Đây là tựa cuốn sách của nhà báo Phan Văn
Hùm (1902-1946) viết năm 1937, được nhà xuất bản Tân Việt tại Sài Gòn in lần thứ
hai vào năm 1957. Cơ duyên để ông viết “Nỗi
lòng Đồ Chiểu” cũng rất ly kỳ và không kém phần hấp dẫn!
Số là tác giả Phan Văn Hùm sinh tại Lái Thiêu, Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương), chính thất của ông là Dương Thị Lại (1905 - 1992) và bà vợ thứ là Mai Huỳnh Hoa (1910 -1987), cháu ngoại của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh và cũng đồng thời là chắt ngoại nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888).
Hóa ra người viết sách và nhân vật được nói đến lại là chỗ bà con, tuy phải bắn vài phát cà-nông mới tới nhưng cũng là chỗ bà con thân tình. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” là vậy!
Nói đến Nguyễn Đình Chiểu thì hầu như mọi
người ở miền Nam ai cũng biết. Ngay từ xưa, Sài Gòn đã có con đường một chiều
dài 4 km mang tên Nguyễn Đình Chiểu, dài từ Quận 1 đến Quận 3. Ngoài ra còn có
những “con đường mang tên ông” trải
dài khắp nước, tại Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, đến Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng,
Kon Tum...
Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1/7/1822, tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Cha ông tên Nguyễn Đình Huy, người huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, làm thư lại cho Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Ông là con trưởng trong số 4 người con trai và 3 người con gái của ông Nguyễn Đình Huy.
Từ tuổi niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu đã chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy giờ, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tại Gia Định. Năm 1833 cha ông trở vào Nam, đem ông ra gửi cho một người bạn ở Huế để tiếp tục việc học. Tính ra Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế từ 12 đến 19 tuổi.
Năm 1843 ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định, đúng vào năm 21 tuổi. Năm 1847 ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849. Nhưng chưa kịp thi thì được tin mẹ mất tại Sài Gòn. Trên đường trở về chịu tang mẹ, vì thời tiết thất thường và khóc thương nhiều nên ông bị bệnh rồi mù cả đôi mắt.
Trong thời gian ở Quảng Nam chữa bệnh, tuy
bệnh không hết nhưng ông đã được vị danh y truyền dạy nghề thuốc. Đui mù, mất mẹ,
cảnh nhà sa sút... ông đóng cửa chịu tang cho đến năm 1851, ông mới mở trường dạy
học và làm thuốc.
Danh xưng “Đồ Chiểu” khởi đầu từ đó và kèm theo cả danh hiệu “thầy thuốc”. Năm 1854, một người học trò tên là Lê Tăng Quýnh vì cảm phục và mến thương ông, nên đã xin gia đình gả cô em gái thứ năm của mình tên là Lê Thị Điền (1835 - 1886), người Cần Giuộc (Long An), cho thầy.
Kể từ đó, ông sáng tác truyện thơ chữ Nôm lục bát “Lục Vân Tiên” và “Dương Từ - Hà Mậu”, để gửi gắm tình ý cũng như hoài bão của mình. Khi Pháp chiếm thành Gia Định, ông cùng gia đình chạy về quê vợ ở huyện Cần Giuộc. Cũng tại nơi đây, ông đã sáng tác “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”.
“Lục Vân Tiên” truyện thơ Nôm, ấn bản năm Giáp Tuất do Duy Minh Thị phát hành năm 1874
Truyện thơ Lục Vân Tiên gồm 2082 câu và được
Trương Vĩnh Ký cho xuất bản lần đầu tiên vào năm 1889. Truyện đã có ảnh hưởng lớn
đến tính cách đôn hậu của người dân Nam Kỳ và giữ được vị trí đáng kể trong nền
văn học Việt Nam, bên cạnh Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Với ngôn ngữ bình dân nên có người nhớ thuộc lòng thơ ông và được lưu truyền dưới hình thức sinh hoạt văn hóa như "kể thơ", "nói thơ Vân Tiên", "hát Vân Tiên". Tập thơ Lục Vân Tiên mở đầu bằng những lời nôm na nhưng lại đi vào lòng người đọc:
“Trước đèn xem truyện Tây minh,
Gẫm cười hai chữ nhơn tình éo le.
Hỡi
ai lẳng lặng mà nghe,
Dữ
răn việc trước lành dè thân sau.
Trai
thời trung hiếu làm đầu
Gái
thời tiết hạnh là câu trau mình...”
Mục đích chính của Nguyễn Đình Chiểu khi viết
tác phẩm Lục Vân Tiên là để truyền dạy đạo lý làm người, đề cao tinh thần nghĩa
hiệp, sẵn sàng “cứu khốn phò nguy”
như Vân Tiên đánh cướp, Hớn Minh bẻ giò Đặng Sinh... thể hiện khát vọng của người
dân, thông qua kết thúc có hậu với “thiện
thắng ác”, “chính nghĩa thắng gian tà”.
Ngoài nhân vật chính Lục Vân Tiên, người ta còn biết đến Kiều Nguyêt Nga, Vương Tử Trực... và cả những nhân vật phản diện như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Lúc sửa soạn vào trường thi, Vân Tiên nhận được tin mẹ mất, liền bỏ thi trở về quê chịu tang. Đây là chi tiết cuộc đời thật của Nguyễn Đình Chiểu được đưa vào truyện:
“Số
con hai chữ khoa kì,
Khôi
tinh đã rạng Tử-vi thêm lòa.
Hiềm
vì ngựa chạy đường xa,
Thỏ vừa
ló bóng gà đà gáy tan.
Bao
giờ cho tới bắc phang,
Gặp
chuột ra đàng con mới nên danh”.
Kiều Nguyệt Nga thề sẽ thủ tiết suốt đời
khi Thái sư hỏi nàng cho con trai không được, đem lòng thù oán, tâu vua bắt
Nguyệt Nga đi cống giặc Ô Qua. Thuyền đi tới biên giới, nàng nhảy xuống sông tự
tử. Phật Bà Quan Âm đưa nàng dạt vào nhà họ Bùi Công, nhưng Bùi Kiệm lại một
hai đòi lấy nàng làm vợ. Nguyệt Nga phải trốn khỏi nhà họ Bùi, vào rừng, sống với
một bà lão dệt vải.
Trời không bao giờ hại người ngay, Lục Vân Tiên được chữa sáng mắt liền trở về nhà thăm cha, viếng mộ mẹ, và cũng thăm cha của Kiều Nguyệt Nga. Đến khoa thi, chàng đỗ Trạng nguyên và được nhà vua cử đi dẹp giặc Ô Qua.
Đánh tan giặc, Vân Tiên một mình lạc trong rừng, đến nhà bà lão hỏi thăm đường và gặp lại Nguyệt Nga. Chàng về triều tâu hết sự tình, kẻ gian ác bị trừng trị, người nhân nghĩa được đền đáp, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga sum vầy hạnh phúc. Truyện thơ kết thúc bằng bốn câu:
“Sui
gia đã xứng sui gia,
Rày mừng
hai họ một nhà thành thân.
Trăm
năm biết mấy tinh thần,
Sanh
con sau nối gót lân đời đời”.
Nguyễn Đình Chiểu mất ngày 3/7/1888, tại Ba
Tri, Bến Tre. Người ta kể lại rằng ngày đưa ông đi an táng, cả cánh đồng An
Bình Đông (nay là An Đức) trắng xóa khăn tang của những người mến mộ ông.
Quả là xứng danh một “Ông Đồ”, một “Thầy Thuốc” và một “Nhà Thơ” đã làm rạng danh một công dân Miền Nam suốt một đời đau đáu một nỗi lòng “Vì dân, Vì nước”!
Gia tài văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu bao gồm các thể loại: lục bát, thất ngôn, tứ lục và văn tế. Cuộc đời của ông có thể tóm tắt qua bài Tự Thuật:
“Xe
ngựa lao-xao giữa cõi trần,
Biết
ai thiên-tử, biết ai thần ?
Nhạc
Thiều tiếng dứt khôn trông phụng,
Sách
Lỗ biên rồi khó thấy lân
“Khỏe
mắt Hi-Di trời Ngũ-Quí,
Mỏi
lòng Gia-cát đất tam phân.
Công-danh
chi nữa ăn rồi ngủ,
Mặc
lượng cao-dày xử với dân”.
Thơ Lục Vân Tiên đã đi vào cuộc sống của người
dân Miền Nam, có những “nhà thơ dân gian”
đã thấm đậm chất thơ Nguyễn Đình Chiểu để làm những câu thơ bình dân, chẳng
hạn như:
“Vân
Tiên cõng mẹ trở ra,
Đụng
phải cột nhà cõng mẹ trở vô!
Vân
Tiên cõng mẹ trở vô,
Đụng
phải cái vồ, cõng mẹ trở ra...”
Và cứ như thế, “trở ra -
trở vô” với mẹ trên lưng, bài thơ
đã kéo dài bất tận đối với một người con chí hiếu!
Ở phần cuối của cuốn “Nỗi lòng Đồ Chiểu”, bà Mai Huỳnh Hoa, phu nhân của tác giả Phan
Văn Hùm, tâm sự về cuốn sách được Tân Việt tái bản lần thứ hai, ngày
15/12/1957:
“Một hôm, giám-đốc nhà Tân Việt đến tôi ngỏ ý định tái bản quyển “Nỗi lòng Đồ Chiểu” – quyển sách mà từ lâu tôi thiết-tha chuẩn-bị nhưng còn thiếu phương-tiện thực-hành. Lòng tôi rộn lên một niềm vui mới. Quyển “Nỗi lòng Đồ Chiểu” là một kỷ-niệm đặc biệt ra đời một lượt với thằng trai út của chúng tôi.
“Anh Hùm tôi viết “Nỗi lòng Đồ Chiểu” vì nghĩa chung, trọng tiết-tháo trung-kiên của bậc tiền-bối, nhưng tình riêng sao cho khỏi vì biết tôi mà biết đến cội-nguồn. Độc-giả thời xưa, có người hơi đa sự bảo rằng: “Nỗi lòng Đồ Chiểu” tức là nỗi lòng Phan Văn Hùm.
“Sự thật có phải như thế chăng? Tôi xin nhường quyền cho tri-kỷ bốn phương của anh Hùm tôi phán-đoán. Riêng tôi, dù không dám tự nhận tri-kỷ của Phan Văn Hùm, song cũng thông-cảm được phần nào ý và lòng tác-giả”.
(hết trích)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét