Trong
lãnh vực văn chương, đã có hàng trăm tác phẩm cũng như bài viết về cuộc Chiến
tranh Việt Nam. Người viết có thể là người Mỹ hoặc không phải là người Mỹ, do
đó họ cũng có những cái nhìn rất khác nhau về biến cố chính trị - quân sự và cả
xã hội trên đất nước Việt Nam.
Đối
với Hoa Kỳ, Chiến tranh Việt Nam là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất lịch
sử. Những con số thống kê đã nói lên sự mất mát với 58.000 người Mỹ đã thiệt mạng,
3.000 quân nhân còn bị báo cáo là “mất tích”. Về kinh tế, cuộc chiến đã làm thất
thoát 300 tỷ đô la với 3 triệu cựu chiến binh sống lay lứt bên lề xã hội Mỹ vì “hội chứng Việt Nam”.
Đó
là những con số thống kê trong “Decent
Interval” của Frank Snepp. Những con số này có phần thay đổi tùy theo nguồn,
chính kiến và quan điểm của các tác giả khác. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là một
vết thương cho đến ngày nay vẫn còn “rỉ máu” dù cuộc chiến đã chấm dứt cách đây
hơn 40 năm.
Nhìn
chung, các tác giả viết về ngày 30/4 có thể được chia thành hai nhóm: (1) những
tác giả người Mỹ, và (2) những người “không-phải-là-người-Mỹ”.
Phân loại theo quốc tịch như vậy, thực ra vẫn chưa chính xác vì còn nhiều yếu tố
quan trọng, chẳng hạn như chính kiến hay quan điểm của người viết.
Năm
2005, một cuốn sách mang tựa đề “Khi đồng
minh tháo chạy” được xuất bản tại San Jose. Tác giả cuốn sách là Tiến sĩ
Nguyễn Tiến Hưng, giáo sư Kinh tế, Đại học Howard. Ông đã một thời làm phụ tá của
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và sau đó làm Tổng trưởng Kế hoạch trong nội các
chính phủ VNCH.
“Khi đồng minh tháo chạy”,
(Cơ sở Xuất bản Hứa Chấn Minh, San Jose, 2005)
Ngay
trên bìa cuốn sách, bên dưới có dòng chữ “Sao
chúng không chết phức cho rồi”, dịch thoát từ câu nói của Henry Kissinger “Why don’t these people die fast” (đây
cũng là tiểu đề của Chương 13). Có thể coi đó là câu nói khiếm nhã mà người miền
Nam “ghét cay, ghét đắng” Ngoại trưởng
Kissinger dưới thời Tổng thống Richard Nixon.
Năm
1979, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã có một cuộc phỏng vấn trên báo “Der
Spiegel” (Tấm Gương, Đức) về cuốn hồi ký của Henry Kissinger. Chỉ vài tuần sau,
Kissinger đã gửi cho Tổng thống Thiệu một lá thư riêng (không đề ngày) với lời
lẽ rất nhã nhặn để trình bày sự việc trong cuốn hồi ký. Bức thư có đoạn viết:
“Tôi có thể hiểu được
sự cay đắng của ngài… Cuốn sách của tôi không ngớt lời ca tụng lòng can đảm và
tư cách của ngài… Tôi không trông đợi thuyết phục được ngài nhưng ít nhất tôi
có thể tin tưởng rằng lòng ân hận và kính trọng ngài vẫn còn trong tôi.
“Với những lời chúc tốt
đẹp nhất.
Henry Kissinger”
(hết
trích)
Tiến
sĩ Hưng viết: “Khi viện trợ Mỹ bị cắt từ 25
tỉ đô la xuống còn 700 triệu đô la, ông Thiệu chua xót: "Mới vài ngày trước
đây là 1 tỉ, bây giờ 700 triệu, tôi làm gì được với số tiền này? Như là chuyện
cho tôi 12 đô la và bắt tôi mua vé máy bay hạng nhất từ Sài Gòn đi Tokyo vậy"
(sách đã dẫn, trang 223).
Trong
cơn khủng hoảng, Sài Gòn vừa cầu cứu Quốc hội Hoa Kỳ, vừa xin vay nợ nhiều nơi
trên thế giới như ở Pháp, Nhật và gõ cửa cả hoàng cung của xứ dầu hỏa Saudi
Arabia. Nhiều lúc Tiến sĩ Hưng phải dẹp bỏ tự ái khi lui tới Quốc hội Hoa Kỳ
trong vai trò “không khác gì một kẻ ăn
xin”.
Nhân
dịp phát hành cuốn sách, đài VOA có
phỏng vấn và ghi lại phát biểu của ông như sau:
"Tôi có 4 động
cơ chính khi viết sách này:
“Thứ nhất, tôi muốn đặt
lại vai trò và trách nhiệm của Hoa Kỳ. Do cơ duyên lịch sử run rủi, tôi đã được
chứng kiến những gì đã xảy ra đằng sau hậu trường bang giao Việt-Mỹ vào những
ngày tháng cuối cùng; và nghĩ là đã đến lúc viết ra một cách trung thực những
gì mình đã chứng kiến để soi sáng cho lịch sử.
“Thứ hai: tôi muốn
nói lên tiếng nói về phía Việt Nam. Rất nhiều sách đã được viết về thời gian kết
thúc cuộc chiến, phần nhiều rất là thiên lệch, nhất là sách của các tác giả người
Mỹ, họ viết theo quan điểm của họ.
“Thứ ba: tôi nghĩ đặc
biệt đến giới trẻ Việt Nam, họ rất hoang mang, không hiểu rõ lịch sử, không đủ
tài liệu để đọc. Nhiều em học sinh và sinh viên viết những bài essay về Việt
Nam dựa trên tài liệu của thư viện hoặc Internet, tôi thấy có nhiều bài rất
ngây ngô, thiên lệch. Tôi nghĩ rằng nếu tiếp tục để các em viết như thế này thì
lịch sử sẽ không được trung thực. Vì thế tôi đã cố gắng ghi lại các tài liệu bằng
tiếng Anh và để trong phần phụ lục cho các em tham khảo. Ví dụ như câu của Tiến
sĩ Henry Kissinger: "biết ơn không phải là đặc tính của người Việt
Nam", nếu chúng ta để các em trích câu đó vào các bài của mình thì làm sao
đúng được.
“Lý do sau cùng: tôi
nghĩ rằng tôi có trách nhiệm với chính cá nhân tôi sau khi có cơ hội được gần Tổng
thống Thiệu và Đại sứ Martin trong những ngày tháng cuối cùng, và sau năm 1975,
đã được tiếp xúc rất nhiều với hai nhân vật này, đã được nghe và ghi lại nhiều
điều tâm huyết".
(hết
trích)
Đại sứ Graham Martin trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu
Trước
đó, năm 1986, Tiến sĩ Hưng viết cuốn “Palace
File” và được dịch ra tiếng Việt với nhan đề “Hồ sơ mật Dinh Độc Lập” (HSMDĐL). Sách viết về mối bang giao Việt-Mỹ
trong những năm cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam, nhất là những biến cố xoay
quanh hoà đàm và Hiệp định Paris (1973) về việc chấm dứt Chiến tranh Việt Nam.
Cà
hai cuốn sách nói trên ra đời trong sự “khen
– chê” của cộng đồng người Việt tại hải ngoại cũng như trong nước. Trên
BBC, Nguyễn Kỳ Phong nhận xét:
“Về căn bản, “Khi đồng
minh tháo chạy” không có gì mới so với “HSMDĐL”… Trong khi trong HSMDÐL có những
chi tiết có thể gây ra tranh luận, nhưng những chi tiết đó được trình bày với dẫn
chứng và bằng sử liệu. Nhưng trong KÐMTC, nhiều chi tiết đã làm độc giả gãi đầu
vì tác giả không cung cấp một tài liệu nào để chứng minh cho những nhận định
đưa ra".
Cũng
trên BBC, có đăng ý kiến trái chiều của Nguyễn Tường Tâm:
“Với 705 trang đầy ắp
những dữ kiện, trong đó rất nhiều dữ kiện chưa từng được công bố liên quan tới
bang giao giữa Hoa Kỳ và VNCH cho tới ngày tàn cuộc, cuốn “Khi đồng minh tháo
chạy” xứng đáng là cuốn hay nhất trong các cuốn sách cùng loại. Cuốn sách không
cần phải đọc lần lượt từ đầu tới cuối mà có thể chọn bất cứ chương nào mình
thích để đọc trước, điều đó giúp cho người đọc cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái...
Ngoài thể bút ký, cuốn sách thực sự là "một công trình nghiên cứu khoa học
có giá trị...”.
“Khi đồng minh tháo
chạy” được
chia làm 5 phần: (1) Làm sao thoát khỏi vũng lầy; (2) Thân phận tiểu quốc; (3) Khi
đồng minh tháo chạy; (4) Rước của nợ hay được của có?; và (5) Nhìn lại lịch sử.
Ngoài ra, phần cuối sách còn có “Thay Lời Cuối”: Thiện tâm của nhân dân Hoa kỳ.
Năm
phần chính được chia thành 20 Chương với những tiểu đề rất kêu và rất “sốc”
như: Hãy giúp chúng tôi / Một ân huệ cuối cùng; "Sao chúng không chết phứt
cho rồi!"; Vào để giúp… Ra lại bắn nhau?; Cái gậy và củ cà rốt...
Ngay
trong “Lời nói đầu”, tác giả đã khẳng
định:
“Điều mà cuốn Khi đồng minh tháo chạy” muốn nhấn mạnh, nhất là cho người Việt Nam chúng ta rõ, là cung cách mà một số chính khách Hoa Kỳ, đặc biệt là ông Kissinger, và phần nào, hai ông Nixon, Ford cũng như một số Nghị sĩ, Dân biểu với con mắt thiển cận, đã hành xử đối với nhân dân Miền Nam. Nó phản bội nguyên tắc ‘’minh bạch’’ (transparency) của thể chế Dân Chủ, và đi ngược lại tinh thần công bình của đại đa số nhân dân Hoa Kỳ. Trong bóng tối, trước hết hai ông Kissinger, Nixon đã dùng thủ đoạn ép buộc Miền Nam đi theo đường lối của mình, mục đích chính chỉ là để cho Quân đội Mỹ rút đi, và tù binh được thả về. Khi Chính phủ Miền Nam phản kháng thì đe dọa với ‘’cái gậy’’ (đảo chánh và cắt viện trợ), và hứa hẹn với ‘’củ cà rốt’’ (bảo đảm hòa bình và viện trợ đầy đủ)”.
Phần
cuối cuốn sách, Tiến sĩ Hưng viết một đoạn thật chua chát:
“Miền Nam đã đi vào
dĩ vãng. Nhưng còn tàn dư của cuộc chiến, và đối với những người bại trận thì
sao đây? Chẳng thấy ông Tổng thống Ford bình luận gì, hay là muốn lờ đi chăng?
Chỉ thấy báo chí nói tới chính phủ đang cho di tản gấp rút số người Mỹ và một số
người làm cho Mỹ. Nghe tin tức từ hành lang Quốc hội là tất cả cũng chỉ 50.000
người Việt thôi, tôi nhất định hoạt động tối đa để cứu vớt đám người đang tuôn
ra Biển Đông”.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Hưng và tác phẩm “Khi đồng minh tháo
chạy”
Ở
một thái cực khác, cuốn “Decent Interval”
của Frank Snepp được Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh dịch sang tiếng Việt với
cái tên khá mỉa mai: “Cuộc tháo chạy tán
loạn”, người dịch Ngô Dư.
Frank
Snepp là một nhân viên tình báo CIA (Central Intelligence Agency – Cơ quan Tình
báo Trung ương) của Hoa Kỳ. Nhiệm kỳ đầu tiên của Snepp khi đến Sài Gòn là từ năm
1969 đến 1971 trong vai trò một nhân viên tình báo. Lần thứ hai từ tháng 10/1972
cho đến ngày Sài Gòn thất thủ.
Trong
“Decent Interval”, Frank Snepp kể lại
một giai thoại về Graham Martin, đại sứ Mỹ cuối cùng tại Sài Gòn:
“Một hôm, ông nói với
tôi: ‘Tôi là một người theo Jefferson. Chúng ta phải đối xử với người Việt Nam
như Jefferson đã dạy chúng ta cách đối xử với đồng bào. Xen vào công việc của họ
càng ít càng tốt'… Nhưng sau khi Sài Gòn thất thủ, ông đã thổ lộ với một đồng
nghiệp ở bộ ngoại giao: Chưa bao giờ ông tin người Nam Việt Nam cả, làm như họ
thua trận là họ đã phản lại ông”.
Martin
triệt để lợi dụng sự tín nhiệm của Tổng thống Nixon để tỏ rõ quyền lực của minh.
Ông từ chối chưa đi Sài Gòn chừng nào mà Nhà Trắng chưa dành cho ông một máy
bay riêng. Trong những buổi họp hoặc thảo luận với nhân viên, ông không ngừng
nhắc lại rằng cấp trên duy nhất của ông là Kissinger. Do đó, khi đón tiếp vị Bộ
trưởng Ngoại giao, ông ta để Kissiger ngồi bên trái mình.
Theo
Snepp, trong số các cơ quan của sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, bộ phận khó điều khiển
nhất là Phái bộ quân sự với 400 nhân viên quân sự, 50 cựu sĩ quan quân đội và 2.500
viên chức dân sự Mỹ làm việc theo hợp đồng. Mùa Hè năm 1973, Washington giảm số
nhân viên ở đây xuống mức thấp nhất.
Mặc
dù có ngưng bắn, Martin đã phản đối kịch liệt việc thu hẹp số nhân viên này.
Ông cho rằng văn phòng của tùy viên quân sự rất cần cho sự sống còn của Sài Gòn
và Cơ quan Thông tin (United States Information Service – USIS) sẽ bổ sung và đối
chiếu với cơ quan tình báo CIA.
Ông
cũng cho rằng phái bộ quân sự rất cần đối với ông để dò xét thái độ của người Việt,
trong đó có cả Tổng thống Thiệu. Ông vẫn cho rằng nhà binh thường kính trọng lẫn
nhau nên ông đề nghị với tướng Murray và bộ tham mưu nắm chặt giới quân sự Nam
Việt Nam.
Sở
thông tin Hoa Kỳ cũng đã tăng cường nhân viên của mình tại Sài Gòn. Giám đốc cơ
quan này là Alan Carter, không phải là người của Martin và hơn thế, không đồng
ý với nhận định “xấu xa” về giới báo chí của ông Đại sứ.
Carter
tán thành việc tiếp xúc thân mật, trực tiếp với báo chí và phản đối việc coi họ
là kẻ thù. Tuy nhiên, ông nhanh chóng bị bỏ rơi, không được dự các buổi họp nội
bộ do Đại sứ chủ tọa, không được xem các bức điện gửi đến. Còn Đại sứ thì ra lệnh
tất cả các câu hỏi của giới báo chí, đều phải đưa cho John Hogan, một nhân viên
kỳ cựu dưới thời đại sứ Bunker.
Theo
Snepp, Hogan được giữ lại làm việc vì đã tâng bốc những ý kiến của Martin.
Chính Hogan - nghề chính là viết những bài hát - được giao nhiệm vụ thảo những
bài đả kích cay độc của Đại sứ chống giới báo chí.
Tòa Đại sứ Hoa Kỳ trước năm 1975
Trong
tất cả các nhân viên ở sứ quán, người nguy hiểm nhất đối với Martin là Tom
Polgar, thủ trưởng của Frank Snepp, người gốc Hungary. Polgar có những nguồn
tin độc lập và điều khiển cơ quan một cách độc lập, không có gì để phải sợ ông Đại
sứ. Ông cho rằng chi nhánh CIA đã cung cấp những tin tức rất có lợi cho Martin
và chính Martin nợ Polgar chứ không phải ngược lại.
Tuy
vậy, trong các nhân viên cao cấp ở sứ quán, chính Polgar lại là người tỏ ra
kính trọng và nể phục Martin nhất. Mặc dù hai người có nhiều điểm không giống
nhau và có khi chống đối nhau, nhưng cuối cùng, hai người trở thành hai con ngựa
kéo chung một cỗ xe, rất hợp nhau.
Snepp
thêm một chi tiết về tính khôi hài của Polgar: “Trong văn phòng của ông có một bức tranh đáng chú ý, phác họa một Việt
cộng đâm ngọn giáo vào một con voi trong khi có một Việt cộng khác đang giơ cao
một cái búa lớn định đập nát đầu con thú. Dưới bức tranh, có chú thích:
"Cuộc tiến công cuối cùng của Việt cộng: pháo binh nặng".
Theo
Snepp, cả Hà Nội và Sài Gòn cũng lấn chiếm “vùng giải phóng” một cách trái phép,
vi phạm những qui định của Hiệp định Paris năm 1973 về Việt Nam. Quân Bắc Việt thực
sự không đánh quân VNCH bằng vũ khí mà lại tiến vào những vùng phòng thủ yếu nhất
nhưng lại có nhiều khả năng kinh tế.
Trong
những tháng sau ngừng bắn, trên thị trường Nam Việt Nam, giá cả tăng 65%, số
người thất nghiệp tăng vùn vụt sau khi người lính Mỹ cuối cùng ra đi. Viện trợ
kinh tế của Washington giảm nhiều do lạm phát trên thế giới. Điều bi đát là chiến
tranh ở Trung Đông, do cấm vận dầu lửa nên giá “vàng đen” của các nước Ả Rập
tăng gấp bốn lần.
Rõ
ràng chiến thuật của Hà Nội là đánh chớp nhoáng để làm suy yếu nền kinh tế và
gây hoang mang trong dân. Ngày 6/11/1973, khoảng một sư đoàn quân đội Bắc Việt mở
cuộc hành quân chiến thuật đầu tiên, tiêu diệt ba vị trí tiền tiêu ở phía Tây Bắc
Sài Gòn.
Có
sự trùng hợp là lúc ấy Quốc hội Mỹ đang tranh luận gay gắt về việc hạn chế quyền
của Tổng thống trong việc sử dụng lực lượng quân sự. Ngày 7/11, Hạ nghị viện
cũng như Thượng nghị viện đều bác bỏ phủ quyết của Tổng thống và thông qua “Luật
đặc biệt”, ghi rõ những hạn chế.
Luật
về quyền trong thời chiến nói rằng: “Không
được Quốc hội chuẩn y thì Tổng thống không được phép cho lực lượng Hoa Kỳ tham
chiến quá 60 ngày”. Hà Nội biết rất rõ quyết định này cũng như tình trạng “bất
lực” của Nixon.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng thống Richard Nixon
Cơ
quan tình báo Mỹ ở Sài Gòn theo dõi chặt chẽ tình hình chính trị ở Hà Nội. Họ mở
những cuộc “tấn công chiến thuật” và cơ
quan tình báo của Snepp nhận được rất nhiều báo cáo của các nhân viên.
Về
phần mình, Polgar không chỉ gửi bức điện riêng cho CIA, ông còn muốn phổ biến rộng
rãi trong các giới chính thức ở Washington. Do đó, tự ông làm một bản báo cáo
chống lại. Ông viết:
"Không có một chứng
cớ nào chứng tỏ tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn sa sút. Trái với điều
báo chí đăng, những nhiệm vụ chính của chính phủ tiếp tục được thực hiện. Cảnh
sát Quốc gia duy trì trật tự công cộng, không có bãi công, thư từ chạy đều dù
đó không phải là tình hình của một số nước có trình độ phát triển hơn”.
“Rõ ràng là phần lớn
dân cư tiếp tục sống bình thường và trong cái xã hội độc ác này, họ rất biết
xoay sở. Mỗi ngày, họ cũng tỏ ra chịu đựng, dễ bảo và tháo vát. Số dân tăng 3%
mỗi năm, điều đó chứng tỏ sức sống và sự tin tường vào tương lai của họ. Ở Việt
Nam, không phải chỉ có những kẻ nghèo hay kẻ dốt mới biết sinh đẻ".
(hết
trích)
Sự
phân tích của Polgar thành thật đến mức… buồn cười. Nhưng bộ chỉ huy CIA ờ
Washington từ chối không gửi bản báo cáo của ông đến những quan chức cao cấp
như Kissinger, Tổng thống Nixon và nhiều người khác. Snepp viết:
“Đó là lần thứ nhất
trong nghề nghiệp của tôi, tôi thấy người ta không đếm xỉa gì đến việc nghiên cứu
tại chỗ những tin tức”.
Frank Snepp
***
Chúng
ta đã lướt qua 2 cuốn sách đã dẫn, được viết bởi hai người: Việt Nam và Hoa Kỳ.
Chúng ta cũng thấy rõ quan điểm của từng tác giả. Có điều chúng ta không biết gọi
ngày 30/4/1975 bằng từ ngữ nào cho chính xác.
Cuộc
tháo chạy của người Mỹ khỏi một cuộc chiến không lối thoát ư? Hay đó là tình trạng
đồng minh rút quân bỏ lại một người bạn đã từng sát cánh trong một cuộc chiến?
Đó là “bỏ rơi”, “phản bội” hay “bội ước”?
Có
người lại cho rằng miền Nam Việt Nam chỉ là một con chốt trên bàn cờ chính trị
quốc tế. Nếu nghĩ như vậy, việc “thí chốt” sẽ là điều bình thường trong một ván
cờ. Nhưng người ta quên rằng, “con chốt” cũng có những suy nghĩ của nó chứ
không hoàn toàn “vô tri, vô giác”!
Cũng
vì lý do đó, cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn “rỉ máu” đối với cả kẻ thắng lẫn
người thua, người Việt cũng như người Mỹ!
***
*
Tham khảo: “TT Nguyễn Văn Thiệu trả lời
phỏng vấn báo Der Spiegel về cuốn hồi ký của Henry Kissinger”
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét