Mona Lisa (còn có tên là La Joconde, La
Gioconda hay Chân dung Lisa Gherardini…) là một bức tranh chân dung được
sáng tác vào thế kỷ thứ 16 bởi danh họa Leonardo da Vinci trong thời
kỳ Phục hưng tại Florence, nước Ý.
Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu,
mô tả một phụ nữ có khuôn mặt thường được người thưởng ngoạn xem là “bí ẩn”
và “huyền ảo”… nhưng số phận lại không kém phần “trôi nổi” pha lẫn
“điêu linh”.
Da Vinci bắt đầu vẽ Mona Lisa vào khoảng năm 1503 sau khi ông đã ngưng nó trong suốt bốn năm. Rồi từ Ý sang Pháp, ông tiếp tục vẽ trong suốt ba năm và hoàn thành trong một thời gian ngắn trước khi mất năm 1519.
Vua François I đã mời họa sĩ tới làm việc
tại Clos Lucé gần lâu đài của nhà vua tại Amboise, Pháp. Nhà vua đã mua bức
tranh với giá 4.000 écu, treo nó tại Château Fontainebleau. Rồi lại đưa bức
tranh tới Cung điện Versailles.
Sau cuộc Cách mạng Pháp, Mona Lisa được đưa tới Bảo tàng Louvre. Napoleon I chuyển nó tới phòng ngủ trong Cung điện Tuileries rồi lại quay trở về Louvre. Trong Chiến tranh Pháp-Phổ (1870–1871), một lần nữa được chuyển từ Louvre tới một nơi cất giấu an toàn tại Pháp.
Mona Lisa là tên của Lisa del Giocondo, thuộc gia đình Gherardini tại Florence và cũng là vợ của Francesco del Giocondo, một thương nhân tơ lụa giàu có người Florence. Khởi đầu, bức tranh được “đặt hàng” cho ngôi nhà mới của họ và cũng để kỷ niệm ngày sinh của đứa con trai thứ hai, Andrea.
Dưới con mắt của các nhà phê bình
hội họa, có rất nhiều lý do khiến Mona Lisa thu hút sự quan tâm của
người thưởng ngoạn. Trước tiên là “nụ
cười bí ẩn” lúc nào cũng thu hút người xem tranh nhờ “kỹ thuật sfumato” của Vinci. Kỹ
thuật này gây ấn tượng về độ sâu và bóng tối của nụ cười khiến người xem
trong tư thế đối diện trực tiếp sẽ hầu như không thấy được!
Đôi mắt của Mona Lisa ẩn chứa những con
số và chữ cái… vô hình. Đó chính là những “mật mã” trong đôi mắt “có thần”, “có nội tâm” và “có cá tính”. Đôi mắt luôn dõi theo từng
người đối diện, bất kể họ ở vị trí nào. Đôi mắt đó chính là “cửa sổ của tâm hồn” mà chúng ta
thường ca tụng!
Quanh mắt của Mona Lisa vẫn có lông mày
và lông mi, không giống với những gì chúng ta nghĩ trước đây về khuôn mặt của
nàng. Trạng thái cảm xúc trên gương mặt Mona Lisa qua sự tính toán trên
góc độ khoa học cho thấy có 83% hạnh phúc, 9% chán chường, 6% sợ hãi, tức
giận 2%, 1% trung tính nhưng hoàn toàn không có sự ngạc nhiên.
Cuối cùng là sự bí ẩn về đôi tay của
Mona Lisa. Một vị trí hiếm thấy trong tranh của các họa sĩ khi da
Vinci để bàn tay phải và bàn tay trái của nàng nằm chéo nhau ngang
trên bụng. Người ta bỗng nghĩ đến việc bức họa được vẽ khi Lisa del
Giocondo ngồi làm mẫu để mừng ngày sinh của đứa con trai sắp chào
đời!
Thêm vào đó là những chi tiết của
bối cảnh bức tranh. Theo các chuyên gia, phía sau lưng nàng Lisa là hình ảnh
đầu một con trâu, đầu sư tử khi ta nối hoàn chỉnh những nét vẽ và xoay theo 1
góc thích hợp. Phải chăng đây cũng là một khám phá đặc biệt về nghệ
thuật của da Vinci?
Số phận của bức tranh nổi tiếng thế
giới đã trải qua những bước thăng trầm kỳ lạ. Ngày 21/08/1911, bức
tranh biến mất một cách bí ẩn khỏi Salon Carré nơi nó đã được trưng bày trong
5 năm tại Bảo tàng Lourve mà không để lại một dấu vết.
Đây chính là một trong những vụ trộm hội hoạ vĩ đại nhất trong mọi thời đại. Vụ trộm không chỉ dậy sóng vì những tranh cãi về văn hoá, giá trị nghệ thuật mà còn biến bức tranh thành… kỳ quan đặc biệt của cả thế giới.
Nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà thơ
Guillaume Apollinaire, người đã có lần kêu gọi "đốt cháy" Louvre,
đã bị nghi ngờ có dính líu. Ngay cả họa sĩ Pablo Picasso, cũng bị lọt
vào tầm ngắm của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, cả hai đều được chứng minh
là không hề liên quan.
Phải đến 3 năm sau, cuộc điều tra mới có kết quả và tìm ra thủ phạm, đó là Peruggia, một người Ý. Sau khi đã giữ bức tranh trong căn hộ của mình trong hai năm, Peruggia đã bị bắt khi tìm cách bán nó cho giám đốc của Uffizi Gallery ở Florence.
Theo lời khai của Peruggia, động cơ lấy tranh được giải thích theo hướng “một hành động yêu nước”. Bức chân dung đã bị nước Pháp “cưỡng đoạt” vào thế kỷ 18, vì thế việc trả lại nàng Mona Lisa cho nước Ý là điều “đúng đắn” và “công bằng”!
Bức tranh được trao trả về Louvre năm 1913 và “thủ phạm” Peruggia được ca ngợi về lòng yêu nước tại Ý và chỉ bị tù vài tháng về tội… “đem tranh về Ý”!
Chưa hết, trong Chiến Tranh Thế Giới thứ
hai, bức tranh một lần nữa bị “lưu lạc” khỏi Louvre và mang tới cất dấu ở
một nơi an toàn, ban đầu là Château d'Amboise, sau đó là Loc-Dieu Abbey và cuối
cùng tới Bảo tàng Ingres ở Montauban.
Năm 1956, phần dưới của bức tranh đã bị hư hại nghiêm trọng khi một kẻ phá hoại tạt axít. Ngày 30/12 cùng năm ấy, một người Bolivia trẻ tuổi tên là Ugo Ungaza Villegas đã phá bức tranh bằng cách ném một hòn đá. Điều này khiến bức tranh mất một mẩu màu gần khuỷu tay trái, chỗ này sau đó đã được vẽ lại.
Kính chống đạn đã được lắp đặt để bảo vệ Mona Lisa khỏi những cuộc tấn công. Tháng 4/1974, một phụ nữ tàn tật, bực tức vì chính sách của chính quyền với người tàn tật, đã phun sơn đỏ vào bức tranh khi nó đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo, Nhật Bản.
Sau khi kính chống đạn bị gỡ bỏ, ngày 2/8/2009, một phụ nữ Nga, quẫn trí vì bị từ chối trao quyền công dân Pháp, đã ném một chiếc ly mua tại bảo tàng vào bức tranh ở Louvre. Ở cả hai trường hợp, bức tranh đều không bị hư hại.
Nguyễn Du trong truyện Kiều đã từng
viết về hiện tượng “hồng nhan đa
truân” sau khi gặp nấm mộ Đạm Tiên trong tiết Thanh minh:
“Đau đớn thay, phận đàn bà
Lời rằng
bạc mệnh cũng là lời chung”.
Trong lãnh vực hội họa, người ta không
thể nào không nghĩ đến bức tranh Mona Lisa với những nỗi truân chuyên
kể từ khi Leonardo da Vinci chấp bút sáng tác. Giờ đã 500 năm nhìn
lại, những người hâm mộ không khỏi tiếc thương cho một quãng đời có
quá nhiều sóng gió của một tác phẩm… để đời!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét