(Tiếp theo)
Australia còn được gọi
là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới
đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.
Ngày 19/3/2013: Trip
to Wollongong and Nan TienTemple
Nước
Úc có những địa danh lấy từ gốc của thổ dân (aborigine) nên đọc lên nghe rất lạ
tai mà phát âm nhiều khi trẹo lưỡi. Wollongong một thí dụ điển hình. Ngoài ra
còn có những cái tên kỳ quặc như Koonoomoo, Wooloomooloo, Warrawong… rồi lại
chuyển sang vần “a” như Cabramatta, Parramatta, Wombarra… Những cái tên khó đọc
đối với người nước ngoài xuất hiện nhan nhản trên bản đồ nước Úc.
Từ
2g30 sáng chúng tôi đã rời Melbourne để bắt đầu cuộc hành trình đến ngôi chùa
Nam Thiên được mệnh danh là “lớn nhất Nam
Bán Cầu” tại thành phố có cái tên kỳ cục Wollongong. Ra đi khi trời chưa kịp
sáng cũng có lý do rất hợp lý: đi vào sáng sớm cho mát mẻ, đến nơi sẽ có nhiều
thì giờ hơn để ngắm cảnh. Chỉ tội nghiệp cho Phước, người lái xe duy nhất, nên
Hà luôn tìm cách gợi chuyện để Phước tỉnh táo.
Suốt
dọc đường có những “rest area” để nghỉ ngơi, ăn uống có MsDonalds hoặc KFC cung
cấp. Nếu không có nhu cầu “nạp năng lượng” và chỉ cần “xả năng lượng” thì có…
toilet rất sạch sẽ, không đến nỗi phải tìm bụi cây, lùm cỏ như ở Việt Nam.
Tôi
còn nhớ, những chuyến xuyên Việt với các đoàn sinh viên Mỹ vào thập niên 90,
trước khi xe dừng lại bên đường để “xả năng lượng” luôn luôn có “hiệu lệnh”: “Nam chịu khó băng qua đường còn lề bên phải
dành cho nữ…”. Chia hai bên đường như vậy khiến sinh viên thoải mái hơn
trong việc “tưới cây”, thậm chí còn “bón phân” nếu bị Tào Tháo đuổi.
Quán bên đường McDonald’s
(chiếc Jeep màu xanh là của Hà & Phước)
Trên
xa lộ Hume chúng tôi ghé qua thị trấn nhỏ Holbrook nằm cách Melbourne khoảng
355 km với dân số chỉ hơn 1.000 người. Tuy vậy, Holbrook lại có một lịch sử đặc
biệt vì thị trấn này được mang tên Trung úy Norman Douglas Holbrook, thuyền
trưởng chiếc tầu ngầm HMAS Otway từ thời thế chiến thứ nhất.
Thị
trấn được mang tên Holbrook từ năm 1915 và đến năm 1995 chiếc tàu ngầm chấm dứt
hoạt động để chờ biến thành sắt vụn tại Sydney. Người dân Holbrook
đã gây quỹ 100.000 đô la để điều đình mua lại chiếc tàu vào năn 1997. Tàu HMAS
Otway được đưa về Holbrook và trưng bày tại công viên Germanton như một niềm tự
hào của người dân thị trấn.
Tàu ngầm HMAS Otway
Chủ
trương rong chơi là chính nên cuộc hành trình của chúng tôi kéo dài vì có những
lúc dừng chân bên đường để chụp ảnh, nghỉ ngơi thư dãn sau nhiều giờ ngồi trên
xe. Cũng vì thế, rời Melbourne từ lúc 2g30 sáng mà mãi đến trưa mới tới chùa
Nan Tien, cách Mel chừng 700 km.
Nan Tien Temple [*] là danh xưng bằng
tiếng Anh của ngôi chùa, người Việt thường gọi là Chùa Nam Thiên.
Nhưng đây là một ngôi chùa Tầu (may quá,
chùa của Đài Loan chứ không phải của anh láng giềng “tốt bụng”!).
Người
Việt, cả ở trong lẫn ngoài nước, hiện nay có khuynh hướng bài bác và tẩy chay
những gì thuộc về Trung Cộng nhưng vẫn còn dành chút cảm tình đối với “ông em”
Đài Loan theo tư bản, được biết đến với tên gọi chính thức là Trung Hoa Dân quốc.
Xe
chạy qua cổng chùa thì gặp ngay một tượng Phật bằng đá màu trắng ngồi uy nghi
trên tòa sen. Một quang cảnh đẹp nên thơ hiện ra trước mắt, địa thế đất không bằng
phẳng khiến ngôi chùa như ẩn hiện trong những tàn lá xanh thẳm.
Tượng Phật tại cổng vào
Từ
xa đã thấy ngọn tháp tám tầng cao vút nổi lên giữa bầu trời xanh, đây là nơi bá
tánh để lại tro cốt khi lìa đời và những người thân đến để tưởng niệm những người
đã khuất. Thật ra thì dịch vụ này cũng có ở các chùa Việt Nam nhưng so với Nam Thiên thì quy mô nhỏ hơn nhiều.
Tôi
nghĩ đây là một cách giải quyết có tình có lý của đạo Phật và những tôn giáo
khác khi nhận tro cốt thay cho nghĩa địa nhận chôn xác người. Người chết nếu
chôn ở nghĩa trang sẽ ngày càng nhiều trong khi đất đai lại có hạn. Như ở Việt
Nam vẫn thường xảy ra những trường hợp di dời mộ phần để lấy đất dành cho các dự
án phát triển.
Hơn
nữa, nhìn theo khía cạnh môi trường, việc hỏa thiêu được coi là sạch sẽ hơn
chuyện chôn cất. Đưa cốt lên chùa sẽ tiện lợi cho con cháu mỗi khi viếng thăm
trong khi nghĩa trang luôn ở xa thành phố, đi lại khó khăn. Tuy nhiên, có một số
người lại sợ khi hỏa thiêu, chắc chắn là phải nóng lắm. Họ không nghĩ rằng lúc
đó chỉ còn là cái xác không hồn thì đâu còn cảm giác gì nữa.
Niềm
an ủi cho những người đã khuất là một khi tro cốt đã được gửi vào chùa họ sẽ hằng
ngày được nghe tiếng kinh kệ. Chắc chắn những linh hồn hội tụ tại đây sẽ sớm được
giải thoát trong bầu không khí trang nghiêm, tĩnh lặng của ngôi chùa.
Ngọn tháp 8 tầng,
nơi an nghỉ của những người đã khuất
Việc
xây tháp ở Nam Thiên cũng là một hình thức để lấy tiền bảo dưỡng toàn bộ
chùa theo nguyên tắc kinh doanh trong cơ chế thị trường đối với một cơ sở tín
ngưỡng. Sự kết hợp hài hòa giữa đạo và đời còn được thể hiện qua hình thức xây
dựng ngay trong khuôn viên Nam Thiên một lữ quán dành cho khách hành hương, được
gọi là Pilgrim Lodge.
Theo
chương trình đã sắp xếp trước, chúng tôi check-in tại Pilgrim Lodge để nghỉ
ngơi, tắm rửa sau một cuộc hành trình dài trước khi viếng cảnh chùa. Tòa nhà
hai tầng lầu này được thiết kế đầy đủ tiện nghi như một khách sạn với 100
phòng. Cũng có mini bar, trà, cà phê, điện thoại nhưng có điều muốn sử dụng
Wifi tại phòng phải đăng ký trước còn không thì xuống phòng Internet dưới tầng
trệt.
Việc
sử dụng Wifi tại những nợi công cộng nói chung có phần khắt khe hơn ở Việt Nam
vì thường phải trả tiền chứ không như ở quê nhà với các bảng “Wifi free” nhan
nhản ở các quán cà phê, khách sạn. Phải nói nước Úc giàu có nhưng họ rất tiết
kiệm.
Tại
Pigrim Lodge dù chỉ 2 tầng vẫn có thang máy nhưng khách sạn khuyến khích khách
sử dụng thang bộ để tiết kiệm điện. Chính phủ Úc còn thực hiện chính sách tiết
kiệm nước bằng cách đề nghị người dân sử dụng nước đã dùng trong sinh hoạt làm
nước tưới cây. Thế mới biết người ta càng giàu càng tiết kiệm còn mình tuy
nghèo nhưng vẫn thích xài sang!
Pilgrim Lodge
dành cho khách hành hương
Pilgrim
Lodge nhìn xuống một hồ sen trắng và nếu đến gần có thể thấy đàn vịt và cá bơi
lững lờ trong hồ. Xung quanh hồ là lối đi nhỏ bằng xi măng được điểm xuyết với
rất nhiều tượng đá tạc theo các nhân vật có liên quan đến Phật giáo.
Hồ sen và hàng liễu rủ
Đối
với tôi, điều gây ấn tượng nhất là những bức tượng trong chùa Nam Thiên. Tính ra
chùa có đến hàng ngàn bức tượng, từ những bước tượng Phật trang nghiêm trong
chánh điện, trong viện bảo tàng đến những bức tượng rất đời thường của những nhân
vật lớn tuổi đạo mạo hoặc các chú tiểu nhí nhảnh, nghịch ngợm.
Tượng Phật bên hồ sen
Người
ta giải thích sở dĩ có hàng ngàn bức tượng Phật lớn cũng như nhỏ trên khuôn
viên chùa là để nhắc nhở mọi chúng sinh đều có thể trở thành Phật. Về mặt tư tưởng,
Đức Phật chỉ là một biểu tượng cho lòng từ bi và tính bác ái.
Tượng một trong 18 vị La Hán
Quả
thật tôi đã cố gắng ghi lại rất nhiều hình ảnh những bức trượng nằm rải rác
trên khuôn viên chùa nhưng cuối cùng cũng đành hài lòng với những gì mình có thể
thu thập khi biết rằng có tới hàng ngàn bức tượng mà mỗi tượng lại có một thần
thái riêng, một công trình sáng tác riêng của từng người tạc tượng.
Tượng một trong 18 vị La Hán
Một chú tiểu đọc sách
Quần
thể kiến trúc chính của Nan Tien Temple
là khu vực chánh điện (1) theo bản đồ dưới đây. Đối diện với chánh điện là tiền
điện (2), phía bên trái chánh điện là tháp tám tầng (3), viện bảo tàng (4). Hai
bên chánh điện là phòng hội nghị (6), (7), phía bên phải là thiền đường (12),
nhà hàng (10) và xa về phía tay trái là Pilgrim Lodge (8).
Sơ đồ Nan Tien Temple
Tòa
chánh điện là một công trình đồ sộ, uy nghi với ba tầng thang dẫn lên, hai bên
là những công trình kiến trúc đối xứng. Khác với chùa Việt Nam có mái cong vút, Nam Thiên có những đường nét thẳng hơn. Có lẽ đó cũng là khác biệt giữa kiến
trúc thuần túy Á châu và kiến trúc pha
trộn Âu-Á.
Chi tiết trang trí trên mái chùa
Nằm
chính giữa chánh điện là 5 bức tượng Phật tượng trưng cho 5 hướng: Đông, Tây,
Trung tâm, Nam và Bắc. Năm hướng này lại gợi ý về vòng tuần hoàn của một đời
người từ lúc sinh ra từ hướng Đông cho đến cho đến lúc tuổi già xế bóng về hướng
Tây, hướng Trung tâm gợi đến cuộc sống hiện tại và hai hướng Nam, Bắc là bước
đường giác ngộ theo tâm linh của mỗi người.
Chánh điện
Bảo
tàng của Nam Thiên cũng là điều cần nhắc đến. Tại đây có công trình điêu khắc
tinh vi từ một khúc gỗ chỉ dài khoảng 1m nhưng chứa đựng hàng chục hình ảnh mô
tả cuộc đời của đức Phật. Cũng tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng những công
trình điêu khắc chỉ qua kính hiển vi. Đó là miniature sculpture trên một sợi
tóc hoặc một mảnh vỏ trứng để thể hiện một bài thơ hoặc một hoạt cảnh.
Chùa
còn có những hoạt động văn hóa và tôn giáo như các khóa tu ngắn ngày, các khóa giáo lý dài hạn, những buổi tụng niệm hàng ngày, các khóa hướng
dẫn ngồi thiền, dạy thể dục dưỡng sinh hoàn toàn miễn phí. Có lẽ cũng vì thế mà Nam Thiên còn được mệnh danh là “Thiên đường phương Nam” (Pardise of the South).
Nan Tien Temple mỗi ngày mở cửa miễn
phí cho khách thập phương từ 9g sáng đến 5g chiều, trừ ngày Thứ Hai. Tuy nhiên,
nếu là khách trọ của Pilgrim Lodge có mang thẻ ra vào sẽ hoàn toàn tự do trên
khuôn viên chùa bất kể ngày đêm.
Người
sáng lập ngôi chùa này là Hòa thượng Tinh Vân (Hsing Yun), sinh trưởng tại Đài Loan. Ngài
là người đã xây dựng hơn 200 ngôi chùa và 4 trường đại học trên khắp thế giới
vì mục đích truyền bá đạo Phật.
Tượng Hòa thượng Tinh Vân
***
[*]
Tham khảo www.nantien.org.au
(Còn
tiếp)
***
(Trích
Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi
Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương
1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương
2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương
3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương
4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương
5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương
6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương
7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương
8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương
9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác
giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho
đến ngày xuống lỗ)!
Can on anh Chinh. Cho entry tiep theo :)
Trả lờiXóa