Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Danh ngôn: “túi khôn” của mọi người

Trong Hồi ức một đời người, bài đầu tiên có đề tựa Tham vọng văn chương 
(http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/08/tham-vong-van-chuong.html). 

Sở dĩ phải nhắc đến bài viết đó vì trong bài này có đề cập đến một công trình sưu tầm và dịch thuật Best Quotations – Danh Ngôn được biên soạn vào thời kỳ vừa ở trại cải tạo ra.


Đó là lúc tôi đang mầy mò tìm kế sinh nhai trong cuộc “đổi đời” của Thời điêu linh. Tôi không nề hà bất cứ công việc gì, từ anh “lao động phổ thông” đến chân trông hàng cho bà chị họ trong chợ Bình Tây. Tôi cũng đã từng rong ruổi khắp Sài Gòn với chiếc xe đạp mini đi mượn từ bà cô ở đường Cống Quỳnh, trên xe chở những “linh kiện” của bếp lò dầu hôi để đi bỏ mối cho những “bạn hàng” trong chợ…

Ban ngày vật lộn với cuộc sống, tối về lại cặm cụi với những quyển sách còn sót lại sau chiến dịch “đốt sách”. Best Quotations – Danh ngôn ra đời trong hoàn cảnh đó. Công trình sưu tầm những “lời hay, ý đẹp” bằng tiếng Anh – Pháp và tiếng Việt dày 616 trang, được đánh máy một nặt trên giấy pelure và đóng dưới dạng “sách” năm 1989.

Best Quotations – Danh ngôn

Điều thú vị là ngày nay có những đứa cháu của tôi đã bắt đầu tham khảo Best Quotations – Danh ngôn. Sách được chia thành từng đề mục, từ Tình yêu, Chính trị… cho đến Chiến tranh, Hòa bình, được xếp theo thứ tự alphabet để dễ bề tra cứu, mỗi đề mục còn được ghi số thứ tự những danh ngôn trích dẫn.

Tôi còn có tham vọng thêm vào phần chú thích tiểu sử các danh nhân và xuất xứ nguồn gốc của các danh ngôn. Chỉ tiếc một điều là công việc này còn đang dang dở vì có quá nhiều danh ngôn và cũng không ít danh nhân.

Phải thành thật nhìn nhận, đây là một công trình đầy tham vọng, đòi hỏi một thời gian dài, chưa kể việc dịch thuật sang tiếng Việt vì những “hoa thơm, cỏ lạ” đều có gốc từ tiếng Anh cũng có một số trường hợp tìm được nguyên bản bằng tiếng Pháp.

Danh sách những danh nhân từ cổ chí kim ngày một dài theo thời gian. Sử gia Plutarch [1], cho rằng: “Không biết gì về cuộc đời của những nhân vật xưa nổi tiếng nhất là còn tiếp tục tình trạng ấu trĩ trong cuộc đời của chúng ta” (To be ignorant of the lives of the most celebrated men of antiquity is to continue in a state of childhood all our days).

Plutarch cũng đã có một định nghĩa rất đơn giản nhưng thâm thúy về cá tính và thói quen của con người: “Character is simly a habbit long continued” (Cá tính chỉ đơn thuần là một thói quen kéo dài), ông khuyên chúng ta “Do not speak of your happiness to one less fortunate than yourself” (Đừng nói đến hạnh phúc của mình với người kém may mắn hơn ta).

Chính trị gia người La Mã, Marcus Porcius Cato [2] đã để lại cho đời những câu nói bất hủ: “An angry man opens his mouth and shuts up his eyes” (Người giận dữ miệng mở, mắt nhắm). Ông cũng là người khuyên ta “Buy not what you want, but what you need; what you do not want is dear” (Đừng mua những gì mình muốn, hãy mua những gì mình cần; những gì mình không muốn đều đắt).

Một trong số những người để lại nhiều danh ngôn nhất phải kể đến Francois de La Rochefoucauld [3] với 504 câu được xuất bản trong một cuốn sách bằng tiếng Pháp: Maximes (Châm ngôn). La Rochefoucauld viết về rất nhiều đề tài và thường những châm ngôn của ông gây sốc đối với người đọc. Chẳng hạn như về đức hạnh, ông viết:  “Nos vertus ne sont, le plus souvent, que des vices déguisés” (Ðức hạnh thường chỉ là những cái xấu được ngụy trang).

Về lòng tự ái, La Rochefoucauld cho rằng “L’amour-propre est le plus grand de tous les flatteurs” (Tự ái là kẻ nịnh hót giỏi nhất) hoặc “L’amour-propre est plus habile que le plus habile homme du monde” (Tự ái khôn khéo hơn cả người khôn khéo nhất đời).

Tính kiêu ngạo cũng được ông bàn đến rất tỷ mỉ. “L’orgueil est égal dans tous les hommes, et il n’y a de différence qu’aux moyens et à la manière de le mettre au jour” (Làm người ai cũng kiêu ngạo, có khác chăng là phương tiện và cách xử dụng nó) và ông đưa ra một giải pháp: “Si nous n’avions point d’orgueil, nous ne nous plaindrions pas de celui des autres” (Khi ta không kiêu ngạo, ta sẽ không phiền trách tính kiêu ngạo của người khác).

Về sự đam mê, ông viết “La passion fait souvent un fou du plus habile homme, et rend souvent les plus sots habiles” (Ðam mê thường làm người khôn ngoan thành điên rồ và thường biến kẻ ngu thành người khôn). Ông cũng đưa người đọc đến một khám phá hoàn toàn mới lạ về sự ghen tương: “La jalousie se nourrit dans les doutes, et elle devient fureur, ou elle finit, sitôt qu’on passe du doute à la certitude” (Lòng ghen tương sống trong sự ngờ vực, trở thành cơn phẫn nộ hay nó tự kết thúc ngay khi ta đi từ sự ngờ vực sang sự xác thực).

Ngày nay, người ta hay nói về “lợi ích nhóm” hay “nhóm lợi ích”. Vào thời của La Rochefoucauld, lợi ích cũng đã được ông phân tích như sau: “L’intérêt parle toutes sortes de langues, et joue toutes sortes de personnages, même celui de désintéressé” (Lợi ích nói bằng mọi ngôn ngữ và chơi với mọi hạng người, ngay cả với người vô tư), ông cũng nhìn thấy tầm ảnh hưởng của nó: “L’intérêt, qui aveugle les uns, fait la lumière des autres” (Lợi ích làm mù quáng người này, đem ánh sáng cho người khác).

Francois de La Rochefoucauld

Đồng hương của La Rochefoucauld, tướng Napoléon Bonaparte [4], không chỉ là vị anh hùng nước Pháp mà còn là một nhà tư tưởng với hàng loạt những lời hay, ý đẹp được người đời sau ghi nhận. Ông đã khuyên chúng ta, “Le meilleur moyen de tenir sa parole est de ne jamais la donner” (Cách tốt nhất để giữ lời là đừng bao gìờ hứa). 

Liên hệ đến các nguyên thủ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nhiều lãnh đạo cao cấp đã hứa rất nhiều nhưng thực hiện chẳng bao nhiêu! Hình như Napoléon cũng thấy được “căn bệnh” này của các vị đứng đầu nhà nước nên ông để lại một danh ngôn cho họ:“Le coeur d'un homme d'Etat doit être dans sa tête” (Trái tim của một nguyên thủ quốc gia phải được đặt ở trong đầu)!

Hơn thế nữa, Napoléon còn khẳng định,“Du sublime au ridicule, il n'y a qu'un pas” (Từ sự cao cả đi đến sự lố lăng chỉ có một bước) và đối với những kẻ xu nịnh một cá nhân hoặc một chế độ ông đã lên tiếng cảnh báo: “Qui sait flatter sait aussi calomnier” (Ai biết nịnh thì cũng biết vu khống).

Napoléon nhìn rất rõ những giai đoạn lịch sử đã qua của thế giới để đi đến kết luận: “Le canon a tué la féodalité; l'encre tuera la société moderne” (Súng đại bác đã giết chế độ phong kiến, bút mực sẽ giết xã hội tân tiến). Phải chăng cái gọi là “xã hội hiện đại” ngày nay không bị đe dọa bởi súng đạn mà chính là ngòi bút của báo chí thường được gọi là “lề phải” ở Việt Nam?

Nhà văn Pháp, Victor Hugo [5] có nhiều câu được xếp vào kho tàng danh ngôn: “Những lời nặng nề, cay đắng biểu thị một lý lẽ yếu đuối” (Strong and bitter words indicate a weak cause) hay đưa ra một nghệ thật sống ở đời: “Thận trọng là con trưởng của sự khôn ngoan” (Caution is the eldest child of wisdom).

John Dewey [6] một trong những nhà tư tưởng sư phạm nổi tiếng của Mỹ, ông chủ trương: “Give the pupils something to do, not something to learn; and the doing is of such a nature as to demand thinking; learning naturally results” (Cho học sinh một việc để làm, không phải một việc để học tập, và sự làm việc đó có tính cách đòi hỏi phải suy nghĩ, thì việc học tập sẽ tự nhiên xảy ra).

Ông cũng xác định “The person who really thinks learns quite as much from his failures as from his successes” (Người biết thực sự suy nghĩ sẽ học được từ các thất bại cũng gần bằng như từ các thành công của mình), về mục tiêu, Dewey khẳng định: “Arriving at one goal is the starting point to another” (Ðạt được một mục tiêu là bước khởi đầu để đi đến một mục tiêu khác).

“I believe, finally, that the teacher is engaged, not simply in the training of individuals, but in the formation of the proper social life” (Cuối cùng, tôi tin rằng, thầy cô giáo không phải chỉ cốt nhằm vào việc huấn luyện những cá nhân, mà phải nhằm vào việc đào tạo cho một đời sống xã hội thích hợp).

***

Nói về tình yêu, trong tập thơ The Prophet (Ngôn sứ) Kahlil Gibran [7], nhà thơ người Mỹ gốc Li Băng, đã định nghĩa như sau:

“Love gives naught but itself and takes naught but from itself
(Tình yêu không cho đi và nhận về những gì khác hơn là chính nó)
Love possesses not nor would it be possessed
(Tình yêu không chiếm hữu và cũng không bị chiếm hữu)
For love is sufficient unto love
(Vì chỉ tình yêu là đủ đối với tình yêu)

Dưới đây là những vần thơ của Abraham Cowley (1618 – 1667), nhà thơ người Anh, về một tình yêu đau khổ:

“Of all the pain, the greatest pain,
It is to love, but love in vain”

Được phỏng dịch sang tiếng Việt:

“Trong mọi khổ đau, niềm đau vĩ đại,
Là trót yêu người không hề yêu lại”

Nhà văn người Tây Ban Nha, Miguel De Cervantes [8], đã để nhân vật Don Quixote than thở: “Such is the nature of women… not to love when we love them, and to love when we love them not” (Đó là bản chất của phụ nữ… không yêu khi ta yêu họ, và yêu khi ta không yêu họ).

Nhà sử học người Anh, Thomas Fuller (1608 – 1661), bàn về tình yêu và sự nghèo khổ: “When poverty comes in at the door, love creeps out at the window” (Khi cái nghèo đi vào nhà bằng cửa lớn, tình yêu bò qua cửa sổ).

Tình yêu và hôn nhân là hai đề tài được nói đến nhiều nhất trong số các danh ngôn. Nhưng giữa tình yêu và hôn nhân có gì khác biệt? Giacomo Girolamo Casanova de Seingalt (1725 – 1798), người nổi tiếng với danh hiệu “womanizer” (người quyến rũ phụ nữ) thường được biết đến qua tên Casanova, phân biệt một cách đơn giản: “Love is more interesting than marriage, for novel is more interesting to read than history” (Tình yêu thích thú hơn hôn nhân, vì tiểu thuyết đọc vui hơn lịch sử).

Ngạn ngữ Pháp so sánh một cách thi vị hơn: “Love is the dawn of marriage, and marriage is the sunset of love” (Tình yêu là bình minh của hôn nhân, và hôn nhân là hoàng hôn của tình yêu).

Triết gia người Pháp, Blaise Pascal (1623 – 1662), chia hôn nhân thành 3 giai đoạn: “To many couples, there are three periods after marriage: He says and she listens – She says and he listens – They botth say and everybody listens” (Đối với nhiều cặp vợ chồng, sau khi cưới thường có 3 giai đoạn: Chàng nói, nàng nghe – Nàng nói, chàng nghe – Cả hai đều nói, mọi người nghe).

Ở một mức độ còn khôi hài hơn nữa, học giả Sydney Smith (1771 – 1845) dùng hình tượng lưỡi kéo để mô tả hôn nhân: “Marriage resembles a pair of shears, so joined that they can not be separated; often moving in opposite directions, yet always punishing anyone who comes between them” (Hôn nhân giống như một cái kéo, được gắn chặt với nhau để không bị tách rời; lưỡi kéo thường chuyển động theo hướng đối nghịch nhưng luôn luôn trừng phạt bất cứ kẻ nào chen vào giữa).

Nếu tình yêu và hôn nhân được đề cập nhiều trong số các lời hay, ý đẹp thì chiến tranh và hòa bình cũng xuất hiện không ít trong kho tàng các danh ngôn. Tướng Ulysses Simpson Grant (1822 – 1885) trong cuộc nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc Mỹ đã phân trần: “I have never advocated war, except as a means of peace” (Tôi không bao giờ cổ súy chiến tranh, ngoại trừ khi sử dụng nó như một phương tiện để dành hòa bình).

Tổng thống George Washington (1732 – 1799) và cũng là cha đẻ của nước Mỹ, đã từng tuyên bố: “To be prepared for war is one of the most effectual means of preserving peace” (Chuẩn bị cho chiến tranh là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để bảo vệ hòa bình).

Trong tác phẩm lịch sử Henry VI, William Shakespeare [9] viết: “O war! Thou son of hell” (Ôi chiến tranh! Ngươi là đứa con của địa ngục). Nhà khoa học chính trị Niccolo Machiavelli (1469 – 1527) lại khẳng định: “One wages a war when he wants, and ends it when he can” (Người ta gây ra chiến tranh khi muốn, và chấm dứt lúc nào có thể).

***

Trong Best Quotations – Danh ngôn thỉnh thoảng có chen lẫn những ngạn ngữ xuất xứ từ các nền văn hóa của các nước. Tôi nghĩ, chúng cũng xứng đáng chiếm một chỗ trong kho tàng danh ngôn dù không phải là lời của cá nhân danh nhân mà là kinh nghiệm của cả một nền văn hóa hay một dân tộc. Những lời khuyên, những nhận xét dưới hình thức ngạn ngữ bao giờ cũng có tính cách của danh ngôn giúp người ta sống đẹp và sống tốt.

Ngạn ngữ Anh có câu: “It is easier to fall than to rise” (Ngã dễ hơn là ngồi dậy) là cả một bài học giúp ta biết vượt qua thất bại để làm lại một tương lai. Người Anh cũng tin là “Good fame sleeps, bad fame creeps” (Tiếng tốt ngủ ngon, tiếng xấu bò lết).

Người Marốc cho rằng “Chỉ có con lừa mới chối bỏ gia đình của nó” (None but a mule denies his family) trong khi người Đức lại quả quyết “The eyes believe in themselves, the ears others” (Con mắt tin nơi chính nó, lỗ tai tin những người khác).  

Người Nga cho rằng “To women, it’s hard to forgive, but easy to forget. To men, it’s easy to forgive, but hard to forget” (Đối với đàn bà, tha thứ thì khó nhưng lại dễ quên.  Đối với đàn ông, tha thứ thì dễ nhưng lại khó quên).

Ngạn ngữ Ả Rập phân tích một cách rắc rối về 4 hạng người trên thế gian, nhưng sau khi đọc và suy nghĩ ta thấy quá đúng:

(1) “He who knows not and knows not he knows not, he is a fool – shun him”
(Kẻ không biết, và không biết là mình không biết, hắn là kẻ ngu – hãy tránh hắn)

(2) “He who knows not and knows he knows not, he is a simple – teach him”
(Kẻ không biết và biết là mình không biết, hắn là kẻ chất phác – hãy dạy hắn)

(3) “He who knows and knows not he knows, he is asleep – wake him”
(Kẻ biết và không biết là mình biết, hắn là kẻ ngủ mê – hãy đánh thức hắn)

(4) “He who knows and knows he knows, he is a wise – follow him”
(Kẻ biết và biết là mình biết, hắn là người khôn – hãy theo hắn)

Cũng vì thế mà triết gia Hy Lạp Cổ đại Socrates (469–399 TCN) khuyên mọi người “Know thyself” (Hãy tự biết mình) còn P. J. Toulet (1867 – 1920) cụ thể hơn, “Learn to know yourself, you’ll love yourself less; and to know others: you’ll love them more” (Hãy học cách tự hiểu biết về mình, bạn sẽ yêu mình ít hơn; và hiểu biết về kẻ khác: bạn sẽ yêu họ nhiều hơn).

Còn rất nhiều danh ngôn được xếp vào loại “Luật vàng xử thế” (The golden rules). Phương Đông có lời khuyên của Đức Khổng Tử “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (What you do not want others to do to you, do not do to others – Những gì mình không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm cho người).

Ở phương Tây, Edmund Burke (1729 – 1797), nhà văn, nhà hùng biện người Ireland cũng rất nhẹ nhàng trong xử thế: “He that wrestles with us strengthens our nerves and sharpens our skills. Our antagonist is our helper” (Kẻ chống lại ta sẽ làm thần kinh ta vững mạnh, tài năng ta bén nhọn. Kẻ chống ta chính là kẻ giúp ta).

Các nền văn hóa khác nhau nhưng lại cũng có những ngạn ngữ giống nhau. Câu “Man proposes, God disposes” chẳng khác gì câu nói mà người Việt vẫn thường tự an ủi mình khi thất bại: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Tiếng Việt có câu nói “Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo” trong khi tiếng Anh lại diễn tả một cách đơn giản “Faults are thick where love is thin” (Khuyết điểm dày khi tình yêu mỏng).

Đơn giản hơn, người Anh nói “To fish in troubled waters” cũng tương tự như câu “Đục nước béo cò” hoặc “To đầu mà dại” được chuyển ngữ sang tiếng Anh bằng câu: “A big head and little mind”.

Tác giả của danh ngôn cũng có thể là một người vô danh (anonymous) nhưng vì những câu nói của họ vừa hay lại vừa chí lí nên người ta vẫn có thể xếp chúng vào loại danh ngôn không tác giả. Chẳng hạn như câu: “Fashions are things that change so quicky that you can recognize your girlfriend only over the telephone” (Thời trang là những thứ thay đổi nhanh đến nỗi bạn chỉ có thể nhận ra người bạn gái của mình qua điện thoại).

Và đây là chân dung thực nhất của hoạt động ngân hàng qua nhận xét của một người vô danh: “A banker is a man who lends you an umbrella when the weather is fine, and takes it away from you when it rains” (Chủ ngân hàng là người cho bạn mượn dù khi thời tiết tốt, và lấy nó khi trời mưa).

Ai đó đã có một câu rất chí lí khi định nghĩa “Mọt sách là người thích đọc hơn ăn” (Bookworm is a person who would rather read than eat) và cũng một người nặc danh đưa ra lời khuyên: “Đọc mà không suy nghĩ cũng giống như ăn mà không tiêu hóa” (Reading without thinking is like eating without digesting).

Theo tôi, thú vị nhất là nhận xét “Hôn nhân là một cuốn tiểu thuyết trong đó các nhân vật chính chết ngay từ chương đầu” (Marriage is a novel in which the main characters die in the first chapter). Dĩ nhiên có nhiều người tìm thấy hạnh phúc thật sự trong hôn nhân chứ không phải như một người bi quan nào đó đã thốt lên những lời dí dỏm như vừa dẫn.

Tôi luôn nghĩ việc sưu tầm danh ngôn là cần thiết vì chúng là những bài học ngắn gọn nhưng xúc tích giúp ta tìm hiểu vấn đề một cách thấu đáo hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải sáng suốt nhìn nhận những điều người xưa nói ra chưa chắc là chân lý, có chăng chỉ là những mảnh ghép giúp ta có một cái nhìn khái quát về một chủ đề nào đó.

Karl Marx (1818 – 1883), người nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh giai cấp qua Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (Das Manifest der Kommunistischen Partei), là một trường hợp gây nhiều tranh cãi.

Khi Marx nói “Religion is the opium of the people” (Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân) và “Relegion is the heart of the heartless world” (Tôn giáo là trái tim của thế giới không trái tim) ông thể hiện rõ quan điểm của một người duy vật. Những người duy tâm chắc chắn không thể đồng ý với quan điểm của ông về vấn đề này.

Chủ thuyết vô thần cũng bị một số người phê phán. Theo nhà thơ người Anh, Edward Young (1683 - 1765), “By night, an atheist half believes in God” (Về đêm, kẻ vô thần nửa tin nơi Thượng đế) hoặc triết gia Francis Bacon (1561 – 1626) tin rằng “Atheism stays on the lips, rather than in the heart of men” (Chủ thuyết vô thần chỉ nằm trên chóp lưỡi đầu môi hơn là trong tim của con người).

Cụ thể hơn, một người vô danh cho rằng “Standing by the bed of their dying mothers, many atheists have cried: ‘My God’ (Đứng bên giường người mẹ đang hấp hối, nhiều kẻ vô thần đã khóc ‘Trời ơi’) hay nói một cách dí dỏm “I am an atheist, thank God” (Tôi là kẻ vô thần, xin cám ơn Thượng đế).

Nhân nói về tôn giáo, người ta cũng thấy xuất hiện một số danh ngôn từ các tôn giáo như Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước của đạo Cơ Đốc, kinh Koran trong Đạo Hồi, Kinh Talmud của Do Thái Giáo, kinh của Phật Giáo...  Thánh kinh dạy rằng “There is no new thing under the sun” (Không có điều gì mới lạ dưới ánh mặt trời) hoặc lời khuyên các tín đồ về tiền bạc: “The love of money is the root of all evil” (Lòng yêu thích tiền bạc là cội nguồn của mọi xấu xa).

Kinh Talmud mặc định “He who talks too much commits a sin” (Kẻ nói quá nhiều sẽ phạm tội) và hướng dẫn cách chọn vợ cũng như chọn bạn: “Descend a step in choosing a wife, ascend a step in choosing thy friend” (Hãy hạ mình một bậc trong việc chọn vợ, vươn lên một bậc trong việc chọn bạn).

Kinh Koran cảnh báo người Ả Rập: “There is a devil in every berry of the grape” (Trong mỗi quả nho đều có một con quỷ) và có một loại ma quỷ khác: “Haste is of the devil” (Nóng vội thuộc về ma quỷ).

Đức Phật dạy: “Con người trước tiên phải hướng bản thân mình về chánh đạo. Chỉ khi đó mới nên dạy dỗ kẻ khác” (A man should first direct himself in the right way he should go. Only then should he instruct others).

Như đã nói ở trên, không phải danh ngôn nào cũng đều nhận được sự tán đồng của người tiếp nhận. Trong một bài diễn văn tại Hội Y Học (Medical Society) bác sĩ Oliver Wendell Holms (1809 - 1894) đã phát biểu: “I finally believe that if the whole Materia Medica as now used, could be sunk to the bottom of the sea, it would be all the better for mankind and all the worse the fishes”.

Trong số cử tọa ngồi nghe, chắc hẳn nhiều người bị sốc vì những suy nghĩ của vị bác sĩ này: “Tôi tin chắc rằng nếu toàn bộ Giáo trình Y khoa hiện đang sử dụng được nhận chìm dưới đáy biển sẽ là điều tốt đẹp hơn cho nhân loại và cũng là điều tệ hại hơn cho các loài cá”.

***

Danh ngôn giúp ích rất nhiều cho những người viết văn. Lời của một danh nhân khi được trích dẫn luôn có tính thuyết phục đối với người đọc. Những nhà văn lớn cũng biết cách lồng vào tác phẩm của mình tư tưởng và ngôn từ của các danh nhân. Đó chính là nghệ thuật của người viết.

Tuy nhiên, có đều không hay, người viết rất dễ đánh lừa người đọc khi họ tạo cảm giác mình là tác giả của những suy nghĩ như vậy. Xem ra, việc sử dụng danh ngôn đòi hỏi sự “lương thiện” của người trích dẫn.

Cho đến bây giờ, mỗi khi bắt gặp một danh ngôn, châm ngôn hay ngạn ngữ thâm thúy tôi đều ghi chép lại. Để làm gì? Câu trả lời thật đơn giản: để làm giàu “túi khôn”, dù những lời hay ý đẹp đó có thực hiện được hay không, chúng vẫn luôn là hành trang trong suốt cuộc đời.     

***

Chú thích:

[1] Plutarch (46 – 120 AD), (tên đầy đủ Lucius Mestrius Plutarchus) là một nhân vật đa tài thời La Mã cổ đại. Là một học giả lớn trong lịch sử, ông đã để lại một gia tài văn học đồ sộ cho nhân loại. Ông rất thông thái, am hiểu sâu sắc về tôn giáo, thuật hùng biện và cả triết học. Không những thế, có người còn xem ông là một nhà sử học quân sự, ông đã giúp cho nhân loại có được am hiểu về nền quân sử Hy Lạp - La Mã cổ.

Lucius Mestrius Plutarchus

[2] Marcus Porcius Cato Uticensis (95 - 46 Trước Công Nguyên, thường được gọi là Cato Trẻ (Cato Nhỏ) để phân biệt ông với ông cố của ông là Cato Già) là một chính trị gia trong những năm cuối của nền Cộng hòa La Mã. Không những thế, ông còn được xem là một vị quan thanh liêm, không nhận của hối lộ, và nổi tiếng là người kịch liệt chống đối sự tham nhũng trên khắp La Mã thời đó. Sau khi bị Julius Caesar đánh bại trong trận Thapsus, ông đã nhận lấy cái chết anh dũng là tự sát.

Marcus Porcius Cato Uticensis

[3] Francois de La Rochefoucauld (1613 –1680) là tác giả người Pháp nổi tiếng về lối viết thuộc loại ký ức và châm ngôn. Ông viết tác phẩm Mémoires (Ký ức) được in tại Cologne năm 1662. Mémoires nói lên xã hội đương thời nhưng không hoàn toàn là của ông. Lần in của Renouard năm 1817 từ bản chính gốc của La Rochefoucauld mới thật là tác phẩm nổi tiếng của ông, lần này dưới tựa đề Réflexions ou sentences et Maximes morales, hay là Maximes (Châm ngôn). Năm 1665 La Rochefoucauld đã tự in lấy quyển Maximes gồm 150 trang với lời tựa cho độc giả.

Quyển Maximes đầy đủ nhất có 504 câu châm ngôn. Năm 1863, Barthélemy in dưới tựa đề Oeuvres Inédites de La Rochefoucauld (Tác phẩm chưa từng xuất bản của La Rochefoucauld) gồm 259 câu châm ngôn, nhưng phần lớn chỉ là những dị bản (variantes).
Aimé Martin cho tái bản năm 1822, tiếp đến Gilbert và Gourdault (1868-1883, 4 cuốn) và Pauly năm 1883
.
Francois de La Rochefoucauld

[4] Napoléon Bonaparte (1769 – 1821) là một nhà quân sự và chính trị kiệt xuất trong và sau cuộc cách mạng Pháp cũng như các cuộc chiến tranh liên quan ở châu Âu. Ông giữ ngôi Hoàng đế từ năm 1804 đến năm 1815 với đế hiệu là Napoléon I.

Cuộc cải cách pháp luật của ông, Bộ luật Napoléon, đã có những ảnh hưởng lớn lên nhiều bộ luật dân sự trên toàn thế giới, nhưng ông được nhớ đến nhất bởi vai trò của mình trong các cuộc chiến tranh mà Pháp phải đương đầu với hàng loạt liên minh, được gọi là Các cuộc chiến tranh Napoléon.

Ông đã thiết lập quyền bá chủ trên phần lớn lục địa châu Âu và tìm cách truyền bá những lý tưởng của cách mạng Pháp, đồng thời củng cố nền đế chế làm phục hồi những nét của chế độ cũ. Nhờ thắng lợi trong những cuộc chiến này, thường là chống lại đối phương có ưu thế về quân số, ông được coi là một trong những nhà quân sự vĩ đại nhất mọi thời đại, và các chiến dịch của Napoléon được nghiên cứu tại các học viện quân sự trên khắp thế giới.

Napoléon Bonaparte

[5] Victor Hugo (1802 – 1885) là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch thuộc chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng của Pháp. Ông cũng đồng thời là một nhà chính trị, một trí thức dấn thân tiêu biểu của thế kỷ XIX. Victor Hugo chiếm một vị trí trang trọng trong lịch sử văn học Pháp. Các tác phẩm của ông đa dạng về thể loại và trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Với tư cách là nhà thơ trữ tình, Hugo đã xuất bản tập Odes et Ballades (1826), Les feuilles d'automne (1931) hay Les Contemplations (1856). Nhưng ông cũng thể hiện vai trò của một nhà thơ dấn thân chống Napoléon III bằng tập thơ Les Châtiments (1853) và vai trò một nhà sử thi với tập La Légende des siècles (1859 và 1877).

Thành công vang dội của hai tác phẩm Notre-Dame de Paris (1831) và Les Misérables (1862) khiến Victor Hugo trở thành tiểu thuyết gia của công chúng. Về kịch, ông đã trình bày thuyết kịch lãng mạn trong bài tựa của vở kịch Cromwell (1827) và minh họa rõ nét thể loại này ở hai vở kịch nổi tiếng Hernani (1830) và Ruy Blas (1838).

Victor Hugo

[6] John Dewey (1859 - 1952) là nhà triết học, tâm lý học và nhà cải cách giáo dục người Mỹ. Dewey là một trong những người đầu tiên phát triển triết học về chủ nghĩa thực dụng và là một trong những người sáng lập tâm lý học chức năng, các ý tưởng của ông có ảnh hưởng sâu sắc tới giáo dục và cải cách xã hội. Ông là một đại diện tiêu biểu của trào lưu giáo dục tiến bộ (progressive education) và chủ nghĩa tự do. Ngoài nổi tiếng với các tác phẩm về giáo dục, John Dewey còn viết sách về nhiều chủ đề khác nhau, như kinh nghiệm, tự nhiên, nghệ thuật, logic, dân chủ và luân lý học.

Dewey cho rằng dân chủ không thể đạt được chỉ bằng việc mở rộng quyền bầu cử, mà còn phải thông qua việc đảm bảo rằng ý kiến dư luận được hình thành một cách đầy đủ, điều này chỉ đạt được thông qua việc giao tiếp hiệu quả giữa người dân, chuyên gia và những nhà chính trị, trong đó các nhà chính trị phải chịu trách nhiệm cho những chính sách mà họ đưa ra.

John Dewey

[7] Kahlil Gibran (1883-1931) là nhà thơ người Mỹ gốc Li Băng. Ông nổi tiếng với tác phẩm The Prophet (dịch giả Nguyễn Ước chuyển ngữ thành Ngôn sứ). Gibran quan niệm “Giữa trần gian, con người chẳng thể sống một mình; từ bản thân mỗi người và trong hiệp quần với tha nhân phát sinh các vấn đề, và chỉ có thể giải quyết đích thực chúng bằng cách sống nhân ái với trọn vẹn thể xác cùng tâm hồn chân chính của mình”.

Ông xác nhận: “Trong Ngôn Sứ, tôi chốt lai các ý tưởng nhất định và tôi ao ước sống theo các lý tưởng đó… Đối với tôi, nếu chỉ viết suông chúng ra thôi thì đó là giả trá”.

Từ ngày ra mắt (1923), tác phẩm xuất sắc này được đón nhận nồng nhiệt, đến nay đã dịch ra hơn 40 thứ tiếng, tái bản gần 200 lần, với hơn 100 triệu bản.

Chân dung Khalil Gibran và tác phẩm ‘The Prophet’

[8] Miguel de Cervantes y Saavedra (1547 – 1616) là tiểu thuyết gia, nhà thơ và nhà soạn kịch Tây Ban Nha. Ông được biết đến nhiều nhất với cuốn tiểu thuyết hai tập Don Quixote de la Mancha (Don Quixote - Nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha, người Việt quen gọi là Đông Ki Sốt). Don Quixote được coi như tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của châu Âu, một trong những tác phẩm vĩ đại nhất trong văn học phương Tây, và là tác phẩm lớn nhất bằng tiếng Tây Ban Nha.

Miguel de Cervantes y Saavedra

[9] William Shakespeare (1564 – 1616) là một nhà văn và nhà viết kịch người Anh, được coi là nhà văn vĩ đại nhất và là nhà viết kịch đi trước thời đại. Những tác phẩm của ông bao gồm 38 vở kịch, 154 bản sonnet, 2 bản thơ tường thuật dài, và vài bài thơ ngắn. Những vở kịch của ông đã được dịch ra thành rất nhiều ngôn ngữ lớn và được trình diễn nhiều hơn bất kì nhà viết kịch nào.

Nổi tiếng nhất về bi kịch có Hamlet, King Lear, Romeo and Juliet, Macbeth... Hài kịch: The Merchant of Venice, Much Ado About Nothing, Love's Labour's Lost, Love's Labour's Won…

William Shakespeare

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

5 nhận xét:

  1. Cám ơn anh N. Ngọc Chính. Bài viết thật thú vị và bổ ích.

    Trả lờiXóa
  2. Híc, NG tui cất công sưu tầm nhiều lắm, cả sách, cả chép tay hơn chục quyển trăm trang. Ngoài ra còn đĩa nhựa, băng Akai và cassette cùng rất nhiều ấn bản sách, nhạc. Sau bảy lăm, bị đày đi làm thủy lợi tập trung, ở nhà chính quyền địa phương đến bắt giao trọn, đốt sạch!
    Giờ thấy anh khoe ở đây, đứt từng khúc ruột. Mua lại hay sưu tầm thì lại sẽ có dù không được như xưa, nhưng buồn nhất là công sức hồi đó sưu tầm và ráng mà viết cho đẹp, trang trí cho xinh!
    Huhuhuhu

    Trả lờiXóa
  3. Chỉ một trang chia sẻ nhưng cả một đoạn đường dài âm thầm vật vã của những tháng ngày ấy.
    Rất muốn sở hữu được một quyển đầy công sức ấy nhưng biết tìm đâu ra.

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn anh Chính! Tôi học được nhiều bài học mới từ post này của anh!
    Chúc anh luôn khỏe, vui vẻ và bình an!

    Trả lờiXóa

Popular posts