Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Thời kỳ "Đế Quốc Việt Nam" nhìn qua tem thư

Khi còn trẻ, ai cũng đều có những đam mê để theo đuổi (1). Người thì thích chơi thể thao, đá bóng, đá cầu... Kẻ thì thích âm nhạc, chơi đàn, hát xướng... Cũng có những người ngồi cặm cụi chép lại những bài thơ tình của các thi sĩ tiền chiến và đương đại. Có điều những đam mê đó có thể thay đổi theo thời gian và lứa tuổi. Những đam mê cũ bỗng dưng biến mất để thay bằng những đam mê mới theo nhu cầu của cuộc sống cũng như những diễn biến của bản thân.

Cho đến nay, tôi cũng đã từng trải qua khá nhiều những thời kỳ đam mê, trong đó có cái thú sưu tầm tem thư Việt Nam cũng như ngoại quốc. Đó cũng là lý do bài viết này được thực hiện để chúng ta có một cách nhìn về lịch sử và văn hóa ngày xưa qua những con tem. Hình ảnh sử dụng trong entry này được lấy từ trang Flickr của anh Mạnh Hải (2), một kiến trúc sư nay đã về hưu nhưng vẫn còn giữ được niềm đam mê trong việc sưu tầm hình ảnh xưa.

Những con tem xưa từ thời Bảo Đại 
(Ảnh Mạnh Hải)

Rất nhiều bạn trẻ ngày nay không hề biết đến sự kiện nước Việt xưa đã có một thời ngắn ngủi dùng danh hiệu Đế Quốc Việt Nam sau khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945. Hoàng đế Bảo Đại (3) tuyên bố Việt Nam độc lập và thành lập chính phủ độc lập trên danh nghĩa vào ngày 17/4/1945, đứng đầu là học giả Trần Trọng Kim (tác giả cuốn Việt Nam Sử Lược). Trên thực tế, khi đó Nhật Bản vẫn cai trị Nam Kỳ.

Khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, Nam Kỳ mới được trao trả cho Việt Nam ngày 14/8/1945, nhưng 10 ngày sau đó Hoàng đế Bảo Đại thoái vị sau cái gọi là “cách mạng tháng 8” nổi lên… “cướp” chính quyền.

Trên danh nghĩa, Đế Quốc Việt Nam là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, danh xưng Đế Quốc Việt Nam được chính thức dùng làm quốc hiệu và đất Nam Kỳ được thống nhất về mặt địa lý vào đất nước Việt Nam (4).

Việc Hoàng đế Bảo Đại dùng danh xưng “Đế Quốc” chỉ mang ý nghĩa Việt Nam là một nước quân chủ do Hoàng đế đứng đầu, cũng bình thường như khi ta nói “Đế đô Thăng Long”...

Danh từ “Đế Quốc” mãi về sau này mới mang ý nghĩa “nước đi xâm lược nước khác, biến nước này thành thuộc địa hay phụ thuộc”. Đó là thời kỳ kháng chiến của Việt Minh, nếu không biết thì sẽ thấy "đế quốc" chỉ mang nghĩa xấu, sau này lại có “Đế quốc Mỹ” đã được dùng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Năm 1945, Bưu điện Đế Quốc Việt Nam phát hành 3 mẫu tem mang tên Hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu. Vì thời gian tồn tại của Đế Quốc Việt Nam quá ngắn ngủi nên những mẫu tem này chỉ mới được in thử, chưa được phát hành. Anh Mạnh Hải đã sưu tầm được những hình ảnh về những con tem của Đế Quốc Việt Nam thật quý giá.

Thứ nhất, mẫu tem chân dung Hoàng đế và Hoàng hậu mặc quốc phục gồm 6 màu khác nhau với giá tiền 20 xu, 30 xu, 50 xu (C: Cent, Xu) và 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng ($: Piastre, Đồng). Đặc biệt trên mẫu tem này cùng 2 mẫu khác còn có chữ dòng chữ Đế Quốc Việt Nam in bằng Hán văn.  

Mẫu tem in thử chân dung Hoàng Đế Bảo Đại và Hoàng Hậu Nam Phương
(Ảnh Mạnh Hải)

Mẫu thứ nhì là chân dung của Hoàng hậu Nam Phương (4), chỉ có một giá tiền là 5 xu. Mẫu tem này được lấy từ hình chụp Nam Phương Hoàng hậu trong bộ triều phục vào năm 1934, do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế.

Tem Nam Phương Hoàng Hậu 
(Ảnh Mạnh Hải)

Mẫu in thử tem thứ ba của Đế Quốc Việt Nam là chân dung của Hoàng đế Bảo Đại giá 5 Đồng nhưng lại bị in ngược. Những trường hợp tem in ngược không phải là hiếm trên thế giới và những con tem in ngược được các nhà sưu tầm săn lùng với giá rất cao (5).

Bản in thử tem Hoàng đế Bảo Đại do Đế Quốc Việt Nam phát hành bị ngược
(Ảnh Mạnh Hải)

Ngay sau thời kỳ Đế Quốc Việt Nam ngắn ngủi là cuộc “cướp chính quyền” để thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời gian đầu, chính quyền mới tạm thời dùng những con tem cũ đang lưu hành của Indochine (Đông Dương) để sử dụng. 

Cũng vẫn hình Nam Phương Hoàng hậu trên tem Indochine, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ cần in đè lên để tiếp tục cuộc hành trình của con tem được lưu hành trong chế độ mới.

Tem in đè của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Ngày nay, những con tem bưu chính đang dần dần bị mai một trước phương tiện liên lạc nhanh chóng bằng email, hay còn gọi là “điện thư”. Tiếng Anh dùng một từ ngữ rất ý nhị để chỉ phương tiện liên lạc chậm rì qua đường bưu điện, họ gọi đó là “snail mail” (thư do con ốc sên chuyển) chẳng khác gì Việt Nam có cụm từ “con rùa bưu điện”.

Bức ảnh dưới đây được trình bày dưới dạng một con tem của Mỹ với lời giải thích, tạm dịch là “Thư rùa… chắc chắn sẽ đến vào tháng tới”. Tôi không nghĩ đây là con tem do Bưu điện Hoa Kỳ phát hành mà chỉ là một bức hình được ai đó sáng tác bằng photoshop. Bưu điện không dại gì mà cho ra loại tem “nhục mạ” mình trước ưu thế của điện thư. 

Snail Mail… When it absolutely has to be there next month

***

Chú thích:

(1) Xem bài “Tham vọng văn chương”

(2) Xem bài “Flickr.com: Kho hình vô tận”

(3) Bảo Đại (1913 – 1997) là vị Hoàng đế thứ 13 và cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Ông đồng thời là Quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (tháng 3/1945) và Quốc gia Việt Nam (tháng 7/1949).

Tháng 9/1932, Bảo Đại chính thức làm vua. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám của Việt Minh thành công. Bảo Đại tuyên bố: “Đáp ứng lời kêu gọi của Ủy ban, tôi sẵn sàng thoái vị. Trước giờ quyết định này của lịch sử quốc gia, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả mọi quyền lợi, để cho sự đoàn kết được thành tựu, và yêu cầu đại diện của Ủy ban sớm tới Huế, để nhận bàn giao”. Trong bản Tuyên ngôn Thoái vị, ông có câu nói nổi tiếng: “Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị”.

Tháng 9/1945, ông được Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mời ra Hà Nội nhận chức "Cố vấn tối cao Chính phủ Lâm thời Việt Nam", ông là một trong 7 thành viên của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Hồ Chí Minh đứng đầu. Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 16/3/1946, ông tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thăm viếng Trung Hoa, nhưng ông không trở về nước, mà đến Côn Minh rồi Hương Cảng. Tại Côn Minh, ông đã tiếp xúc với nhiều giới chính trị, trong đó có người Mỹ. Đại Tướng George Marshall, đại diện Hoa Kỳ, đã đem bản giao ước với Bảo Đại về trình Tổng thống Harry S. Truman. Bảo Đại bèn viết thư về nước xin từ chức "Cố vấn tối cao" trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 24/4/1949, Bảo Đại về nước. Hai tháng sau, Bảo Đại tuyên bố tạm cầm quyền cho đến khi tổ chức được tổng tuyển cử và tạm giữ danh hiệu Hoàng đế để có một địa vị quốc tế hợp pháp. Ngày 20/6/1949, thủ tướng Nguyễn Văn Xuân đệ đơn từ chức, Chính phủ Lâm thời Nam phần tuyên bố giải tán. Ngày 21/6, thỏa ước Elyseé được công bố. Cuối tháng 6/1949, Việt Nam chính thức thống nhất dưới sự quản lý của Quốc Gia Việt Nam.

Cựu hoàng Bảo Đại là vị vua thọ nhất nhà Nguyễn. Ông qua đời vào 5 giờ sáng ngày 31/7/1997 tại Quân y viện Val-de-Grâce, hưởng thọ 85 tuổi. Ông cũng là một phế đế sống thọ nhất trên thế giới thời hiện đại. Trước đó, ông có nhận lời về tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ (La Francophonie) được tổ chức tại Hà Nội vào 1997.

Đám tang Bảo Đại được tổ chức một cách lặng lẽ vào lúc 11 giờ ngày 6/8/1997 tại nhà thờ Saint-Pierre de Chaillot, số 35 đại lộ Marceau, quận 16 Paris và linh cữu được mai táng tại nghĩa địa Passy trên đồi Trocadero.

Hoàng đế Bảo Đại

(4) Xem bài “Tên nước Việt Nam, một hành trình lịch sử”

(5) Nam Phương Hoàng hậu: tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan (1914 - 1963) là vợ của vua Bảo Đại mang quốc tịch Pháp. Bà là hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Bà sinh ngày 4/12/1914 tại Huyện Kiến Hòa, Định Tường (nay thuộc Thị xã Gò Công, Tỉnh Tiền Giang), xuất thân trong một gia đình Công giáo giàu có bậc nhất miền Nam thời bấy giờ.

Bà là con ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bính, cháu ngoại ông Lê Phát Đạt (huyện Sĩ) ở Nam Kỳ, một trong bốn người giàu nhất nước Việt Nam những năm đầu của thế kỷ 20. Hiện nay trên Đà Lạt, gần thác Cam Ly, vẫn còn lăng của ông Nguyễn Hữu Hào.

Ông Lê Phát Đạt đi học ở Pháp về, mở đồn điền trà và cà phê ở cao nguyên Trung phần. Ông bà Nguyễn Hữu Hào có vốn Tây học, có đầu óc nên mới nghĩ đến khai thác đồn điền. Lê Phát Đạt là người bỏ tiền xây dựng ngôi nhà thờ ở đường Bùi Chu cũ, hiện nay là nhà thờ Huyện Sỹ, đường Tôn Thất Tùng và nhà thờ Hạnh Thông Tây ở Gò Vấp (nhà thờ Chí Hòa đường Cách mạng tháng 8 – Quận Tân Bình) được xây dựng với số tiền dư khi xây dựng xong nhà thờ Huyện Sỹ.

Gia đình Nguyễn Hữu Hào chỉ có 2 người con gái, Nguyễn Hữu Thị Lan là thứ hai, chị là Agnès Nguyễn Hữu Hào lấy chồng sớm, học hành không rõ đến lớp nào, chồng là Bá tước Didelot, làm công chức cho Tây.

Theo những bức hình chụp trong tờ Indochine thì cả hai chị em đều cao lớn hơn hẳn những người phụ nữ Việt Nam bình thường. Trước ngày cưới, hai chị em đến ở một căn nhà của gia đình ở đường Nguyễn Du bây giờ, trước ngày ra Huế. Các cô ở Sài Gòn để đi học chứ không ở Gò Công.

Các tiểu thư ở đường Nguyễn Du, mỗi sáng đi nhà thờ thì băng qua đường Lê Văn Duyệt, tới đường Bùi Thị Xuân chừng nửa cây số là tới nhà thờ Huyện Sĩ. Nhà thờ này theo thói quen lấy tên ông Huyện Sĩ hay Lê Phát Đạt vì ông đã công hiến nhiều để xây dựng nhà thờ.

Nam Phương Hoàng hậu trong triều phục,
(Hình chụp năm 1934)

(6) Một bộ sưu tập tem cổ quý hiếm với tuổi đời 159 năm, mang hình chân dung Nữ hoàng Victoria lộn ngược đầu do lỗi in ấn, sẽ được đem ra bán đấu giá vào ngày 23/1/2013.

Trong quá trình in lần đầu những con tem trị giá 4 anna (tiền cổ thời Anh đô hộ Ấn Độ) tại Calcutta, Ấn Độ vào năm 1854, hình chân dung Nữ hoàng Victoria vô tình bị in ngược đầu. Ngày nay, chỉ còn 20 hoặc 30 con tem như thế.

Bộ sưu tập tem này từng thuộc sở hữu của ông Robert Cunliffe, một người chơi tem ở Mỹ nhiều năm. Công ty bán đấu giá Spink ở London ước tính bộ sưu tập độc nhất vô nhị này sẽ có giá  khoảng 50 - 70 ngàn bảng Anh (110.000 USD).

Chuyên gia về tem, ông David Parson ở Công ty Spink cho biết: “Khi tem mới ra đời, người ta không để ý đến lỗi in và những con tem vẫn lưu thông thông suốt, được nhiều người mua”. Ông cho biết các nhà sưu tập tem rất ưa thích tem in lỗi vì chúng thật sự thú vị.

Những con tem trị giá 4 anna kể trên cũng là một trong những loại tem được in nhiều màu đầu tiên trên thế giới lúc bấy giờ. Cụ thể, viền ngoài tem in mực đỏ còn phần chân dung Nữ hoàng Victoria được in bằng mực xanh nổi lên trên nền tem.

(Theo Phạm Trúc, báo Thể thao & Văn hóa)

Tem Nữ hoàng Victoria in ngược
  
***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)


Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

3 nhận xét:

  1. Chính à
    Tao vẫn theo sát các loạt bài của mày , rất hay, các loại tem mày post trong trang này hầu hết tao và thàng Thịnh, Khánh Hồng , thằng Mậu học dưới mình một lớp đều co ( Mậu hiện ở gần chỗ thàng Bốn ), bây giờ Khánh Hồng nlk1 làm phó giám đốc Công Ty Tem ở Saigon, hồi trước tao với nó hai cậu cháu cùng là Hội viên của Lemirador, nhận được liên lạc với tao qua Yaho o message hoặc Viber, tao sắp về VN chơi, tao có thấy lại cái kệ sách tao cho mày thật là tuyệt

    D Nguyen

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. D. thân, it's good to hear from you. Về chuyện sưu tầm tem, tao còn nhiều đề tài ấp ủ lắm, khi nào rảnh sẽ viết tiếp vì không lẽ chuyện cả mấy chục năm theo đuổi cái đam mê này mà lại chỉ có mỗi một bài. Hãy đợi đấy nghe D. Thân.

      Xóa
  2. Chào anh Chính, xin phép anh cho tôi đăng lại bài nay ở: https://nuocnha.blogspot.com
    Cảm ơn anh trước

    Trả lờiXóa

Popular posts