Vào ngày
26/4/1954, 9 quốc gia (Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Cộng, Pháp, Lào, Campuchia, Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Quốc gia Việt Nam) đã nhóm họp tại Genève (Thuỵ Sĩ) để
bàn về việc khôi phục hòa bình tại Triều Tiên và Đông Dương.
Hội nghị tái nhóm vào ngày 8/5/1954 và đã trở thành cuộc “mặc cả” và “đi đêm” giữa Việt Minh và thực dân Pháp. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Minh đòi chia đôi Việt Nam kể từ vĩ tuyến 13 (ngang với Tuy Hòa). Nhưng trước sức ép của Liên Xô và Trung Cộng, Việt Minh chấp thuận đề nghị dời lên vĩ tuyến 17, thuộc tỉnh Quảng Trị.
Đại diện
phía Quốc Gia Việt Nam luôn luôn phản đối việc chia cắt đất nước. Bác sĩ Trần
Văn Đỗ đã ra một bản tuyên ngôn với những lời lẽ gay gắt:
“Chúng tôi long trọng phản đối việc ký kết hấp tấp thỏa hiệp ngưng chiến do hai cơ quan Tư Lệnh Tối Cao Pháp và Việt Minh… yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp Định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của nhân dân Việt Nam”.
Sở dĩ phái đoàn Quốc Gia Việt Nam phải chống đối kịch liệt việc chia cắt đất nước, vì thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, đất nước cũng bị chia đôi bởi giòng sông Gianh và là một vết nhơ trong lịch sử Việt Nam.
Sông Gianh (còn gọi là Linh Giang) dài khoảng 160 km, cắt qua Quốc lộ 1 ở tây bắc. Sông Gianh là ranh giới thời Trịnh–Nguyễn phân tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570-1786). Cuộc xung đột vũ trang kéo dài gần nửa thế kỷ (từ 1627 đến1672).
Sông Bến Hải,
nằm ở vĩ tuyến 17, dài chừng 100 km với nơi rộng nhất khoảng 200 m, thuộc huyện
Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, được Hiệp định Genève chọn làm ranh giới
giữa hai miền Nam Bắc với chiếc cầu Hiền Lương (183 m) bắc ngang.
Đúng 12 giờ
đêm ngày 20/7/1954, Hiệp Định vẫn chưa được ký nên đồng hồ trong phòng họp
ngưng chạy cho đến khi bản Hiệp Định ra đời. Trên thực tế, Pháp và Việt Minh đã
phải vội vã ký kết vào lúc 3 giờ 50 sáng ngày 21/7/1954, nhưng Hiệp định vẫn đề
ngày 20/7/1954 với chữ ký của đại diện Pháp và Việt Minh.
Nội dung Hiệp Định có những điểm chính như sau: Hai bên có 300 ngày để di chuyển nhân sự, hai năm sau (ngày 20/7/1956) sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, Ủy Ban Quốc Tế Giám Sát việc thi hành gồm 3 quốc gia: Ấn Độ, Ba Lan và Canada.
Hiệp định Genève cũng cấm phá hủy cơ sở trước khi rút quân, cấm trả thù hoặc ngược đãi những người đã cộng tác với đối phương, cấm đưa thêm quân đội, vũ khí hoặc lập căn cứ quân sự ở vùng đối phương.
Hiệp Định cũng ấn định một thời gian chuyển tiếp để dân chúng hai miền được quyền tự do lựa chọn đi theo chính phủ Cộng Sản hay Quốc Gia. Phía Quốc Gia có thời hạn tập trung dân chúng 80 ngày tại Hà Nội, 100 ngày ở Hải Dương và 300 ngày tại Hải Phòng để xuôi Nam.
Tại Miền Nam, những người muốn theo Việt Minh để ra Bắc có thể tập trung tại Hàm Tân 80 ngày, Bình Định 100 ngày và Cà Mâu 300 ngày để di chuyển về Miền Bắc. Người dân Miền Nam di cư về Bắc rất ít, chủ yếu là thân nhân bộ đội tập kết ra Bắc.
Tổng kết
tính đến ngày di tản cuối cùng vào tháng 3 năm 1955, đã có khoảng gần 1 triệu
người theo “Con Đường Đến Tự Do”
(Passage to Freedom) từ Bắc vào Nam. Đa số là người theo đạo Công Giáo… nhưng khi
thời gian di cư chấm dứt, nhiều người vẫn tiếp tục vượt biên bằng thuyền bè hoặc
bơi qua sông Bến Hải.
Lập trường của
phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do, giới tuyến
quân sự không được coi là “biên giới quốc
gia” và chỉ tồn tại cho đến khi hoàn thành Tổng tuyển cử để thành lập Chính
phủ Liên hiệp.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị ở thế tương đối “bị động” do sự thiếu thông tin từ việc phải đặt căn cứ ở vùng rừng núi, không kiểm soát được các thành phố lớn và thiếu một hệ thống tình báo chiến lược có hiệu quả.
Phía Việt Nam cũng tỏ ra thiếu kinh nghiệm, cũng vì thiếu thông tin nên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không đánh giá được hết ý đồ của các nước lớn trong đó có vai trò của Trung Quốc, tham vọng của Anh và Hoa Kỳ cũng như không nắm được hết những mâu thuẫn giữa những nước lớn với nhau.
Tại Hội nghị, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đã dành toàn bộ bài phát biểu đầu tiên cho việc đòi đại diện các lực lượng kháng chiến Pathet Lào và Campuchia (Khmer Issarak) phải được tham dự như các thành viên bình đẳng. Tuy nhiên, các nước phương Tây bác bỏ đề nghị này vì vấn đề tại Lào-Campuchia là một vấn đề khác.
Lập trường ban đầu của Trung Quốc giống với Việt Nam là giải quyết cùng một lúc vấn đề ở ba nước Đông Dương. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5, sau khi Việt Nam chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc chuyển sang ủng hộ quan điểm của các nước phương Tây.
Cả Pháp lẫn Việt Nam đều xác định Điện Biên Phủ là trận chiến quyết định vị thế hai bên trước khi bước vào bàn đàm phán. Chính phủ chủ chiến ở Pháp gặp nhiều sức ép trong nội bộ, vị thế Đảng Cộng sản Pháp trong Quốc hội được nâng cao và giải pháp Bảo Đại không phát huy tác dụng.
Pháp muốn có một lối thoát trong danh dự khỏi cuộc chiến cũng như bảo vệ các lợi ích còn sót lại tại Đông Dương. Ban đầu phái đoàn Pháp tham dự Hội nghị giữ lập trường khá cứng rắn: đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để xoa dịu dư luận và để chính phủ của Thủ tướng Laniel tránh bị mất tín nhiệm, đồng thời tranh thủ thời gian cứu nguy cho quân đội Pháp ở Đông Dương.
Phía Pháp chủ trương chỉ giải quyết vấn đề quân sự theo kiểu Triều Tiên, nghĩa là ngừng bắn và giải giáp tại chỗ những lực lượng không chính quy mà không có giải pháp chính trị.
Sau một thời gian giữ lập trường cứng rắn thì Pháp gánh chịu thất bại lớn ở trận Điện Biên Phủ, nội các của thủ tướng Laniel bị nhân dân Pháp lên án, buộc phải từ chức ngày 12/6/1954.
Phe chủ chiến ở Pháp bị đánh đổ, ngày 18/6, khi nhậm chức, Mendès France tuyên bố sẽ từ chức nếu trong vòng một tháng không đạt được ngừng bắn ở Đông Dương. Pháp muốn rút khỏi chiến tranh Đông Dương trong danh dự đồng thời duy trì những lợi ích kinh tế và ảnh hưởng văn hoá tại Lào, Campuchia và Miền Nam Việt Nam.
Pháp không chấp nhận phương án vĩ tuyến 13 của Việt Nam với lý do chính quyền Bảo Đại vẫn cần phải có Huế, đồng thời Pháp vẫn cần Đường 9 để tiếp tế cho Lào từ Biển Đông, mất Tây Nguyên thì sớm hay muộn Việt Nam Dân chủ Cộng hóa cũng sẽ chiếm Nam Việt Nam.
Pháp đề xuất vĩ tuyến 18 để ép Việt Nam phải từ bỏ vùng kháng chiến ở khu vực miền Trung gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, những địa bàn có lực lượng Việt Minh rất mạnh cả về chính trị lẫn quân sự.
Ngày 4/6/1954, trước khi Hiệp định Genève được ký kết 6 tuần, Thủ tướng Pháp đã ký tắt dự thảo Hiệp ước Matignon với Thủ tướng Quốc gia Việt Nam. Bản dự thảo dự kiến công nhận Quốc gia Việt Nam hoàn toàn độc lập khỏi Chính phủ Pháp và là thành viên của khối Liên hiệp Pháp.
Mặt khác, Hiệp ước Matignon mới chỉ được ký tắt dưới dạng ghi nhớ giữa 2 Thủ tướng chứ không phải nguyên thủ cao nhất của 2 bên là Tổng thống Pháp René Coty và Quốc trưởng Bảo Đại, nên nó vẫn chưa có hiệu lực pháp lý.
Bảo Đại đã đến Pháp từ tháng 4 và dự định rằng vấn đề chữ ký chính thức sẽ được giải quyết trong 2-3 tuần, nhưng dự định này đã tắt ngấm khi Hiệp định Geneve diễn tiến quá nhanh. Sau khi Hiệp định Genève được ký, Hiệp ước Matignon đã trở nên không còn hiệu lực. Đại diện phái đoàn Quốc gia Việt Nam ra một tuyên bố riêng:
"Việc ký hiệp định giữa Pháp và Việt Minh có những điều khoản gây nguy hại nặng nề cho tương lai chính trị của Quốc gia Việt Nam. Hiệp định đã nhường cho Việt Minh những vùng mà quân đội quốc gia còn đóng quân và tước mất của Việt Nam quyền tổ chức phòng thủ. Bộ Tư lệnh Pháp đã tự ấn định ngày tổ chức tuyển cử mà không có sự thỏa thuận với phái đoàn quốc gia Việt Nam... Chính phủ Quốc gia Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở."
Tuy vậy, lời phản kháng và đề nghị của đại diện Quốc gia Việt Nam đã không được Hội nghị bàn tới. Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ từ Genève tuyên bố với báo chí:
"Từ khi đến Genève, phái đoàn không bao giờ được Pháp hỏi về ý kiến về điều kiện đình chiến, đường phân ranh và thời hạn Tổng tuyển cử. Tất cả nhưng vấn đề đó đều được thảo luận ngoài Hội nghị, thành ra phái đoàn Việt Nam không làm thế nào bầy tỏ được quan điểm của mình".
Tuy lên tiếng phản đối, nhưng sau khi hiệp định được ký kết, Chính phủ và quân đội Quốc gia Việt Nam vẫn cùng quân Pháp tập kết về phía nam vĩ tuyến 17, bởi họ vẫn là thành viên của Liên hiệp Pháp.
Ngày 28/4/1954, Ủy ban Bảo vệ Bắc Việt Nam của Quốc gia Việt Nam tìm cách kêu gọi dân chúng di cư vào Nam. Một kế hoạch di cư được đặt ra và một Uỷ ban di cư được thành lập. Ngày 30/7/1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phát biểu cổ vũ dân chúng miền Bắc di cư với khẩu hiệu “Chúa đã vào Nam”.
Sau đó, hậu thân của Quốc gia Việt Nam là Việt Nam Cộng hòa, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đã từ chối tổ chức tuyển cử thống nhất Việt Nam, trái với Tuyên bố chung của Hiệp định.
Chính phủ Hoàng gia Campuchia mong muốn hoàn toàn độc lập, đồng thời chấm dứt chiến tranh trên lãnh thổ Campuchia. Lực lượng Khmer Issarak phải giải giáp, đổi lại Chính phủ Campuchia chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử tự do được bầu ra.
Lập trường của Chính phủ Hoàng gia Lào tương tự Chính phủ Campuchia. Lào mong muốn hoàn toàn độc lập và chấm dứt chiến tranh trên lãnh thổ Lào. Lực lượng quân sự Pathet Lào phải tập kết về hai tỉnh Phongsaly và Xamneua dưới sự giám sát quốc tế, đổi lại Chính phủ Lào chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử tự do bầu ra Chính phủ mới trong đó những thành viên Pathet Lào có thể tham gia với tư cách là ứng cử viên hoặc cử tri.
Nước Anh không muốn dính líu vào cuộc tái xâm lược của Pháp ở Đông Dương cùng với Mỹ nhưng cũng không muốn gây tổn hại đến quan hệ đồng minh với Mỹ. Anh kiên trì khuyên Mỹ trì hoãn những hành động quân sự tại Đông Dương bao gồm việc thành lập khối SEATO cho đến khi "lực lượng cộng sản đưa ra giải pháp hoà bình" được Mỹ chấp thuận do đó không phải lựa chọn ủng hộ hay không ủng hộ Mỹ.
Ngoài ra, Anh chủ trương ủng hộ Pháp thương lượng trên thế mạnh. Đồng thời Anh cũng đề nghị các nước thân Anh tham gia Hội nghị loại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khỏi Hội nghị. Tuy nhiên đề xuất của Anh bị Liên Xô bác bỏ do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là bên tham chiến trực tiếp với Pháp.
Ngay trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc một tháng, Hoa Kỳ đã yêu cầu Pháp bằng mọi cách không được thất bại do lo ngại phong trào Cộng sản sẽ lan rộng khắp Đông Nam Á.
Phái đoàn Hoa Kỳ từ chối ký Hiệp định Genève nhưng ra tuyên bố nước này "sẽ coi mọi sự tái diễn của các hành động bạo lực vi phạm Hiệp định là điều đáng lo ngại và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế".
Trong tuyên bố của mình, đối với sự chia cắt Việt Nam trái nguyện vọng của hai miền Nam - Bắc, chính phủ Mỹ cũng nêu rõ quan điểm "tiếp tục cố gắng đạt được sự thống nhất thông qua những cuộc tuyển cử tự do được giám sát bởi Liên Hợp Quốc để bảo đảm chúng diễn ra công bằng".
Kết thúc Hội nghị Genève, trưởng phái đoàn Chính phủ Mỹ tuyên bố ghi nhận và cam kết tôn trọng quyết định của các bên tham gia Hội nghị Genève. Nhưng liền sau đó, chính Tổng thống Mỹ lại tuyên bố: "Hoa Kỳ không tham dự vào những quyết định của Hội nghị Genève và không bị ràng buộc vào những quyết định ấy".
Cũng như Tổng thống của mình, thượng nghị sĩ (4 năm sau trở thành Tổng thống) John F. Kennedy tuyên bố: "Nó (Quốc gia Việt Nam) là con đẻ của chúng ta. Chúng ta không thể từ bỏ nó".
Mục tiêu của Liên Xô là ngăn chặn nguy cơ chiến tranh vượt ra khỏi phạm vi Đông Dương khiến phương Tây đoàn kết lại ủng hộ Mỹ. Liên Xô cũng muốn ngăn ngừa việc quốc hội Pháp thông qua kế hoạch thành lập Cộng đồng Phòng thủ châu Âu. Đồng thời Liên Xô muốn tạo dựng hình ảnh là người bảo vệ hoà bình thế giới và nâng đỡ vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Liên Xô chỉ quan tâm tới các vấn đề ở châu Âu còn các vấn đề ở Châu Á - Thái Bình Dương, Liên Xô phó thác toàn bộ cho Trung Quốc. Do giữ được độc lập và tự chủ trong đường lối đối ngoại nên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã biết cách hóa giải quan điểm này của Liên Xô.
Hội nghị Genève là cơ hội quan trọng để đưa Trung Quốc thành một thế lực chính tại châu Á. Lúc này, do Trung Quốc vừa bước ra khỏi Chiến tranh Triều Tiên với nhiều tổn thất, đồng thời, Mao Trạch Đông cũng đang chuẩn bị thực hiện Đại Nhảy Vọt nên cần nhiều nguồn lực.
Trung Quốc lúc này không muốn chiến tranh ở Đông Dương tiếp diễn để không phải chi viện cho các nước Đông Dương. Về mặt chính trị, Trung Quốc cũng muốn nhân cơ hội này để nâng cao vị thế và tranh thủ sự ủng hộ của các nước phương Tây.
Để thực hiện mục đích của mình, Trung Quốc đã cử một phái đoàn rất lớn gồm 200 người là những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Chu Ân Lai đứng đầu.
Bên cạnh đó, vào lúc này Trung Quốc chưa có bom nguyên tử hay phương tiện để tấn công Hoa Kỳ nên nước này cũng lo ngại việc chiến tranh tiếp diễn sẽ khiến Hoa Kỳ sử dụng bom nguyên tử ở Việt Nam, thậm chí là cả ở Trung Quốc.
Trước đó, Trung Quốc đã biết Hoa Kỳ có kế hoạch tấn công đảo Hải Nam để hỗ trợ Đài Loan. Tuy nhiên, thông tin này sau đó được phía Hoa Kỳ xác nhận là sẽ không thực hiện vì Hoa Kỳ không muốn tiếp tục đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.
Trung Quốc thoả hiệp với các nước phương Tây trong giải pháp phân chia lãnh thổ bất lợi đối với lực lượng bản xứ chống Pháp tại các nước này. Để kêu gọi sự ủng hộ của Liên Xô đối với các lập trường của Trung Quốc, phái đoàn Trung Quốc đã cố tình cung cấp thông tin sai lệch về tình hình chiến trường Điện Biên Phủ khiến cho Liên Xô không tin rằng Việt Nam sẽ thắng trận và lên các phương án đàm phán không có lợi cho Việt Nam.
Mục tiêu cao nhất của Trung Quốc là mong muốn các bên ký kết một hiệp định về Đông Dương để tránh mọi sự can thiệp của Mỹ. Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc Chu Ân Lai ra tuyên bố:
"Ba nước Đông Dương sẽ không tham gia vào bất cứ khối liên minh quân sự nào và không một nước ngoài nào được phép thành lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ." Tuyên bố của Trung Quốc kết thúc bằng câu "Chúng ta hãy hết sức tin tưởng và tiếp tục đấu tranh để bảo vệ hoà bình thế giới."
Trong cuộc đàm phán giữa các bên, Trung Quốc giờ đây lại giữ vai trò thúc đẩy phía Việt Nam nhân nhượng, đặc biệt từ ngày 10/7/1954, Trung Quốc ngày càng thúc ép Việt Nam chịu thiệt thòi, họ cho rằng điều kiện đưa ra nên giản đơn, rõ ràng để dễ đi đến hiệp thương, không nên làm phức tạp để tránh Hoa Kỳ có lý do phá hoại.
Ngày 23/6, trong cuộc tiếp xúc với phái đoàn Pháp, Chu Ân Lai thể hiện lập trường không có lợi cho Việt Nam trên bàn đàm phán, như cho Pháp biết quân tình nguyện Việt Nam sẽ rút khỏi Lào và Campuchia, Trung Quốc sẵn sàng công nhận Chính phủ Vientiane và Chính phủ Phnom Penh.
Phía Việt Nam đã phải chấp nhận nhượng bộ rất nhiều nhưng có hai điều khoản phía Việt Nam cương quyết phải có đó là Tổng tuyển cử và giới tuyến quân sự tạm thời không được coi là biên giới quốc gia.
Nhân kỷ niệm
70 năm ngày ký Hiệp định Genève 20/7/1954, chúng ta cần nhìn lại lập trường của
các bên liên quan để thấy rằng “bàn cờ
chính trị” luôn dựa theo chính kiến riêng của từng quốc gia tham dự.
Có điều câu nói “mạnh được, yếu thua” vẫn là cốt lõi của vần đề!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét