“Bia lên ta thấy thân người
thấy ta thấy địch thấy đời lãng du
thấy tay dư, thấy chân thừa
thấy tai nghễnh ngãng mắt mù óc không”
(Nguyên Sa)
“Bia lên!” là một
khẩu lệnh dùng trong xạ trường tại các trung tâm huấn luyện Quang Trung và Thủ
Đức. Sau khẩu lệnh “Bia lên!” sẽ xuất
hiện tấm bia hình người bằng giấy carton để các khóa sinh ngắm và bắn. Bài thơ
trên của Nguyên Sa có lẽ viết sau khi bị gọi động viên vào quân ngũ để bắt đầu
cuộc đời cầm súng. Nói một cách văn hoa thì đó là thời quân ngũ, một thời gian
mà 99% thanh niên miền Nam
phải trải qua.
Tháng 9/1968, tôi bị động viên vào khóa 4/68 Thủ Đức để bắt
đầu thời quân ngũ, kéo dài tới 30/4/1975, ngày tàn của chế độ Việt Nam Cộng
hòa. Có thể nói đây là một trong những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời tôi
nói riêng và cả vận nước nói chung. Trong giai đoạn này, hàng hàng lớp lớp
thanh niên lên đường nhập ngũ khi cường độ chiến tranh gia tăng khốc liệt.
Trong khi đó, nước Mỹ bước vào giai đọan ‘Việt
Nam hóa chiến tranh’ để
từ từ rút quân ra khỏi ‘vũng lầy’ Việt Nam .
Để theo kịp tình hình quân sự, khóa 27 Thủ Đức là khóa cuối
cùng huấn luyện sinh viên sỹ quan tại Trường Bộ binh Thủ Đức và bắt đầu từ khóa
1/68 trở về sau phải qua giai đọan 1 huấn luyện tại Quang Trung kéo dài 6 tuần
rồi sau đó mới qua giai đọan 2 tại Thủ Đức. Khóa cuối cùng của Trường Bộ Binh
Thủ Ðức là khóa 3/75, lớp sĩ quan này chưa kịp đeo lon chuẩn úy thì Sài Gòn sụp
đổ.
Trong suốt giai đọan 1 tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung
tôi thích nghi một cách mau chóng cuộc sống nhà binh và khi lên Thủ Đức hiểu
được thế nào là huấn nhục để đến ngày ra trường có thể hãnh diện khi mang trên
cổ áo cặp lon chuẩn úy.
Kỷ niệm sâu sắc nhất trong thời làm quen với quân ngũ là
cách điểm danh của ông Thượng sĩ già tại Quang Trung. Vì nhiều khi trùng tên
nên ông phải đọc tên khóa sinh kèm theo tên cha, tên mẹ, cũng vì thế nên mới có
chuyện tiếu lâm: “Nguyễn Khoái Lạc, cha
Chơi, mẹ Sướng!”.
Huy hiệu
Trung tâm Huấn luyện Quang Trung
Tôi cũng biết thế nào là ‘chà láng’ ở Quang Trung. Mỗi khóa sinh được phát 1 cái gamen bằng
inox, một nửa để đựng cơm và phần nắp chia làm hai ngăn đựng thức ăn. Trong
thời gian chưa học quân sự các anh lính mới tò te được lệnh ra giao thông hào
dùng gamen inox để... ‘chà láng’ giết
thì giờ! Giao thông hào bằng đất ở Quang Trung ngày càng bóng láng dưới bàn tay
chà láng của tầng tầng lớp lớp khóa sinh, hết khóa này đến khóa khác!
Quân trường với khẩu Garant M1 dài quá khổ,
“ôm mà mệt” (1968)
"Bây giờ khẩu garant ta mang trên vai
Bây giờ khẩu trung liên bar ta mang trên
vai
Ta mới biết rằng những thỏi sắt đó nặng
như thế
Ta mới biết rằng trong cuộc đời dạy học ta
là một thằng dốt nát
Trong mười mấy năm trời ta làm bao nhiêu
tội lỗi
Trong mười mấy năm ta không nói cho học
trò ta biết
Anh em ta và quê hương ta
Vác những thỏi sắt nặng như thế
Từ bao nhiêu năm nay…
(Nguyên Sa)
Trường Sĩ quan
Trừ bị Thủ Ðức khai giảng khóa đầu tiên năm 1951 và kéo dài đến ngày 30/4/1975.
Trong thời gian 24 năm đó, trường đã đào tạo hơn 55.000 sĩ quan cho quân đội
quốc gia thuộc đủ mọi quân chủng như Bộ Binh, Hải Quân, Không Quân và thuộc đủ
mọi binh chủng như Pháo Binh, Quân Cụ, Truyền Tin…
Nếu trong suốt 24 năm lịch sử, hơn 55 ngàn sĩ quan tốt nghiệp Thủ Đức, thì giai đọan III, nhất là sau
lệnh Tổng Ðộng Viên, đã chiếm đến gần 50 ngàn để có đủ số sĩ quan cần thiết
cung ứng việc chỉ huy cho 1 triệu quân…. Tính đến ngày Sài Gòn sụp đổ, có
khoảng 5.000 sĩ quan đã hy sinh vì tổ quốc trên các chiến trường.
Lính mới tò te!
Người ta nói, ở
trường Bộ binh Thủ Ðức, những đứa con thân yêu ấy đã trở về với Lòng Đất Mẹ, trên mặt tượng của Trung Nghĩa Ðài với 4 chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn” có hiện thêm một đường
kẽ nứt.
Trường Bộ binh Thủ Đức là một trong hai trường đào tạo sĩ
quan trừ bị do chính quyền Pháp thành lập vào tháng 10/1951 mang tên École d’Officiers de Réserve để đào tạo
nhân sự chỉ huy người Việt cho Quân đội Quốc gia Việt Nam trong Liên hiệp Pháp.
Năm 1952 trường sáp nhập với trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định được chuyển từ
ngoài Bắc vào Nam, trường Nam Định sau đó giải tán.
Khi Quân lực VNCH hình thành năm 1955, Thủ Đức có các trường
chuyên ngành như Thiết giáp, Pháo binh, Công binh, Truyền tin, Quân cụ, Thông
vận binh (Quân xa sau này) và Quân chánh. Năm 1961, khi chiến tranh Việt Nam
ngày càng lan rộng, các trường chuyên môn càng phát triển và Thủ Đức với nhiệm
vụ đào tạo chung nên trường đổi tên là Liên Trường Võ khoa Thủ Ðức cho đến khi
nền Đệ nhất Cộng hòa chấm dứt vào năm 1963.
Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ vào năm 1963, Thủ
Đức lại mang tên cũ: Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức nhưng chỉ một năm sau được
chính thức gọi là Trường Bộ binh Thủ Đức. Kể từ năm 1969, việc đào tạo sĩ quan
trừ bị của Trường Thủ Đức được bổ xung thêm Trường Hạ sĩ quan Quân lực Việt Nam
Cộng hòa ở Đồng Đế, Nha Trang.
Huy hiệu
trường Bộ binh Thủ Đức
Trong khi Trường Võ bị Đà Lạt đào tạo sĩ quan ‘hiện dịch’,
những người tình nguyện chọn binh nghiệp cho cuộc đời mình, thì Trường Bộ binh
Thủ Đức là lò huấn luyện sĩ quan ‘trừ bị’, một cách nói văn hoa cho tầng lớp
thanh niên bị động viên vào quân ngũ nếu không muốn bị coi là thành phần ‘trốn
quân dịch’, sống chui nhủi bên lề xã hội. Nói như thế để hiểu rằng Thủ Đức là
nơi quy tụ nhiều thành phần xã hội và chính trị của một Việt Nam đang đắm mình trong chiến
tranh.
Sinh viên sĩ quan Thủ Đúc có thể là những thanh niên mới
lớn, vừa tốt nghiệp trung học, chưa kịp vào giảng đường đại học đã tới tuổi
phải đi lính. Đó cũng có thể là những giáo sư, bác sĩ, kỹ sư không còn được
hoãn dịch nên bị động viên vào quân đội. Họ cũng có thể là những sinh viên
tranh đấu cho lý tưởng ‘phản chiến’, không ‘đỏ’ nhưng cũng không ‘xanh’. Cũng
có thể đó là những người đã sớm ‘giác ngộ cách mạng’ được tổ chức gài vào bộ
máy quân đội của miền Nam !
***
Ngày đầu tiên từ Trung tâm Huấn luyện Quang Trung lên trường
Bộ binh Thủ Đức chúng tôi được các khóa đàn anh ‘dàn chào’ sẵn tại vũ đình trường. Khi vừa xuống xe GMC, chúng tôi
tập họp theo hàng lối với đầy đủ quân trang, quân dụng và bắt đầu màn chạy…
chào sân cờ. Mới đầu còn giữ được đội hình nghiêm chỉnh nhưng sau đó những
người yếu sức rớt lại phía sau và những người khỏe tràn lên phía trước. Dù khỏe
hay yếu vẫn phải hoàn thành thủ tục chạy một vòng sân cờ để bắt đầu một giai
đoạn mới.
Bức ảnh kỷ niệm hai bố con
chụp tại quân trường Thủ Đức
Ở Thủ Đức phải trải qua 4 tuần huấn nhục bởi các khóa đàn
anh, mục đích tạo cho người lính tinh thần kỷ luật “Thi hành trước, khiếu nại sau”. Không thiếu gì những cảnh sinh viên
sĩ quan khóa đàn anh, người nhỏ tí đứng trước khóa đàn em to lớn như ông hộ
pháp đang hì hục hít đất hay ‘thụt dầu’.
Những cảnh như vậy chỉ ở quân trường mới có chứ hoàn toàn không thể nào diễn ra
ngoài đời thường.
Cũng từ Thủ Đức tôi học được những điều nhỏ nhặt nhất mà khi
còn ngoài xã hội dân sự không thể nào người ta tưởng tượng nổi. Làm thế nào để
đánh giầy cho bóng là một ví dụ. Câu trả lời là dùng xi-ra, bông gòn và nước.
Cứ kiên nhẫn chà từng tí một, chẳng khác nào nghề ‘chà láng’ giao thông hào học được khi còn ở Quang Trung!
Châm ngôn của Trường Bộ binh Thủ Đức là “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ
máu”. Mỗi trung đội do một sĩ quan cơ hữu chịu trách nhiệm hướng dẫn, vô
phúc cho những trung đội có các ông chuẩn úy vừa tốt nghiệp Fort
Benning , Georgia ,
trở về Việt Nam .
Những ông này lúc nào quân phục cũng nghiêm chỉnh, trên túi áo gắn huy hiệu
Fort Benning với lưỡi gươm, phía trên có dòng chữ Follow Me. Sĩ quan Fort Benning có đủ các ‘món ăn chơi’ đem từ bên Mỹ về để hành xác khóa sinh.
Huy hiệu Fort Benning
Hít đất, bơm dầu, chạy vòng sân chỉ là những món ăn chơi
tương đối nhẹ nhàng. Khủng khiếp nhất là hình phạt dã chiến vào ban đêm với đầy
đủ ba lô và súng đạn. Sĩ quan trung đội trưởng trực tiếp giám sát hình phạt,
chẳng hạn như khoá sinh phải đến một địa điểm nào đó trong quân trường, lấy một
vật làm tin rồi trở về trình diện trong một thời gian đã định trước. Cũng may,
tôi chưa từng chịu một hình phạt dã chiến như vậy.
Sinh viên sĩ quan học tại quân trường rất nhiều môn như
chiến thuật, võ thuật… nhưng có lẽ nổi bật hơn cả là ‘đọan đường chiến binh’ đòi hỏi phải có một nền thể lực đầy đủ hay ‘bò hỏa lực’ thì cần có sự can đảm vì
phải trườn, bò dưới hàng rào kẽm gai trong khi trên đầu súng trung liên nổ dòn.
Vẫn biết đạn không nằm trong tầm bò nhưng vẫn đòi hỏi lòng dũng cảm để vượt qua
hết đọan đường qui định. Chỉ bò tới và dứt khoát không có đường lui.
Bò hỏa lực
Lớp học ngoài bãi cũng có nhiều chuyện khôi hài. Thường thì
có những hạ sĩ quan lớn tuổi biểu diễn các bài học trong vai trò ‘trợ giảng’ và
đến giờ nghỉ họ luôn có mặt các ‘đội binh tóc dài’ ngoài bãi với nhiệm vụ bán
nước giải khát, họ chính là vợ, con của những hạ sĩ quan kiêm biểu diễn viên
đó. Bãi học xa hay gần ‘đội quân’ này đều biết vì đã có ‘nội tuyến’ trong hàng
ngũ cán bộ giảng dậy. Quân trường biết rõ chuyện này nhưng có lẽ để tạo điều
kiện cho gia đình cán bộ kiếm thêm đồng ra đồng vào nên dù vẫn biết nhưng vẫn
làm ngơ.
Thư từ trong quân đội hoạt động theo Khu bưu chính, gọi tắt
là KBC, ký hiệu của mỗi đơn vị được hiển thị qua 4 chữ số theo sau. Chẳng hạn
của trường Bộ binh Thủ Đức là KBC 4100 (Bốn
ngàn một trăm), sinh viên sĩ quan chúng tôi gọi đùa là “Bốn người một mâm” vì khi vào ‘nhà bàn’
sinh viên cứ ngồi 4 người một carée cơm. Khi tôi về trường Sinh ngữ Quân đội
thì có KBC 3095 trong khi Quân đội Mỹ có APO (Army Post Office) theo sau là 5
chữ số.
Sau thời kỳ huấn nhục, khóa sinh được gắn alpha để chính
thức trở thành sinh viên sĩ quan. Cuộc sống của sinh viên sĩ quan tương đối có
phần thoải mái hơn nhiều, được đi phép cuối tuần để thăm gia đình và bát phố
Sài Gòn. Chúng tôi ra phố với bộ lễ phục màu vàng, trên cầu vai mang alpha hình
con cá nên thời đó có tên… lính con cá
để chỉ những sinh viên sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Tuy lễ phục không đẹp bằng
trường Võ bị Đà Lạt nhưng cũng đủ để sinh viên sĩ quan hãnh diện mỗi khi bát
phố Sài Gòn vào những ngày cuối tuần nếu không bị ‘cấm trại’.
Khóa đàn anh gắn alpha cho đàn em
tại quân trường Thủ Đức
Quân trường có nhắc nhở sinh viên sĩ quan về Sài Gòn mỗi khi
vào chỗ đông người, quán xá hay gặp tang lễ phải chào theo kiểu nhà binh nhưng
xem ra lời khuyên này ít được sinh viên thực hiện. Trong khi đó, sinh viên sĩ
quan Võ bị Đà Lạt thực hiện nghiêm chỉnh lệnh này. Đó cũng là một chi tiết tuy
nhỏ nhưng cũng nói lên được sự khác biệt giữa Thủ Đức, nơi đào tạo sĩ quan trừ
bị, và Đà Lạt vốn là lò huấn luyện sĩ quan hiện dịch cho quân đội VNCH.
Sinh viên sĩ quan Võ bị Đà Lạt
Gia đình tôi ở Ban Mê Thuột nên mỗi lần ra phép tôi chỉ ghé
lại 158 Cống Quỳnh, đối diện với trường Hưng Đạo, nay là Trường Nghệ thuật Sân
khấu. Ở đó có gia đình người thân cùng quê với mẹ tôi từ lúc còn ở ngoài Hà
Nội. 158 Cống Quỳnh là một tiệm sửa máy may đồng thời cũng là nơi bà cô tôi mở
dịch vụ may áo dài khá nổi tiếng vào thời đó.
Trong suốt thời gian ở Thủ Đức, vợ tôi và đứa con đầu lòng
chỉ về Sài Gòn thăm tôi một lần duy nhất vào kỳ ra phép cuối tuần. Sau khi ở
chơi tại 158 Cống Quỳnh, vợ chồng tôi kéo nhau đi thuê phòng tại một khách sạn
trên đường Nguyễn An Ninh, cạnh chợ Bến Thành. Thằng cu Hùng, đứa con đầu khi
đó mới 3 tuổi, la hét ỏm tỏi mỗi khi thấy bố mẹ ôm nhau… Sau lần nghỉ phép đó,
khi tôi trở về Thủ Đức ngồi trong lớp học mà mắt lúc nào cũng díp lại vì… buồn
ngủ!
Cuộc sống của sinh viên sĩ quan sau thời gian huấn nhục có
phần thoải mái hơn. Sinh viên có thể bỏ bữa cơm ở ‘nhà bàn’ với món chủ đạo là
cá mối để xuống khu gia binh ăn những bữa cơm ngon hơn nhưng cũng tốn tiền hơn.
Buổi tối sinh viên còn có thì giờ ngồi nhâm nhi cà phê trong
khu gia binh và nghe nhạc Khánh Ly qua máy ghi âm Akai, phương tiện âm thanh
hiện đại nhất vào thời đó. Đó cũng là thời của Khánh Ly-Trịnh Công Sơn đang ăn
khách với những bản tình ca ướt át của một thế hệ thanh niên lên đường cần
súng.
***
(Trích Hồi Ức Một Đời
Người, Chương 4: Thời quân ngũ)
Hồi Ức Một Đời Người
gồm 9 Chương:
- Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
- Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
- Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
- Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
- Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
- Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
- Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
- Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
- Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang
tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000
cho đến ngày xuống lỗ)!
***
6 Comments on Multiply
bayhoang79
wrote on Nov 9, '10
Bài Hồi Ức này của anh làm tôi nhớ lại biết bao kỷ niệm với
Trường BB Thủ Đúc: Những bữa nhậu với bạn bè tại Khu Gia Binh, những đêm gác
giặc trong Trường, những đêm chui rào trốn về Saigon
thăm người vợ mới cưới được 6 tháng! Vào năm 1965, Khoá 20 Phụ của chúng tôi đã
được hân hạnh đại diện cho Trường BB để đi diễn hành trên đường Thống Nhất nhân
dịp Quốc Khánh của VNCH ngày 1/11/65!
nguyenngocchinh
wrote on Nov 9, '10
bayhoang79 said
“Khoá 20 Phụ của chúng tôi đã
được hân hạnh đại diện cho Trường BB để đi diễn hành trên đường Thống Nhất nhân
dịp Quốc Khánh của VNCH ngày 1/11/65!”
Vậy là đàn em xin chào huynh trưởng.
Năm anh đi diển hành trên đường Thống Nhất tôi hãy còn mài đũng quần ở trung học!
Thời gian qua mau, giờ chỉ còn trong ký ức.
Năm anh đi diển hành trên đường Thống Nhất tôi hãy còn mài đũng quần ở trung học!
Thời gian qua mau, giờ chỉ còn trong ký ức.
caibang9 wrote on
Nov 9, '10
bayhoang79 said
“Bài Hồi Ức này của anh làm tôi
nhớ lại biết bao kỷ niệm với Trường BB Thủ Đúc”
Lâu lắm mới thấy bác Bảy Hoàng tái xuất giang hồ! Thật là
phải cảm ơn NNC đó!
caulongbachai
wrote on Dec 9, '10
He he he, hồi anh nhập ngũ thì tui mới vào trung học, tới
chủ nhật là vô vườn Cộng Hòa bán bia. Còn ngày thường thì tối bán bánh mì thịt
ngoài bải tập.
darbluemx wrote
on Mar 3, '11
trong nhung ten nguoi cua hoi ky co ten mot nguoi tau rat la
an tuong luong to. day la nhut ac o trai an duong bien hoa.. nha truong nha 8
truoc khi chuyen trai len trang lon. khong biet co dung khong.
nguyenngocchinh
wrote on Mar 4, '11
darbluemx said “trong nhung ten nguoi cua hoi
ky co ten mot nguoi tau rat la an tuong luong to. day la nhut ac o trai an
duong bien hoa.. nha truong nha 8 truoc khi chuyen trai len trang lon. khong
biet co dung khong.”
Gởi HT NNChinh
Trả lờiXóaCó một chi tiết mà tôi biết vì trải qua,
đó là khóa 4/71 &5/71 thì qua TTHL Quang Trung rồi mới qua TĐ
nhưng các khóa 1,2,3 4,5,6,9A,9B/72 lại đi thẳng từ TTTMNN qua
Vì vậy hồi đó khóa 4/71 không phạt được khóa 1/72
& khóa 8/72 không chấp nhận 9A,9B là Ht
(vì chiến cuộc mùa hè đỏ lửa 1972/
năm 72 TĐ chứa 6 khóa (1,2,3,4,5,6 thành lập thêm TĐ5 khăn hồng & TĐ6 khăn nâu là hết chỗ
nên 8/72 lại gởi qua Q Trung học giai đoạn 1 trước khi qua 8 tuần huấn kỷ của trường BB
Vì HT viết là:
khóa 27 Thủ Đức là khóa cuối cùng huấn luyện sinh viên sỹ quan tại Trường Bộ binh Thủ Đức và bắt đầu từ khóa 1/68 trở về sau phải qua giai đọan 1 huấn luyện tại Quang Trung kéo dài 6 tuần rồi sau đó mới qua giai đọan 2 tại Thủ Đức.
Rất cám ơn anh về những chi tiết có liên quan đến các khóa SVSQ Thủ Đức từ năm 1972 đến 1975. Quà thật có những thông tin tôi không hề biết vì sau năm 1969 khi ra trường tôi ít để ý đến những khóa sau. Thân mến.
XóaĐây là bài viết về các khóa SQTB năm 1972 - học tại TBB Thủ Đức, Trường HSQ QLVNCH Đồng Đế và có khóa học giai đoạn 1 tại TTHL Quang Trung.
Trả lờiXóaKhoãng 7000 SVSQ/TB đã tốt nghiệp trong tài khóa nầy tại Trường HSQ QLVNCH (Đồng Đế).
https://haisulongxuyen.blogspot.com/2013/12/svsq-tru-bi-mua-he-o-lua-1972.html#more