Tôi từng “mục sở thị”
nhiều nhà văn danh tiếng bị điêu đứng, cùng quẫn. Tôi từng thấy nhà thơ ‘Màu
tím hoa sim’, ‘Đèo Cả’ Hữu Loan “bỏ thơ chạy lấy người” về Xứ Thanh cuốc đất
làm ruộng, đi xe thồ. Nhà văn Phùng Quán “rượu nợ - văn chui - cá trộm” mấy
chục năm liền.
Nhưng hồi đó ngoài
đồng lương giáo viên còm tôi không biết làm thêm nghề gì ngoài việc viết để kiếm thêm ít đồng nuôi con. Tôi
cho tôi dám xông vào con đường văn chương cũng là một thằng liều. Vợ chồng tôi
có 5 người con, hai trai ba gái. May bốn đứa con đầu đều tốt nghiệp đại học, có
việc làm ăn đàng hoàng, không đứa nào dính tới viết viếc gì. Đến đứa con gái út
Đỗ Hoàng Diệu sinh năm 1976, thì lại “sinh sự”. Nỗi lo của mình đã thành sự
thật. Cái “ren” văn chương dở hơi của tôi lại “lặn” vào nó. Tội nghiệp”.
Nhà văn Đỗ văn Phác [1], bố của Đỗ Hoàng Diệu, đã tâm sự
những dòng trên trong một cuộc phỏng vấn. Qua những tiết lộ của người bố, ta có
thể tóm tắt tiểu sử của Đỗ Hoàng Diệu như sau:
Hồi còn nhỏ Diệu rất giỏi văn nhưng tính tình lại ương ngạnh.
Lên đến cấp trung học, cô được chọn vào Trường chuyên Lam Sơn của tỉnh Thanh
Hóa, phải vô thị xã ở trọ học. Có khiếu viết văn từ khi lên 9, 10 tuổi, đến khi
14 tuổi cô đã được giải thưởng Tác phẩm Tuổi Xanh của báo Tiền phong với truyện
ngắn Ông già hàng xóm.
Khi Diệu học hết lớp 12, ông Đỗ Văn Phác khuyên con không
nên học văn mà phải học luật. Ông nghĩ, học luật con người nó đứng đắn hơn, làm
nghề “thầy cãi” lại tự bảo vệ được mình, giúp được người “thấp cổ bé họng”. Thế
nhưng, Diệu vẫn làm hồ sơ thi vào Khoa
báo chí của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Tuyên Giáo Trung ương, và
thi đỗ vào loại xuất sắc.
Diệu còn định thi cả khoa biên kịch trường Đại học Sân khấu
Điện ảnh, nhưng bố can, kiên quyết bắt học ngành luật. Và Diệu đã nghe lời bố. Ông
bố yên tâm là cô con gái út cưng của mình sẽ không dính gì đến chuyện văn
chương vớ vẩn, phù phiếm. Không ngờ đến năm thứ hai đại học, Diệu lại viết văn,
mà lại viết nhiều. Ông Đỗ Văn Phác kể lại: “Nó
bảo với tôi con phải viết để kiếm sống, để đỡ một phần tiền chu cấp của bố mẹ. Tốt
nghiệp cử nhân luật xong, Diệu học tiếp 2 năm để thành luật sư”.
Ông tâm sự tiếp: “Thực
tình, tôi không bao giờ muốn con mình viết văn, nên mới bắt con học luật.
Truyện ngắn ‘Bóng Đè’ Diệu viết năm 2004, gửi không báo nào in. Cháu tập hợp
thành tập truyện ngắn gồm 11 truyện và đưa tôi đọc. Cháu hỏi ý kiến tôi. Tôi
bảo, tập truyện này nếu in ra sẽ gây xôn xao dư luận đấy. Con sẽ trở thành “tấm
bia” cho những tên cơ hội ngắm bắn. Nhưng Diệu bảo: “Nếu viết mà chìm nghỉm đi
thì cũng chán. Nhưng con đâu có viết để chìm hay nổi?”.
Tập truyện ngắn ‘Bóng Đè’ của Đỗ Hoàng Diệu
Trong tiếng Việt, “bóng đè” [2] là một từ dân gian chỉ trạng
thái mộng mị khi đang ngủ. Cảm giác của người bị bóng đè là thấy cơ thể mình
như đang bị một vật nặng đè lên người nhưng không sao vùng vẫy để thoát ra.
Trong truyện ngắn Bóng đè của Đỗ
Hoàng Diệu, nhân vật chính là một cô gái có chồng tên Thụ. Điều lạ lùng là mỗi
lần về quê chồng ăn giỗ cô đều bị bóng đè, mà gia đình nhà chồng mỗi năm có đến
16 đám giỗ!
“Bàn thờ nhà chồng tôi
to dài quá cỡ. Chưa bao giờ tôi nhìn chiếc bàn thờ nào lớn như vậy. Có rất
nhiều bát nhang và những bức trướng chữ Tàu. Mẹ chồng tôi nói bâng quơ mà tựa
căn dặn: "Nhà ta mỗi năm cúng mười sáu đám giỗ. Sau này anh Thụ cúng tôi
nữa là mười bảy, sẽ vất vả đấy." Tưởng tượng ra viễn cảnh mỗi năm còng
lưng làm cơm cúng mười bảy đám giỗ cho đến ngày Thụ qua đời, tôi không khỏi
ngao ngán”.
Một năm có đến 16 đám giỗ nhưng khi ra khu mộ gia đình chỉ
thấy 11 ngôi mộ. Thụ giải thích với vợ: “Cô
em gái bố do hận tình nên trẫm mình xuống sông sâu năm vừa tròn mười tám không
tìm thấy xác. Hai ông cố trẻ làm thầy phù thủy đi khắp nơi cùng chốn rồi không
quay trở về, nhà lấy ngày hai ông bỏ đi làm ngày giỗ. Hai ông khác, một liệt sĩ
Điện Biên, một liệt sĩ đường 9 Nam Lào, xương hốt về bằng đầu đũa chôn chung
một mộ… Ông nội bị đấu tố hồi cải cách ruộng đất chết thảm trên tổ kiến lửa.
Sáng mai bà nội chỉ tìm thấy vài cọng tóc ở nơi cột trói, xác không biết đi
đường nào”.
Không gian trong Bóng
đè chỉ quanh quẩn bên bàn thờ được giăng bức màn đỏ và tấm phản kê gần
cạnh. Tấm phản là nơi vợ chồng Thụ nằm ngủ. “Cửa
giả mở toang, bàn thờ linh thiêng ngay cạnh, mẹ chồng có thể đi ra đi vào bất
cứ khi nào. Dù thèm chồng đến mấy tôi cũng phải gò mình trong bộ đồ ngủ kín đáo
mà hậm hực”.
Đêm nóng nực, không một tiếng gió nhưng tấm màn đỏ che bàn
thờ cứ chốc chốc lay động khẽ, chỉ mình nó đang chuyển động đỏ lừ trong thời gian
lẫn không gian ngưng bặt. “Tôi sợ, tôi
muốn quay sang ôm Thụ để anh che chở cho mình. Song tôi không thể nào cử động,
màu áo ba lỗ trắng tinh chồng tôi nằm sát ngay cạnh như trêu ngươi mà tôi chẳng
thể nào nhúc nhích. Không khí mỗi lúc một ẩm thấp, nực nồng khoá cứng lấy tôi
trên mặt phản.
Tiếng ho đứt đoạn từ
trong căn buồng mẹ chồng lôi tôi khỏi đêm đen. Tứ chi rã rời, đầu váng vất, mồ
hôi tôi rịn rạn dính bết. Bộ đồ ngủ tự nhiên mở khuy trễ nải lạ lùng. Tôi nhìn
hàng cúc nhàu nát lạ lẫm, giống Thụ vừa vò nát chiếc áo và tôi vừa bận lên mình
chưa kịp cài khuy. Cạnh tôi, Thụ vẫn ngủ im bằng bặt, ngoan hiền trẻ thơ, đôi
má phụng phịu ninh nính.
Tôi đâm nghi hoặc, kín
đáo luồn tay xuống dưới. Chất lỏng đẫm ướt sền sệt ngầy ngậy mông đùi, thấm
nhầy chiếc quần lót mỏng. Thụ trở mình ú ớ giữa giấc mơ. Tôi hoang mang nhìn
chồng, cơ thể anh vẫn đầm đìa mồ hôi”.
Có nhiều người, nhất là phụ nữ, có khả năng liên lạc với thế
giới tâm linh. Họ sống giữa mộng mị và thực tại, hoàn toàn không có ranh giới
giữa mộng và thực. Những “bà đồng, bà bóng” là thí dụ điển hình. Nhân vật nữ
trong Bóng đè cũng là trường hợp như
vậy, Đỗ Hoàng Diệu đã gán cho họ một “số phận” trong suốt một đời người, ngay
từ thời con gái:
“Tôi khám phá ra những
chiếc bóng trên tường không chỉ đơn thuần là những chiếc bóng. Chúng cũng sống
động như thân thể tôi khát thèm một vực thẳm. Chúng vờn vượt trên da thịt non
tơ hứng háo của tôi. Về sau tôi biết mình đã đánh mất điều quý giá nhất buổi
trưa hôm ấy. Chúng đã cướp mất cuộc đời con gái khi vừa chớm đến, khi tôi vừa
mới biết xỏ tay thành thạo vào chiếc su chiêng.
Chúng cho tôi biết nỗi
sợ hãi khôn cùng, sự ngừng đập trái tim. Và cả khát thèm, chờ trông suốt những
năm thiếu nữ khi chúng không còn quay lại. Mọi người nói tôi bị bóng đè, chẳng có
gì đáng sợ. Tôi không thể ngờ đó chỉ là số phận. Thứ số phận đã đẩy đưa cho tôi
gặp Thụ và làm vợ anh vội vàng, giống một linh ứng mà cơ thể tôi đã ám hiệu rúc
còi”.
Sau đám giỗ, hai vợ chồng Thụ trở lại thành phố, trở lại
cuộc sống bình thường hàng ngày. Ngồi trên tàu, hai vợ chồng trẻ như thoát khỏi
bóng tối của tổ tiên để trở về với thực tại. Thụ luồn tay vào vùng ngực no đầy
của vợ khác hẳn bộ mặt lạnh lùng của người… hành hương trước đó:
“Vợ tôi thoát nạn nhà
quê rồi, tiểu thư thôi không phải nằm phản mồ hôi nhễ nhại như đêm qua. Sướng
nhé…Về quê có một buổi không được làm hổ cái với anh mà em đã cuồng lên rồi tơ
tưởng lung tung. Em thật là..!”.
Nhưng cái cảm giác trưa hè ở nhà quê vẫn đọng lại và ám ảnh trong
ký ức của người vợ trẻ. Chiếc bàn thờ phủ khăn đỏ, tấm phản láng bóng vì thời
gian, thung lũng mười một ngôi mộ, tiếng ho khúng khắng trong căn buồng mẹ
chồng vẫn còn đó. Nó theo đuổi người đàn bà sống vì nội tâm như bóng với hình.
Tháng tiếp theo lại đến đám giỗ ông nội của Thụ, hai vợ chồng
lại về với “ngôi nhà mái ngói ba gian
chất chứa bí mật dòng dõi đế vương”. Đề nghị được ôm chồng nằm ngủ trên tấm
phản gần bàn thờ bị Thụ gạt phắt: “Em lại
tính giở trò gì đây? Trời thiêu lửa mà ôm nhau ngủ?”. Bóng lại đè lên người
vợ, không biết đáng thương hay đáng trách.
“Đúng lúc tôi chống
tay định nhỏm dậy thì tấm màn đỏ nhúc nhích và tứ chi nặng trĩu. Từ sau tấm màn
đỏ, những chiếc bóng bay ra lũ lượt tích tụ thành mảng đen lớn. Trái tim tôi
muốn nhảy dựng khỏi lồng ngực, tôi nhắm chặt hai mắt trong kinh sợ tột cùng,
nhưng vẫn cảm giác rõ rệt trước mặt khối đen đang lẩn nhẩn về phía mình”.
Chỉ cần khẽ nhích cánh tay là cô có thể đụng vào Thụ nhờ anh
giải cứu. Người chồng nằm ngửa, hai tay xếp trước bụng ngay ngắn như một xác
chết mở mắt.
“Mảng đen đã thôi uốn
lượn trên mền vải, nó thò hẳn vào lùng sục từng bộ phận thân thể tôi. Bàn tay
lần rờ trọn đường viền môi, nắn từng chiếc răng xinh xắn, hệt như khi Thụ trườn
lên tôi thổi khúc dạo đầu. Đến hai núm vú bàn tay đang lạnh lẽo chợt nóng rẫy.
Mỗi ngón thiêu rụi tôi như lửa. Màn đen rẫy rùng khi có tiếng giầy rón rén trên
sân gạch và bóng áo cánh khen khét mùi đàn ông hiện ra.
Bàn tay bắt đầu mạnh
bạo hơn gỡ lớp vải kết mồ hôi, bóc tách thuần thục. Mồ hôi tướp ướt đùi non,
rãi rà rề xuống mặt phản trơn rít. Rồi khi bàn tay túm trọn lụa nhiễu đen óng,
mảng đen bỗng tan loãng hiện rõ hình dáng một con người nghênh ngáo. Tôi hiểu
mình phải im lặng, im lặng trong sợ hãi tột tận đời người. Khói đen tan biến
hết.
Tôi hét lên, tôi thấy
mình hét lên một tiếng sập trời khi lờ mờ nhận ra đường nét trên gương mặt đang
đè mình. Tia nhìn xéo sắc lạnh, hàm răng hơi nhô đanh ác đầy quen thuộc. Chưa
kịp định thần, chiếc quần tôi đã bị kéo phăng bằng một động tác như ảo thuật.
Mồ hôi rìn rịn bức bối hai đùi, đúng khi tôi cảm được sự cương cứng thúc lên
bụng thì cánh cửa buồng mở toang và mẹ chồng tôi hiện ra với chiếc bật lửa”.
Và đây là phản ứng vô tình của người chồng: “Lưng Thụ thẳng đứng như bị điện giật khi
anh mở mắt. "Em.. em.. em cởi truồng?" Đập mạnh cánh tay xuống phản
trong nỗi cứu sinh, tôi choàng tỉnh, biết mình vẫn nguyên vẹn hình hài. Kéo
quần lên, tôi quay lưng lại Thụ không giải thích một lời. Giấc ngủ đến ngon
tuyệt diệu trong đời. Tôi không biết mắt Thụ hằn lên những tia đỏ dại cuồng”.
Lần thứ ba là đám giỗ bố Thụ, cũng trên tấm phản đó cô con
dâu lại bị bóng đè vào giữ trưa: “Tôi
hét, tôi vùng vẫy, tôi van xin, hổn hển, oằn oại rên rỉ. Ông muốn gì ở tôi. Tôi
biết phận dâu con, tôi sẽ làm tròn bổn phận. Mỗi năm tôi sẽ làm cơm cúng mười
sáu đám giỗ. Tôi sẽ dọn sạch thung lũng mồ mả, sẽ lau bóng nhoáng bàn thờ. Sẽ
sinh mười một đứa cháu trai cho ông. Bóng đen tảng lờ. Hai bàn tay bạo lực hung
hãn khoét sâu, ngoáy vòng.
Tôi điên đảo, đau đớn,
nộ cuồng rồi tôi cười gằn thỏa mãn với ý nghĩ mẹ chồng tôi cũng đã nằm trên tấm
phản này cũng đã dang chân cho nó ngoáy vòng. Sáng tối lẫn lộn. Tôi nhắm mắt
cho trăm đời dòng dõi đế vương quần thảo, cho đến lúc đỉnh đầu nhức buốt, tôi
bật nức nở man dại”.
Đôi mắt Thụ trừng trừng nhìn vợ, tiếng càu nhàu cắt đứt giấc
ngủ bị bóng đè của vợ: “Em thấy tháng sao
không mang băng vệ sinh? Con gái mà đoảng quá. Mau dậy thay áo quần, lau chùi
tấm phản đi”.
Theo phân tâm học của Sigmund Freud, những sự kiện như trên
trong một giấc mơ là kết quả của sự dồn nén về sinh lý khi bị kềm chế. Đó là
phản ứng của cả cơ thể lẫn tư tưởng, phần xác lẫn phần hồn. Đỗ Hoàng Diệu đã
mệnh danh nhân vật chính trong Bóng đè
là “con hổ cái” trong cuộc sống hằng ngày của vợ chồng, nhưng chỉ còn là hổ cái
trong lồng mỗi khi về quê ăn giỗ!
Cuộc sống vợ chồng của họ bắt đầu bị bóng đè giữa ban ngày,
ngay tại thành phố. Tình yêu ngày càng phai lạt chỉ vì một thế giới vô hình ám
ảnh người vợ. Người chồng không có lỗi gì, có chăng chỉ là sự thiếu cảm thông
trước những hiện tượng tâm linh đang ngày càng lấn át, đảo lộn cuộc sống hàng
ngày của người vợ.
Đỗ Hoàng Diệu
Cô gái điếm và năm
người đàn ông là một câu chuyện có độ hoang tưởng không kém gì Bóng đè. Chuyện bắt đầu bằng những đối
thoại giữa cô gái điếm tên Huệ và một gốc cổ thụ bên bờ sông Hồng.
“Huệ mơ màng mộng mị
sờ nắn những lớp vẩy cổ thụ đang chà xát vào tấm lưng trần của mình. Huệ không
dám bóc lớp vẩy, như thế sẽ làm cổ thụ đau. Huệ chẳng muốn ai đau bao giờ. Lớp
lụa mỏng líu ríu trên người Huệ, líu ríu gốc cổ thụ. Gió đang vướng vít chúng với
nhau. Nhưng cổ thụ sẽ không làm hư chiếc váy lụa của Huệ, Huệ biết điều ấy. Nó
sẽ chỉ làm Huệ nhô ra được bộ ngực đã hơi nhõng của mình, lộ thêm cặp đùi vẫn
dài thế nhưng đã bắt đầu sàm sạm.
…
"Nói chuyện này
buồn quá cổ thụ ơi. Chuyện khác đi, hay là chuyện đêm ấy đi cổ thụ".
Có âm thanh của tiếng
thở dài rơi rớt.
"Ngày nào Huệ
cũng muốn nghe chuyện ấy, gần 20 năm, bao ngàn đêm rồi Huệ".
"Huệ không chán
cổ thụ à. Mỗi khi nói đến chuyện ấy Huệ vui lắm. Chiều lòng Huệ đi cổ
thụ".
“Ừ, năm chàng trai trẻ
đêm ấy, cái đêm hôm ấy, làm sao quên được”.
Lần lượt 5 người đàn ông xuất hiện trong truyện. Quá khứ của
họ đều đã một lần nằm trong vòng tay Huệ khi cô gái điếm đã biến 5 cậu trai
thành đàn ông, lần đầu tiên biết mùi vị của đàn bà. Hành trình về tương lai của
5 cậu học sinh ngày nào là chuyện của 5 mảnh đời thành đạt sau 20 năm gặp Huệ.
Toàn đã trở thành một doanh nhân giàu có, thành đạt, lấy vợ
là một hoa hậu và có một đứa con gái. Nhưng cuối cùng vợ cũng chia tay, đi theo
một người đàn ông “chẳng có gì” mà không một lời giải thích.
“Những niềm hư ảo đang
ngân lên giai điệu không âm thanh, không màu sắc và Toàn ngồi bệt xuống, anh
cảm nhận hoa đang nở dọc đùi mình, nở xuống tận gót chân. Chiếc lưỡi mềm mại ấy
đu kéo trên đùi Toàn, ràn rượi trên thân thể Toàn, cô gái lại về ám ảnh Toàn,
chiếc lưỡi ấy, bàn tay ấy không thôi làm hoa nở trên chân anh. Những bông hoa
hình nốt nhạc tạo thành bản tình ca êm đềm và lãng mạn nhất Toàn từng biết. Hay
Ngọc cảm nhận được những bông hoa hình nốt nhạc ấy mà bỏ đi”.
Nhân vật thứ hai, Mạnh, đã trở thành một kỹ sư xây dựng
nhưng hình ảnh “người đàn bà có bộ ngực
cong vểnh” lúc nào cũng theo anh trong những giờ phút ái ân suốt hai mươi
năm qua, “dù với người vợ khỏe mạnh, phốp
pháp hay một gái làng chơi khắp nơi những công trình xây dựng anh đi qua”.
“Bộ ngực cong vểnh là
gì thế anh Mạnh? Sao ngủ với con Hương lác anh cũng nhắc đến khi sắp xuất
tinh". "Là người đã làm anh thành đàn ông". "Ra thế, chắc
là một cô học cùng lớp với anh?". "Không phải, một cô gái điếm vẫn
đứng ở góc phố gần trường anh. Năm đứa chơi thân với nhau đã cùng thành đàn ông
nhờ cô ta trong một đêm". "Năm đứa? Chắc đêm ấy cô ta trúng quả rồi.
Nhưng sao vợ không nhớ mà lại nhớ cô gái điếm?"
Đàn, nhân vật thứ ba, đã trở thành một giáo sư đạo mạo nhưng
phía sau vẻ mặt trang nghiêm ấy là một “biến cố” không thể nào quên: “Đàn xấu hổ với lễ giáo, nho gia của chính
mình. Góc phố ấy, vườn hoang ấy, cây cổ thụ ấy, tổ chim cúc cu ở gần nhà Đàn
nhưng chẳng bao giờ Đàn dám đi ngang qua nữa… Trời ơi, Đàn không chịu đựng được
nữa. Đàn đã chôn sâu sự đê mê nhục nhã ấy hai mươi năm nay. Nho gia nền nếp
không dạy Đàn 16 tuổi đi mua dâm một cô gái điếm đứng đường”.
Người đàn ông thứ tư, Đạo, đã trở thành Đại úy công an đầy
uy quyền, thường đi “làm trong sạch” địa bàn mình phụ trách. Đồng nghiệp nhận
xét Đạo dũng cảm và có trách nhiệm trong công việc nhưng họ đâu có biết Đạo chỉ
cố lùng cho bằng được cô gái điếm ấy.
“Đạo không quên được
hình ảnh cô mút dương vật anh dài ra dài ra mãi và ấn vào cửa mình cô hun hút
bóp chặt. Sâu hun hút nhưng chạm tới đáy. Lần duy nhất cái đàn ông của Đạo có
thể dài đến thế. Đạo đã thử nhưng chẳng cô gái nào kéo dài của Đạo ra được nữa,
chỉ là một mẩu ngắn ngủn bơi lội trong giếng khơi”.
Người đàn ông thứ 5, chắc là Việt kiều vì có một cái tên rất
Mỹ, Andrews. Nếu ai đó hỏi anh chuyện gì trong cuộc đời gần 40 tuổi của mình
làm anh nhớ nhất, Andrews sẽ mỉm cười, giọng anh nhẹ như bấc: “Chuyện năm chàng trai và góc vườn hoang”.
“Anh thấy rõ ràng góc
phố heo may lạnh một chút, trăng sáng một chút, lá vàng rơi một chút và cô gái
ấy cao một chút, mảnh mai một chút. Nhưng cây cổ thụ thì lớn quá chừng. Andrews
nghĩ bây giờ chắc nó đã gần vài trăm tuổi. Năm chàng trai thì hồi hộp vô cùng,
tim đập rộn rã, mặt mũi nóng bừng, chân tay lóng ngóng. Buổi học nhóm của năm
học sinh chuyên toán trở thành buổi học đặc biệt. Andrews cũng chẳng còn nhớ ai
đã mào đầu chuyện ấy, chỉ biết rằng không ai phản đối. Họ lầm lũi bước ngang
qua ba dãy phố đến vùng sáng tối một chút ấy, chẳng ai nói với ai câu nào”.
Năm chàng trai lần lượt chui qua hàng rào. Andrews (lúc ấy
còn tên là Thái) chạm khẽ vào lớp lá vàng. Cô gái vẫn cười, răng trắng lấp lóa
dưới ánh trăng bàng bạc mùa thu. Năm chàng trai đứng im như trời trồng. Cô gái
bỗng thì thầm: “Nước sông Hồng đang lên,
các anh có nghe thấy không?”. Câu chuyện kết thúc bằng đoạn văn:
“Ngày hôm sau vợ Đàn
nhìn đồng hồ chạy đúng giờ, nhịp của chồng đều đặn. Con gái Đạo ồ lên ngạc
nhiên vì trứng cá trên mặt bố chỉ sau một đêm đã biến mất. Cô người mẫu tên Ngà
nhận tiền taxi của Toàn ra về, đôi môi mọng đỏ. Bạn gái Andrews bước những bước
chân rời rạc xuống cầu thang hẹp.
Trước khi trở về Mỹ,
Andrews thơ thẩn đến góc phố hẹp, cổ thụ, vườn hoang, trăng bàng bạc. Anh không
tin ở mắt mình. Tất cả bị san phẳng, không còn dấu tích gì của cây, của vườn,
của Huệ. Thấp thoáng màu trắng một xa lộ thênh thang. Anh chợt nghe sông Hồng
sóng cuộn”.
Đỗ Hoàng Diệu
Như đã ghi trong tựa đề, Những
sợi tóc màu tang lễ, là truyện về những sợi tóc của một cô gái tên Dực. “Từng sợi, từng lọn bứt ra khỏi đầu Dực toẽ
hình hoa huệ tàn phủ lấp mũi giầy. Chân tóc trắng sắp hàng so đũa chổng ngược
kinh hoàng nhìn Dực đang hãi hùng. Chân tóc chuyển dần đỏ rượi toé ra từng sợi,
từng sợi. Màu máu, hình như là máu”.
Đó là những cảm giác của mình khi Dực online và nhận được
message của người yêu: “Dực yêu quý. Anh
nghĩ phải nói cho em biết. Anh sẽ cưới vợ vào tháng 12 này. Vợ anh là một ca sĩ
mà chắc em đã từng nghe tên. Đừng hỏi anh vì sao lại chia tay em. Cuộc sống vốn
thế Dực à”.
Đối thoại giữa một giáo sư khả kính và Diệu: “Thầy chưa gặp người đàn bà nào có những sợi
tóc tơ mỏng mảnh đến như em”. “Em không phải đàn bà”. “ Sao em lại không phải
đàn bà?”. Dực cắn sợi tóc ngang vai, sợi tóc 16 tuổi. “Em muốn nói rằng chưa
phải, em là con gái”.
Đối thoại đang từ màu hồng chuyển sang màu đen: “Em đẹp lắm, vẻ non tơ của em làm thầy thèm
thuồng ngay từ buổi đầu nhìn thấy em trên giảng đường”. Giọng nói đó quả là
có cánh, nó bay vút đến tai Dực. “Nhưng
sao Thầy lại thèm khát Em?”. Giọng nói đã chuyển sang màu đen. Dực không
thể bỏ chạy khỏi màu đen đang râm ran cấu xé thân thể mình. “Thầy yêu em, thầy yêu em cô gái xinh đẹp.
Em sẽ thành đàn bà, thầy giúp em ngay bây giờ cô gái bé bỏng”.
Đây không phải là bóng đè, mọi chuyện diễn ra giữa thanh
thiên bạch nhật nhưng người đọc lại cảm thấy chính mình bị “bóng đè” chứ không
phải là nhân vật trong chuyện:
“Những sợi tóc tơ bị
chèn ép xuống nền gạch hoa. Hình như chúng đứt. Dực nghe mơ hồ âm thanh chúng
gãy tan tành đứt đoạn. Rừn rựt hổn hển màu da cam nhịp đập Giáo sư. Phựt, âm
thanh rực oà đỏ chói. Dực cháy, nó át tiếng phựt những sợi tóc lìa khỏi đầu cô
gái vừa trở thành đàn bà. Da cam ực lên trinh tiết, buông thả khát thèm. Nhưng
Dực nhìn thấy màu lông chuột, màu xám cỗ quan tài. Dực cố vùng lên. Dực muốn mở
nắp quan tài xem bên trong là ai, ai chết thế? Mở được rồi, một lọn tóc tơ của
Dực nằm trong ấy, chân tóc nhức nhối máu tươi, màu phía dưới bụng Dực đang
chảy. Thân tóc huyền tang lễ”.
Đang từ cảnh “những
sợi tóc lìa khỏi đầu cô gái vừa trở thành đàn bà” người đọc thoát ra khỏi
tình trạng “bóng đè” bằng những câu nói đầy màu sắc trần tục: “Em có đau không? Em sướng lắm phải không?
Vẫn cong người lên thế kia chắc là còn thèm phải không em?”. Chỉ một tuần
sau đó, Dực nhìn thấy Giáo sư của cô như một can rắn xanh lục trườn tới một cô
sinh viên năm thứ nhất như Dực ở đúng khoảng gạch Dực đã trở thành đàn bà, da
đầu chưa kịp lên tóc của cô rỉ máu.
Sau chuyện ông giáo sư khả kính đến đến vị thứ trưởng đầy uy
quyền trong cơ quan của Dực. “Cô bé đáng
yêu của tôi. Tối qua em ngủ ngon không? Áo em đẹp quá, áo em trắng quá nhìn
không ra, không ra hai ngọn đồi trong sương mù. Em thấy chưa, tôi làm thơ còn
hay hơn cái anh chàng bị hủi điên khùng đấy chứ. Khen tôi đi Khánh Dực. Thưởng
cho tôi đi Hoàng Cúc, Mộng Cầm kiều diễm của tôi”.
Gió lốc tràn tới ầm
ầm. Cưa, dùi, đục, cắt bầu vú và hai má mông Dực. Bác gác cổng ăn sáng bằng mắt
và ngài Thứ trưởng ăn sáng bằng tay. Và cô thư ký bé nhỏ chôn trong chiếc quan
tài màu lông chuột những sợi tóc bật gốc. Dực quá yếu ớt và đơn độc.
Mẹ Âu Cơ khi mang thai
100 quả trứng, trinh tiết đã mất tỉnh bơ bảo Dực: Đừng lãng mạn bạn yêu mến.
Bạn thà rụng hết tóc trên đầu còn hơn thất nghiệp thời buổi này ở Việt Nam .
Công chức nhà nước cấp Bộ oai ghê oai gớm, mơ ước của hơn 40 triệu đàn bà con
gái đã trưởng thành hay đang cởi truồng tắm mưa đấy Dực ạ.
Ôi, mẹ Âu Cơ, mẹ đã
nói thế thì con đành phải vâng lời. Con mang chôn tóc con trong những chiếc
quan tài màu lông chuột ở khu vườn hoang đầy hoa dại. Âm sắc Mẹ đỏ rực, xám
lạnh uy quyền, con nào dám trái lời.
Đỗ Hoàng Diệu đưa người đọc đến đoạn kết của Những sợi tóc màu tang lễ:
“Dực đã chôn ở đây 14
chiếc quan tài, ngàn sợi tóc của Dực. Mẹ Âu Cơ nói phải nhớ thứ tự cái nào chôn
trước thì lấy về trước. Làm sao Dực có thể nhớ nổi. Dực cũng không nhớ được vị
trí 14 chiếc quan tài. Phải làm thế nào đây? Có âm thanh nào ở đâu đó, rất
gần”.
Đỗ Hoàng Diệu
Tình chuột, truyện
ngắn mà tác giả thích nhất, xoay quanh 3 nhân vật: cô gái tên Vy, một người đàn
ông và một người đàn ông khác. Sở dĩ có tên Tình
chuột vì cô gái tự tử bằng gói thuốc chuột. Khi mua thốc chuột, người bán
hàng còn đùa “Cô em xinh thế này mà nhà
cũng có chuột sao?”. Vy đẹp thật
nhưng trái tim của nàng đang bị đủ loại chuột cấu xé.
“Chuột chù, chuột cống,
chuột đồng, chuột bạch chạy dớn dác trên cánh đồng ngập ứa nỗi đau trải dài
suốt sa mạc đỏ lòm trái tim em. Nhiều chuột lắm, mỗi vết thương ra đời một đàn
chuột”.
Có những con chuột bạch mà người ta nuôi làm cảnh. Người yêu
của Vy là Việt kiều ở San Jose
bỗng nhiên bị thất nghiệp nên nên phải hủy vé máy bay về nước tổ chức đám cưới.
Anh trở thành con chuột bạch:
“Hai tuần nghỉ phép và
một đám cưới trở thành đàn chuột chạy thục mạng vào em. Nhưng vì em nhìn ra
chúng là chuột bạch nên chúng không phá quấy nhiều lắm. Chúng chỉ gây đau nhức
một chút. Vài tháng sau ngày chúng đến thì em đã ngon ngọt dỗ chúng trở về hang
ổ của mình. Chúng chỉ để lại một cái ổ với những bào thai vương vãi trong em”.
…
“Anh cười như pháo nổ
khi viết cho em: Bố em chịu chơi thật, anh nói tháng Ba nhưng Bố khuyến mãi cho
đến tháng Năm. Hạnh phúc đến thật rồi. Từ Tết nguyên đán cho đến tháng Năm đâu
có bao xa. Lần trước anh bảo cái váy cưới anh mua ở San Fransisco bị rộng và
cũng đã lỗi mốt. Hay anh để em mua ở Hà Nội đi. Hà Nội bây giờ người ta nhập về
nhiều áo hợp với vóc dáng của em lắm anh ạ. Nếu em tìm thấy cái nào thời thượng
và đẹp vừa với em thì mua ở Hà Nội cũng được em yêu. Và nhớ chụp hình chiếc áo
gửi cho anh…”
Bào thai chuột trong Vy cựa quậy và nàng cảm thấy nó thành
hình khi tháng Năm đến. Người yêu của Vy cách nửa vòng trái đất đang gặp khó
khăn trong công việc vì dự án bị kiện không thể về được.
“Cả đàn chuột cống
chạy náo loạn trong cơ thể xanh xao chờ đợi của em. Em những tưởng lần này
chúng xông vào cắn xé và em chết, em chết ngay cuối tháng Năm bắt đầu mùa hè
giông gió bất thường. Lời thư anh viết chan chứa yêu thương van xin em đừng bỏ
anh. Nếu anh về bây giờ sẽ mất việc làm, cưới nhau rồi anh quay về Mỹ thành kẻ
thất nghiệp, có thể mất xe, mất nhà. Như vậy làm sao chúng mình hạnh phúc?”
Vy kể lại mối tình của mình với Phừng. “Anh thừa biết một cô gái trẻ như em, có học, không tài sản, không công
việc ổn định, không mối ràng buộc nào ở Việt Nam thì chuyện xin visa sang Mỹ là
điều không tưởng”. Phừng mách nước: “Em
ơi, em nhầm cơ bản rồi, em ngây thơ quá. Em có thể nhập vào một đoàn doanh nhân
Việt Nam
đi khảo sát thị trường Mỹ là vi vu. Đã bao nhiêu người trót lọt chuyện này. Nếu
muốn anh sẽ giúp em”.
Lại một con chuột to đùng và nồng nặc xú uế xông thẳng đến
Vy khi nàng “buông xuôi để cái đàn ông
của Phừng gọn lỏn trong người”! Phải chăng đó là sự “hy sinh” để được gần
người tình nhưng sau đó nàng hối hận, “Hai
giờ em đứng dưới vòi nước mở hết cỡ không đủ để xua con chuột hôi hám khỏi
người”.
Vy vẫn không nhận email, không điên thoại từ Mỹ. Giá như có
liên lạc biết đâu chẳng giúp Vy xua đuổi được chuột? “Trời ơi, nhiều lắm, đông lắm, chúng hôi và to quá cỡ. Nhầy nhụa tranh
nhau cắn xé em em”. Nào là anh Huấn bên Công an, anh Thành giám đốc du
lịch, anh Cẩn bên Thương mại. Những người này sẽ lo liệu cho chuyến đi gặp vị
hôn phu của nàng với một cái giá quá đắt.
“Giờ thì lũ chuột ra
khỏi người em rồi anh ơi. Chúng đi hết rồi. Nơi này lạnh lẽo quá. Có những con
mèo ngồi trong góc đang nhìn em. Còn chuột đâu mà rình rập hả mèo? Em chết rồi
anh ơi. Khi em cầm gói thuốc cho vào miệng, cành sấu già bị người ta vặt hết
quả trơ trác bầu vú nhõng nhẽo thở dài. Cuộc sống luôn bất hạnh cho cô, cô gái
yếu đuối nhưng mạnh mẽ tình yêu. Vĩnh biệt cô”.
Vị hôn phu “hụt” và kẻ “hảo tâm” chỉ lên tiếng sau khi Vy
uống thuốc chuột để xua đuổi hàng bầy chuột đã xâm nhập cuộc đời Vy. Tất cả đều
quá muộn và Vy đã vĩnh viễn ra đi. Cuộc sống bao giờ cũng có cái giá của nó.
Hai người đản ông đều tiếc cho Vy, một người con gái xinh tươi, duyên dáng,
thông minh, bặt thiệp nhưng lại sợ chuột…
Đỗ Hoàng Diệu
Tập truyện ngắn Bóng đè
không được báo chí trong nước chú ý nên Đỗ Hoàng Diệu gửi cho báo mạng ở hải
ngoại. Mãi sau này, Nhà xuất bản Đà Nẵng mới quyết định in nhưng lại cắt đi 3
truyện: Tình chuột, Những sợi tóc màu tang lễ, Cô gái điếm và năm người đàn ông. Tuyện
ngắn Tình chuột sau đó được in trên
báo Tiền phong và được chọn vào sách Những
truyện ngắn hay trên báo Tiền Phong do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.
Năm 2005-2006 người ta mới bắt đầu chú ý đến tập truyện Bóng đè. Những người khen thì cho rằng
nhà văn trẻ có những ý tưởng mới lạ, dám viết mạnh bạo, dám đụng đến những bi
kịch của cuộc sống. Có người lại chê là văn chương không mới, tư tưởng bị ảnh
hưởng người này người khác, còn bút pháp thì mô tả tình dục sống sượng. Tại Hội
nghị lý luận phê bình ở Đồ Sơn, có nhà văn lớn tuổi còn lên diễn đàn lăng mạ
Diệu là “truỵ lạc”, “suy đồi”…
“Tôi muốn cởi phăng
áo, dướn ngực vào mặt Công. Tôi muốn tri hô: ‘Tinh trùng anh loãng như nước
máy. Linh hồn anh là linh hồn của một tên hủi …’. Tôi thấy rõ trí nhớ tôi tan vữa dần sau mỗi
cú thọc sâu của Công, chỉ có Buôn Hủi, làng Hủi, và người đàn ông Thượng tồn
tại…” (Dòng sông hủi)
Cuộc đời của Đỗ Hoàng Diệu cũng ly kỳ không kén những truyện
cô viết. Được hỏi liệu những nhân vật chính trong các tác phẩm có bao nhiêu
phần trăm “nguyên mẫu” là “cái tôi” của tác giả, nhà văn trả lời lấp lửng: “Có chi tiết 100%, nhưng xét toàn bộ thì
0%”.
Đỗ Hoàng Diệu lập gia đình với một người Mỹ nói tiếng Việt
khá sành sõi. Họ có một cháu gái dù hai người chưa chính thức làm đám cưới tại
Việt Nam .
Trong một cuộc phỏng vấn, Đỗ Hoàng Diệu cho biết:
“Vài tháng nữa chúng
tôi về Việt Nam, sẽ được ăn đã đời bún đậu mắm tôm, cà pháo, riêu cua, bánh
đúc… và tất nhiên cả rau muống nhiễm chì, cá ướp phân đạm. Tôi là người Việt
Nam, làm sao xa Việt Nam
được. Sẽ sống dài dài ở đó”.
Xin chúc mừng nhà văn “bố” Đỗ Văn Phác đã có cháu ngoại. Và
cũng xin “chia buồn” cùng anh đã có đứa con gái út đã không nghe lời bố, “tránh
cái chuyện văn chương vớ vẩn”, để ngày nay ta có nhà văn Đỗ Hoàng Diệu.
Đỗ Hoàng Diệu và chồng, Alex Honcomble
***
Chú thích:
[1] Đỗ Văn Phác:
Theo Ngô Minh, chân dung nhà văn Đỗ Văn Phác có thể phác họa một vài nét như
sau:
“Anh là giáo viên
trường làng ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá, đã nghỉ hưu. Anh viết văn từ những năm 70
của thế kỷ trước. Anh từng có 11 năm viết báo tự do để kiếm tiền nuôi con học
đại học. Năm 1998, anh mới bắt đầu in sách.
Anh đã xuất bản 5 tập
tiểu thuyết, truyện ngắn, ký… Tháng 10 -2007 này anh có tập truyện ngắn do “Nhà
Quân đội” ấn hành. Nhà xuất bản này còn ký với anh một cuốn tiểu thuyết nữa, đã xong bản thảo, còn
cuốn tiểu thuyết ‘Đồng Tôm’ đang xếp hàng ở NXB Văn học.
Có lần tôi hỏi anh:“Viết
lách dày dặn thế sao anh không làm đơn vô Hội nhà văn? “. Anh cười:“Mình ở
làng, “tỉnh lẻ” nên mù lắm. Cứ sợ văn chương chưa ra gì …
[2] Bóng đè (sleep
paralysis, nightmare): Thuật ngữ dân gian chỉ một hiện tượng rối loạn trong giấc
ngủ. Bóng đè thường xuất hiện ở những người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, những
người “yếu bóng vía”, hay ám ảnh vì những điều vu vơ, hoặc người khoẻ nhưng một
lúc nào đó có điểm yếu trong tinh thần.
Nhiều người lại cho rằng bóng đè là do ma quỷ ám nên chữa
bằng cách cúng bái, làm lễ nhưng đây là cách làm sai lầm, mê tín và không có
hiệu quả. Hiện tượng bóng đè xảy ra rất phổ biến và có khoảng 40% nhân loại đã
từng bị bóng đè ít nhất một lần trong đời.
Khi bị bóng đè, não bộ vẫn hoạt động bình thường nhưng cơ
thể không thể cử động được. Người bị bóng đè thường cố gắng thức dậy bằng cách
cử động chân tay hay nói nhưng không thể được mặc dù não đã phát đi tín hiệu
điều khiển thần kinh vận động. Nhiều người mô tả rằng cơ thể họ như có vật gì
rất nặng đè lên ngực mà họ không thể nào đẩy ra được.
Hiện tượng bóng đè
Khi bị bóng đè, khoảng 5% bệnh nhân có ảo giác nhìn thấy
những hình ảnh đáng sợ, khó thở, nghe thấy tiếng bước chân hay giọng nói. Một
vài người thì lại thấy mình bị đẩy xuống giường, hoặc bị xô ngã. Bóng đè có thể
diễn ra trong vài giây nhưng cũng có thể lâu hơn 30 phút.
Để hiểu sâu về hiện tượng bóng đè, các nhà khoa học đi vào
nghiên cứu các giai đoạn của giấc ngủ. Ở các loài động vật có vú, giấc ngủ được
chia làm hai khoảng thời gian: REM (rapid eye movement) và NREM (non-REM). Trong
REM, mi mắt của chúng ta cử động nhanh và đây là khoảng thời gian chúng ta nằm
mơ. Giai đoạn này, mi mắt hoạt động như thể chúng ta đang “nhìn” những sự vật,
sự việc trong giấc mơ của mình vậy.
Còn ở giai đoạn NREM, chúng ta ít khi nháy mi mắt nhưng có
thể trở mình trên giường, thậm chí mộng du và nói chuyện trong giấc ngủ. Mỗi
khi bắt đầu một giấc ngủ, ta bước vào giai đoạn NREM trong 80 phút và nối tiếp
sau là 10 phút ở giai đoạn REM. Chu trình 90 phút này cứ lặp đi lặp lại trong
suốt giấc ngủ.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bóng đè xảy ra. Nguyên nhân
chủ yếu là do căng thẳng tâm lý, lo lắng hay stress do sức ép từ công việc, do
đảo lộn chu trình của giấc ngủ, những yếu tố tâm lý này kích thích lên vỏ não,
gây ra hiện tượng bóng đè. Do tư thế nằm ngủ, người để tay lên ngực khi ngủ sẽ
gây khó khăn cho việc thở và dễ bị bóng đè. Cà phê và rượu cũng là tác nhân gây
nên bóng đè. Cũng có khi bóng đè là dấu hiệu của một số bệnh tim mạch.
Bức trang ‘The Nightmare’ của John Henry Fuseli
mô tả hiện tượng ‘bóng đè’
***
Hồi Ức Một Đời Người
gồm 9 Chương:
- Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
- Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
- Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
- Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
- Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
- Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
- Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
- Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
- Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến
ngày xuống lỗ)!
Ở nhà có quyển "Bóng đè" này, nhưng đọc những phân tích ở đây thấy thật lạ.
Trả lờiXóa