Australia còn được gọi
là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới
đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.
Ngày 06/03/2013: Come
back to… Melbourne
Cuối
cùng, sau một thời gian lang thang ở phi trường Changi, chuyến bay
Singapore-Melbourne của Jetstar cũng cất cánh đúng như thông báo. Vì là hàng
không giá rẻ nên chuyện phục vụ trên máy bay không có gì đáng nói, đúng ra thì
không có gì để nói vì tiếp viên hầu như đâu có phục vụ hành khách.
Có
chăng họ chỉ phục vụ những hành khách có nhu cầu và những dịch vụ đó phải trả bằng
thẻ chứ không bằng tiền mặt. Chuyến bay kéo dài gần 8 tiếng nhưng được cái về
đêm nên hành khách tìm giấc ngủ trong suốt thời gian bay. Lúc hạ cánh xuống phi
trường Melbourne đã gần 7g sáng, giờ địa phương.
Giờ
Melbourne đi trước Singapore 3 tiếng và như vậy trước Sài Gòn 4 tiếng vào mùa
hè (chỉ còn 3 tiếng vào mùa đông). Khoảng cách biệt này không đủ để tạo ra hiện
tượng “jet lag” (thường được gọi là rối loạn giấc ngủ sinh học) như du hành
theo hướng đông-tây hoặc tây-đông, chẳng hạn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam (Los
Angeles chậm hơn Sài Gòn 15 giờ).
Thủ
tục hải quan của Úc tương đối chặt chẽ đối với các loại thực phẩm, trái cây nhưng
hãy còn “nhẹ tay” với ma túy vì tại Úc hình phạt cao nhất là chung thân chứ
không có tử hình như tại Singapore hoặc Việt Nam. Người ta còn nhớ năm 2005
Nguyễn Tường Vân, một người Úc gốc Việt, đã bị Singapore thi hành bản án tử
hình vì tội vận chuyển ma túy, bất chấp lời kêu gọi xin giảm án của chính phủ
Úc.
Vân
đã bị treo cổ sau khi được gặp mặt mẹ và em, đây là một biệt lệ vì luật pháp
Singapore cấm tử tù được tiếp xúc với người ngoài đời. Thủ tướng Australia, khi đó là ông John
Howard, tuyên bố việc Singapore tử hình Nguyễn Tường Vân đã làm tổn hại đến
quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm, Úc sẽ không có những hành
động ngoại giao chống lại Singapore. Những buổi cầu nguyện cho Vân cũng được tổ
chức trên khắp nước Úc, chuông đã được đánh lên 25 tiếng vào thời điểm Vân lên
giá treo cổ.
Đã
có những trường hợp người Úc gốc Việt vận chuyển ma túy từ Sài Gòn sang Úc, thậm
chí còn có những trường hợp lợi dụng người già để thực hiện việc này. Nếu trót
lọt, họ sẽ có một khoản tiền rất lớn, nhiều khi bằng cả mấy năm trời làm ăn
lương thiện. Lời khuyên thiết thực nhất là không bao giờ nhận mang dùm hành lý
của người khác, dù đó là bà mẹ với các con nhỏ. Thà mất lòng trước nhưng không
thể để những chuyện bất trắc xảy ra với mình.
Trước
khi phi cơ hạ cánh xuống Melbourne hành khách phải điền mẫu khai quan thuế
trong đó có 11 câu hỏi chỉ trả lời bằng cách đánh dấu Yes hoặc No, trong trường
hợp không chắc chắn thì chọn Yes. Lời
khuyên tốt nhất là hãy trả lời một cách thành thật, mọi dấu diếm nếu bị phát hiện
sẽ gây rắc rối cho bản thân hành khách.
Có
những câu hỏi về thực phẩm (bao gồm khô, tươi, nấu chín hoặc chưa nấu…), động vật,
thuốc men… Có sống tại Phi châu, Trung và Nam Mỹ hay vùng Caribbean trong vòng
6 ngày trở lại đây? Có mang theo trên 10.000 đôla Úc hay các ngoại tệ khác
tương đương?
Chúng
tôi chỉ có hành lý xách tay nên được hướng dẫn qua quan thuế bằng “green line”,
sẵn sàng để kiểm tra… Nhân viên hải quan rất thân thiện, anh ta vui vẻ chào mừng
chúng tôi đến Australia, lại còn ân cần nhắc nhở cất passport vào túi vì có người
đã để quên giấy tờ tại đây. Mọi chuyện diễn biến tốt đẹp hơn cả mong đợi.
Tôi
đã đến Úc lần thứ 3. Lần đầu là Sydney, nơi đặt trụ sở của Australian
Consolidated Press (ACP), công ty truyền thông và là công ty mẹ của báo Vietnam Investment Review tại Việt Nam.
Hai lần sau đều đến Melbourne thăm con. Chợt nhớ ngày xưa có bài Come back to Sorrento mà Phạm Duy chuyển
sang lời Việt Trở về mái nhà xưa. Nay
thì Come back to… Melbourne sau 6 năm.
Mùa đông năm 2007 chúng tôi đến Mel thăm con ở nhà cũ và năm nay vào mùa hè quay
lại một lần nữa để xem nhà mới.
Nhà cũ (năm 2007)
Năm
2007 nhà cũ của Hà & Phước là một căn trệt có 3 phòng vừa đủ cho một cặp vợ
chồng chưa có con nhỏ. Nhà mới bây giờ rộng rãi hơn, trên lầu chia thành 3
phòng, ngoài hai phòng ngủ còn có phòng thờ. Có hai cổng trông ra hai mặt đường
vì ở ngay ngã 3. Phía trước có lối đi trải sỏi chen lẫn những mảng cỏ nhân tạo,
bên hông còn có một khoảng sân lộ thiên để tiếp đón bạn bè hoặc tổ chức những bữa
tiệc BBQ.
Nhà mới (năm 2013)
Đặc
biệt hơn cả, sân trước có đặt một bức tượng Phật Bà Quan Âm tạc bằng đá hoa
cương được gửi từ Việt Nam sang. Thỉnh thoảng từ trong nhà nhìn ra sau bức màn
tôi thấy có vài người châu Á đi qua, dừng chân đứng lại trước bức tượng nhỏ và
chắp tay cầu nguyện. Đó là một hình ảnh thật xúc động.
Ngày 7/3/2013: First
together party
Tôi
có một mối quan hệ rất “phức tạp” với một gia đình người Việt tại Melbourne. Giải
thích mối quan hệ này không phải là điều dễ dàng vì danh xưng và vai trò của
các nhân vật có liên quan.
Thầy
Thịnh dạy tôi môn sử năm Đệ Nhị trên Ban Mê Thuột. Thầy lập gia đình với Thanh
Xuân, học dưới tôi vài lớp. Sau năm 1975, gia đình thầy về ở trên đường Trương
Minh Giảng, gần Lăng Cha Cả, còn tôi vẫn ở khu xóm đạo Tân Sa Châu phía đường
Bùi Thị Xuân.
Bẵng
đi một dạo, đại gia đình của thầy Thịnh & Thanh Xuân vượt biển và định cư tại
Úc. Tại Úc, khi chưa lập gia đình với Hà, Phước chơi với Hải, em trai của Thanh
Xuân và sau đó Hà & Phước gắn bó với đại gia đình thầy Thịnh, trong mối
quan hệ “anh em”. Tình cờ, Hà khám phá ngày xưa ở Việt Nam hai gia đình ở rất gần
nhau và rồi lại còn biết “anh” Thịnh là “thầy” của ba mình ngày xưa!
Năm
2007, khi đến Melbourne chúng tôi ghé thăm thầy Thịnh khi đó đang sống ở
Bright, cách Mel khoảng 300 cây số. Chúng tôi đi hai xe vì có cả Hải & vợ
cùng Hà (em gái Thanh Xuân) & chồng tên Vượng làm ở chương trình Việt Ngữ của
đài SBS tại Melbourne.
Mọi
người đều chờ đợi giây phút hội ngộ thầy trò trong khi con tôi lại gọi thầy bằng
“anh”. Rồi giây phút đó cũng đến. Vừa bước vào cửa nhà, bản quốc ca của VNCH nổi
lên, mọi người đứng nghiêm và sau đó tay bắt mặt mừng sau mấy chục năm xa cách.
Tôi nói ngay, dù con gái tôi vẫn quen gọi thầy là anh nhưng tôi vẫn dùng chữ
“thầy”.
Chúng
tôi ở lại Bright một ngày, khám phá một thị trấn có khí hậu tuyệt vời như trên
Đà Lạt. Đêm về ngủ trên những tấm nệm vì quá đông nhưng cũng quá vui. Đến lúc
chia tay để về Mel mọi người buồn buồn vì để lại thầy Thịnh và Thanh Xuân trở lại
cuộc sống tĩnh lặng như mọi ngày.
Hội ngộ tại Bright năm 2007
Sau
6 năm, đối với tôi, thầy Thịnh vẫn như xưa. Dĩ nhiên thời gian để lại những vết
tích trên khuôn mặt của mọi người nhưng quan trọng hơn cả là những nét trẻ
trung trong tâm hồn vẫn còn giữ được. Trong lần hội ngộ đầu tiên mọi người vẫn
tìm lại được bầu không khí năm xưa ở Bright.
Chủ
nhà Hà & Phước đãi các món ăn chay. Đại gia đình thầy Thịnh & Thanh
Xuân tuy là những người theo đạo gốc nhưng
vẫn thích thú với các món không đụng tới thịt. Mọi người ai cũng có chuyện để kể
về thời gian 6 năm qua. Cũng vì thế tiệc bắt đầu lúc 6g mà mãi đến 10 giờ đêm mới
tàn.
Tiệc hội ngộ sau 6 năm xa cách
Ngày 8/3/2013:
International Women’s Day
Nước
Úc cũng có nhắc đến Ngày Quốc tế Phụ nữ nhưng xem ra không ồn ào và mang nhiều
ý nghĩa “nịnh đầm” như ở Việt Nam. Vào ngày này, tôi hỏi nhỏ Phước (chồng Hà)
có biết là ngày gì không? Anh chàng ngớ người ra, mãi khi xem tin tức trên TV mới
thấy nhắc đến International Women’s Day. Đây là điều đáng để các bà, các cô ở
Việt Nam hãnh diện vì họ được người khác phái dành trọn một ngày để vinh danh
(còn lại 364 ngày khác dành cho ai đây?).
Năm
1911, ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức lần đầu tiên ở Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy
Sĩ, nghe đâu có hơn 1 triệu người tham gia. Hiện nay, ngày Quốc tế Phụ Nữ vẫn
còn được xem là ngày lễ chính thức tại đa số những nước thuộc phe Xã hội Chủ
nghĩa trước đây. Trong những xã hội này, đàn ông tặng hoa và quà cho những người
phụ nữ trong đời của họ như mẹ, vợ, bạn gái... Tại một số nơi, ngày này cũng được
xem tương đương với Ngày của Mẹ
(Mother's Day).
Tại
Úc, ngày 8/3 đối với chúng tôi chỉ là một buổi chiều Phước lái xe ra bãi biển
Altona dạo chơi đón những luồng gió mát từ đại dương thổi vào. Melbourne đang
trải qua những ngày nóng nực kỷ lục. Altona có một cầu tầu bằng gỗ chạy dài ra
biển dành cho khách bộ hành đón gió, vài người câu cá trong cảnh chiều tà.
Bãi biển Altona lúc hoàng hôn
Ngày 10/3/2013:
Williamstown
Williamstown
là một thị trấn nhỏ cách trung tâm Melbourne khoảng 8 km về phía tây nam với
dân số khoảng 13.000 người. Chúng tôi đến đây vào buổi chiều nóng bức với hy vọng
gió biển sẽ làm dịu đi phần nào hơi nóng từ đất liền. Thực ra bây giờ vào đang
vào mùa thu, lẽ ra thì trời phải mát mẻ nhưng năm nay Mel có nhiệt độ lúc nào
cũng trên 30 suốt từ ngày tôi qua đây.
Williamstown và phía xa là West Gate Bridge
Bãi
biển Williamstown rộng và đẹp hơn Altona rất nhiều. Nơi đây còn có bến của các
du thuyền và câu lạc bộ thuyền buồm. Nhìn xa hơn nữa là chiếc cầu bằng thép West
Gate bắc ngang sông Yarra. West Gate Bridge có nhịp chính dài 336 m và tổng chiều
dài hơn 2,5 km.
Đây
là cầu dài thứ 3 của Úc, sau Hornibrook Bridge và cầu Houghton Highway đều ở
Queensland. West Gate Bridge dài gấp đôi cây cầu nổi tiếng Sydney Harbour
Bridge, còn được gọi là The Coathanger
vì trông giống như một cái mắc áo.
Bến cảng Williamstown và các du thuyền
Ngày 11/3/2013: Labor’s
Day long weekend
Kỷ
niệm ngày Lễ Lao Động là cả một rắc rối vì thực ra có những quốc gia như Việt
Nam chọn ngày 1/5, riêng tại Úc cũng có đến 3 ngày khác nhau. Ở các tiểu bang
New South Wales, Nam Australia và Australian Capital Territory chọn ngày Thứ
Hai đầu tiên của tháng 10 trong khi Victoria và Tasmania chọn ngày Thứ Hai thứ
nhì trong tháng 3 và tại phía Tây Úc là Thứ Hai đầu tiên trong tháng 3 và cuối
cùng là Queensland và vùng lãnh thổ phía Nam là ngày Thứ Hai đầu tiên trong
tháng 5.
Melbourne
thuộc bang Victoria nên Thứ Hai 11/3 là Labor’s Day. Cũng như ở Mỹ, Úc có
khuynh hướng xếp một số ngày nghỉ quan trọng vào ngày Thứ Hai để tạo thành “long
weekend” cho mọi người có dịp nghỉ ngơi hoặc vui chơi kéo dài. Tuy nhiên, đối với
vợ chồng Hà & Phước vì tính cách đặc thù của công việc nên kỳ nghỉ dài nhân
lễ Lao động vẫn phải đi làm theo ca.
Ngày
này tôi có dịp hội ngộ với hai người bạn ngày xưa cùng dạy tại trường Sinh ngữ
Quân đội. Năm 2007 tôi đã gặp Nguyễn Lương Năng tại Melbourne và còn giữ được tấm
hình hai đứa ngồi dưới bức tranh ghép Mona Lisa của Leonard de Vinci. Bức tranh
này là công trình ghép 1000 mảnh jigsaw puzzle từ Việt Nam đem sang làm quà cho
vợ chồng con gái.
Bên Nguyễn Lương Năng (năm 2007)
Năm
nay lại hội ngộ thêm một người bạn nữa là Trần Bá Nguyệt. Ba chúng tôi gặp nhau
tay bắt mặt mừng rồi kéo nhau ra quán Sông Hương ở St Albans uống café ngồi ôn
lại những kỷ niệm xa xưa khi còn ở trường sinh ngữ quân đội, kiểm lại người còn
người mất, rồi chuyện trong nước ngoài nước, chuyện trên trời dưới đất. Miên
nam đến 10 giờ tối mới chia tay.
Trần Bá Nguyệt, Nguyễn Ngọc Chính và Nguyễn Lương Năng
(2013)
(Còn
tiếp)
***
(Trích
Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi
Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương
1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương
2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương
3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương
4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương
5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương
6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương
7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương
8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương
9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác
giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho
đến ngày xuống lỗ)!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét