Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Nhà văn nữ tại hải ngoại viết về tình dục

Ngày nay, một số nhà văn nữ đã nổi lên như một hiện tượng văn học tại hải ngoại. Trong số những cây bút nổi bật phải kể đến Lê Thị Thấm Vân [1], Trịnh Thanh Thuỷ [2], Nguyễn Thị Thanh Bình [3], Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Trân Sa… Đó là thế hệ các nhà văn nối tiếp những tên tuổi đã một thời làm mưa làm gió trên văn đàn trước 1975 tại quê nhà: Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ và Trùng Dương [4].

Dòng văn học Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố song hành với lịch sử của đất nước. Theo Trịnh Thanh Thủy, văn học Việt Nam trước năm 1975 tựa như một gốc cây bị chia làm hai nhánh Nam-Bắc. Sau 1975, hai nhánh đó, gồm trong nước và ngoài nước, phát triển song song với nhau.

“Hai nhánh tương tác lẫn nhau nhưng vẫn giữ nét đặc thù riêng biệt. Nhánh hải ngoại có nhiều cơ hội tiếp cận văn hoá khác nhau của thế giới nên trở thành đa dạng và đa văn hóa. Trong nước, có sẵn tiềm năng với một lực lượng đông đảo sẽ đậm đà bản sắc dân tộc hơn”.

Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình lại có nhận xét: “Ở hải ngoại, mấy năm nay cũng có báo động về sự lão hóa trong văn chương, những trì trệ trong những sinh hoạt in ấn phát hành. Có người nói rằng ở hải ngoại đang được hít thở không khí tự do đủ mọi mặt, nghĩa là tha hồ viết, tha hồ in, tha hồ tung cánh khỏi vòng vây kiểm duyệt, tha hồ tung hứng, cho rất nhiều nhưng chẳng nhận bao nhiêu… nhưng cũng có những ý kiến tự cho rằng mình vẫn còn bị những sức ép hay áp lực lúc viết”.

Trong bài viết "Sex: dưới mắt nhìn của người viết nữ Việt Nam", Trịnh Thanh Thủy nhận xét: “Có quá nhiều người nghĩ rằng bất cứ truyện viết nào dính líu đến tình dục là khiêu dâm. Điều này xa với sự thật. Một câu chuyện có tình dục trong đó, có thể gợi tình nhưng không có nghĩa là nó thuộc loại khiêu dâm.

Văn chương tiểu thuyết từ lâu đã được chấp nhận là một thể loại truyện chính yếu đi sâu vào cuộc thám hiểm kinh nghiệm sống con người một cách nghiêm túc. Một trong những kinh nghiệm sống của con người là tình dục. Viết về tình dục là đề cập đến một khía cạnh nhân bản nhất của đời sống”.

Hiện tượng văn chương nữ tại hải ngoại đã và đang gây chú ý nhưng vẫn còn thiếu những nhìn nhận có tính cách công bằng. Một phần cũng vì thiếu những nhà phê bình, lý luận có công tâm.

Tuy nhiên, nếu so sánh riêng hai thế hệ những nhà văn nữ trước 1975 tại Việt Nam và những cây bút đương thời ở hải ngoại, người ta thấy ngay một điểm chung: đa số họ khai thác vấn đề tình dục. Đó là một trong những đề tài muôn thuở của văn chương, luôn hấp dẫn thị hiếu của đông đảo người đọc.

Tuy vậy, có đều rất rõ là thế hệ nhà văn nữ đi trước tại miền Nam còn tương đối dè dặt, chừng mực, cả từ tư tưởng đến bút pháp khi đề cập đến tình dục và tính dục. Ngược lại, những cây bút ngày nay ở hải ngoại đã tiến xa hơn lớp đàn chị từ cách suy nghĩ đến lối hành văn.

Người đọc chắc chắn bị sốc khi gặp đoạn văn sau đây trong "Xứ Nắng" của Lê Thị Thấm Vân: “Tôi nằm đây, đưa tay phải nhẹ đặt vào nơi đó. Cửa mình của trần gian, cửa mở ra sự sống. Nơi chồng tôi bao lần vục mặt, mân mê chùm lông man dại như rừng rậm hoang dã…”

Henry Miller, cũng đã từng viết: “Tôi dấu chim tôi trong đám lông hoang dại của nàng”. Nhưng, đó là câu của nhà văn người Mỹ, lại là nhà văn thuộc phái mạnh. Thế cho nên, người ta giải thích, trong một xã hội tự do như nước Mỹ, người ta có quyền viết những điều mình suy nghĩ mà không ngại “lưỡi kéo kiểm duyệt”. Vấn đề quan trọng là những gì mình viết ra có được người đọc chấp nhận hay không.

Cũng vẫn Lê Thị Thấm Vân trong "Âm Vọng": 

“Vú mình con không bú mà chỉ toàn đàn ông con trai bú, mút, ngậm, nút, mò, bóp, đè, ngấu, nhai.  Ngồi đếm lại, tổng cộng lại cũng hơn mười đầu ngón tay. Thằng nào cũng thích, từ già đến trẻ, từ Mễ tới Á, mà mình cũng thấy đã đía mới chết cha nhứ!

"Cái vú bên trái mình thích được bú hơn vú bên phải. Cứ mỗi lần thằng cha nào bú là nước l..  mình ứ ra, rồi nước dãi cũng tươm đầy họng, quặn cả bụng, chỉ muốn đ... liền tức khắc.”

Đi quá đà chăng? Trong cái gọi là văn chương có một con đường nhỏ dẫn đến “dâm thư” (porno) mà ngày nay ở Việt Nam được che dấu dưới một cái tên vô thưởng, vô phạt: “Truyện Người Lớn”. Tôi chắc chỉ những người “mới lớn”, chứ không phải "người lớn", mới tò mò tìm đọc những loại truyện này thôi. Đoạn văn vừa dẫn ở trên chắc chắn đang ở giữa lằn ranh giữa tiểu thuyết và dâm thư.

Lê Thị Thấm Vân

Với một tựa đề rất sốc, "Khi âm đạo mở miệng", Thấm Vân đã mô tả một người đàn bà đứng tuổi bị ung thư tử cung tìm hiểu về âm hộ của mình trước khi lìa đời bằng một giọng văn nửa nghiêm trang nửa cười cợt:

“Cái h(á)ang nằm ngay giữa trung tâm thân thể: u tối, heo hút, lạnh lẽo. Lâu lắm rồi, không dấu vết người. Âm đạo, nơi giúp bà kết tụ, cho ra đời đứa con: Tình Mẫu Tử. Cho bà biết thế nào là yêu thương ngây ngất khi giao hợp với chồng: Nghĩa Phu Thê. Phải băng bó mỗi tháng khi có kinh suốt mấy chục năm: Yêu Bản Thân. Thời con gái, khi chưa ai sờ mó, ôi! nó thơm tho đẹp đẽ làm sao! Rồi cũng nhờ nó, một thời giúp nuôi sống bà. Biết bao đàn ông lăn xả vào tìm kiếm sự ấp ủ, hoan lạc, thỏa thuê.   

"Nó có khả năng biết(n) người đàn ông chạm vào là/thành đạo tặc hay đạo hạnh. Rồi giờ đây, cũng vì nó, bà phải lìa xa cõi đời này. Cánh cửa tử/sinh eo xèo như mảnh lụa nhàu nát một cách cố ý, mà một thời nó căng phồng như miếng thạch tươi. Ôi! đóa hoa héo rũ bởi thời gian. Làm thế nào để vẻ đẹp tàn tạ không kém vẻ đẹp thắm tươi? Từng thớ thịt xếp lớp, mềm lả, yêu kiều. Hình tượng con sò, hến, hàu tươi mát, thơm ngon. Bà đưa ngón tay lên mũi, ngửi mùi của mình. Bà đút ngón tay vào miệng, nếm vị của mình”.

Ngoài những ý tưởng lạ đời, người đọc còn chú ý đến lối hành văn cũng lạ lẫm không kém của tác giả: “h(á)ang” hàm ý “háng” và “hang” và biết(n) gồm 2 từ “biết” và “biến”. Đây là cách viết hiếm, mang tính cách sáng tạo, hiếm thấy trong văn chương Việt Nam

“Bao năm qua, bà chỉ chạm nó khi cần rửa sạch. Còn bé, bà đã được dạy rằng, nó là thứ hôi tanh, dơ bẩn, xấu xí phải luôn che giấu. Không được nhìn và sờ. Lớn lên, bà để biết bao bàn tay đàn ông hoang lạ, điếm đàng bỏ tiền ra rờ rẫm, thọc mó, thăm dò nông hay sâu, to hay nhỏ, xấu hay đẹp, mùi vị, màu sắc ra sao, chuyên chở âm thanh gió hay ểnh ương trong đêm tối tăm ngập lụt?

"Giờ đây, khi sắp sửa chấm dứt kiếp nhân sinh, bà mới (đang) tìm lại được, nhưng nó đã héo khô, ủ rũ, u sầu. Ðường nó đi, bình thường như cái hẻm chật chội, nhưng khi cần, nó nở rộng như xa lộ để đưa cả chiến hạm ra trận mạc. The vagina is a metaphor for self-love”.

"Khi âm đạo mở miệng" là trích đoạn trong tiểu thuyết "Bóng gãy của thần tích". Truyện chỉ xoáy quanh “Cái Ðó”, theo chữ của Lê Thị Thấm Vân, nó là... “Đền thờ đền thánh. Là miếu là am. Là sự đời. Là con sò, là cái ao, là cái giếng. Là đóa hoa dại. Là lá sen, lá đa, lá diêu bông. Là phần dưới, chỗ kín. Là âm hộ/đạo, là tử cung. Là cái lồn. Là đồ là đách, là hột le, mồng đốc, lưỡi chim cần câu ghe ghẹ. Là hạt thịt, hột thị. Là bươm bướm, hĩm húm, quạt nan.

"Nó chẳng cần tô son đánh phấn, diện áo mặc quần, đeo trang sức, cài hoa tươi. Lông phủ kín như cỏ mọc quanh nhà, rong rêu bám quanh hòn non bộ. Sắc đỏ, tím, lam, hồng, xanh, nâu nhạt đậm biến đổi không ngừng. Lớp xếp lớp, giáp ranh giới trời đêm, giáp đường ranh tội lỗi, giáp ranh giới niết bàn.

"Mép môi lúc khít lúc hở lúc liền nhau, thể hiện sự liên tục, sướng ngất ngây (được) nhiều lần. Nó phủ nhận chia cắt. Không cần phô trương, không cần chứng tỏ, không cần khẳng định. Không muốn bị khống chế. Không đi chiếm đoạt hay dọa nạt bất kì ai. Là bên trong, giữ kín, ẩn nấp, bí mật”.

Tạp chí Da Màu giới thiệu trích đoạn rời từ Chương I trong "Những Người Đàn Bà Đến Từ Hỏa Tinh", cuốn tiểu thuyết mới nhất (chưa xuất bản) của nhà văn Lê Thị Thấm Vân có đoạn dưới đây viết về Ngân, đứa con gái của một người mẹ làm nghề bán trôn nuôi miệng:

“Tuổi thơ Ngân chuyển đổi theo những căn phòng chật hay rộng để mẹ trưng bày đồ gợi dục: phim ảnh, báo chí, dụng cụ, thuốc thang, đồ lót, nước hoa, nữ trang, mỹ phẩm… Tai Ngân thâu lượm âm thanh rên la, chửi rủa, riết róng, thủ thỉ, lả lơi… từ nhiều giọng khác lạ của nhiều hình dạng đàn ông: tong teo, béo ụ, lùn tịt, cao nhồng… Tiếng thở hổn hển bưng bít căn phòng, mồ hôi bám rít tường, màn cửa đục nhờ do tinh khí tích tụ nhiều người, nhiều năm. Người thật việc thật. Không thể tẩy xóa hay phủ lấp. Cửa mình mẹ như cái nhà không cửa, luôn toác hoác. Cửa mình mẹ là cái lò nướng lúc nào cũng ở 500 độ, thiêu đốt bất kỳ con cặc nào”.

"Mẹ hối hả sống, phóng túng sống, hưởng thụ sống. Khuôn mặt nhầu nhĩ lẫn câng câng của bà buộc Ngân đối diện hằng ngày. Vết nhơ vấy tay rửa mãi không sạch. Vết thương chẳng thể mọc da non. Bà là thế. Trọn đời hành xử phiên bản cũ nhòe không hề mỏi mệt. Cũng là “biệt tài”. Bà vuốt ve, sơn phết cái thân xác mỗi ngày một héo rũ. Bà tin rằng cặc của bọn đàn ông lúc nào cũng sẵn sàng cửng vì mùi háng bà”.

Bài viết này xin tạm ngưng trích Thấm Vân tại đây kẻo người đọc lại nhắc đến… “văn hóa đồi trụy của Mỹ-Ngụy” ngày nào. Một lần nữa, chỉ xin nhắc lại điều đã viết ở trên: 

“Vấn đề quan trọng là những gì mình viết ra có được người đọc chấp nhận hay không?”

Lê Thị Thấm Vân

Để trả lời câu hỏi “Trí thức là gì?”, nhà văn nữ Trịnh Thanh Thủy không ngần ngại trả lời:

quái vật, theo Jean-Paul Sartre,
chui ra từ một âm hộ bình thường
khi chết mang theo khối óc dị thường

Dĩ nhiên câu trả lời đó gặp rất nhiều tranh cãi của cả những người trí thức lẫn không trí thức. Tuy nhiên, xét cho cùng, cách lý giải của Trịnh Thanh Thủy cũng có cái lý của nó dù có đụng chạm đến nhiều người.

Eve Ensler đã viết một kịch bản gây sốc cho nhiều người. Vở kịch có tên "The Vagina Monologues", Trịnh Thanh Thủy dịch là "Âm hộ Độc thoại". Các trường đại học đã đón nhận nồng nhiệt vở kịch này trong những ngày V-Day dành cho phụ nữ. V-Day có thể hiểu là Valentine's Day nhưng còn có nghĩa Vagina’s Day, "Ngày của Âm Hộ".

"Âm hộ Độc thoại" là một vở kịch nổi tiếng đã đoạt giải kịch nghệ Obie Award. Nó được dịch ra 22 thứ tiếng và được trình diễn trên các đại hí viện khắp toàn cầu kể cả các nước châu Á cổ kính như Trung Hoa và Ấn Độ. Những diễn viên điện ảnh lừng danh như Glenn Close, Susan Sarandon, Whoopi Goldberg… đã thay nhau thủ diễn vở kịch độc thoại tại sân khấu New York và London.

Thanh Thủy viết: “Trước tiên ta phải nói, Âm Hộ không phải một từ xấu xa, tục tĩu. Nó là một từ thuộc về sinh vật học. Một thực thể y học. Một cơ quan sinh sản cần yếu. Không có gì là hư hỏng đồi trụy khi ta phải phát âm nó. Bây giờ chúng ta có thể thì thào bằng làn hơi từ đầu cuống phổi. Nào: ÂÂÂâââââmmmmm HHHộộộộộộộộ ... Lớn hơn tí nữa... hơn tí nữa ... Âm Hộ ... Giờ thì la lớn lên... Âm Hộ... Âm Hộ”.

Tác giả viết về kịch bản "The Vagina Monologues"

“Âm hộ độc thoại đã nói lên được những sự thật trần trụi phũ phàng. Nó tập trung vào đối tượng là những vấn đề của phụ nữ. Nó có thể gây ngạc nhiên cho những kẻ trí thức đạo đức giả trong chúng ta kể cả người đã từng đối xử không đẹp với phụ nữ.

"Vở kịch gồm hàng loạt những mẩu độc thoại thường do 4 diễn viên nữ và 1 người điều hành. Những mẩu độc thoại này do Eve Ensler thâu thập được nhờ phỏng vấn trên 200 người phụ nữ từ khắp nơi trên thế giới. Bà có ý định giải phóng phụ nữ ra khỏi những cảm giác hổ thẹn xấu xa về âm hộ và đời sống tình dục.

Thanh Thủy còn bàn rất kỹ về “âm hộ” từ vị trí của một feminist, người tranh đấu cho sự bình đẳng nam-nữ. Trong bài viết "Cái hĩm có răng", tác giả dẫn chứng, cái bộ phận của nữ giới kín đáo như vậy nhưng khi tức giận người ta lại đem nó ra phơi bày trước mọi người trong lúc chửi rủa:

“Đối tượng của nữ giới thường là nữ giới nên họ bắt đối phương ăn uống cái của nhau hoặc đào mồ cuốc mả, bắt gia tộc họ hàng đối phương cùng chịu đựng chung. Mục đích của người chửi là bắt người nghe phải nghe, phải chịu đựng những hành động họ cho là thấp kém và dơ dáy. Tôi đoan chắc rằng lúc chửi, người chửi chẳng hiểu câu mình đang chửi là gì, vì họ chửi theo thói quen, theo những gì họ học được bởi môi trường chung quanh. Họ đâu biết hành động họ cho là xấu xa, Tây phương lại cho đó là một phương pháp gắn bó trong những liên hệ tình dục”.

Nhắc đến bộ phận sinh dục phái nữ, theo truyền thống tam giáo, người phụ nữ Việt Nam hầu như không được phép nói thẳng hay nhắc đến những từ ngữ diễn tả bộ phận sinh lý thiết yếu của mình. Thanh Thủy liên hệ đến bản thân:

“Từ khi còn bé, mẹ tôi đã cảm thấy ngại ngùng khi dạy tôi về nơi chốn bà đã đau đớn sinh ra tôi. Mẹ kêu đó là “con chim”. Có người tránh né gọi “cái ấy, cái đó”. Người Bắc kêu “cái hĩm”, “đồ”, “thuyền”, “cửa mình”.

Người ta thường nói “cái hĩm có răng”. Không riêng gì ở Việt Nam, cụm từ “Vagina Dentata” cũng đã khá phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới. Theo Thanh Thủy, “Nó gợi lên một niềm tin có sẵn trong tiềm thức rằng người đàn bà có thể nuốt chửng hoặc làm hao mòn năng lực kẻ ăn nằm với mình”.

Sigmund Freud cũng phải thốt lên: “Có lẽ không người đàn ông nào không có sẵn một ý tưởng khủng khiếp đe doạ trong đầu là họ bị thiến mất tiêu trong bộ phận sinh dục người đàn bà”.

Hãy tưởng tượng, có một khe hở, một cái hĩm háu đói được trang bị với một hàm răng bén nhọn giờ có quyền năng thống trị, sai khiến cả những xã hội trước kia thường được cai trị bởi những người đàn ông. Hình ảnh này hạ phẩm giá người nam và làm nam giới hãi sợ.

***

Trả lời một cuộc phỏng vấn, Trịnh Thanh Thủy cho biết cô không phải là một feminist mà chỉ là một nhà nghiên cứu xã hội. 

“Tôi làm thơ khi có cảm hứng, viết khi cần cảm thông, dịch khi thấy những đoản văn, cây chuyện hay, thích chia sẻ với mọi người”

Tác giả còn tự vạch cho mình một con đường đi đến văn chương qua lối viết “truyện cực ngắn”. Chẳng hạn như "Chuyện chăn gối" dưới đây chỉ có 169 chữ:

“Xong việc, gã tình nhân thứ nhất ôm nàng lăn ra ngủ. Nửa đêm, gã than nóng, chồm dậy, mở máy lạnh, ôm gối ngủ. Nàng than lạnh, chồm dậy tắt máy lạnh, ôm chăn ngủ. Gã mở, nàng tắt, mở tắt, tắt mở, suốt đêm. Sáng ra, nàng kêu chúng mình không hợp, nghỉ chơi.

"Xong việc, gã tình nhân thứ hai ôm nàng lăn ra ngủ. Nửa đêm, nàng thức giấc than gã ngáy to quá. Gã ngủ, nàng thức, nàng thức, gã ngủ. Suốt đêm, nàng ôm chăn gối vật vã. Sáng ra, nàng ôm chăn gối, chuồn mất không kịp nói sayonara.

"Xong việc, gã tình nhân thứ ba ôm nàng lăn ra ngủ. Nửa đêm gã than lạnh, chồm dậy tắt quạt, ôm chăn ngủ. Nàng than nóng, chồm dậy, vặn quạt, ôm gối ngủ. Gã tắt, nàng mở, tắt mở, mở tắt. Sáng ra, hắn kêu hai đứa mình không hợp, chia tay.

"Nàng sống độc thân ôm chăn gối ngủ một mình”.

Trịnh Thanh Thủy

Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình lại khai thác một khía cạnh của tình dục dưới một góc độ có phần nhẹ nhàng hơn về bút pháp nhưng lại chọn một chủ đề “hắc búa” hơn về tư tưởng và tâm linh. Trong "Mùa xuân ở trần gian", Nguyễn Thị Thanh Bình đã khiến người đọc lạc vào một cuộc tình giữ một nhà sư và một Phật tử tại một ngôi chùa bên Mỹ. Truyện bắt đầu bằng những dòng như sau:

“Cứ mỗi lần Loan trở lại đó, hương yêu thương cũ có dịp bay về. Đâu hẳn chỉ có mùi hương, mà chính là bóng dáng của người đàn ông đã giữ định mệnh Loan. Dĩ nhiên không lúc nào ông ta chịu ra khỏi tim óc Loan.    

"Như lời giao ước ngầm, mỗi năm Loan kiếm cách đến thăm Thiện một lần. Thời gian và không gian không phải bất chợt họ định ra hoặc chọn lựa để phù hợp với hoàn cảnh. Trái lại, họ muốn giữ mãi cái ngày tiền định đầu tiên hai người gặp nhau. Đó là một buổi sớm đầu xuân trời mây xanh ngắt. Ngôi chùa thanh tịnh trên một triền dốc. Phía dưới có con sông nhỏ nằm núp bóng bên những hàng liễu ẻo lả gội nắng. Xa xa là những ghềnh đá xám trắng lô nhô”.

Và đây là những đối thoại rất trần tục giữa cảnh chùa trang nghiêm khi họ gặp nhau, mỗi năm chỉ một lần:

"Họ đút cho nhau từng muỗng súp nóng và Loan thường đòi thêm một chút nhạc ở cái cassette nhỏ. Thiện vẫn hay nhìn nàng nửa đùa nửa thật: “Gặp nhau để nghe nhạc sao Loan? Nghe nhau nói không thích hơn sao?” Loan cười trêu Thiện: “Nhà sư thì còn biết gì chuyện trần gian nữa mà nói?”

"Giọng Thiện bỗng chùng xuống trầm và ấm: “Đừng chọc tôi... nghe cô. Đã trót mang thân phận con người, nhà sư cũng khó dứt được lụy trần.”

"Loan âu yếm nhìn Thiện: “Biết rồi, nói mãi! Ai chứ em dư biết anh là nhà sư vướng lụy. Nhưng đặc biệt mỗi năm chỉ vướng bụi trần có một lần thôi à.”

"Thấy Thiện bỗng lặng yên, Loan trở nên chua chát: “Em là bụi trần chắc làm cay mắt anh lắm thì phải?”

"Đôi mắt Thiện vụt chan chứa cái nhìn dịu dàng chưa từng có: “Khi em đi rồi, anh lại trở về với thế giới tịch mịch của mình. Thời khắc chuyển giao của ngày và đêm lúc đó với anh chẳng có gì thay đổi. Cái lặng lẽ lụn tàn của buổi chiều cũng giống buổi tối im vắng tạnh không. Giữa chúng ta dẫu chưa làm điều gì quá đáng nhưng khi em đi rồi, anh vẫn thường đóng cửa tụng liên tu bất tận những kinh sám hối. Anh biết lòng mình rất yếu mềm vì em.”

Trong truyện có những đối thoại rất… “Phật giáo”, chẳng hạn như: “Nghiệp chướng. Vâng, chắc anh bị quả báo rồi. Chỉ có cách anh hãy cố dứt bỏ em để rửa sạch các nhân ác.”

Và người tu hành giải thích: “Dĩ nhiên em là thứ nghiệp dữ mà anh lỡ hàng phục. Bàn tay em đã đan những vòng tình lụy vào cổ anh. Mỗi năm 365 ngày anh tìm cách phát triển những nghiệp lành thì đến ngày 365, anh đụng phải vòng tình lụy của em như một chướng ngại vật.”

Thiện cũng chỉ là con người khoác áo nâu sòng nên tan biến thật nhanh vào hơi thở ám chướng của Loan. Hơi thở phả vào miền thịt da tưởng đã yên ngủ của Thiện. Hơi thở chạm vào nhân điện thèm thuồng của Thiện. Họ cùng nhận ra linh hồn và tấm hình hài ô trọc của mình đã tấu lên một bản nhạc đầy rung động nhất. Bằng thứ nhạc cụ kỳ bí của tình yêu, bàn tay Thiện rạo rực gảy những bản đàn thánh thót trên thịt da người yêu. Nghe như tiếng tơ chiều vỡ tan những ảo ảnh nâng niu.

“Điều mâu thuẫn, khi Loan muốn kiếm một khách sạn để ngủ qua đêm thì chính Thiện lại mong mỏi Loan ở lại với ngôi chùa trên triền dốc. Thiện bắt Loan học thuộc lòng bài kinh cứu khổ cứu nạn, nhưng chính Thiện lại quên niệm nó khi những ngón tay liêu trai, những quyến rũ trần tục của Loan run chạm đến người chàng. Sáng hôm sau, Loan bỏ đi thật sớm khi Thiện còn quay mặt vào tường ngủ hoặc biết đâu đã thức ở một mùa xuân địa đàng xa xăm nào”.

Cứ như thế, cuộc tình ngang trái kéo dài ba năm nhưng chỉ gói gọn trong 3 lần gặp gỡ. Nguyễn Thị Thanh Bình đưa người đọc đến lần gặp thứ 4 khi Loan đến chùa và nghe kể lại:

“Thầy Thiện tự thiêu hôm qua, đang quàn ở nhà đòn. Trước khi nhập Niết Bàn, thầy đã chuẩn bị sẵn thư tuyệt mạng ... Nghe nói thầy Thiện đã chết cho quê hương, vì quê hương Việt Nam, cho những thân phận con người mà lại không được sống như giống người. Những bắt bớ, những giam cầm, những tu sĩ và muôn loài chúng sinh đang khổ ải ở quê nhà. Đó là những tiếng kêu cứu tắt nghẹn trong bể khổ trầm luân nên thầy ra đi. Thầy muốn được hỏa táng, rải hài cốt dọc theo bờ biển Thái Bình Dương để quay tìm về cố hương. Tội nghiệp thầy còn trẻ quá...”

Theo tôi, Nguyễn Thị Thanh Bình đã dẫn người đọc đến một đoạn kết rất… “có hậu” trong "Mùa xuân ở trần gian". Gỡ được nút thắt giữa Đạo và Đời bằng cách này có thể được coi là giải pháp tốt nhất mà ngay những người đọc là Phật tử cũng không cảm thấy phiền lòng.  

“Kỳ thực vẫn còn một điều có lẽ không quan trọng mấy, đó là nghìn năm sau chuyện tình nàng với Thiện sẽ chẳng một ai biết đến. Loan cũng không tài nào hiểu được lý do gì đã khiến Thiện âm thầm chọn ngày nàng đến để ra đi. Có thể Thiện chỉ muốn đánh động vào bản tâm của nàng, mong nàng thấy được bản tánh yếu mềm của mình chăng?

"Tình yêu ở đâu, chân tánh ở đâu, Loan biết rồi đây nàng sẽ còn thắc mắc mãi! Làm sao Loan có thể trực nhận được chân tánh và tình yêu của Loan, khi nàng chưa thể gạt bỏ mọi tưởng tượng nàng lỡ thêu dệt bấy lâu nay. Thì thôi Thiện mãi mãi là vầng mặt trời rực rỡ và cao ngạo Loan suốt đời chỉ biết ngước lên ngưỡng vọng. Dù sao thứ mặt trời ấy cũng đã mọc lên một tình yêu tinh khôi để vĩnh viễn soi sáng trái tim nàng tăm tối”.

Nguyễn Thị Thanh Bình

Để kết thúc bài viết này, xin trích dẫn ý kiến của nhà văn Trịnh Thanh Thủy:

“Người viết nữ chọn viết về tình dục là chọn con đường chông gai nhiều tai tiếng và sóng gió so với những con đường thênh thang khác. Tôi nhận thấy cái giá họ phải trả cho công việc mà họ yêu mến này thật quá đắt”.   

***

Chú thích:

[1] Lê Thị Thấm Vân:

Tác phẩm đã xuất bản:

  • Đôi bờ (tập truyện ngắn – 1993)
  • Mùa trăng (tiểu thuyết – 1995)
  • Việt Nam ngày tôi trở về (tiểu luận – 1996)
  • Yellow light (thơ – 1998)
  • Xứ nắng (tiểu thuyết – 2000)
  • Âm Vọng (tiểu thuyết – 2003)
  • Bóng gẫy của thần tích (tiểu thuyết – 2005)

Tập truyện ‘Đôi Bờ’ (1993)
của Lê Thị Thấm Vân

Tiểu thuyết ‘Âm Vọng’ (2003)
của Lê Thị Thấm Vân

 [2] Trịnh Thanh Thuỷ:

Bút hiệu khác: Tóc Dài. Định cư tại Nam California, Hoa Kỳ. Cộng tác với: Tiền Vệ, Talawas, Hợp Lưu, Văn, Chủ Đề, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, Người Việt Hải Ngoại.

Tác phẩm [in chung]:

  • Giữa L và C (Tập thơ do Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng phát hành, 2001)

[3] Nguyễn Thị Thanh Bình:

Sinh tại Huế. Đến Hoa Kỳ năm 1975. Hiện cư ngụ tại Virginia. Đồng chủ trương tạp chí Gió Văn (với Hàn Song Tường, Nguyễn Thị Ngọc Nhung và Trân Sa). Cộng tác nhiều báo chí và websites hải ngoại.

Tác phẩm đã xuất bản:

  • Ở Ðời Sống Này (tập truyện, Ðại Nam, 1989)
  • Giọt Lệ Xé Hai (truyện dài, Văn Khoa, 1991)
  • Cuối Ðêm Dài (tập truyện, An Tiêm, 1993)
  • Trốn Vào Giấc Mơ Em (thơ, Thanh Vân, 1997)
  • Dấu Ấn (tập truyện, Văn Mới, 2004)
Nguyễn Thị Thanh Bình

[4] Tham khảo về các nhà văn nữ miền Nam trước 1975:

  • Nhà văn nữ trước 1975: Nhã Ca

  • Nhà văn nữ trước 1975: Túy Hồng

  • Nhà văn nữ trước 1975: Nguyễn Thị Hoàng

  • Nhà văn nữ trước 1975: Nguyễn Thị Thụy Vũ

  • Nhà văn nữ trước 1975: Trùng Dương

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

11 nhận xét:

  1. Viết văn kiểu này thì chắc chắn bị ném xuống hoả ngục rồi.

    Trả lờiXóa
  2. Bài phân tích và tổng hợp của chú khá sâu sắc.

    Trả lờiXóa
  3. Lãnh vực nào anh Chính cũng nghiên cứu rất sâu.

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Xét cho cùng, người đàn ông nào mà chẳng thích"cái đó"nhưng lại ra vẻ là....

    Trả lờiXóa
  6. Đọc xong thấy cách nhìn nhận vấn đề của bản thân được sâu sắc hơn, cảm ơn tác giả!
    Chúc vui.

    Trả lờiXóa
  7. Mới dòm tựa cứ tưởng sẽ được đọc những dòng viết hướng dẫn giới trẻ thật hữu ích kìa .Viết tục tĩu tự sướng thế này mà cũng mang danh nhà văn sao hả các bác ???

    Trả lờiXóa
  8. Nếu bạn chấp nhận phim sex thì cũng có thể chấp nhận truyện sex,theo tôi tất cả các dạng sex đều không xấu, nhưng vấn đè là sex xuất hiện ở đâu,đương nhiên không thể tràn lan khắp các quầy sách vỉa hè .
    Bạn là người cha, người mẹ, liệu bạn có thể thấy đứa con mình 12,13 tuổi đã xem và đọc phim truyện sex.
    Xã hội VN ngày nay không cấm xem sex, nhưng không cho truyền bá,tôi ủng hộ cách này của nhà nước .

    Trả lờiXóa

Popular posts