Tôi có một bà cô họ nhưng tuổi chỉ hơn tôi vài năm. “Bà cô” có nick trên Facebook là Hương Kiều Loan (HKL), kể lại kỷ niệm với nhà thơ Cung Trầm Tưởng qua một bài viết ngắn tại: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=804688640756656&id=100036465834079):
“Ngày xa xưa ấy, tôi còn nhóc con, nhưng hân hạnh được ông đề tặng cho tập thơ nhạc "Tiễn em" dù ông chưa hề gặp mặt, chỉ xem cuốn album toàn chân dung của HKL do Nguyễn Kỳ chụp (Tâm Đạt mượn mang về, Tâm Đạt là em ruột của ca sĩ Tâm Vấn).
“Tâm Đạt, Trưng Vương, hơn tôi mấy lớp. Là nhóc tỳ nhưng thuở đó "chơi trèo " vì hoạt động văn nghệ, văn gừng trong khi các bạn TV cùng đệ của tôi phải gọi các TV hơn mấy lớp là sư tỷ. Hình như nhà thơ Cung Trầm Tưởng, rất thân với gia đình chị Tâm Vấn, hay lại nhà chơi. Nên cơ duyên mới xem cuốn album.
“Tập thơ nhạc được Tâm Đạt trao lại, tôi rất quý những cuốn sách được tác giả ký tặng, nên để riêng trên một kệ sách, nếu không có biến cố 75, thì những cuốn sách quý đó vẫn còn! Tiếc thay!
“Lần chót nói chuyện với ông, tôi có nhắc đến tập thơ ông tặng ngày xưa, và nhắc vài kỷ niệm của ông và GS. NXV [Nguyễn Xuân Vinh] mà anh Vinh kể tôi nghe nhiều lần những kỷ niệm của hai người khi ở Pháp (họ có họ hàng).
“Nay hai nhân tài đã gặp nhau ở một thế giới khác. Xin thành kính phân ưu cùng gia đình nhà thơ Cung Trầm Tưởng.
Cũng là một “nhóc tì” nhưng yêu
văn-thơ-nhạc từ hồi còn học Trung học trên Ban Mê Thuột nên tôi chẳng
khác gì “bà cô” ở Trưng Vương, Sài Gòn. Lúc đó, thật tình mà nói,
tôi thích bài “Tiễn em” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ Cung Trầm
Tưởng hơn là mảng văn thơ của ông.
Ông tâm sự: “Tôi làm những bài thơ về Paris đó là có thật. Lẽ dĩ nhiên khi làm thơ thì mình cũng lý tưởng hóa nó một chút, tất cả về tóc vàng mắt xanh là có thật. Thời đó tôi học ở trường Pháp cứ bị mang tiếng là Tây con, đã sẵn có ngôn ngữ Pháp và văn hóa Pháp thấm nhuần trong người thành ra sang bên đó mình không bị lạ lẫm. Tôi gặp một số mối tình dù rằng không vĩnh viễn nhưng nó đánh giá những kỷ niệm đầu đời của mình”.
Đó là “chuyện tình xa xứ”. Một chàng thanh niên người Việt du học Pháp, có người yêu “tóc vàng mắt xanh”… và những cuộc chia tay trên “Ga Lyon đèn vàng” đã trở thành một hình ảnh vừa lãng mạn lại vừa mới lạ với người thưởng thức.
“Tuyết rơi mỏng manh buồn
Ga
Lyon đèn vàng
Cầm
tay em muốn khóc
Nói
chi cũng muộn màng…”
…
“Lên xe tiễn em đi
Chưa
bao giờ buồn thế
Trời
mùa Đông Paris
Suốt
đời làm chia ly”
Xin nói thêm, “Ga Lyon đèn vàng” không phải là ở thành phố Lyon như nhiều người lầm tưởng. Mà đó chính là một trong sáu ga chính ở thủ đô Paris, với tên đầy đủ là “Paris-Gare-de-Lyon”.
Người con gái tóc vàng rời Paris tròn 3 tháng để về Marseille, là thành phố miền Nam nhìn ra Địa Trung Hải có nắng ấm, có biển muối mặn, tốt hơn cho sức khỏe của nàng. Như vậy, 3 tháng được được nhà thơ làm tròn thành “100 ngày xa cách”.
Trong bài viết “Luyến niệm một Thiên Đàng đã mất!”, Cung Trầm Tưởng viết về Paris:
“Riêng cá nhân tôi đã tìm được ở Paris một không gian nhân sinh thuận lợi - thứ đất lành chim đậu - cho tôi có cơ hội để phát triển đời sống trí tuệ của mình, sống một cuộc sống sung mãn, thanh thỏa, quảng giao, phóng khoáng, hòa nhã, ở đẹp với mọi người, nhờ đó mà gieo được những hạt mầm tốt cho việc hình thành con người tương lai của mình”.
Bài thơ “Tiễn em”, xuất hiện trong
“Tình ca”, xuất bản năm 1959. Và đó cũng là một sự kết nối “nhuần
nhuyễn” giữa ba nhân vật (nhà thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc sĩ Phạm Duy
và họa sĩ Ngy Cao Uyên). Mỗi người đều có riêng nhận xét của mình
về “Tình ca”:
- Cung Trầm Tưởng: “Tôi đã tìm được hồn nhạc ở Phạm Duy và nét vẽ ở Ngy Cao Uyên”
- Phạm Duy: “Tôi cảm mến thơ Cung Trầm Tưởng vì qua âm điệu mình đọc được chính cảnh ngộ của mình”
- Ngy Cao Uyên: “Tôi diễn tả thơ Tình Ca bằng một vài nét tượng trưng… như thế thì mới có vẻ “thơ”
Sự kết hợp “thơ-nhạc-họa” quả là một “bước
đột phá trong sáng tác” vào thời đó. “Tình ca” có đến sáu bài trên
tổng số 13 bài thơ của Cung Trầm Tưởng do Phạm Duy phổ nhạc, cộng thêm với
những nét vẽ trừu tượng của Ngy Cao Uyên.
Cung Trầm Tưởng cũng nhìn nhận:
“Tôi đã có ý định thực hiện sự hợp tác tay ba này… nhưng điều khó khăn đầu là tìm được một hồn nhạc và một nét vẻ cảm mến thơ của mình… Ngoài là nhạc sĩ và họa sĩ, còn có một tâm hồn rất thi sĩ. Tôi chẳng cần biện minh hộ, cứ thưởng thức tác phẩm của họ là hiểu ngay… Ngoài ra, họ cũng từng sống những phút giờ như tôi, nghĩa là từng chờ đợi ở vườn Lục-Xâm, từng tiễn đưa ở một nhà ga…”
Cựu Trung Tá Không quân VNCH Cung Thức Cần (nhà thơ Cung Trầm Tưởng)
Pham Duy đã có lần tâm sự về chuyện
phổ nhạc:
“Thoạt đầu tìm một thể nhạc, thích hợp và bài thơ rồi chia bài thơ thành từng đoạn. Phân tích âm điệu, tìm tòi nét nhạc; sau cùng ghép lại, sửa đổi cho sáng tác tròn trặn, nhạc và thơ song hành cùng nhau”.
Nguyễn Cao Uyên cho biết:
“Trong Tình Ca, tôi diễn tả thơ bằng một nét vẽ rất tượng trưng. Theo tôi, như thế thì mới có vẻ “thơ”… Tôi chỉ muốn tượng trưng Tình Ca bằng một trái tim thơ, thơ nhạc họa bằng một người đàn bà và một cái bút lông. Có thế thôi!”
Bộ ba Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy, Ngy Cao Uyên
Rõ ràng là phổ thơ và họa thơ là một kỹ
thuật đòi hòi rất nhiều khó khăn và sự tinh tế. Để hài hòa, làm thơ
phải sao cho cả nhạc sĩ lẫn họa sĩ đều có một sự rung cảm đồng
điệu. Hóa ra, ngoài những người yêu thơ như chúng ta còn phải có sự
đồng cảm của giới nghệ sĩ!
Đã có quá nhiều bài viết về Cung
Trầm Tưởng kể từ khi ông qua đời ngày 9/10/2022 ở Minnesota, Hoa Kỳ, hưởng
thọ 90 tuổi.
Tôi chỉ xin viết về những cảm xúc của người hâm mộ thơ ông, trong đó có những kẻ, dù chỉ là những người hồi xưa chỉ là “nhóc con” như tôi tại xứ Ban Mê hay “bà cô” học sinh Trưng Vương, Sài Gòn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét