởng trường Trần Hưng Đạo là thầy Kỳ Quan Lập hiền lành, điềm đạm, học sinh chỉ sợ thầy Bửu Vụ, ông rất nghiêm khắc trong vai trò Tổng giám thị. Thậm chí ông còn sử dụng roi để giải quyết những trường hợp học sinh ngỗ nghịch. Thầy Bửu Vụ đã lớn tuổi và luôn là ‘hung thần’ đối với đám học sinh ‘quậy’ mà ngày đó được mệnh danh là đám… ‘nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò’!

Hình phạt cao nhất tại Trần Hưng Đạo là những buổi "cấm túc" vào những ngày nghỉ cuối tuần. Phiếu cấm túc được thông báo với về nhà và phải nộp lại trong buổi cấm túc với chữ ký của phụ huynh. Đây là một biện pháp răn đe có tác động rất mạnh đến học sinh bình thường nhưng hình như mất hết tác dụng đối với những học sinh được xếp vào nhóm thứ ba, sau quỷ và ma! Có những tay ngổ ngáo gần như ‘ký cơm tháng’ trong các buổi cấm túc vào những ngày cuối tuần.

Học sinh bị phạt "cấm túc" phải có mặt tại trường để làm những công việc tùy theo sáng kiến của giáo sư trông coi cấm túc. Thường thì nam giáo sư giao các việc ‘lao động công ích’ như dãy cỏ sân trường, lau chùi cửa kính, làm tổng vệ sinh các lớp học… Nếu phụ trách cấm túc là nữ giáo sư các hình phạt sẽ linh động hơn, chẳng hạn viết một bài luận văn kể trường hợp tại sao mình lại bị phạt…   

Trường Trần Hưng Đạo có những giáo sư nổi tiếng như thầy Thắng ‘Napoleon’ (chúng tôi gọi ông là Napoleon vì có vóc người vừa lùn vừa hói nhưng những tiết học của thầy luôn hấp dẫn học sinh). Thầy Chử Bá Anh có vóc người nho nhã, lịch lãm, thầy có chiếc xe Peugeot 201 nhưng nhà lại rất gần trường nên chẳng bao giờ thấy lái xe đến trường.

Trần Hưng Đạo năm nào cũng có một số thầy cô giáo mới tốt nghiệp đại học sư phạm được bổ nhiệm về dậy. Tôi còn nhớ cô Thủy dậy sử vì mỗi lần cô đọc bài cho cả lớp viết thì thế nào cô cũng bảo tôi lập lại. Lâu dần, điệp khúc “Chính nhắc lại” trở thành một đề tài để các bạn cùng lớp đem ra chọc tôi. Thực ra trong thâm tâm tôi vẫn tự hào vì được cô giáo cưng và hãnh diện khi trở thành teacher’s pet!

Sau này, đọc Nguyễn Thị Hoàng trong Vòng tay học trò, tôi mới hiểu được tâm trạng của các cô giáo mới ra trường như cô Thủy:  “Giảng bài, chấm bài, ăn ngủ, nghỉ ngơi, ngày này qua ngày khác, điệp khúc đó đều đều nản bắt đầu, chấm dứt để bắt lại như tiếng bánh xe rời rạc lăn mãi trên đường. Âm thầm. Cằn cỗi. Và an phận. Đời này vốn trống trải như quán trọ Y Pha Nho, con người làm lữ khách sống buồn vui tùy ở hành trang mình mang theo về đó…”

Cô giáo Trâm – nhà văn Nguyễn Thị Hoàng – dậy đệ nhất cấp trường Trần Hưng Đạo quen với cậu học trò tên Minh, tức Mai Tiến Thành người bạn thân ở Ban Mê Thuột lên Đà Lạt học lớp Đệ Nhị A. Thành rời BMT lên Đà Lạt trước tôi một năm và bước vào cuộc phiêu lưu tình cảm với cô giáo Hoàng tại trường Trần Hưng Đạo.

 Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng

Đúng ra thì mối tình Vòng tay học trò không thực sự xảy ra giữa cô giáo và học trò theo đúng nghĩa vì Trâm chỉ dạy đệ nhất cấp, chưa bao giờ là cô giáo của Minh đang học đệ nhị cấp. Dù sao đi nữa, cuốn tiểu thuyết đã gây một chấn động lớn tại trường Trần Hưng Đạo nói riêng và khá nổi tiếng ở miền Nam vào thập niên 60 nói chung.

Nói cho ngay, tôi thuộc loại học sinh khá trong lớp, năm nào cũng được phần thưởng. Năm Đệ Lục tôi nhận phần thưởng hạng nhì trong lớp, trong đó có môn thể dục xếp hạng nhất, môn quốc văn và hiệu đoàn xếp hạng ba. Thể dục là giờ tôi yêu thích nhất vì được học ngoài trời, chạy, nhảy và đá bóng…

Phần thưởng năm Đệ Lục,
Trường Trần Hưng Đạo, niên khóa 59-60

Trường Trần Hưng Đạo tọa lạc trên một ngọn đồi nhìn xuống hồ Vạn Kiếp, một cái hồ nhân tạo nhỏ hơn hồ Xuân Hương rất nhiều. Phía bên kia hồ là vườn rau trồng bắp xú, artichaud, dâu tây và xu xu. Vào thời chúng tôi còn đi học, hồ Vạn Kiếp rất đẹp và thơ mộng nhưng thời gian sau 1975 hồ đã bị gần như biến mất vì dân nhập cư lấn chiếm, xây nhà, mở đất.

Gần bên hồ Vạn Kiếp là một sân bóng nhỏ, chiều dài độ 30m, được ủi bằng phẳng nên là một sân banh lý tưởng cho bọn học sinh chúng tôi. Nơi đây, chúng tôi thường có các trận thi đấu vào giấc trưa khi ở lại trường. Các đội bóng thường chia theo khu vực dân cư sinh sống.

Hồi đó, nhóm học sinh nhà ở khu Địa dư, gần trường Lycée Yersin, có đội bóng hay nhất trong số các học sinh ở lại trường vào buổi trưa. Nhà tôi ở được xếp vào khu Địa dư dù cách đó hơi xa nhưng vẫn nằm trong khu Saint Benois hay còn gọi là Chi Lăng, gần trường Võ bị Đà Lạt. 

Chúng tôi đá bóng chân đất và sau mỗi trận đấu thường xuống hồ rửa ráy để chuẩn bị vào lớp buổi chiều. Sân bóng gần hồ rất tiện lợi cho việc tắm rửa nhưng cũng có điều bất lợi mỗi khi đá mạnh quá bóng có thể lăn theo triền dốc xuống hồ, mất công lội xuống nước để nhặt bóng. 

Đá bóng là môn thể thao ưa thích của tôi ngay từ hồi còn nhỏ. Tôi thường chơi trong vai trò trung phong với những đường lừa bóng và sút bóng... có hạng. Tôi nhớ mãi đã có lần sút bóng mạnh đến nỗi thủ môn của phe đối phương phải chảy máu mũi vì bóng trúng mặt. Bản thân tôi lúc đó cũng thấy sợ phát khiếp.

Điều lý thú là người giữ khung thành, Nguyễn Thanh Hà, sau này gia đình cũng chuyển qua Ban Mê Thuột học lớp Đệ Ngũ tại trường trung học BMT. Hà về sau trở thành một cầu thủ có hạng còn tôi thì lại không còn chọn con đường đá bóng.

Thỉnh thoảng tôi vẫn nhắc lại với Hà chuyện ‘lỗ mũi ăn trầu’ khi còn học ở trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt nhưng có vẻ như Hà cố tình quên chuyện đó có lẽ vì tự ái. Hơn nữa, từ khi về BMT, như tôi đã nói, Hà là một trong những cầu thủ sáng giá nhất trường và rồi đá cho đội bóng của thị xã!

Đối với hầu hết những người Việt Nam, nhất là những người hâm mộ bóng tròn kể từ năm 1975 trở về trước, không ai là không biết hoặc không nghe giọng nói của Huyền Vũ, một ký giả kiêm bình luận viên trực tiếp truyền thanh các trận bóng đá trong suốt một phần tư thế kỷ vừa qua.

Trong những buổi tường thuật trực tiếp truyền thanh, ký giả Huyền Vũ, tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, đã khiến cho người nghe, dù ở thành thị hay vùng thôn quê xa xôi hẻo lánh, đều có cảm tưởng như mình đang hiện diện ngay tại sân cỏ để chứng kiến những pha gay cấn trong cuộc tranh tài.

Giọng nói miền Nam của ông có sức thu hút lạ lùng, khi thì ung dung như quả bóng đang lăn chậm chạp trên sân cỏ, khi thì dồn dập như mưa sa bão táp cuốn hút người nghe vào những pha công phá đang diễn ra sôi nổi trước khung thành. Cứ sau mỗi pha đầy gay cấn như vậy thì người ta lại nghe ông kể lại cách sắp xếp của hàng tấn công và hàng phòng thủ của 2 đội, chẳng khác nào một cuốn phim được quay chậm trở lại trên màn ảnh để khán giả có thể biết được một cách rõ ràng hơn.

Huyền Vũ dùng những cụm từ mà những người theo dõi qua radio không thể nào quên: khi trận đấu chưa có bàn thắng, ông nói ‘màng lưới đôi bên vẫn còn trinh bạch’, khi cầu thủ sút bóng không vào gôn, ông bình luận thêm ‘vượt cầu môn trong gang tấc’ hoặc ‘bỏ lỡ cơ hội bằng vàng’…

Hồi xưa chưa có truyền hình, được nghe Huyền Vũ trực tiếp truyền thanh qua radio là một niềm say mê đối với những người ghiền túc cầu… 

"... Ngầu đang lừa banh… qua rồi… truyền lại cho Há… Liêm đã sẵn sàng ở phía sau… cú sút như trái phá… nhưng ‘quả da’ đụng khung thành bật ra trong gang tấc…"

Ngay cả trong lúc dự những trận đấu tại sân Tao Đàn hoặc trên sân Cộng Hòa (ngày nay là sân Thống Nhất) thì ngoài việc coi trực tiếp những trận banh diễn ra trên sân cỏ, một số người còn mang thêm radio transistor để nghe Huyền Vũ mô tả tên cầu thủ, những đường banh lắt léo và những lời bình luận độc đáo của ông. Huyền Vũ mất ngày 24/8/2005 tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi.

Ký giả Huyền Vũ

Ngày xưa, bóng đá được người Sài Gòn gọi nôm na là đá banh hay văn hoa hơn là túc cầu. VNCH thời 1966 đã từng đoạt cúp Merdeka của Mã Lai, khi đó đội tuyển được đặt dưới sự dìu dắt của huấn luyện viên Weigang, người Đức. Đội hình ra sân có thủ môn Lâm Hồng Châu, hậu vệ gồm Phan Dương Cẩm (tự Hiển), Nguyễn Văn Có, Phạm Huỳnh Tam Lang, Lại Văn Ngôn (II), giữ vị trí tiền vệ có Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Ngọc Thanh và hàng tiền đạo gồm Nguyễn Văn Ngôn (I), Nguyễn Văn Chiêu, Lê Văn Đức, Trần Chánh.

Trận chung kết giải Merdeka có khoảng 40,000 khán giả ngồi kín Sân Vận động Quốc gia với sự chủ tọa của Quốc vương Mã Lai và Thủ tướng Abdulraman. Đội tuyển VNCH ra sân trong màu áo vàng, quần trắng, vớ vàng, được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả Mã Lai, nhất là tiền vệ Đỗ Thới Vinh, người dễ nhận ra nhất trong đội hình Việt Nam với cái đầu hói và những pha lừa bóng điệu nghệ cùng những cử chỉ pha trò có duyên của anh trên sân cỏ đã thu được cảm tình của khán giả và báo chí nước chủ nhà.

Với ý chí quyết tâm, toàn đội Việt Nam đã ăn miếng trả miếng’ trong trận chung kết với đội Miến Điện (ngày nay gọi là Myanmar) một cách xuất sắc. Tuy nhiên, hiệp một chấm dứt mà không bên nào mở được tỉ số.

Đội tuyển VNCH, huy chương vàng SEA GAMES 1959
Hàng trước: Nhung, Vinh, Hà Tam, Thách, Tư
Hàng giữa: Thanh, Hiếu, Myo
Hàng sau: Tỷ, Rạng, Cự
 
Sang đến hiệp hai, cơ hội bằng vàng đến với đội tuyển VNCH ở phút 72. Từ đường chuyền của thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang, Nhà Ảo Thuật Đỗ Thới Vinh khéo léo dẫn banh qua hai cầu thủ Miến Điện, mở bóng xuống vừa đúng tầm để trung phong Nguyễn Văn Chiêu băng xuống.

Chiêu dùng ngực hứng bóng, xoay người, tung quả sút hiểm hóc từ xa 25 mét bằng chân trái, bóng đi như ánh chớp vào góc thượng của khung thành Miến Điện trước sự ngỡ ngàng của Đệ nhất Thủ môn Á Châu thời bấy giờ là Tin Tin An, mở tỷ số 1-0 cho Đội tuyển Việt Nam. Bàn thắng này cũng tỷ số chung cuộc của trận đấu và là bàn thắng đáng giá ngàn vàng đưa đội tuyển VNCH lên ngôi Vô địch Giải Túc cầu Merdeka 1966 tại Mã Lai.

Trung phong Nguyễn Văn Chiêu và tiền vệ Đỗ Thới Vinh là đôi bạn thân thiết cùng chung màu áo từ đội Quan Thuế rồi khi vào quân ngũ cả hai đá cho đội Tổng Tham Mưu. Giải ngũ, cả hai trở về đội Quan Thuế và cùng đá trong đội tuyển quốc gia. Cuộc đời hai anh gắn liền cả chục năm trời bên nhau trên sân cỏ.

Tại Giải Merdeka năm 1966, Vinh và Chiêu là hai người lập công trạng lớn nhất đem vinh quang về cho Việt Nam. Giờ đây, hai anh kẻ trước người sau ra đi trong âm thầm, thiếu vắng đồng đội tiễn đưa, không một lời ai điếu nhắc lại thời huy hoàng trên sân cỏ.

Nguyễn Văn Chiêu đã vĩnh viễn ra đi năm 1987 tại Long Thành trong hoàn cảnh thương tâm, chỉ có người vợ cùng mấy người con khóc nghẹn trước thân xác lạnh lẽo của chồng và cha trong căn chòi lá nằm sâu trong một góc vắng của thị xã Long Thành. Đám tang anh vội vã, không kèn không trống. Mộ phần không tiền xây cất, đắp đất sơ sài.

Tiền vệ Đỗ Thới Vinh cũng mất tại Việt Nam năm 1995 vì bệnh tiểu đường. Anh là nhân vật tên tuổi trong giới túc cầu được nhiều người ái mộ từ trong nước ra tới hải ngoại nhưng anh cũng âm thầm ra đi trong hoàn cảnh đơn chiếc, túng thiếu. 
  
Lão tướng Quách Hội, 73 tuổi, kể về chiếc Cúp Merdeka năm 1966 như sau: “Năm 1995, một sáng tôi đi ngang một tiệm bán đồ lạc-xon trên đường Hải Thượng Lãn Ông, tình cờ tôi nhìn thấy, bày trong số đồ bán của tiệm, chiếc Cúp Vô Địch Giải Túc Cầu Merdeka mà Đội Tuyển Túc Cầu Việt Nam Cộng Hoà, trong đội có tôi, đoạt được năm 1966 tại Malaysia.

Người chủ tiệm nói chắc giá 5 triệu đồng. Không có tiền, tôi đứng trước tiệm lạc-xon ấy từ sáng đến trưa với hi vọng có bạn đồng đội cũ nào đi ngang thì báo tin để kêu gọi anh em góp tiền mua lại chiếc Cúp. Chờ mãi không gặp được ai, tôi đi về mà nước mắt ứa ra vì tiếc cho kỷ vật ghi lại chiến tích một thời của anh em chúng tôi. Không biết giờ này chiếc Cúp Merdeka của anh em chúng tôi lưu lạc về đâu.

Cũng phải nói thêm về thủ môn Phạm Văn Rạng đã một thời nổi tiếng với danh hiệu Lưỡng thủ vạn năng vẫn sống mãi trong ký ức của những người hâm mộ bóng đá thuộc lứa tuổi U-60 và U-70. Năm 1949, từ vai trò trung phong của trường Việt Nam Học đường ông bất ngờ trở thành người giữ khung thành khi thủ môn chính thức không thể ra sân.

Năm 1951 Phạm Văn Rạng được đội Ngôi sao Bà Chiểu của ông bầu Võ Văn Ứng mời về giữ khung thành, rồi chỉ hai năm sau được chọn làm thủ môn cho đội tuyển Thanh Niên. Năm 1953 bị động viên, ông trở thành người trấn giữ khung thành cho đội Tổng Tham Mưu. Cùng năm đó, ông được tuyển vào đội tuyển VNCH, khi mới 19 tuổi và khoác áo đội tuyển cho đến năm 1964 thì giải nghệ.

Năm 1966, dù đã 31 tuổi, ông vẫn được mời vào đội tuyển Ngôi sao châu Á (All Stars Team of Asia), bởi vị trí thủ môn chưa có cầu thủ nào của châu Á có thể cạnh tranh được. Đội Ngôi sao châu Á do cựu danh thủ Lý Huệ Đường làm HLV trưởng, trợ lý HLV là ông Peter Velappan (hiện nay là Tổng Thư ký LĐBĐ châu Á).

Sau khi được các đồng đội như Tam Lang, Dương Văn Thà, Võ Thành Sơn, Tư Lê, Hồ Thanh Cang cùng nhiều người hâm mộ đã giúp đỡ xây dựng cho một ngôi nhà cấp 4 tại sân bóng Thuận Kiều, thủ môn huyền thoại Phạm Văn Rạng đã qua đời vào tháng 11/2008. Tôi còn nhớ, ngày xưa mỗi khi họp nhau đá bóng, bọn trẻ chúng tôi luôn luôn bàn cãi trong việc chọn lựa ai sẽ là… Gôn Rạng! Hai chữ Gôn Rạng đã đi vào đầu óc non trẻ của chúng tôi trong ngôn ngữ hàng ngày.

Thủ môn Phạm Văn Rạng

Tại sân vận động Cộng Hòa vào giữa tháng 12/1967 có Giải Túc cầu Thân hữu Việt-Mỹ. Từ Mỹ sang là đội Dallas Tornado, họ đấu 2 trận, trận thứ nhất gặp Hội tuyển Thanh niên ngày 14/12/1967 và trận thứ nhì ngày 16/12/1967 gặp Hội tuyển Sài Gòn. Trận gặp đội tuyển có tới 20.000 khán giả đến chật kín sân vận động và kết quả 2 đội hòa nhau 1-1.

Đặc biệt vào thời xưa, trước các trận đấu chính luôn luôn có các trận mở màn để các đội bóng thanh thiếu niên hoặc lão tướng có dịp ra sân trình diễn trước khán giả. Tôi nghĩ, đây là một việc làm rất tốt của Tổng cục Túc cầu Việt Nam thời đó, một mặt khuyến khích các đội trẻ mặt khác phục vụ khán giả một cách tận tình bằng những ‘bữa tiệc’ túc cầu có nhiều món khác nhau. Điều này, bóng đá sau năm 1975 không hề có.

Bích chương Giải Túc cầu Thân hữu Việt-Mỹ năm 1967

Trở lại chuyện mê đá bóng của tôi hồi còn đi học. Túc cầu cũng mang lại cho tôi nhiều rắc rối. Đá bóng vào giờ nghỉ trưa thì không sao nhưng những trận đấu sau giờ học chiều mới có chuyện vì khi đó chắc chắn sẽ về nhà muộn.

Tàn trận bóng mới bắt đầu lo vì đường từ trường Trần Hưng Đạo về đến khu Hòa Bình quá xa mà lại còn phải đi bộ. Đến bến xe đò đi Trại Hầm trước 6 giờ thì may còn kịp chuyến xe chót về nhà và nếu không còn xe thì đành cuốc bộ.

Như vậy, cuốc bộ suốt con đường từ trường về nhà, tròm trèm 6km, cũng mất độ gần 2 tiếng. Về đến nhà còn phải nghĩ ra lý do để giải thích: có việc đột xuất ở trường nên thầy giáo cho về trễ hoặc không hiểu sao xe đò lại nghỉ sớm, nhưng hoàn toàn không bao giờ có lý do... mê đá bóng.  

Bây giờ tuổi đã già, niềm say mê bóng đá vẫn còn đó nhưng chỉ thể hiện qua việc xem bóng đá trên TV vào những ngày cuối tuần. Bóng đá Việt Nam vẫn chưa đi vào chuyên nghiệp, cầu thủ đa số là những người có chút ít kỹ thuật nhưng lại không được đào tạo về văn hóa còn khán giả phần đông là những người trẻ, họ đến sân với một tinh thần ‘cay cú, ăn thua’. Những khán giả chân chính chỉ còn biết ngồi nhà xem TV để không phải ‘tai nghe, mắt thấy’ những hành động thiếu văn hóa diễn ra trên sân cỏ!

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 2: Thời niên thiếu)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

3 Comments on Multiply

thahuong82 wrote on Nov 6, '10, edited on Nov 6, '10
Anh Chính bộ nhớ còn rất tốt, lại lưu giử được nhiều hình ảnh "văn tự" hơn 1/2 thế kỷ đáng nể thật, nói có sách, mách có chứng mà lị. Cuốn phim quá khứ vì vậy rất hay và hấp dẩn
Thầy Chữ Bá Anh đã chết các con Chữ nhất Anh, Nhị Anh, Tam Anh.... rất thành công ở Mỹ trong lảnh vực học hành, tôi không nhớ cô con gái Chữ... Anh ra trường Bác Sĩ, lúc đó báo chí Mỹ cũng như Việt đều đăng tải là vị BS tốt nghiệp trẻ nhất nước Mỹ.

nhackimson wrote on Nov 21, '10
hay!

nam64 wrote on Mar 23, '11
Ròm làm dấu ở đây, rảnh sẽ vòng lại để xem tiếp về cầu thủ bóng đá thời ấy, hay lắm đó anh.
Ròm còn nhớ sau 75 hay đi xem Trần Chánh khi ông đá cho đội Vũng Tàu (lúc này đã thành lão tướng rồi), nhà ròm lúc đó ở gần SVĐ Lam Sơn VT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts