“Rủ
nhau lên núi đốt than
Chồng
mang đòn gánh vợ mang quang giành
Củi
than nhem nhuốc với tình
Ghi lời
vàng đá xin mình chớ quên…”
(Ca dao)
Một hình ảnh quen thuộc, “rất Việt Nam”, đã từ lâu trở thành
kỷ niệm đối với người Việt, cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Quang
gánh đã đồng hành cùng hỗ trợ cho những người dân lao động trong những công việc
hàng ngày, từ gánh lúa gạo, gánh hàng rong cho đến gánh nước, gánh con đi
chạy giặc.
Một bộ quang gánh gồm chiếc đòn gánh và một
đôi quang đặt ở hai đầu đòn gánh. Đòn gánh được làm bằng tre còn đôi quang có
thể làm bằng nhiều chất liệu như mây, tre hoặc dây thừng, dây thép.
Để làm ra những chiếc đòn gánh tưởng chừng rất đơn giản nhưng thực ra lại là một công đoạn rất mất thời gian. Những thanh tre để làm nên chiếc đòn gánh phải là những gốc tre già và thẳng.
Tre được chọn sẽ được ngâm dưới nước trong
vòng vài tháng, sau đó đem đi phơi khô và được hun khói để tăng thêm độ bền
chắc. Tre phải là tre gốc, vừa rắn chắc, vừa dẻo dai. Mỗi gốc tre sẽ được chẻ
thành hai mảnh rồi đẽo, uốn cho thật thẳng.
Thân đòn gánh được phình ra ở giữa để phân tán lực cho bờ vai lại vừa giúp khả năng chịu lực mà vẫn dẻo, không gãy. Hai đầu đòn gánh được khắc mấu để giữ cố định đầu gióng.
Người gánh phải đặt đòn gánh ngay chính giữ trên vai, hai đầu phải được chia đều trọng lượng sao cho thật cân bằng. Thêm nữa, bước đi phải thật uyển chuyển thì mới dễ di chuyển.
Hình ảnh đôi quang gánh cùng với chiếc nón
lá, áo tứ thân, áo bà ba hay thậm chí cả áo dài… đã tạc nên một trong những hình ảnh đặc trưng
của người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh đó trở nên hết sức thân thuộc, gần gũi
trong cuộc sống hàng ngày.
Người gánh có thể là nông dân chân lấm tay bùn, gánh phân ra đồng, gánh lúa trở về nhà. Cũng có thể là những cô thôn nữ gánh cỏ, gánh nước giếng làng dưới đêm trăng thanh. Là mẹ gánh khoai, gánh rau ra chợ lúc nặng trĩu khi nhẹ tênh… mà tuổi thơ có những lúc ta mòn mỏi đứng trông nơi đầu ngõ.
Quang gánh gắn liền với hình ảnh của những bà, những mẹ, những chị ngày xưa. Bất kể nắng mưa, bất kể sớm trưa trên con đường làng, ngõ quê hun hút; bước chân liêu xiêu, tiếng kêu kẽo kẹt, dáng lưng còng trĩu nặng; mẹ như đang gánh cả “giang sơn nhà chồng”.
“Cho con gánh mẹ một lần
Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con…”
Tưởng chừng đôi quang gánh sẽ lùi vào lịch sử khi cơ giới hóa, công nghệ hóa đang ngày một chiếm ưu thế và phổ biến. Tuy nhiên, khi đến với các thành phố ở Việt Nam ngày nay, người ta vẫn có thể bắt gặp những chiếc quang gánh trên các con phố, hàng quán vỉa hè…
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét