Đây
là bài thứ năm trong loạt bài viết về những phương tiện di chuyển đã đi vào dĩ
vãng. Theo thứ tự thời gian, chúng ta đã lần lượt điểm qua các loại vận chuyển từ
kiệu, võng, xe kéo của thời phong kiến đến xe ngựa, xe cyclo dập dìu trên đường
phố Sài Gòn xưa.
Sang
đến thời kỳ “văn minh xe máy”, ban đầu Sài Gòn xuất hiện cyclo máy với 2 bánh
phía trước và một bánh phía sau rồi dần dà chuyển sang loại xe ba bánh ngược lại
với cyclo và cyclo máy, một bánh trước và hai bánh sau, được gọi là xe
lam.
Xe
lam là loại xe chuyên chở công cộng phổ biến được du nhập Sài Gòn và các tỉnh
miền Nam vào thập niên 1960 để đáp ứng nhu cầu đi lại của giới bình dân. Đây là
loại xe có cấu trúc tương tự như xe “tuktuk” hiện còn đang được sử dụng tại các
nước như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh… Người ta giải thích cái tên “tuktuk” là
do tiếng nổ của động cơ khi chạy trên đường.
Xe Tuktuk tại Thái Lan
Lambretta và Vespa trên đường phố Sài Gòn
Ngoài
xe 2 bánh Lambretta, Innocenti còn sản xuất động cơ cho loại xe 3 bánh như ta
thấy xuất hiện trên đường phố Sài Gòn xưa. Đó là các dòng xe Lambretta FD với dung
tích xy lanh 123 hoặc 150 cc và FLI cải tiến với 175 cc, sau đó là Lambro 200,
Lambro 550 đều có dung tích 198 cc.
Bến xe lam tại Quảng Lợi, Bình Long
Xe Lambro 550 tại chợ Bến Thành
Hãng
Vespa cũng sản xuất loại xe 3 bánh và Sài Gòn đã nhập một số xe Vespa 3 bánh có
hình dáng và cấu trúc giống Lambretta và Lambro. Với số lượng ít ỏi hơn, Vespa
3 bánh cũng được gọi chung là xe lam. Chúng tôi sưu tầm được một tấm hình xe
Vespa 3 bánh thuộc loại “cổ lỗ sĩ” nằm trong một tiệm chuyên sửa và sơn xe… Lambretta:
Xe Vespa 3 bánh
Vespa
là thương hiệu nổi tiếng của hãng Piaggio, Ý, được ra đời từ sau Thế chiến thứ
hai với của dòng sản phẩm xe gắn máy yên thấp, bánh nhỏ còn gọi là xe scooter. Rinaldo
Piaggio (1864-1938) thành lập Công ty Piaggio tại Genoa năm 1884 với chức năng
ban đầu chuyên sản xuất các trang thiết bị cho tàu thuỷ, tàu hỏa và máy bay.
Đến
năm 1946, những chiếc xe scooter đầu tiên mang nhãn hiệu Vespa được thiết kế bởi
kỹ sư Corradino D’Ascanio, ông tạo kiểu dáng khung xe vuốt tròn và tiếng máy nổ
khác biệt: "Sembra una vespa!"
(Nó cứ như con ong ấy). Vespa tiếng Ý là con ong và thương hiệu Vespa ra đời từ
đó.
Vespa
ba bánh sử dụng động cơ của xe scooter Vespa có dung tích lớn hơn và Sài Gòn có
thêm xe lam mang nhãn hiệu Vespa bên cạnh xe Lambretta và Lambro.
Vespa 3 bánh thời hoàng kim
(http://www.flickr.com/photos/nguyen_ngoc_chinh/2849762558/in/photostream/)
(http://www.flickr.com/photos/nguyen_ngoc_chinh/2849762558/in/photostream/)
Các
dòng xe lam lần lượt được nhập vào miền Nam để thay thế xe thổ mộ, hay còn gọi
là xe ngựa. Đặc biệt loại xe lam khi nhập không ở dạng “đóng thùng”, việc đóng
thùng xe được thực hiện tại Sài Gòn. Theo thống kê, trong số gần 35.000 chiếc
Lambro 550 xuất xưởng thì có gần một nửa (khoảng 17.000 chiếc) được xuất sang
thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Khoảng
những năm 1966-1967, chính phủ VNCH đã tiến hành một chương trình mang tên
"Hữu sản hoá" nhằm cung cấp phương tiện hành nghề chuyên chở công cộng
cho những lao động cần việc làm và cũng để cải thiện đời sống giới thợ thuyền,
phát triển hạ tầng cơ sở vận tải ... Và đó là cơ hội để xe lam thâm nhập vào thị
trường miền Nam.
Ngoài
việc “hữu sản hóa” xe taxi sơn màu vàng trên mui và xanh dưới thân, một số người
thuộc giới tài xế xe lam cũng là những đối tượng của chương trình hữu sản hóa,
trong số đó có không ít người từ xà ích xe ngựa trở thành tài xế xe lam. Họ ký
kết những hợp đồng trả góp để có thể làm chủ một chiếc xe lam ngày ngày chạy
trên đường phố kiếm cơm.
Xe lam và xe taxi trên đường phố Sài Gòn
Giá
chiếc xe lam vào thập niên 60 khoảng 30 cây vàng nhưng vàng hồi đó còn rẻ chứ
không “leo thang” như ngày nay. Có tài xế xe lam còn khoe: "Chạy một ngày, ăn cả tháng chưa hết”. Nói vậy có lẽ hơi quá,
nghề nào cũng có những gian nan, khổ cực của nó, nhưng câu nói đó cho thấy nghề
tài xe lam thời hoàng kim là một trong những nghề “hot”…
Đặc
điểm của xe lam là tính “cơ động”, hành khách có thể lên xuống xe tại bất cứ chỗ
nào dọc theo tuyến mà không cần trạm lên xuống như xe buýt. Miền Nam trong thời
kỳ chiến tranh leo thang, xe lam cũng là phương tiện “chạy giặc” hữu hiệu vì gọn
nhẹ lại chở được nhiều đồ đạc như bức hình dưới đây:
Xe lam “chạy giặc”
Sau
biến cố 30/4/1975 xe lam vẫn tiếp tục tồn tại trong khi taxi phải mất nhiều năm
mới khôi phục vào thời kỳ Đổi Mới với những chiếc taxi sơn màu vàng mang thương
hiệu Vinataxi, một liên doanh với Hồng Kông. Xe lam trong thời kỳ này được dùng
làm phương tiện đi lại phổ biến, rẻ tiền và dĩ nhiên vẫn giữ được “thời vàng
son” của nó.
Lúc
đó, chỉ riêng thị xã Biên Hòa, có 6 hợp tác xã xe lam với khoảng 1.000 đầu xe
đăng ký chở khách chính thức, với hàng triệu lượt khách mỗi năm. Cũng vì thế mà
có thời Biên Hòa được ví như là “thủ phủ xe lam”. Sau này, những chiếc xe lam
đã “có tuổi” nhưng vẫn được đem ra miền Bắc để giải bài toán giao thông ngày
càng phức tạp tại các đô thị lớn.
Xe Lam đậu cạnh "người anh em" Lambretta sau năm 1975
Xe
lam là loại xe có một cabin phía trước dành cho tài xế và một thùng xe có thể
chở hành khách và hàng hóa. Khách ngồi trên băng ghế dài, dọc theo hai bên
thùng xe với sức chứa trên 10 người, đó là chưa kể trường hợp đặc biệt, 2 người
khách nữa có thể ngồi 2 bên tài xế trong khoang lái!
Động
cơ xe nằm ngay dưới yên dành cho tài xế. Khi xe chết máy, bác tài phải nhảy xuống
đường, giở yên xe lên, chùi lại bu-gi, dùng một sợi dây thừng kéo cho máy nổ hoặc
dùng bàn đạp khởi động lại máy xe.
Gặp
khi đông khách, bác tài cũng sẵn sàng ngồi thu gọn lại ngay giữa yên để có thêm
chỗ cho hai khách ngồi ké vào hai bên. Chuyện kể một chuyến xe đang chạy ngon
trớn bỗng động cơ xe ngừng hoạt động. Bác tài nói với 2 bà ngồi hai bên: “Hai bà làm ơn xuống xe cho tôi đạp máy”.
Vốn
là người miền Nam nên bác tài phát âm “đạp máy” nghe như “đạp mái” khiến một bà
lên tiếng: “Cái ông này ‘dê đạo lộ’. Xe
chết máy không lo sửa mà lại còn đòi… đạp mái. Vô duyên!”
Chuyến xe… bão táp
Bên
trong xe lam là cả một kho truyện tình cảm “lâm li bi đát” nhưng cũng có khi là
những chuyện “trời ơi đất hỡi” đáng ghi nhớ. Những chuyến xe đông người có thể
trà trộn khách thuộc loại có “bàn tay nhám” hay “diệu thủ thơ sinh” chuyên nghề
móc túi. Lại còn có những “bóng hồng” hành nghề “bỏ bùa mê” để trộm cắp tài sản
của khách trên xe.
Hành
khách ngồi “chen vai thích cánh” trên xe cũng dễ nảy sinh tình cảm bất ngờ
nhưng lại cũng dễ xảy ra.. tai họa. Có trường hợp chàng trai bị cô gái “hớp hồn”
trên xe lam nhưng khi xuống xe cái bóp đã… “không cánh mà bay”.
Cũng
có thể là một chuyện tình lãng mạn của đôi trai gái đi chung một chuyến xe lam
như nhà thơ Trần Thanh kể lại trong bài Trên
chuyến xe lam:
“Tôi vẫn
nhớ mùa thu năm ấy
Tôi
quen nàng trên chuyến xe lam
Nàng
nhìn tôi đôi mắt mơ màng
Tôi bẽn
lẽn nhìn sang không nói…
“Ông
vua nhạc sến” Vinh Sử có bài Chuyến xe
lam chiều (*) với những ca từ rất bình dân kể lại một mối tình của đôi trai
gái quen nhau trên một chuyến xe lam. Mối tình sau này tan vỡ không phải vì
nàng bỏ đi lấy chồng mà là chàng “tham phú phụ bần” lấy con gái nhà giàu:
“Trên chuyến xe lam đông người chiều nao
Xui mình không quen mà ngồi bên nhau
Trời mang nhiều trớ trêu chi
Người chưa hề biết quen gì
Sao ngồi gần như tình nhân si…
….
Ngờ đâu
yêu đương như đám lục bình
Trôi
theo con nước vô tình
Anh lấy
vợ người ta giàu có
Tình em
như cát dã tràng biển đông
Em muốn
tìm chồng cho xong
Nhưng
ngại thêm gặp kẻ bạc lòng…
Xe lam chở nữ sinh
Một
thời đã qua kéo theo nhiều kỷ niệm từ các phương tiện di chuyển công cộng tại
Sài Gòn xưa. Loạt bài viết này chỉ mới ghi lại một phần nhỏ trong những sinh hoạt
hàng ngày khi đi lại. Có lẽ những thế hệ trẻ ngày nay không ngờ lớp cha, ông đã
trải qua nhiều thời kỳ lý thú đến như vậy. Biết đâu chừng con cháu lại thấy cha
ông mình sao… khổ quá!
***
Chú
thích:
(*)
Video clip Chuyến xe Lam chiều, Nhạc
Vinh Sử, Ca sĩ Phi Nhung:
***
(Trích
Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi
Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương
1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương
2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương
3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương
4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương
5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương
6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương
7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương
8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương
9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác
giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho
đến ngày xuống lỗ)!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét