Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

Bonjour Vietnam!

 

Năm 2005, một hiện tượng (phải nói là “hi hữu”) đã xảy ra trong sinh hoạt ca nhạc của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đó là bản nhạc “Bonjour Vietnam” xuất hiện rộng rãi trên Internet và được rất đông người Việt yêu thích.

Đầu tiên, người ta chú ý đến tác giả của nhạc phẩm là một người Pháp nhưng ca sĩ lại là một thiếu nữ người Việt sống tại Bỉ. Không bỏ lỡ cơ hội “ngàn năm một thưở”, Trung tâm Thúy Nga đã tổ chức nhiều đêm diễn tại hải ngoại và thu hút rất đông khán giả người Việt khắp nơi.

Tháng 5/2008, Chương trình Paris by Night 92 đã chính thức đưa hát bài "Hello Vietnam" bằng tiếng Pháp và Việt qua băng video lưu hành khắp thế giới của người Việt tỵ nạn.

Đến cuối năm 2008, bài hát này cũng đã được biểu diễn nhiều lần trong các chương trình âm nhạc của Đài truyền hình Việt Nam nhân dịp cô ca sĩ (sinh ngày 16/1/1987 tại Bỉ) lần đầu tiên được nhìn thấy quê hương. 

Cha cô đã từng là du học sinh tại Bỉ, trước khi ở lại làm bác sỹ… và mẹ cô làm y tá tại bệnh viện ở Long Thành, Đồng Nai. Cô em gái Lisa, sinh năm 1992, cũng học tập và lập nghiệp tại Bỉ nhưng tất cả các thành viên trong gia đình chưa từng về lại Việt Nam kể từ ngày 30/4/1975.

Sinh sống tại Bỉ, nhưng gia đình cô vẫn nói tiếng Việt, ăn những món ăn Việt và nhớ về những phong tục tập quán của người Việt. Chỉ có một điều là cô ít bạn bè người Việt. Người ca sĩ với mái tóc đen tuyền, phát âm tiếng Pháp “chuẩn” của Paris nhưng tiếng Việt cũng không kém phần hoàn thiện qua sự giáo dục của gia đình là… Phạm Quỳnh Anh!

 

Quỳnh Anh & “Bonjour Vietnam”

 

Với năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, năm 2002, Quỳnh Anh đã vượt qua hơn 1.000 thí sinh để giành giải nhất cuộc thi mang tên “Pour la Gloire” của đài truyền hình RTBF (Bỉ) khi mới 13 tuổi. Từ cuộc thi này, giọng ca gốc Việt may mắn gặp và cộng tác với nhạc sỹ tài năng người Pháp, Marc Lavoine.

“Bonjour Vietnam” được nhạc sỹ Marc Lavoine sáng tác và 2 năm sau, Guy Balbert dịch sang tiếng Anh với tựa đề “Hello Vietnam”. Bản nhạc đã trở thành một hiện tượng kỳ lạ về sự thành công mang tính cách… quốc tế.

Ca từ giản dị, ý nghĩa được truyền tải bằng giọng ca ngọt ngào, trong trẻo của cô gái gốc Việt đã khiến “Bonjour Vietnam” trở thành một trong những bài hát về Việt Nam vừa độc đáo lại vừa truyền cảm.

“Hãy kể tôi nghe về màu da, mái tóc và đôi bàn chân đã cưu mang tôi tự thuở chào đời.

Hãy kể tôi nghe về căn nhà, con đường, hãy kể tôi nghe những điều chưa biết

Về những phiên chợ nổi trên sông và những con thuyền tam bản bằng gỗ.

Tôi chỉ biết quê hương qua những hình ảnh của chiến tranh

Bạn hãy nói cho tôi biết chăng, về họ, tên mà tôi đã mang, về miền quê mà tôi ngày đêm luôn nhớ mong.

Lòng tôi mong biết đất nước tôi, đất nước đã có bao đời”

 

Phạm Quỳnh Anh

 

Cơ duyên đến với cô gái bé nhỏ khi cuối năm 2011, lần đầu tiên Quỳnh Anh được trở về Việt Nam. Giọng ca “Bonjour Vietnam” đã khoác lên mình tà áo dài truyền thống, chia sẻ trong sự bối rối, lạ lẫm và xúc động. Quỳnh Anh đã có lần tâm sự:

“... Tôi chỉ có thể xúc động khi nói về Việt Nam, cội nguồn của tôi, sự tha phương, nguồn gốc... Tôi có nhu cầu tìm lại quá khứ để hiểu hiện tại và tạo dựng tương lai. Điều làm tôi xúc động hơn cả là câu chuyện tôi kể, câu chuyện của tôi, đã nhờ những người khác mà sống lại. Quan trọng hơn nữa tôi được kết nối với họ thông qua bài hát này.

...

“Thế nhưng, khi đến sân bay, rồi ở Việt Nam những ngày này, tôi cảm thấy rất thân quen. Khi đi dạo trên phố Sài Gòn, nhìn vào ánh mắt của mọi người xung quanh, tôi cảm thấy thân thương đến ngạc nhiên vì mọi thứ đều có rất cảm giác quen thuộc.

“Tôi đã được đi ăn món Huế, ăn Phở Pasteur, vị của phở ngon và khác hơn nhiều so với phở Việt ở châu Âu. Tôi được nhìn ngắm phố xá đông đúc, chật ních xe cộ.

“Tôi được về thăm một ngôi trường cũ mà mẹ tôi từng học ở Long Thành rồi đi viếng mộ ông tôi. Trong tôi dấy lên cảm giác kỳ lạ vì thấy gắn bó. Tôi chụp rất nhiều hình về khoe với ba mẹ vì hơn 20 năm qua họ chưa về lại...

(hết trích)

 

Phạm Quỳnh Anh

 

Trong đêm diễn đầu tiên, Quỳnh Anh đã bật khóc vào giữa bài hát. Nỗi khao khát được trở về từ trong sâu thẳm khiến cô gái xúc động. Riêng nhạc sĩ Marc Lavoine ông đã thổ lộ trong một cuộc phỏng vấn với báo chí ngày 30/5/2006 tại Pháp:

“Tôi viết Bonjour Vietnam là vì nữ ca sĩ Quỳnh Anh. Khi gặp cô ấy, tôi đã thấy trong cô hình ảnh dịu dàng, ngây thơ của người phụ nữ châu Á, nhìn thấy nét đẹp của một nền văn hóa. Khi biết cô ấy là người gốc Việt, trong tôi gợi lên những hình ảnh của một quá khứ chiến tranh. Tôi nhớ những câu chuyện về những đứa trẻ nạn nhân của chiến tranh mà tôi từng được nghe, từng được đọc khi còn trẻ.

...

“Chuyện chiến tranh bây giờ đã thành quá khứ, nhưng cái bóng đen ấy vẫn cón ám ảnh nhiều người. Vẫn còn những bi thảm tiếp tục. Vẫn còn những chia phân trong hồn người…

“Tôi nhớ đến bộ phim chiến tranh “Apocalypse Now” của Francis Ford Coppola, tôi đã liên tưởng đến những đứa trẻ lang thang, nghèo khó mà tôi gặp gỡ trong lần đi thăm đất nước Campuchia. Đó cũng là một đất nước bị tàn phá vì chiến tranh. Tôi chỉ mất độ ba hoặc bốn ngày gì đó để hoàn tất bài hát, thời gian rất ngắn để tìm giai điệu và viết ca từ.

(hết trích)

 

Marc Lavoine

 

Hiện tại, Quỳnh Anh đã tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ, văn học Pháp và Latin tại Université Libre de Bruxelles (Bỉ). Bên cạnh âm nhạc, cô còn hoạt động trong ngành truyền thông tại quốc gia được mệnh danh là "Trái tim của Châu Âu".

Ngày nay, giọng ca gốc Việt khá im ắng trên các phương tiện truyền thông, hiếm hoi lắm mới xuất hiện trong những bài phỏng vấn nhỏ. Dù theo đuổi âm nhạc, nhưng Phạm Quỳnh Anh chưa tạo được tên tuổi vững chắc trong làng nhạc châu Âu, chỉ tỏa sáng và trở thành một hiện tượng với “Bonjour Vietnam”.

Phần lớn người Việt tại hải ngoại đều đã từng nghe ca khúc “Bonjour Vietnam” ít nhất một lần trên các phương tiện truyền thông như TV, mạng xã hội, các buổi nhạc hội và thậm chí cả khi ngồi máy bay về thăm quê cũ.

 

Phạm Quỳnh Anh

 

Dù bản nhạc chưa được hoàn chỉnh lắm (theo lời nhạc sĩ Marc Lavoine), nhưng khi Phạm Quỳnh Anh hát rất được khán giả ngưỡng mộ. Ít có bản nhạc gây ra tâm trạng phấn khích đối với người xa xứ với điệp khúc “Un jour, j’irai là bas” (Một ngày nào, tôi sẽ trở về nơi chốn đó) khiến người nghe phải mềm lòng.

Một ngày nào đó, “Bonjour Vietnam” sẽ là câu chào của người xa quê vì một lý do nào đó chưa thể trở về thăm đất mẹ. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, có những người trở về thường xuyên như... đi chợ!

Họ về rình rang như một đám rước theo kiểu “áo gấm về làng”, “vinh quy bái tổ”... Không phải vì nhớ quê mà vì sự khoa khoang, muốn cho mọi người thấy được sự sang trọng giàu có của mình tại xứ lạ, quê người.

Một lần nữa, ngày 30/4 lại trở về. “Bonjour Vietnam”, quê hương không còn trong khói lửa, không còn tiếng trực thăng vần vũ như trong chiến tranh ngày nào... nhưng hình như lòng người vẫn chưa yên! 

 

***

* Nguyên văn “Bonjour Vietnam” bằng tiếng Pháp:

“Racontes moi ce mot étrange et difficile à prononcer

Que je porte depuis que je suis né

Racontes moi le vieil empire et le trait de mes yeux bridés

Qui disent mieux que moi ce que tu n’oses me dire

Je ne sais de toi que des images de la guerre

Un film de Coppola et des helicopteres en colère.

Un jour j’irai là bas, un jour dire bonjour à mon âme.

Un jour j’irai là bas, pour te dire bonjour Vietnam

“Racontes moi ma couleur, mes cheveux et mes petits pieds

Qui me porte depuis que je suis née

Racontes moi ta maison, ta rue

Racontes moi cet inconnu

Les marchés flottants et des sampans de bois

Je ne connais de mon pays que des photos de la guerre

Un film de Coppola et des hélicopteres en colère.

Un jour j’irai là bas, un jour dire bonjour à mon âme

Un jour j’irai là bas, pour te dire bonjour Vietnam

“Les temples et les Boudhhas de pierre pour mes perès

Les femmes courbées dansc les rizières pour mes merès

Dand la prière, dans la lumierè revoir mes frères

Toucher mon âme, mes racines, ma terre

Un jour j’irai là bas, un jour dire bonjour à mon âme

Un jour j’irai là bas, pour te dire bonjour Việt Nam

Te dire bonjour... Vietnam.

Xem tại https://www.youtube.com/watch?v=uJ-t9PM4nbs

 

Phạm Quỳnh Anh

 

*Bản dịch lời Việt:

“Vẫy chào Việt Nam, kể cho tôi nghe cái tên khó gọi, khi nằm nôi thuở mới chào đời, kể về những triều đình xưa cũ...

Ðôi mắt xếch dấu vết một thời, nói rất nhiều những điều khó ngỏ, khi Việt Nam hình ảnh chiến tranh, những trực thăng lưng trời cuồng nộ, phim Coppola khói lửa ngút quanh

Một ngày nào tôi về chốn đó, chào thân mến linh hồn quê hương. Một ngày nào tôi về chốn đó, chỉ một câu Việt Nam yêu thương. Nói với tôi màu da, mái tóc, đôi chân nhỏ từ lúc sơ sinh, nói với tôi ngôi nhà thân thuộc, những hẻm đường, làng mạc bao tình. Phiên chợ nổi họp trên sông nước, thuyền tam bản trời đất lênh đênh. Sao chém giết vẫn hoài trí nhớ.

Những đoạn phim khói phủ trời xanh, những trực thăng lưng trời cuồng nộ. Quê mẹ tôi quặn thắt đoạn đành. Một ngày nào tôi về chốn đó, chào thân mến linh hồn quê hương. Một ngày nào tôi về chốn đó, chỉ một câu Việt Nam yêu thương.

Tôi sẽ về ngôi chùa lạy Phật, nguyện cầu thay cho người cha xa. Nhìn thiếu phụ khom lưng trên đất, gửi ân cần lời mẹ thiệt thà. Cùng nguyện cầu dưới vầng trăng tỏ, đêm anh em hội ngộ thiết tha. Dãi tấm lòng về nơi cố thổ, đất linh thiêng nguồn cội một nhà. Một ngày nào tôi về chốn đó, chào thân mến linh hồn quê hương. Một ngày nào tôi về chốn đó, chỉ một câu Việt Nam yêu thương. Một ngày nào tôi về chốn đó, chào Việt nam yêu dấu lạ thường.

* “Bonjour Vietnam” tiếng Việt và Anh xem tại:

https://www.youtube.com/watch?v=94y6svVU4so

 

***

1 nhận xét:

  1. Taxi Xuyên Mộc dịch vụ taxi giá rẻ tại Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu

    Trả lờiXóa

Popular posts