Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

Cấm !!!

“Điều cấm” là những quy định của pháp luật không cho phép thực hiện một hay một số hành vi nào đó. Điều cấm có thể là quy định dự liệu trước không để cho hành vi xảy ra, cũng có thể là hình phạt đối với người vi phạm pháp luật.

Tiếng Việt của ta có rất nhiều từ ngữ đi kèm với “Cấm”. Chẳng hạn như “Cấm vận” của Mỹ đối với Việt Nam trong thời kỳ “hậu chiến tranh” (1975-1994), với hàm ý mọi giao thương, liên lạc bị cấm từ phía Mỹ.

Theo Khoản 3, Điều 3, Nghị định 34/2014/NĐ-CP về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Việt Nam, “Vùng cấm” là phần lãnh thổ nằm trong khu vực biên giới đất liền được thiết lập để quản lý, bảo vệ, duy trì an ninh, trật tự; phòng, chống, ngăn chặn các hành vi xâm nhập, phá hoại, khai thác, thu thập bí mật nhà nước.

Riêng trong lãnh vực văn nghệ cũng đã xuất hiện hiện tượng “Vùng cấm”, đặc biệt là việc “cấm” những bài hát của thời kỳ trước năm 1975, điển hình là bài “Con đường xưa em đi”, được chính thức phổ biến năm 1969 đã một thời dấy lên những ý kiến trái chiều.

Phía ủng hộ lệnh cấm cho rằng lời của bài hát có đoạn “Chiến trường anh bước đi...” là chiến trường nào?

“Những mùa trăng vu quy,
Vì mưa gió không về,
Chiến trường anh bước đi...”




“Con đường xưa em đi”


Lời cải biên bài hát “Con đường xưa em đi”


Đến năm 2021, với Nghị định 144 bỏ việc cấp phép biểu diễn cho ca khúc trước 1975 để chuyển sang “hậu kiểm”. Đây là tư duy mới, không còn khái niệm nhạc “trước-sau 1975”, không còn quy định “không được” hay “cấm”. Đây cũng có thể coi là sự mở đường cho cởi mở trong quản lý biểu diễn văn nghệ.

Thế nhưng, thời gian gần đây lại dấy lên sự việc Công ty Mây Lang Thang, đơn vị tổ chức show ca nhạc “Dấu chân địa đàng” của ca sĩ Khánh Ly, bị chính quyền mời lên giải trình vì lý do ca sĩ này hôm 25/6/2022 tại Đà Lạt đã hát bài “Gia tài của Mẹ” của Trịnh Công Sơn không nằm trong danh sách 24 bài đã đăng ký cho đêm nhạc đó.

Căn cứ Nghị định 38/2021/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, nếu tổ chức biểu diễn không đúng nội dung ghi trong văn bản chấp thuận sẽ bị xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.

Mức phạt sẽ từ 25 đến 30 triệu đồng đối với việc biểu diễn nghệ thuật mà thực hiện hành vi có nội dung xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân...




“Gia tài của Mẹ” - Trịnh Công Sơn


Gia tài âm nhạc khoảng 600 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thể chia thành 3 mảng đề tài chính. Khởi đầu ông sáng tác tình ca, với những ca khúc nổi tiếng như Ướt Mi, Diễm Xưa, Biển Nhớ, Còn Tuổi Nào Cho Em, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Tuổi Đá Buồn, Tình Nhớ, Tình Sầu, Tình Xa…

Đề tài tiếp theo trong nhạc Trịnh là những ca khúc về thân phận con người, là những bài hát có ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện sinh, tiêu biểu nhất là Vết Lăn Trầm, Xin Cho Tôi, Phôi Pha, Ru Ta Ngậm Ngùi, Dấu Chân Địa Đàng, Phúc Âm Buồn…

Mảng đề tài thứ 3 được gọi là Ca khúc Da Vàng, là những bản nhạc mang nhiều tranh cãi, dù là những bài hát ca ngợi, kêu gọi hòa bình, nhưng không được lòng các chính thể cầm quyền tại Sài Gòn, và cho đến nay đa số những bài này đều chưa được nhà nước cấp phép phổ biến.

Ca khúc “Gia tài của Mẹ” thuộc loại nhạc phàn chiến Trịnh Công Sơn viết từ năm 1965 với nội dung hướng tới tuyên truyền các cuộc chiến tranh ở Đông Dương là “nội chiến” trong khi theo qua điểm của cách mạng là cuộc chiến “chống giặc xâm lược chứ không phải nội chiến”.

Hơn nữa, bản nhạc còn đề cập đến Trung Quốc với phương châm “16 chữ” của năm 1999 “Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai”. Tiếp đến năm 2002 lại ca tụng thêm “4 tốt”: "Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt".

“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, để lại cho con
Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn
...

“Gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
Gia tài của mẹ, nhà cháy từng ngày...


Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không bàn về khuynh hướng chính trị của Khánh Ly-Trịnh Công Sơn vì có nhiều ý kiến trái chiều, kẻ khen người chê, người ủng hộ kẻ phản đối.



Khánh Ly - Trịnh Công Sơn thời còn đi hát tại Quán Văn, Sài Gòn


Vấn đề đặt ra là giả sử Khánh Ly trong đêm nhạc nói trên hát bài gì đó theo yêu cầu của khán giả, chẳng hạn như “Ai lên xứ hoa đào”, chứ không phải bài “Gia tài của mẹ” thì Sở Văn hóa - Thông tin Lâm Đồng có mời công ty tổ chức lên làm việc không?

Chắc chắn là “không” dù bài hát ca tụng đó không được đăng ký trước. Hiện tượng khán giả yêu cầu ca sĩ hát những bài mình thích vẫn thường xảy ra trong các buổi trình diễn có giao lưu với khán giả. Nhưng đối với “Gia tài của mẹ” lại là một trường hợp “nhạy cảm”!

Bỏ qua lý do chính quyền gài người vào show diễn xuyên Việt của Khánh Ly để phá... lập luận này không có cơ sở vững chắc. Có điều sau khi sự kiện “Gia tài của mẹ” bùng nổ, người ta thấy trên mạng xã hội như dậy sóng với những ý kiến trái chiều của cả phe ủng hộ lẫn phản đôi.

Mặt khác, trên trang Google, từ khóa “Gia tài của mẹ” bỗng trở nên “hot” với số lượng người truy cập lên tới hơn 10 triệu người, tính đến ngày 1/7/2022. Con số đã nói lên sức thu hút của bản nhạc, đồng thời cũng gợi ý cho cơ quan chức năng thấy rằng mình đã “quảng cáo không công cho một bản nhạc lọt vào danh sách “cấm”!

Giữa thời buổi phương tiện truyền thông trên Internet đang nở rộ như hiện nay, cũng cần phải chú ý đền yếu tố phản ứng của cộng đồng mạng trước vấn đề “cấm” hay “không cấm” cũng như “cổ súy” hay “bác bỏ” một sự việc.

Theo ngôn ngữ bình dân, đó chính là... “ép-phê ngược”!


Cấm !


***


* Video “Gia tài của mẹ” / Trịnh Công Sơn – Ca sĩ Khánh Ly
https://www.youtube.com/watch?v=UBPcehL3-PQ


* Video “Trịnh Công Sơn - những ca khúc cấm” – Ca sĩ Khánh Ly
(#1: Bài ca dành cho những xác người / #2: Gia tài của mẹ / #3: Cho một người nằm xuống)
https://www.youtube.com/watch?v=Br8rEbfizXA



***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts