Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Những cái tên bình dị về Núi & Đèo (3)

(Tiếp theo)

Đi từ đồng bằng lên cao nguyên bằng đường bộ chúng ta sẽ phải qua những đoạn đường đèo xuyên núi. Việt Nam có khoảng hơn 30 đường đèo lớn nhỏ cũng như dài ngắn. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến những cái tên bình dị nhưng cũng kỳ lạ của núi và đèo mà tôi đã từng nghe đến hoặc có dịp đi qua trong những chuyến cross-country xuyên Việt vào cuối thập niên 90.

Dọc theo Quốc lộ 1A, đoạn từ Nha Trang đi Quy Nhơn, du khách sẽ vượt qua Đèo Cả. Đây là đường đèo cắt ngang dãy núi Đại Lãnh, ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Xưa kia, từ năm 1471 đến 1653, Đèo Cả là ranh giới quốc gia giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành.

Cũng tại đây, trong khoảng thời gian 1771-1802 có nhiều cuộc giao tranh giữa chúa Nguyễn Ánh và anh em nhà Tây Sơn. Tiếp đến, năm 1947, Đèo Cả là chiến trường giữa quân Pháp và Việt Minh. Địa danh Đèo Cả đã đóng một vai trò chứng nhân quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.

Đèo Cả

Những người lần đầu tiên vượt Đèo Cả sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy từ xa những ống nước tựa như “giếng phun” nằm trên khu vực đỉnh đèo. Lại gần mới biết đó là dịch vụ rửa xe, dùng nguồn nước trên đỉnh núi để làm mát động cơ xe sau khi leo đèo. Ngoài việc làm mát máy xe cộ, cánh lái xe tải còn được một vài quán cóc trên đèo cung cấp “dịch vụ tươi mát”. Hóa ra cái tên Đèo Cả ngày nay còn hàm ý phục vụ “cả” người lẫn xe!

Tại sao lại có tên Đèo Cả? Theo người miền Bắc, anh cả hoặc chị cả là người lớn nhất, tương tự như anh hai, chị hai ở miền Nam. Phải chăng vì ngọn đèo dài hơn 10 km ở độ cao 400 m này có tới cả trăm khúc cua nên được phong là Đèo Cả trong số các ngọn đèo nằm rải rác trên toàn lãnh thổ (?).

Khách vượt Đèo Cả tại khúc cua Đá Đen nếu để ý sẽ thấy một túp lề nằm chơ vơ giữa một bên là núi rừng, một bên là biển cả của cụ Nguyễn Thị Phương, pháp danh Nguyên Quảng. Trước khi xuất gia, bà cũng có mái ấm của riêng mình với chồng và hai người con gái.

Cho đến một ngày, trên chuyến xe đi qua Đèo Cả, đoạn gần đường rầy xe lửa, chiếc xe khách chở cả gia đình bà đã lao thẳng xuống vực sâu. Trong tai nạn này, 72 người trên chuyến xe đó đã ra đi vĩnh viễn, chỉ còn lại bà, một đứa bé trai 10 tuổi và tài xế may mắn thoát chết.

Dân làng quanh đấy cho biết, bà cụ cũng là người xây tượng Quan Thế Âm tại cua Đá Đen và pho tượng được một Phật tử từ miền Nam phát tâm cúng dường. Sau đó, bà đã nhờ người xây am và dựng tượng tại nơi đây để khách đi đường lễ bái, cầu xin một cuộc hành trình bình an trên Đèo Cả.

Nghe nói Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả với số vốn đầu tư 15.600 tỷ đồng, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2016. Đầu đường hầm bắt đầu tại xã Hòa Xuân Nam (Phú Yên) và điểm cuối tại xã Vạn Thọ (Khánh Hòa) với tổng chiều dài hơn 13,4 km, trong đó có hầm Đèo Cả dài 3.900 m, hầm Cổ Mã 500 m và đường dẫn dài 8,5 km.

Một khúc quanh trên Đèo Cả

Phú Yên là một tỉnh có địa lý phức tạp với 3 mặt giáp núi. Phía Bắc có dãy Cù Mông, phía Nam là dãy Đèo Cả, phía Tây là mạn sườn của dãy Trường Sơn trổ ra biển, và phía phía còn lại là biển Đông. Tại Phú Yên, ngọn núi Chư Ninh (1.636 m) thuộc huyện Sông Hinh cao nhất, còn có các núi khác như Hòn Dù, Hòn Chúa, núi Chư Treng và núi La Hiên.

Ngay tại thành phố Tuy Hòa cũng có một ngọn núi không cao nhưng rất nổi tiếng, đó là núi Nhạn. Ngọn núi này nằm ngay bên cạnh sông Đà Rằng, có Tháp Nhạn cổ kính do người Chàm (còn gọi là người Chăm) xây dựng vào khoảng thế kỷ 12. Qua năm tháng và chiến tranh, Tháp Nhạn đã nhiều lần bị hư hỏng nặng nhưng Phú Yên đã phục dựng nguyên gốc để trở thành một điểm thu hút khách du lịch.

Tháp Nhạn, Tuy Hòa, Phú Yên

Người Chàm đã xây dựng rất nhiều tháp dọc theo duyên hải miền Trung trong các thời kỳ từ thế kỷ 7 đến thể kỷ 17 theo nhiều phong cách khác nhau. Đây cũng là dịp để các sinh viên Mỹ tìm hiểu thêm về dân tộc Chàm đã một thời là một vương quốc hùng mạnh dọc theo giải đất miền Trung [1].

Thành Đồ Bàn, còn gọi là thành cổ Chà Bàn hoặc thành Hoàng Đế, nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn và cách thành phố Qui Nhơn 27 km về hướng tây bắc, là tên kinh đô của Chăm Pa có quốc hiệu là Chiêm Thành.

Năm 2006, Trung tâm Quản lý Di tích - Di sản tỉnh Quảng Nam chính thức công bố các nhà khoa học của Đại học Milan (Ý) khi đang làm việc trùng tu nhóm tháp G thuộc Thánh địa Mỹ Sơn đã nhận biết được loại vật liệu kết dính để xây tháp Champa cách đây vài trăm năm.

Theo các nhà khoa học, đặc điểm tháp của người Chàm được kết dính bằng một loại keo được tinh chế từ một loài thực vật vốn có rất nhiều trong khu vực quanh di sản Mỹ Sơn (Quảng Nam), người dân địa phương thường gọi là cây dầu rái. Ngoài ra, họ cũng đã phát hiện ra một loại hợp chất có nguồn gốc từ thực vật bản địa có trong gạch sử dụng để xây tháp. Như vậy, những điều bí ẩn xung quanh vật liệu được người Chăm sử dụng để xây dựng các công trình tôn giáo ở Việt Nam sau hơn 100 năm đã được giải mã.

Dọc theo duyên hải miền Trung, chúng tôi đã ghé tháp Poklong Garai ở Phan Rang, còn được gọi là Tháp Chàm, tại thị trấn mang cùng tên Tháp Chàm thuộc tỉnh Phan Rang, Ninh Thuận. Vùng đất Ninh Thuận đã từng là kinh đô Panduranga của Vương quốc Chăm Pa cổ và bắt đầu từ đây ngược ra tới Đà Nẵng người ta gặp rất nhiều ngôi tháp của người Chàm.

Tháp Poklong Garai ở Phan Rang

Nhà thơ Chế Lan Viên với tập thơ đầu tay Điêu tàn đã nói lên nỗi lòng của những ngọn tháp Chàm trước sự vô tình của thời gian. Phải chăng đó cũng là nỗi “hận vong quốc” trong tâm tư sâu thẳm của một dân tộc đã trải qua một dĩ vãng huy hoàng?

“Quả đất chuyển giây lòng tôi rung động
Nỗi sầu tư nhuần thấm cõi Hư Vô!
Tháng ngày qua, gạch Chàm đua nhau rụng
Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ!”

Trong kho tàng âm nhạc của Việt Nam người ta cũng chú ý đến bài hát Hận Đồ Bàn của nhạc sĩ Xuân Tiên [2]. Mối “hận” này phải do chính ca sĩ người Chàm hát mới lột tả hết tâm trạng của kẻ mất nước. Không ai dành được ngôi vị số 1 của Chế Linh khi cất tiếng hát ai oán… “… người xưa đâu? người xưa đâu?...”

“… Rừng trầm cô tịch, đèo cao thác sâu
Đồi hoang suối reo, hoang vắng cheo leo
Ngàn muôn tiếng âm, tháng năm buồn ngân...
Âm thầm hòa bài hận vong quốc ca…”

Nói đến người Chàm, trong ký ức của tôi vẫn còn in rõ hình ảnh một người bạn học năm Đệ Nhất trường Trần Hưng Đạo, anh là người Chàm lên Đà Lạt trọ học. Cũng như phần đông người Chàm, anh hiền lành, ít nói, lúc nào cũng có vẻ u uất một tâm sự dấu kín trong lòng. Chúng tôi tham gia ban văn nghệ của trường và, thật bất ngờ, tới lúc đó tôi mới biết anh có hai bài hát tự sáng tác.

Bài hát được chính tác giả trình diễn trên sân khấu rạp Hòa Bình và ngay sau đó được Đài phát thanh Đà Lạt ghi âm và phát lại nhiều lần. Đó là hai bài Bây giờ tháng mấy, Mùa thu mây ngàn và tác giả là Từ Công Phụng. Học xong năm Đệ Nhất, Từ Công Phụng về Sài Gòn và chẳng mấy chốc nổi tiếng trong làng ca nhạc cuối thập niên 60. 

Tháp Po Nagar ở Nha Trang đang được phục dựng

Xin trở lại với đèo và núi miền Trung. Đặc điểm của khu vực này có nhiều núi từ dãy Trường Sơn cắt ngang ra biển nên dọc theo Quốc lộ 1A, 1D và Quốc lộ 25 xuất hiện rất nhiều đèo. Trên quốc lộ 1A, sau khi vượt qua Đèo Cả sẽ tiếp tục hướng về đèo Cù Mông – ranh giới giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Ở Phú Yên có câu ca dao nói về hai đèo này:

“Phú Yên đứng giữa hai đèo
Thương anh em có sợ nghèo hay không?”

Bình Định và Phú Yên còn được biết đến qua tên gọi “Xứ Nẫu”, một cái tên mới nghe qua tưởng là có ý miệt thị. Không phải vậy, bằng chứng là ngay ở Sài Gòn có quán ăn mang tên Ở Quãy với lời giải thích ngay trên bảng hiệu “Món ngon xứ nẫu”. Chắc bạn đọc thắc mắc cái tên Ở Quãy cũng lạ tai và khó hiểu. Chủ quán giải thích: “Ở Quãy” theo tiếng địa phương của người Bình Định nghĩa là “ở ngoài đó”. Nếu còn thắc mắc, bạn có thể vào tham khảo trang Facebook của Ở Quãy tại http://www.facebook.com/quanoquay.

Nhà hàng Ở Quãy, 'món ngon xứ nẫu'  tại Sài Gòn

Từ Sông Cầu vào đến Quy Nhơn,  trước khi lên đèo Cù Mông, xe chúng tôi phải vượt qua một đoạn đường dốc và khúc khuỷu có tên là dốc Găng, cánh lái xe thường gọi một cách thi vị là “15 cây số quanh co”.

Đèo Cù Mông, một trong số những cái tên bình dị về đường đèo đất Việt, có chiều dài 9 km, độ cao 245 m, độ dốc 9%. Đèo nằm trên dãy núi mang cùng tên và là ranh giới giữa thị xã Sông Cầu (Phú Yên) và Bình Định. Qua khỏi đèo Cù Mông, đi thêm khoảng 15 km là tới thành phố Quy Nhôn.

Sử sách ghi chép, năm 1471 sau trận chiến giữa Đại Việt và Chiêm Thành, người Chàm thua trận nên đã bị mất vùng đất phía bắc từ đèo Hải Vân tới đèo Cù Mông. Cũng từ năm đó, đèo Cù Mông chính là ranh giới mới giữa hai nước cho đến năm 1611.

Cái tên Cù Mông thật gợi hình. Tôi cứ liên tưởng đến chuyện ai đó cù vào mông mình khiến ngồi trong xe cứ nhấp nhổm khi qua đoạn đường đèo hiểm trở! Tên ngày xưa của ngọn đèo này cũng bắt đầu bằng Cù nhưng lại là Cù Mãng với ý nghĩa “Cù” là linh vật đầu lân, mình rồng còn “Mãng” là rắn thần.

Những khi thời tiết thay đổi, mưa gió bão bùng, dân địa phương bảo là “Cù dậy”. Đó là lúc linh vật chuyển mình tựa như đầu rồng hút nước. Truyền thuyết lại còn kể rằng khi hạn hán, ông trời sai con “cù mãng” (rắn xanh) xuống đỉnh Cù Mông để bắt con beo thần và làm mưa cho vùng đất này.

Beo thần bị con cù mãng bắt đưa về trời sau cuộc chiến, vì vậy, hàng năm cứ vào tháng 9, tháng 10 âm lịch là cả vùng đất Cù Mông mưa gió, sấm chớp nổi lên đùng đùng mà người dân gọi là cuộc huyết chiến giữa thần Cù Mãng và Beo thần ngày xưa.

Thị xã Sông Cầu còn có những đèo, dốc mang tên lạ lẫm như đèo Tùy Luật, đèo Nại, dốc Ba Ngoài, dốc Quýt, dốc Gành Đỏ. Huyện Tuy An có dốc Vườn Xoài (còn gọi là dốc Đá Trắng), đèo Tam Giang, đèo Thị, dốc Bà Ền. Huyện Đồng Xuân có đèo Cây Cưa, Sông Hinh có đèo Bình Thảo và Phú Hoà có đèo Dinh Ông.

Đèo Cù Mông

Giữa thành phố Nha Trang và Quy Nhơn là một khoảng cách vừa dài về cự ly lại vừa xa về nhịp độ cuộc sống. Trong khi Nha Trang nhộn nhịp đón khách du lịch trong và ngoài nước thì Quy Nhơn hình như vẫn còn ngái ngủ giữa buổi trưa nồng. Màu cát trên bãi biển Quy Nhơn không trắng như Nha Trang, không vàng như Sa Hùynh mà lại ngả sang một mầu xam xám trông tựa bùn non.

Cũng như vị trí của Bảo Lộc nằm giữa Sài Gòn và Đà Lạt, Quy Nhơn được coi là trạm dừng chân trên tuyến Nha Trang – Đà Nẵng dài đến 540km dọc theo duyên hải miền Trung. Một buổi sáng sớm dạo quanh Quy Nhơn tôi tình cờ biết đến một cái tên rất ‘dân dã’ dành cho nơi này. Theo lời bác cyclo lớn tuổi, tiền thân của khu vực này là một bến cá, người địa phương gọi là ‘khu nín thở’ vì mùi tanh của cá.

Bình minh trên biển Quy Nhơn

Bình Định là quê hương của các loại hình nghệ thuật như tuồng, bài chòi... với bờ biển dài, nhiều vũng vịnh với những bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh như: Quy Nhơn, Tam Quan, Tân Thanh, Vĩnh Hội, Trung Lương, Hải Giang, Đảo Yến, bãi tắm Hoàng Hậu, Quy Hòa, Bãi Dại, Tân Phụng, Vĩnh Lợi..

Bảo tàng Quang Trung ở đất Tây Sơn là niềm tự hào của Bình Định, quê hương của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ sau này là vua Quang Trung và địa danh này cũng là cái nôi của môn phái võ dân tộc nổi tiếng.

Bảo tàng ngày nay đã được tân tạo với một chiếc cầu mới dẫn vào khu di tích lịch sử gồm một quần thể kiến trúc bao quanh tượng đài ‘anh hùng áo vải’ Quang Trung. Khách du lịch còn có dịp được thấy tận mắt giếng nước nơi Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ họp bàn chuyện kéo quân ra Bắc chống quân Thanh.

Bảo tàng Quang Trung còn có khu sân khấu biểu diễn võ Bình Định. Chương trình bắt đầu với các hồi trống trận và sau đó là các thế võ dân tộc qua nhiều lọai binh khí như côn, đao, lao, kiếm và roi. Ấn tượng nhất là màn biểu diễn của những nữ võ sĩ khiến người xem liên tưởng đến câu ca dao:

Ai về Bình Định mà xem
Con gái Bình Định cầm roi... rượt chồng!

Để có nguồn kinh phí điều hành, Bảo tàng Quang Trung bán vé vào cửa xem biểu diễn võ được phân thành 2 giá, rẻ hơn cho khách trong nước và đắt hơn cho khách ngoài nước. Điều đáng nói là tôi có một máy quay video nên phải đóng thêm một khoản tiền nữa. Thiết nghĩ, ban quản lý bảo tàng qúa chi li với cách kinh doanh như vậy! 

Bảo tàng Quang Trung

(Còn tiếp)

***

Chú thích:

[1] Lịch sử Chăm Pa (Chàm), bao gồm các quốc gia Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành (Campanagara) và Thuận Thành (Nagar Cam), độc lập từ 192 và kết thúc vào 1832. Lãnh thổ này được ghi nhận là từ miền Trung trở vào miền Nam, thay đổi tùy thời kỳ. Từ 1694 đến 1832, chúa Chăm Pa (Trấn vương Thuận Thành) nằm dưới sự đô hộ của các chúa Nguyễn, vua nhà Tây Sơn và vua nhà Nguyễn cho đến lúc bị sáp nhập hoàn toàn.

Văn hóa Sa Huỳnh là xã hội tiền sử thuộc thời đại kim khí tại khu vực ven biển miền Trung. Năm 1909, đã phát hiện khoảng 200 lọ được chôn ở Sa Huỳnh, một làng ven biển ở nam Quảng Ngãi. Sa Huỳnh có đặc điểm văn hóa thời đại Đồng Thau rất đặc trưng với phong cách riêng, thể hiện qua các hiện vật như rìu, dao và đồ trang sức. Việc định tuổi theo phương pháp phóng xạ carbon đã xếp văn hóa Sa Huỳnh đồng thời với văn hóa Đông Sơn, tức khoảng thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên.

Người Chăm bắt đầu cư trú tại đồng bằng ven biển miền Trung từ khoảng năm 200 công nguyên. Lúc này người Chăm đã tiếp thu các yếu tố của văn hóa, tôn giáo và chính trị của Ấn Độ. Các nghiên cứu khảo cổ học của các tác giả cho thấy người Chăm chính là hậu duệ về mặt ngôn ngữ và văn hóa của người Sa Huỳnh cổ.

Các hiện vật khảo cổ của người Sa Huỳnh cho thấy họ đã là những người thợ thủ công rất khéo tay và đã sản xuất ra nhiều đồ trang sức và vật dụng trang trí bằng đá và thủy tinh. Phong cách trang sức Sa Huỳnh còn phát hiện thấy ở Thái Lan, Đài Loan và Philippines chứng tỏ họ đã buôn bán với các nước láng giềng ở Đông Nam Á cả bằng đường biển và đường bộ. Các nhà khảo cổ cũng quan sát thấy các hiện vật bằng sắt đã được người Sa Huỳnh sử dụng trong khi người Đông Sơn láng giềng vẫn còn chủ yếu sử dụng đồ đồng.

Vị vua hùng mạnh cuối cùng của vương quốc Chăm Pa là Chế Bồng Nga. Không có văn bia Chăm Pa nào đề cập đến ông và Biên Niên Sử cũng không ghi chép về ông. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1491), ông cai trị từ năm 1360 đến năm 1390. Ông tấn công vào Đại Việt nhiều lần. Quân đội Chăm Pa đã đánh phá Thăng Long vào các năm 1372 và 1378. Lần tấn công cuối cùng của quân đội Chăm Pa vào lãnh thổ nhà Trần là vào năm 1389.

(Nguồn: Wikipedia)

[2] Video clip Hận Đồ Bàn (Nhạc và lời: Xuân Tiên, trình bày: Chế Linh)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 8: Thời mở cửa)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!    

1 nhận xét:

Popular posts