Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

30/4: Chuyện những người tháo chạy


Đây là bài viết cuối cùng trong loạt bài về ngày 30/4/1975.

Chúng tôi muốn nói đến tác phẩm của Kim Lĩnh mang tựa đề “30.4 Chuyện những người tháo chạy” được viết theo cái nhìn khác hẳn do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1987. Đó là cái nhìn của “bên thắng cuộc” trong cuộc chiến vừa qua.

Theo lời nhà xuất bản ở phần giới thiệu tác phẩm, tác giả Kim Lĩnh là “một sĩ quan thuộc Liên đoàn Công binh số 10” ở Đà Nẵng. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh viết:

“Anh đã chứng kiến đầy đủ mười hai ngày đêm tháo chạy không tiền khoáng hậu trong lịch sử của bọn tàn quân ngụy và những người dân lương thiện từ lâu sống trong sự bưng bít của chiến tranh tâm lý Mỹ, bị ép buộc phải di tản về Nam.

“Trên con đường ngàn dặm đầy tai ương ở ven biển miền Trung, đoàn người di tản dấn thân vào cái lưỡi hái của “cọp vằn”, “hùm xám”, “trâu điên” – lực lượng của cái “chính phủ vì dân” – mà lâu nay họ coi như là “thiên thần” của họ.


“Ưu điểm chính của tập sách là đã miêu tả một cách chân thật, sinh động bằng những chi tiết mắt thấy tai nghe về cuộc tháo chạy của ngụy quân, ngụy quyền từ sau sự kiện Buôn Ma Thuột cho đến những giây phút cuối cùng của chế độ Sài Gòn nên rất hiếm có.

“Những cuộc tàn sát man rợ của các sắc lính ngụy đến hồi mạt vận, cũng như số phận bao nhiêu người dân bị chết oan uổng vào những ngày sắp chấm dứt chiến tranh đã cho thấy thực chất của cái gọi là “quân đội Việt Nam Cộng hòa” chỉ là một lũ đánh thuê không hơn không kém.

“Bằng những sự kiện thật, dưới mắt người lính khá am tường “nghề nghiệp” tên Hòa, tác giả Kim Lĩnh đã xây dựng được những chân tướng khá độc đáo của sĩ quan và binh lính ngụy cùng những chân dung những người di tản, trong đó có không ít những người lương thiện bị lầm đường và đã kịp thấy ra trong những ngày hoảng loạn.”

(hết trích)

Bìa trước

Bìa sau

Chuyện những người tháo chạy kéo dài tới gần 500 trang và được chia thành 5 Chương với các chủ đề rất chi là “ấn tượng”: (1) Cuộc di tản; (2) Bản chất bỉ ổi; (3) Đất bằng dậy sóng; (4) Chống lại bạo tàn; và (5) Vớt vát được gì?

Mỗi Chương lại có những tiểu đề với cách dùng chữ rất “sắt máu”. Chẳng hạn như: “Chiêu bài ‘tử thủ’ và ‘di tản’ hay những cuộc lừa đảo trắng trợn”, “Trong tay lũ sát nhân”, “Cố thoát khỏi nanh vuốt lũ sát nhân”, “Bắn thẳng vào thằng ác ôn”, “Bẫy rập giăng đầy đón con mồi sống sót”.

Tả lại cảnh hỗn loạn tại cửa Tư Hiền (Huế), tác giả viết:

“Nãy giờ bọn rằn ri [lính mặc quân phục “vằn vện” như Dù, Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân – Chú thích của NNC] đơn phương nổ súng bắn vào đồi và đã im lặng từ lúc 4 chiếc máy bay hết đạn bom bỏ đi. Chúng bắn chán vì chẳng có tiếng súng bắn trả. Dường như quân giải phóng không thèm chấp nhứt đến họng súng bắn vu vơ [?]. Mất hào hứng, chúng ôm súng bỏ đi và đòi được qua sông trước. Một thằng nạt Tu:

- Ê. Đ.m., mầy để các ông [?] xuống thuyền chớ? Đừng giỡn với cọp ba đầu rằn [lính Biệt động quân] nghe?
- Không có giỡn gì cả! Các anh buông thuyền ra cho chạy, thuyền đầy rồi.
- Đầy thì đuổi xuống bớt cho các ông lên! 

Thằng đó không chịu buông. Một thằng khác lí luận võ biền:
- Này ông bạn nẫu [danh từ miệt thị chỉ dân miền Trung], ông bạn nên nhớ phải còn cần tụi này nghe. Để tụi này qua sông trước đánh mở đường. Đường còn lắm chông gai đấy ông bạn nẫu ạ!

(hết trích)


Chiến sự miền Nam sôi động hẳn từ đầu năm 1975. Ban Mê Thuột thất thủ (10/3/1975) và đến ngày 19/3/1975, Quảng Trị mất. Người ta tràn ra cửa Thuận An dùng ghe tàu di tản. Ngày 20/3/1975, cửa biển bé nhỏ này của Huế tràn ngập người chạy loạn, họ chen nhau lên những chiếc tàu của hải quân được lệnh tháo lui. Kim Lĩnh viết: 

“Những người dân cả đời bị bưng bít sự thật và bị chiến tranh tâm lý của Mỹ-ngụy lừa  bịp, đe dọa, họ tự giải quyết cuộc sống từng ngày và họ đang đếm từng ngày sống ấy trên đoạn đường đầy nỗi gian khổ, lo âu. Bọn quân lính của những đơn vị bị đánh tan tác ở Quảng Trị và phía BắcThừa Thiên tự động rã ngũ, nhập vào kéo theo hỗn loạn nhếch nhác.

 

“Chiều xuống, trên cửa Tư Hiền, cách phía nam Huế vài mươi cây số, tiếng ầm ĩ của thần chết lan trong không gian: một  chiếc L19 bay dật dờ quần đảo liếc ngó đám người ngồi bó gối trong bóng lá trở nên xanh thẩm và phóng về Đà Nẵng bức điện kêu cứu:

“Bằng mọi giá – Liên đoàn 10 Công binh chiến đấu, đưa vượt sông 5000 người. Tại cửa biển Tư Hiền. Báo cáo khẩn”

(hết trích)

Di tản theo Liên tỉnh lộ 7B về Tuy Hòa

***
Chúng tôi vào Google để tìm hiểu thêm về tác giả cuốn sách. Gõ “tác giả Kim Lĩnh” rồi “nhà văn Kim Lĩnh” nhưng hoàn toàn không có kết quả. Kể cũng lạ đối với tác giả một cuốn truyện khá dầy do nhà xuất bản TP. HCM ấn hành.

Ngoài ra, ở trang cuối của cuốn truyện ghi rõ:

“In 30.200 cuốn khổ 13 x 19cm tại Nhà in báo Sài Gòn Giải phóng, Bản chữ Hoa. In xong tháng 8 năm 1987. Nộp lưu chiểu tháng 9 năm 1987”

Có điều những dòng chữ đó vừa đánh máy lại vừa viết tay… Chúng tôi chụp lại theo hình dưới đây:


***

2 nhận xét:

  1. Cứu cánh biện minh phương tiện ?
    la fin justifie les moyens ?
    the end justifies the means ?

    Trả lờiXóa
  2. càng bốc vỏ cũ hành càng chảy nước mắt

    Trả lờiXóa

Popular posts