Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

Những ngày đầu tháng 9…

Nước Úc và Tân Tây Lan nằm ở Nam Bán Cầu nên có nhiều điều khác lạ so với các nước ở Bắc Bán Cầu. Cũng vì thế mà Úc còn được gọi là “Down Under”, người Việt mình thường gọi là “Xứ Miệt Dưới”! Trong dịp Giáng Sinh, các nước ở Bắc Bán Cầu lạnh giá thì ngược lại, Úc là mùa hè nóng chảy mỡ!

Ngày 01/9/2024 là ngày đầu Mùa Xuân và cũng là ngày Father’s Day tại Úc, được quy định vào ngày Chủ Nhật, đầu tháng 9 mỗi năm. Người ta còn nhớ, một trong những bài báo đề cập đến Ngày của Cha ở Úc được đăng trên tờ Newcastle Sun vào ngày 4/9/1936.

 

Happy Father's Day, Australia

 

Bài báo viết về một cuộc họp nhân Ngày của Cha tại Baptist Tabernacle, với hy vọng ngày này sẽ trở nên phổ biến như Ngày của Mẹ. Ý tưởng này cũng đã xuất hiện một tuần trước đó vào ngày 29/8/1936 trên tờ The Daily News Perth, với một quảng cáo gợi ý nên tặng quà trong ngày này.

Một bài báo trên tờ Western Herald vào năm 1964 cho biết ngày này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1935. Bài báo giải thích Father’s Day chính thức được chọn thông qua Khối thịnh vượng chung vào năm 1964.

 

Ngày Của Cha

 

Không có lý do chính thức nào được đưa ra cho việc lựa chọn ngày này, nhưng người ta tin rằng tháng 9 được chọn vì… những lợi ích thương mại! Các chuyên gia cho rằng người tiêu dùng cảm thấy mệt mỏi khi các ngày lễ liên tục nối tiếp nhau và cần một chút thời gian để hồi phục.

 

Father's Day là dịp mua sắm tại xứ sở Kangaroo

 

Khi xem xét các tháng trong năm, từ tháng 4 đến tháng 6, có rất nhiều sự kiện và ngày lễ đặc biệt như ngày lễ Phục sinh, Anzac Day, Queen's Birthday, Ngày của Mẹ (Mother's Day)... tại Úc.

Ngoài ra, Father’s Day được tổ chức vào tháng 9 trùng với thời điểm bắt đầu mùa xuân, mùa hoàn hảo để tiếp thị những món quà dành cho cha trong gia đình như đồ thể thao, cắm trại và câu cá.

Mọi người thường kỷ niệm Father’s Day bằng cách tặng quà, tổ chức ăn uống và dành thời gian nghĩ đến cha. Những gia đình có con nhỏ thậm chí còn nấu bữa sáng ngay trên giường cho cha với những tấm thiệp chúc mừng.

Người Úc kỷ niệm Ngày của Cha theo nhiều cách, như tổ chức dã ngoại với mòn thịt nướng BBQ trong công viên, đi dạo trên bãi biển, đạp xe rong chơi, gặp gỡ họ hàng và tặng quà cho cha.

 

Happy Father's Day in Australia!

 

Một khác biệt lớn là trong khi tại Mỹ Tổng thống Lyndon Johnson đã chọn ngày lễ của cha (Father’s Day) vào ngày Chủ Nhật thứ 3 trong tháng 6 từ năm 1966. Đến năm 1972, Tổng thống Richard Nixon ký luật công nhận Father's Day có giá trị là 1 ngày lễ chính thức.

Ý tưởng này được bắt nguồn từ Sonora Smart Dodd, người được cha mình nuôi dưỡng khi mẹ qua đời. Khi trưởng thành, cô đã hiểu hết những nỗi vất vả của người cha phải một mình nuôi dạy sáu đứa con thơ, vì thế người cha trong mắt cô là biểu tượng của sự hi sinh, vị tha, bao dung.

Cũng vì thế, cô đã tổ chức ngày của cha đầu tiên ở Washington vào ngày 19/6/1910, sinh nhật của cha cô. Cũng xin nói thêm, 19/6 còn là Ngày Quân Lực của VNCH trước 1975 và (cũng xin “dựa hơi”) là ngày sinh của tác giả bài viết này!

Ở một số nước khác, Ngày của cha không rầm rộ như ở Mỹ nhưng quà tặng cha cũng được bày bán khắp nơi và tinh thần của ngày này được các phương tiện truyền thông nhắc nhở.

Tại Nhật, một số cửa hàng rao trên mạng các sản phẩm dành cho cha. Còn ở Trung Quốc, Nhân Dân Nhật Báo gợi ý nên tặng những người cha bận rộn gối ngủ trên máy bay, thẻ thể dục thể hình, túi đựng thuốc vitamin, CD nhạc nhẹ, giày thể thao, kính râm, cần câu, dụng cụ làm vườn…

Tại Canada, những tấm gương làm cha mẫu mực cũng được tôn vinh trên báo, chẳng hạn như anh Paul Archer ở Lakefield nhiều năm nay đã chăm sóc tận tình đứa con thiểu năng trí tuệ.

Điều mà người cha trong gia đình mong muốn là có một ngày hoàn toàn thoát khỏi mọi áp lực. Thực sự là họ từng ước ao một ngày nào đó không có những thời hạn “deadline” phải giải quyết công việc, không có cả những việc vặt vãnh như sửa ống nước, sửa điện trong nhà!

Những việc có thể giúp các bà vợ ở bên chồng vào ngày này là cả hai cùng thực hiện một chuyến đi dạo, đi dã ngoại… cùng ngồi uống trà, kể chuyện cho nhau nghe và cùng nhau chia sẻ những ước mơ.

Ngày của Cha không phải chỉ để mừng người cha là một người nuôi dưỡng và trông nom con cái. Đây còn là ngày để người vợ thể hiện sự tôn trọng đối với người bạn đời của mình, một người yêu và người bạn thân thiết nhất.

Chẳng hạn như chàng là một người hâm mộ bóng đá, các bà vợ hãy cùng xem với chồng một trận đấu của đội bóng chàng yêu thích. Hoặc trong trường hợp chàng thích câu cá, bạn hãy đi cùng với chàng nếu như chàng muốn như thế.

Người cha trong gia đình đều muốn được trân trọng. Bạn hãy cho chàng biết bạn cần chàng biết là chừng nào. Hãy tỏ ra cho chàng thấy cảm nhận của bạn bằng cách viết cho chàng một lá thư ngắn, trong đó nêu rõ những gì chàng mang lại cho gia đình, những điểm nổi bật khiến chàng là một người cha gương mẫu và người chồng tốt.

Nếu như chuyện viết lách không phải là thế mạnh của bạn, bạn có thể làm bất cứ điều gì miễn là để chàng cảm thấy mình được đề cao. Bạn không cần phải tiêu tiền một cách phí phạm vào những món quà đắt giá để tặng chàng. Tình yêu và sự trân trọng của bạn là những quà tặng quý báu nhất mà bạn có thể trao cho chàng nhân Ngày của Cha.


Happy Father's Day

Tháng 9 năm nay cũng là Ngày lễ Lao động (Labor Day) tại Mỹ. Ngày này rơi vào ngày Thứ Hai đầu tiên của tháng Chín hàng năm và là một ngày lễ quốc gia tại Hoa Kỳ.

“Labor Day” bắt nguồn từ phong trào lao động và là dịp để tôn vinh người lao động Mỹ. Các hoạt động kỷ niệm lễ lao động Mỹ thường diễn ra thông qua các cuộc dã ngoại, sự kiện thể thao và các cuộc diễu hành đường phố.

 

Diễn hành Ngày Lao Động tại Mỹ

 

Trở về với Việt Nam, những ngày đầu tháng 9 cũng có một ngày đáng nhớ: Ngày Quốc Khánh 2/9 với thời gian nghỉ lễ kéo dài đến 4 ngày.

Một hiện tượng phải nói là “lạ” trước ngày lễ… người ta nô nức trên những chuyến xe đò hoặc trên xe gắn máy để về quê nghỉ lễ với gia đình. Đường phố Sài Gòn vốn thường xuyên kẹt xe nay bỗng thưa thớt người qua lại.

Từ chiều 1/9, các tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất như Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn, Nguyễn Văn Trỗi... đã xảy ra tình trạng ùn tắc. Nguyên nhân là do người dân đổ về các đầu mối giao thông để về quê hoặc đi du lịch sớm trong dịp nghỉ lễ dái ngày.

Bên trong sân bay Tân Sơn Nhất cũng bắt đầu đông đúc với hành khách các chuyến bay nội địa lẫn khách du lịch ra nước ngoài. Lượng khách qua sân bay này đạt hơn 100.000 lượt. Càng về chiều, lượng khách đổ về sân bay Tân Sơn Nhất càng nhiều.

 

Tân Sơn Nhất những ngày đầu tháng 9

 

Trên các tuyến đường dẫn về Miền Đông, Miền Tây hay Tây Nguyên, xe cộ ùn tắc… ai cũng chỉ mong về nhà cho sớm. Nhìn cảnh con nhỏ nằm ngủ gục trên chiếc xe của bố mẹ người ta lại nhớ đến cảnh “chạy dịch” chỉ mới điễn ra gần đây thôi!

 

Cả gia đình trên chiếc xe về quê


Mục tiêu di chuyển khác nhau nhưng đích đến vẫn là gia đình thân yêu đang chờ đón con cháu. Tất cả cũng chỉ vì “miếng cơm, manh áo” nên phải “tha phương cầu thực”.

Những ngày đầu tháng 9 năm nay quả thật là… sôi đọng. Xin chúc mọi người một cuộc hành trình về quê an toàn và vui vẻ!

 

*** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts