Đó là “ngày
mà mọi chuyện có thể xảy ra tùy theo mức độ tưởng tượng của chuyện
“phong thần”. Người nghe chuyện “có tin” hay “không tin” còn tùy…
nhưng người kể chuyện lại hoàn toàn “vô can” vì nó xảy ra trong một
ngày mà cả thế giới thừa nhận trong suốt nhiều thế kỷ qua.
Trong ngày này, những người thích đùa thường cố gắng lừa những người thân, bạn bè của họ tin vào điều gì đó không đúng sự thật, nhưng một cách vô hại và hài hước. Sau màn đùa và lừa, người đùa thường hét lên "Cá tháng tư" để giải tỏa thắc mắc và tiết lộ trò đùa.
Đó là “ngày mà mọi người có toàn quyền… nói xạo” mà không ai có thể bắt lỗi! Mục đích là để xả stress trong suốt một năm dài phải đối phó, vật lộn với “cơm-áo-gạo-tiền”. Chỉ trong một ngày thôi, mọi người được phép quên hết những khó khăn của cuộc sống để tìm lại “nụ cười” từ lâu đã vắng bóng.
Phương Tây gọi đó là “April Fools’ Day” hay còn có tên là “Poisson d’Avril”, nhằm ngày 1/4 hằng năm. Một số sử gia cho rằng ngày này bắt đầu từ năm 1582, khi đó nước Pháp thực hiện việc chuyển đồi từ Lịch Julian sang Lịch Gregorian.
Nhiều người vẫn quen với lịch cũ, không biết là năm mới bắt đầu từ 1/1. Họ đã bị nhiều người khác chọc ghẹo bằng cách gắn phía sau lưng hình một con cá mang tên “poisson d’avril”, tượng trưng cho một con cá con mà ai cũng có thể bắt được vì quá… ngây thơ!
Một số người lại tin rằng April Fools’ Day có nguồn gốc từ...
La Mã với một lễ hội được gọi là “Hilaria” thường được cử hành vào
ngày 25/3 mỗi năm. Lễ hội vui nhộn và các đối tượng chọc ghẹo không
chừa một ai, kể cả các tu sĩ!
Truyền thống “April Fools’ Day” đã trải qua nhiều thế kỷ được tiến hành vào ngày 1/4 để đánh dấu sự châm chọc. Cũng vì thế, các phương tiện truyền thông luôn lấy ngày này làm đề tài để nhắc lại một ngày đáng nhớ qua các mẫu chuyện bịa đặt nhưng không kém phần hài hước.
Trước ngày 1/4/1856, có tin đồn những
con sư tử trên chiếc tháp nổi tiếng The
Tower of London sẽ được “làm vệ
sinh” vào ngày April Fools, lần cuối cùng sư tử được rửa ráy là
cách đó hai thập niên. Du khách đua nhau mua vé vào xem mới chưng hửng
vì đó là “chiêu” tiếp thị vì các con thú vẫn... “ở dơ” chứ không hề được tắm rửa!
Năm 1957, BBC kể lại chuyện những nông
dân người Thụy Sĩ đã thu hoạch một vụ mùa spaghetti… từ trên cây.
Chuyện hoang đường này xuất hiện trên tuyền thông vào ngày 1/4/1957 và
người đọc cảm thấy thích thú dù vẫn hiểu rằng đây chỉ là chuyện “cá tháng tư”!
Năm 1972 có tin con thủy quái hồ Loch
Ness đã trồi lên khỏi mặt nước qua một bức ảnh chụp... Bức hình chỉ
là một “trò đùa dai” bằng kỹ thuật Photoshop của một nhiếp ảnh gia
nhân April Fools’ Day!
Phóng viên George Plimpton của tờ tạp chí thể thao Sports Illustrated vào ngày “April Fools’ Day” năm 1985 đã viết về Sidd Finch, một ngôi sao bóng chày của Mỹ, đã có thể ném quả bóng với “tốc độ 168 dặm/giờ”.
Mãi đến cuối câu chuyện, người đọc mới té ngửa, đây chỉ là điều mà mọi người có quyền kể những câu chuyện “xạo ke” trong ngày… bốc phét!
Ngày 1/4/1989, đài truyền hình tại Seattle phát đi một tin thuộc loại “breaking news” về sự sụp đổ của Space Needle. Trước đó có hình ảnh của ngọn tháp hình cây kim bị sụp đổ qua kỹ thuật Photoshop.
Quả thật đây là một “trò đùa quá lố” khiến một số khán giả bị rúng động bằng cách điện thoại tới tấp đến số 911, một số người còn tình nguyện tham gia lực lượng cấp cứu. Đài truyền hình phải xin lỗi khán giả vì trò đùa “quá mức” này!
Ngay cả chuyện nghiêm túc là chính
trị cũng không bị bỏ quên. Năm 1992, trong bản tin của National Public Radio có tin cựu Tống
thống Richard Nixon (đã từ nhiệm sau vụ Watergate) bỗng tuyên bố “sẽ ra ứng cử Tổng thống… một lần
nữa”. Hóa ra đó chỉ là tin “cá
tháng tư” mà nhà đài tung ra nhân “April
Fools’ Day”!
Trong lãnh vực quảng cáo thương mại có những tin “động trời”, không kém phần “giựt gân”. Mạng lưới thức ăn nhanh Taco Bell năm 1996 công bố kế hoạch mua lại chiếc chuông Liberty Bell ở Philadelphia và sẽ đổi tên thành Taco Liberty Bell!
Hai năm sau, Burger King lại cho “nổ” tin sẽ có một sản
phẩm mới mang tên “bánh burger dành
riêng cho “những người... thuận tay trái” xuất hiện trên trang quảng
cáo của tờ USA Today.
Cũng may là cả Taco Bell và Burger King chỉ “nổ” nhân April Fools thôi chứ chưa biến giấc mơ thành hiện thực!
Riêng đối với người Việt, 1/4 là ngày đầu tháng vui vui, mỗi năm chỉ một lần, nhưng ngày cuối tháng lại là ngày thất thủ Sài Gòn, 30/4/1975. Đầu tháng 4 thì cười với April Fools nhưng đến cuối tháng lại là những năm tháng thật sự điêu linh với hầu như tất cả mọi người!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét