Thứ Năm, 14 tháng 3, 2024

Ca dao về các địa danh Xưa & Nay

“Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ,

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu.

Anh về học lấy chữ nhu,

Chín trăng em đợi, mười thu em chờ”

 

Ngày xửa ngày xưa, Sài Gòn nổi tiếng vì có những ngọn “đèn xanh, đèn đỏ” được gắn trên đường để điều tiết xe cộ giao thông và cũng đồng thời tạo cơ hội cho khách bộ hành có dịp băng qua đường tại các giao lộ.

 

“Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ…”

 

Không phải chỉ riêng Sài Gòn mới có “đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng” mà tại các địa phương trên cả nước cũng lần lượt thấy xuất hiện đèn giao thông trên những trục lộ chính. Có điều chất lượng của đèn cũng còn tùy nơi nên mới xuất hiện đèn Mỹ Tho có “ngọn tỏ, ngọn lu” không bằng đèn của… “Hòn Ngọc Viễn Đông”!

Những ngọn đèn giao thông chẳng có ai bật công tắc mà nó cứ tự mở tự tắt, tự chuyển màu. Hay nhất là cái cảnh tượng người ta răm rắp nghe theo lệnh những bóng đèn màu “vô tri, vô giác” không người điều khiển đó. Đỏ thì dừng, chờ xanh mới đi tiếp và vàng thì giảm ga, rà thắng.

Người lái xe khi vượt qua được một ngã tư đèn xanh thì cảm thấy sung sướng, thích thú nhìn hai bên phải  trái của mình, thiên hạ hè nhau dừng lại, tựa như xe của họ bị chết máy.

Lại còn có những đèn báo có hiện cả số, nhấp nháy đếm lùi từ hai, ba chục giây cho tới lúc trở về số không để trở về màu xanh đi tiếp. Lúc ngừng đèn đỏ mà trên xe có chở trẻ con đang độ tuổi học đếm thì cũng tiện lợi lắm. Chúng cứ ngửa cổ mà ê a đếm.

 

Tín hiệu giao thông tự động báo giờ

 

Giờ thì nỗi hân hoan “xanh, đỏ” rất trẻ con ấy hình như đã hết rồi. Bất kể đèn màu gì người ta cũng chạy vù vù, phóng ào ào.

Những người chấp hành luật lệ giao thông, dừng xe đúng vạch và kiên nhẫn chờ khi đèn bật lên cho phép sẽ bị những kẻ vượt đèn đỏ, ngoái cổ nhìn lại bằng con mắt khinh bỉ”Đồ khùng!”, “Chết nhác!”… lại thậm chí còn bị trách “Đứng cản đường nghẹt lối của người ta!”.

Cái khéo của các câu ca dao lả những chuyện như “đèn xanh, đèn đỏ” được lồng vảo đó những bài học luân lý, đạo đức như “chữ nhu” trong đạo làm người. Chàng trai trong câu ca dao nói trên chiếm được cảm tình của cô gái qua hành động thể hiện chữ nhu, kiên nhẫn dừng lại khi đèn đỏ!

 

Đèn vàng và vạch dừng xe

 

Sài Gòn vốn là “vùng đất hứa” của những kẻ tha phương cầu thực” tìm đến nên đã có câu:

“Sài Gòn đi dễ khó về,

Trai đi có vợ, gái về có con”

Dù đường Sài Gòn vốn nổi tiếng là “rắc rối” vì đèn xanh, đèn đỏ nhưng nhiều người ở xa mới đến vẫn nhận xét có phần vừa chủ quan lại vừa thiên vị:

“Đường Sài Gòn cong cong, quèo quẹo,

Gái Sài Gòn không ghẹo mà theo”

Trong khi đó, một người gốc Bến Tre đã phải than thở:

“Bến Tre nhiều gái ế chồng,

Không tin xuống chợ Mỹ Lồng mà coi!”

 

Những chiếc ghe, xuồng chở đầy ắp dừa tại khu chợ nổi Bến Tre

 

Tuy vậy, cũng có người ở huyện Mỏ Cày (phía nam Bến Tre) lại ca tụng quê hương mình:

“Kẹo Mỏ Cày vừa thơm, vừa béo,

Gái Mỏ Cày vừa khéo, vừa ngoan.

Anh đây muốn hỏi thiệt nàng,

Làm trai Thạnh Phú cưới nàng được chăng?”

 

Huyện Mỏ Cày (Bến Tre) mang vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ với những vườn dừa xanh thẳm

 

Thế là một đám cưới linh đình đã diễn ra, trong đó các tỉnh trên cả nước đều góp công, góp của...


“Trên trời có đám mây xanh,

Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng.

Ước gì anh lấy được nàng,

Hà Nội, Thái Bình sửa đàng rước dâu.

“Thanh Hóa cũng đốn trầu cau,

Nghệ An thì phải thui trâu, mổ bò.

Phú Thọ quạt nước hỏa lò,

Hải Dương rọc lá làm giò, gói nem.

"Tuyên Quang nấu bạc, đúc tiền,

Ninh Bình dao thớt, Quảng Yên đúc nồi.

Kiên Giang gánh đá nung vôi,

Thừa Thiên, Đà Nẳng thổi xôi, nấu chè.

“Quảng Bình, Hà Tĩnh thuyền ghe,

Sài Gòn, Gia Định chẻ tre bắc cầu.

Anh mời khắp nước chư hầu,

Nước Tây, nước Tàu anh gởi thư sang.

“Nam Tào, Bắc Đẩu dọn đàng,

Thiên Lôi, La Sát hai hàng, hai bên.

 

Ôi còn gì hạnh phúc bằng khi các tỉnh thành trên cả nước đều có mặt trong lễ cưới… lại còn có đại sứ các nước gửi lời chúc mừng và các vị thần linh chứng giám từ trên cao!

 

Đám cưới miền quê

 

Hôm nay, nhân Thứ Hai đầu tuần, xin gửi đến các thân hữu gần xa một bài viết ngắn để nhớ lại đến các địa danh quen thuộc được lồng trong ca dao xưa và nay.

Cuộc đời vẫn bình thản trôi đi và cái còn lại chính là những địa danh vẫn luôn gắn bó trong hồi ức của những người già!

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts