Trong
suốt chiều dài lịch sử, hàng loạt các loại phương tiện giao thông, cá nhân cũng
như công cộng, lần lượt xuất hiện tại Việt Nam. Theo luật đào thải tất nhiên của
cuộc sống, chúng cũng lần lượt được thay thế bằng những phương tiện mới hơn nhằm
phục vụ cuộc sống tốt hơn. Loạt bài viết này sẽ điểm qua những phương cách di
chuyển xưa của người Việt mà cho đến ngày nay đã trở thành quá khứ.
Bắt
đầu từ thời phong kiến triều Nguyễn (1802-1945) vua chúa mỗi lần xuất cung đều
dùng kiệu để đi lại. Sách Khâm định Đại
Nam Hội điển Sự lệ, do Nội các triều Nguyễn biên soạn, đã dành hẳn chương Nghi vệ (quyển 79) để miêu tả các loại
kiệu dùng cho vua quan triều Nguyễn, với những quy định rất cụ thể về tên gọi,
số lượng kiệu cùng các nghi trượng đi kèm, tùy thuộc vào thời thế, địa vị và thứ
bậc của người sử dụng.
Dưới
triều vua Gia Long (1802 – 1820), xe kiệu của vua có 4 chiếc, gồm 1 chiếc Ngọc lộ, 1 chiếc Kim lộ và 2 chiếc Kim bảo dư.
Sang triều Minh Mạng (1820 – 1841), vua có 5 chiếc, được đặt tên là Cách lộ, Kim lộ, Ngọc lộ, Tượng lộ và Mộc lộ. Tùy mục đích chuyến đi, nhà vua
quyết định dùng loại “xe” nào.
Sách
cũng cho biết khi vua đi chơi thì không thực hiện đầy đủ nghi thức như khi vua
đi cúng tế ở các đàn miếu. Lúc này nhà vua chỉ sử dụng 1 chiếc lọng vàng thêu
hình rồng để che mưa nắng, có đội quân tiền đạo và hậu hổ đi theo hộ tống. Dưới
triều Minh Mạng, nhà vua quy định: ngự giá đi trong phạm vi Hoàng Thành thì phải
giảm bớt một nửa số cờ quạt và không cần voi ngựa hộ tống để tránh… “kẹt đường”.
Kiệu hoàng gia triều Nguyễn
Kiệu
của hoàng thái hậu, gọi là Từ giá,
cũng hoành tráng không kém, gồm 1 Phượng
dư và 1 Phượng liễn. Lỗ bộ tháp
tùng Từ giá có 2 lá cờ rồng, 2 lá cờ
phượng, 2 lá cờ thanh đạo, 8 lá cờ phướn, 2 quạt thêu hình rồng phượng màu
vàng, 4 quạt thêu hình rồng phượng màu đỏ, 4 quạt thêu hình loan phượng màu
xanh và thêm 20 thứ binh khí hộ vệ.
Kiệu
của thái tử chỉ có 1 chiếc, gọi là xe Bộ
liễn. Lỗ bộ tháp tùng xe này chỉ có 1 cờ lệnh, 2 cờ xanh, 2 cờ đỏ, 2 cờ
vàng, 2 cờ trắng, 2 cờ đen, 8 lá cờ phướn, 1 chiếc tán hình tròn thêu hình 7
con rồng, 4 chiếc tán hình vuông, 4 chiếc lọng màu đỏ, 6 lọng màu xanh vẽ rồng
mây…
Kiệu Vua Duy Tân (ngày 5/9/1907)
Sang
triều Khải Định (1916-1925), nhà vua được người Pháp tặng cho một chiếc xe hơi
nhân lễ Tứ tuần Đại khánh (mừng thọ
vua 40 tuổi). Từ đó, ngoài việc dùng ngự giá truyền thống trong các dịp tế lễ,
đôi khi vua Khải Định còn dùng xe hơi để du ngoạn hay đi săn bắn ở bên ngoài
Hoàng Thành.
Cựu hoàng Hàm Nghi trên chiếc xe ngựa với ý trung nhân, Bà
Laloe
Trước
đó, triều đình có cho dựng ở phía trước Ngọ Môn 2 tấm bia đá, trên bia có ghi 4
chữ Hán: Khuynh cái hạ mã, nghĩa là
khi đi ngang qua đây thì mọi người phải nghiêng lọng và xuống ngựa. Kể từ khi
vua Khải Định dùng xe hơi, thì 2 tấm bia này không còn thích hợp nữa. Vì thế,
triều đình đã cho nhổ 2 tấm bia này đưa vào cất giữ trong kho của Bảo tàng Khải
Định (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).
Đây
cũng là nơi đang trưng bày chiếc kiệu sơn son thếp vàng của vua Bảo Đại, dùng để
đi lại trong phạm vi Hoàng Thành Huế. Ngoài ra, trong kho của Bảo tàng này đang
lưu giữ chiếc kiệu mà vua Bảo Đại đã từng dùng khi đi tế Nam Giao vào năm 1935.
Chiếc kiệu chạm rồng, sơn son thếp vàng của vua Bảo Đại,
hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Sang
đến thời kỳ Pháp thuộc, kiệu vẫn được sử dụng nhưng đối tượng dùng kiệu được mở
rộng. Vào thời này, kiệu còn dành cho các quan thuộc địa người Pháp cùng gia
đình và những chức sắc người bản xứ trong việc đi kinh lý hoặc ngoạn cảnh.
Trong những bức hình du ngoạn bãi biển Đồ Sơn dưới đây, người khiêng kiệu đều
là phụ nữ bản xứ, họ gánh kiệu trên 2 thanh gỗ ngang và kiệu được đặt trên 2 thanh
dọc dài hơn.
Kiệu dành cho người Pháp du lịch bãi biển Đồ Sơn
Kiệu dành cho… “Ông Tây, Bà Đầm”
Phu kiệu toàn là phụ nữ người bản xứ
Kiệu dành cho gia đình quan chức người bản xứ
Phu kiệu nghỉ ngơi
Trong
phim Indochine do đạo diễn Régis
Wargnier thực hiện vào tháng 4/1992 với các diễn viên Catherine Deneuve (trong
vai Eliane), Vincent Perez (John the Baptist), Linh Dan Pham (Camille), Jean
Yanne (Guy Asselin), khán giả được thấy cảnh ngồi kiệu của diễn viên đóng vai John
the Baptist. Indochine là một phim
hoành tráng mô tả cuộc sống của người Pháp thời đi mở thuộc địa tại Đông Dương.
Phim sử dụng tới 1800 bộ y phục của cả người Âu lẫn người bản xứ.
Kiệu trong phim “Indochine" của Régis Wargnier
Vào
thời phong kiến, quan lại triều Nguyễn không được phép dùng kiệu mà chỉ ngồi
võng có mui che, được khiêng bởi 4 người lính. Đòn ngang của võng sơn son thếp
vàng, khắc hình con giao long, đòn dọc của võng khắc hình con thú ứng với phẩm
trật của vị quan ngồi trên võng.
Tranh xưa vẽ cảnh đi võng
Võng
bằng lụa màu hồng. Mui che võng được quang dầu màu xanh để che mưa nắng. Quan lại
trên hàng nhất phẩm thì có 4 người lính vác 4 chiếc lọng theo hầu, quan nhất phẩm
chỉ có 3 lọng, quan nhị phẩm chỉ có 2 lọng và quan từ tam phẩm xuống đến cửu phẩm
chỉ có 1 người vác lọng theo hầu.
Võng được dùng để phục vụ các quan lại trong triều
Ngoài
ra, những tân khoa thi đỗ đều được dùng võng để về làng “Vinh quy, Bái tổ”.
Trong ca dao xưa có câu “Ngựa anh đi trước,
võng nàng theo sau” để mô tả sự vinh quang của người học trò thành đạt.
Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau
Tin
người đỗ đạt được đưa về làng, hương chức, dân làng họp ở đình, cắt cử người ra
gập Tân khoa để ấn định ngày vinh quy, rước về nguyên quán. Thường thì đỗ Tú tài
chỉ làng xã rước, đỗ Cử nhân hàng huyện phải rước, đỗ Tiến sĩ thì hương lý,
trai tráng hàng tổng đem đủ nghi lễ, cờ quạt đón từ tỉnh rước về làng. Tuy
nhiên, những người trong họ quan Tân khoa được miễn làm phu phen đi rước.
Theo
Ngô Tất Tố (1) trong Lều chõng thì thời
nhà Lê, đỗ Tiến sĩ dân phải đem cờ quạt đến tận Kẻ Chợ (tức Thăng Long) đón rước,
nhưng từ thời vua Gia Long trở đi, Kẻ Chợ dời vào Thuận Hóa (Huế), người miền Bắc
tới đó xa quá, nếu bắt cả tổng phải đi rước sợ làm phiền dân, nên chỉ bắt rước
từ tỉnh nhà về mà thôi.
Lúc
đầu Tân khoa vinh quy cưỡi ngựa trạm, đến 1901, cả Phó bảng cũng được ngựa trạm
đưa về chứng tỏ, trên nguyên tắc, các Tân khoa vẫn cưỡi ngựa vinh quy. Tuy
nhiên, Phạm Quý Thích (1759-1825) lại cưỡi voi. Ông 20 tuổi đỗ Tiến sĩ niên hiệu
Cảnh Hưng 40 (khóa 1779), đáng lẽ đỗ đầu, hiềm vì trẻ quá quan trường định đánh
hỏng, đợi khoa sau mới cho đỗ thủ khoa. Rút cục, họ Phạm được lấy đỗ thứ nhì,
người đỗ đầu là Ðặng Ðiền, tuổi gấp đôi.
Rồi
không biết từ bao giờ các Tân khoa lại đi võng thay vì ngựa, "Võng anh đi
trước, võng nàng theo sau", phải chăng vì có những ông Tân khoa "trói
gà không chặt" không biết cưỡi ngựa?
Huỳnh
Côn (1849- ?) đỗ Phó bảng khoa 1877, thuật chuyện khi đỗ Cử nhân đã vinh quy,
không cưỡi ngựa, đi võng như thường tình, mà lại đi bằng thuyền: “Tôi vinh quy bằng bốn chiếc thuyền tam bản,
cắm cờ xí rực rỡ, mẹ tôi ngồi trong một chiếc thuyền ấy để ra đón tôi”.
Thời
Pháp thuộc, theo Nguyễn Vỹ (2) trong Tuấn,
chàng trai nước Việt, các nhà theo Tân học cũng bắt chước lệ thi đỗ vinh
quy: đỗ bằng Tiểu học (Certificat d'Etudes Primaires) thì rước bằng xe kéo, đỗ
Cao đẳng Tiểu học Pháp-Việt (Diplôme d'Etudes Primaires Supérieures
Franco-Indigène) thì đi cáng, Nghe nói có người thi đỗ Tú tài tây còn vinh quy
bằng ôtô.
Nhà
thơ Nguyễn Bính (3) trong bài Giấc mơ anh
lái đò có nói đến chuyện đi võng vinh quy về làng:
Năm xưa
chở chiếc thuyền này
Cho cô
sang bãi tước đay chiều chiều
Để tôi
mơ mãi, mơ nhiều:
"Tước
đay se võng nhuộm điều ta đi
Tưng bừng
vua mở khoa thi,
Tôi đỗ
quan trạng vinh quy về làng
Võng
anh đi trước võng nàng
Cả hai
chiếc võng cùng sang một đò."
Trong
bài thơ Quan trạng, tả cảnh quan Trạng
vinh quy, Nguyễn Bính viết:
Quan Trạng
đi bốn lọng vàng
Cờ thêu
tám lá qua làng Trang Nghiêm
Mọi người
hớn hở ra xem
Chỉ duy
có một cô em chạnh buồn.
Có
lẽ vì “hồn thơ lai láng” nên Nguyễn Bính đã đưa ra hai chi tiết không chính xác
là dùng lọng vàng, mà lại tới bốn lọng để rước ông Trạng về làng. Lọng vàng chỉ
dành riêng cho vua, tân khoa đỗ Trạng, lúc vinh quy chỉ được che hai lọng màu
xanh, phải làm quan tới nhất phẩm mới được đi bốn lọng xanh.
Nếu
quả thật có đám rước vinh quy của ông Trạng dùng tới 4 lọng vàng như nhà thơ
Nguyễn Bính mô tả thì chắc chắn sẽ mắc tội… “phạm thượng”. Thế mới biết, thời
phong kiến quá nhiêu khê với những luật lệ khắt khe mà người dân vô tình chứ
không phải cố ý vi phạm.
(Còn
tiếp)
***
Chú
thích:
(1)
Ngô Tất Tố là một nhà văn, nhà báo, nhà Nho học và nghiên cứu, ông sinh năm
1893 mất năm 1954 ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là
thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Lúc
còn nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học. Từ năm 1898, Ngô Tất
Tố được ông nội dạy vỡ lòng chữ Hán ở quê, sau đó ông theo học ở nhiều làng quê
trong vùng. Năm 1912, Ngô Tất Tố học chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu
tham dự các kỳ thi truyền thống lúc bấy giờ vẫn còn được triều đình nhà Nguyễn
tổ chức. Ông đỗ kỳ sát hạch, nhưng thi hương bị hỏng ở kỳ đệ nhất. Đến năm
1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh, nên được gọi là đầu xứ Tố, rồi
thi hương lần thứ hai, khoa Ất Mão, cũng là khoa thi hương cuối cùng ở Bắc Kì.
Ông qua được kỳ đệ nhất, nhưng bị hỏng ở kỳ đệ nhị.
Năm
1926, Ngô Tất Tố ra Hà Nội làm báo. Ông viết cho tờ An Nam tạp chí. Nhưng vì thiếu tiền, tờ báo này phải tự đình bản,
Ngô Tất Tố cùng với Tản Đà đã vào Sài Gòn. Mặc dù không thật sự thành công
trong cuộc thử sức ở Nam Kỳ, nhưng tại đây, Ngô Tất Tố đã có cơ hội tiếp cận với
tri thức và văn hóa thế giới ở vùng đất khi đó là thuộc địa chính thức của Pháp
cũng như theo đuổi nghề báo để chuẩn bị sau này trở thành một nhà báo chuyên
nghiệp. Trong thời kỳ này, ông viết với các bút danh Bắc Hà, Thiết Khẩu Nhi, Lộc
Hà, Tân Thôn Dân..
Trong
số các tác phẩm của Ngô Tất Tố, nổi bật nhất có Tắt đèn (tiểu thuyết xã hội về cảnh ngộ và số phận người nông dân
Việt Nam đăng trên báo Việt nữ năm
1937, Mai Lĩnh xuất bản năm 1939) và Lều
chõng (phóng sự tiểu thuyết về chế độ giáo dục và khoa cử phong kiến trong
những ngày cuối cùng dưới triều Nguyễn đăng nhiều kỳ trên báo Thời vụ, 1939-1944, Mai Lĩnh xuất bản
năm 1952).
(2)
Nguyễn Vỹ (1912-1971) là nhà báo, nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến. Các bút hiệu
khác của ông là: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền. Ông là tác giả hai
bài thơ: "Gởi Trương Tửu" và "Sương rơi", từng gây tiếng
vang trong nền thơ ca thời tiền chiến.
Ông
từng theo học tại trường Trung học Pháp-Việt ở Quy Nhơn 1924-1927, rồi gián đoạn
vì tham gia các cuộc vận động chống thực dân, sau đó ông ra Bắc theo học ban tú
tài tại Hà Nội. Năm 1934, ông xuất bản tập thơ đầu tiên, tên là Tập thơ đầu, gồm hơn 30 bài thơ Việt và
thơ Pháp. Thi phẩm này in ra không được nhiều thiện cảm, bị cho là rườm rà,
"nhiều chân" và là đối tượng chê bai chính của Lê Ta trên các báo.
Năm
1937, Nguyễn Vỹ sáng lập tờ Việt-Pháp lấy tên là Le Cygne, tức Bạch Nga. Báo này ngoài Nguyễn Vỹ còn có nhà văn nổi
tiếng bấy giờ là Trương Tửu cộng tác. Sau do Nguyễn Vỹ có viết nhiều bài viết
chỉ trích đường lối cai trị của người Pháp nên tờ báo bị đóng cửa, bị rút giấy
phép vĩnh viễn. Còn bản thân ông bị kết tội phá rối trị an và phá hoại nền an
ninh quốc gia, bị tòa án thực dân tuyên phạt 6 tháng tù và 3.000 quan tiền.
Năm
1945, thế chiến thứ hai chấm dứt, Nguyễn Vỹ ra tù, sáng lập tờ báo Tổ quốc tại Sài Gòn, trong ấy có những
bài công kích chính quyền đương thời nên chỉ ít lâu sau, báo này bị đóng cửa. Sau
đấy, Nguyễn Vỹ lại cho ra tờ Dân chủ
xuất bản ở Ðà Lạt, chống chính sách quân chủ lập hiến của Bảo Ðại. Tồn tại chẳng
bao lâu, đến lượt tờ báo trên cũng bị đình bản.
Năm
1952, một nhật báo khác cũng do Nguyễn Vỹ chủ trương là tờ Dân ta, sống được một thời gian, cuối cùng cũng bị đóng cửa như các
tờ báo trước. Mãi đến năm 1958, ông đứng ra chủ trương bán nguyệt san Phổ Thông, chú trọng về nghệ thuật và
văn học, tạp chí này được kể là có nhiều uy tín đối với làng báo miền Nam.
Ngoài ra, ông còn cho ra tuần báo Bông
Lúa, tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm.
Năm
1956, Nguyễn Vỹ được mời làm cố vấn cho chính quyền thời bấy giờ, nhưng chỉ ít
lâu sau ông rút lui. Trong khoảng thời gian này ông được phép tái bản nhật báo Dân ta (bộ mới) nhưng đến năm 1965 cũng
lại bị đóng cửa và từ 1967 Nguyễn Vỹ chỉ còn chủ trương tạp chí Phổ Thông mà thôi. Vào ngày 4 tháng 2
năm 1971, ông qua đời do tại nạn xe hơi trên đoạn đường Tân An-Sài Gòn, hưởng
dương 59 tuổi.
Bên
cạnh những tập sách biên khảo có giá trị như Văn thi sĩ tiền chiến, Tuấn-chàng
trai nước Việt… Nguyễn Vỹ còn viết nhiều bộ tiểu thuyết, nhưng được đánh
giá là không thành công. Giới thiệu Nguyễn Vỹ, Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam cũng đã viết như sau:
“Nguyễn Vỹ đã đến giữa
làng thơ với chiêng trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau xem. Nhưng
chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố
lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì…
… Một bài như bài
"Sương rơi" được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã
sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để diễn tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có
thể là những giọt lệ... Nhưng "Sương rơi" còn có vẻ một bài văn.
"Gửi Trương Tửu" mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Lời thơ thống
thiết, uất ức, đủ dãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người”.
(3)
Nguyễn Bính (1918–1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính sinh tại xóm Trạm, thôn
Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng và được coi
như là nhà thơ của làng quê với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc.
Từ
năm 1940, Nguyễn Bính bắt đầu nổi tiếng với số lượng thơ khá dày, đề tài phong
phú, trong đó chủ yếu là thơ tình. Trong suốt 30 năm, Nguyễn Bính đã sáng tác
nhiều thể loại như thơ, kịch, truyện thơ... Ông sáng tác rất mạnh, viết rất đều
và sống hết mình cho sự nghiệp thi ca. Ông được đông đảo độc giả công nhận như
một trong các nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại.
Một
số tác phẩm:
·
Những
bóng người trên sân ga (Thơ 1937)
·
Cô
Hái Mơ (Thơ 1939)
·
Chân
quê (Thơ 1940)
·
Lỡ
Bước Sang Ngang (Thơ 1940)
·
Tâm
Hồn Tôi (Thơ 1940)
·
Hương
Cố Nhân (Thơ 1941)
·
Người
Con Gái Ở Lầu Hoa (Thơ 1942)
·
Mười
Hai Bến Nước (Thơ 1942)
·
Mây
Tần (Thơ 1942)
·
Đồng
Tháp Mười (Thơ 1955)
·
Trả
Ta Về (Thơ 1955)
·
Gửi
Người Vợ Miền Nam (Thơ 1955)
·
Nước
Giếng Thơi (Thơ 1957)
·
Tình
Nghĩa Đôi Ta (Thơ 1960)
·
Đêm
Sao Sáng (Thơ 1962)
***
(Trích
Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi
Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương
1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương
2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương
3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương
4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương
5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương
6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương
7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương
8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương
9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác
giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho
đến ngày xuống lỗ)!
Hình của cựu hoàng Hàm Nghi & ý trung nhân theo tôi nghĩ đó là xe ngựa (kéo) chứ không phải xe hơi
Trả lờiXóaĐúng như anh nhận xét, cựu hoàng Hàm Nghi và ý trung nhân ngồi trên một chiếc xe ngựa chứ không phải là xe hơi. Xin cám ơn và đã chỉnh sửa.
XóaAnh Chính,
Trả lờiXóaXin phép anh cho tôi đăng lại 5 bài "Những phương tiện di chuyển đi vào dĩ vãng" ở: https://nuocnha.blogspot.com
Cám ơn anh nhiều