“Thương
thay thân phận con rùa,
Lên
đình đội hạc, xuống chùa đội bia”
Trong ca dao Việt Nam, rùa được đề cao vì
là một trong “tứ linh”: Long-Ly-Quy-Phụng nên đã chiếm một vị
trí “thần thánh” trong cuộc sống tâm linh. Rùa gắn liền với truyền thuyết nỏ thần
của An Dương Vương, nhận lại gươm báu từ tay vua Lê Lợi trong truyền thuyết về
hồ Gươm, rùa đội bia đá trong Văn Miếu, rùa đội hạc như các tượng đồng, gỗ, đất
trong chùa.
Người ta tôn kính chứ không dùng rùa đề chế biến các món ăn thường thấy như gà, vịt, heo, bò hay thậm chí cả “con gâu gâu”, một người bạn thân thiết cũng có khi bị... đem vào nồi!
Người Phương Tây thì lại khác, họ lại thích ăn thịt rùa. Trong nhật ký của Đại úy Francois Leglat đã viết: "Thịt rùa cũng tựa như thịt trừu nhưng ăn thanh hơn nhiều". Nhà thám hiểm Marc Antoine Rendu cũng đồng quan điểm, ông viết: "Canh rùa là vua trong các loại canh!".
Trong bút ký “Món lạ Miền Nam” viết năm1969, nhà văn gốc miền Bắc, Vũ Bằng (1913 - 1984), có bài viết về món “Canh rùa” (http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nnn0n3n1n31n343tq83a3q3m3237nvn&cochu=):
“Từ thuở bé, sống ở Thủ đô Bắc Việt, ông bà tôi, rồi đến thầy mẹ tôi, chỉ dung nạp được một thứ kêu là ba ba: ba ba tần, ba ba nướng chả, ba ba om, ba ba nấu giả cầy (có đậu phụ, chuối xanh, lá tía tô... Thượng đế ơi, ngon quá!)... nhưng đến cái con vật mệnh danh là con rùa thì tối kỵ, không ai lại ăn đến cái thứ đó bao giờ. Quái, con rùa thì khác gì con ba ba? Mà sao ăn ba ba lại không ăn rùa?
“Mãi đến sau này, lấy vợ, có buổi mây chiều gió sớm, ngồi “đấu lý” với nhau, tôi mới biết người hiền nội trợ phương Bắc không ăn rùa là vì thành kiến từ ngàn đời xưa để lại. Ở đình chùa nào, người ta cũng thấy con rùa bằng đá hay bằng gỗ nên con rùa, không ai bảo ai, đã mặc nhiên thành ra một con vật huyền bí, có tính cách thiêng liêng, phải tôn thờ, phải kính cẩn, không được coi làm thường...
“Rùa là đệ tử trung thành của Đức Phật từ bi đấy... Ngày xưa, đã lâu lắm lắm rồi, lúc thầy Đường Tăng đi thỉnh kinh bên Tây Trúc, chính là nhờ con rùa đấy, chớ không thì làm thế nào mà đi được thiên sơn vạn thủy, đương đầu được với bao nhiêu quỷ sứ, yêu tinh!? Thế cho nên thỉnh được kinh rồi, thầy Đường Tăng thành Phật thì Đức Quan Thế Âm ngài cũng cho con rùa thành Phật luôn... Vì thế không bao giờ nên ăn thịt rùa. Ăn vào thì xúi quẩy, lụn bại, không còn buôn bán, làm ăn gì được!
(hết trích)
Rùa ăn thế nào cũng được, chỉ có một điều nên nhớ là thứ “rùa quạ” (mu đen như quạ), ăn không tốt. Người ta lại bảo rằng ăn rùa quạ cũng như ăn cua đinh mà cụt một cẳng thì dễ sanh bịnh cùi!
Lại nhớ, có lần tôi dắt cháu ngoại ra chơi mát tại Hồ Con Rùa, cháu bỗng “cắc cớ” hỏi: “Gọi là Hồ Con Rùa sao chẳng thấy con rùa nào hết vậy ông?”. Những người đến từ phương xa, không phải là “dân Sài Gòn”, cũng có thắc mắc tương tự chứ không nói gì đến con nít như cháu tôi.
Hồ Con Rùa đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử từ năm 1790 dưới thời vua Gia Long! Hồ này được xây tại cổng Khảm Khuyết của thành Bát Quái (còn gọi là Thành Quy). Đến khi Pháp chiếm được Sài Gòn năm 1859, toàn bộ thành Gia Định đã bị phá hửy và tại vị trí Hồ Con Rùa ngày nay họ xây một tháp nước để cung cấp nước uống cho người dân trong vùng.
Đến năm 1921, do không đáp ứng được nhu cầu
cung cấp nước nữa nên tháp nước này bị phá bỏ và con đường xung quanh được mở rộng
nối dài đến đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu) rồi trở thành giao lộ của các
tuyến đường khác cho đến ngày nay.
Hồ Con Rùa đươc xây trong khoảng từ năm 1965 đến 1967 dưới sự thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ và được trùng tu lại từ năm 1970 đến 1974 với một bức tượng con rùa bằng đồng, đỡ trên lưng bia đá lớn ghi tên các nước viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa nên mới có tên “Con Rùa”.
“Hồ Con Rùa” được chính quyền VNCH trùng tu
và chỉnh trang, trong đó có việc dựng thêm và điều chỉnh 5 cột bêtông cao có dạng
năm bàn tay xòe ra giống như các cánh hoa đón đỡ một nhụy hoa.
Ban đầu, khu giao lộ này được đặt tên là
Công trường Chiến sĩ Tự do, đến năm 1972 thì đổi tên thành Công trường Quốc tế.
Thời cuộc thay đổi năm 1975 và cho đến đêm ngày 1/4/1976, cả Sài Gòn rung chuyển
vì một tiếng nổ rất lớn ở ngay trung tâm thành phố.
Theo lời thuật lại của nhà báo ngành Công an, Huỳnh Bá Thành (Ba Trung), trong cuốn sách "Vụ án Hồ Con Rùa" (Nhà xuất bản Tuổi Trẻ 1982) kể là vào năm 1967, khi tướng Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống VNCH, đã mời một thầy phong thủy tên Huỳnh Liên đến coi thế đất tại dinh Độc Lập.
Ông Huỳnh Liên khen vị trí của dinh là vị
trí của “long mạch”, trấn yểm vị trí của đầu rồng nên mới có tên “Phủ Đầu Rồng” ám chỉ nơi ở của tổng thống.
Cũng theo lời thuật trên thì con rồng này đầu tại dinh Độc Lập và đuôi nằm tại
vị trí Công trường Chiến sĩ!
Đó là lý do cần phải yểm bùa bằng cách đúc một con rùa lớn bằng đồng để trấn đuôi rồng không vùng vẫy nữa. Theo một số người thì kiến trúc tháp cao giống như hình một thanh gươm đóng xuống hồ nước để giữ chặt đuôi rồng, và khuôn viên hồ nước có hình bát quái, bên giữa có hình âm dương.
Cũng theo Huỳnh Bá Thành trong cuốn sách
nói trên, vào đêm 01/4/1976, một nhóm người phản đối chính quyền mới của Việt
Nam đã đặt bom phá hủy mà theo nhà nước là với mục đích "giải thoát cho đuôi rồng để nó phá chính quyền mới" (?).
Báo Tin Sáng (nhật báo tư nhân đối lập trước 1975 vẫn còn cho hoạt động đến ngày 29/6/1981) đã tường thuật đầy đủ chi tiết vụ nổ này mà họ gọi là “phá hoại” và cho biết thủ phạm đã bị bắt nhưng không đăng hình người đó mà chỉ đăng hình người chết..
Tiếp sau đó, một số các nhà văn, thi sĩ, trí thức lần lượt bị bắt, chiến dịch này kéo dài từ ngày 2/4 đến ngày 8/4/1976 thì tạm ngưng, để sau đó công an bắt tiếp một số người phát hành sách báo ngày 28/4.
Dự án cải tạo, nâng cấp khoảng 6.700 m2 vỉa
hè các tuyến đường quanh Hồ Con Rùa, quận 3, kinh phí gần 15 tỷ đồng, mới được
triển khai sáng 29/4/2022.
Công trình thực hiện cải tạo, nâng cấp vỉa hè các tuyến đường quanh hồ gồm Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ Nguyễn Đình Chiểu đến Nguyễn Thị Minh Khai), Trần Cao Vân (từ Hồ Con Rùa đến Hai Bà Trưng) và Võ Văn Tần (từ hồ đến Pasteur). Tổng chiều dài cải tạo trên các tuyến đường dài gần 1,3 km.
Vỉa hè các tuyến được nâng cấp, lắp ghế ngồi; bổ sung mảng xanh. Hố ga thoát nước mưa được cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, tủ điện... Dự án thực hiện từ nguồn xã hội hoá, thi công trong 4 tháng, hoàn thành trước lễ Quốc khánh 2/9/2022.
Trước đó, hồi tháng 11/2020, quận 3 đề xuất làm phố đi bộ “chất lượng cao” ở khu vực hồ với tổng diện tích 19.500 m2, gồm 5 khu: đài nước ở trung tâm hồ; trình diễn ở đường Phạm Ngọc Thạch; văn hoá - triển lãm ở đường Võ Văn Tần; ẩm thực ở đường Trần Cao Vân; giải trí ở đường Phạm Ngọc Thạch. Tuy nhiên hiện công trình chưa triển khai.
Câu chuyện “ly kỳ” về “Hồ Con Rùa... không có rùa!” là vậy. Người ta rút ra được một bài
học: không phải một địa danh chỉ đơn thuần là một địa điểm “vô tri, vô giác” mà là nơi còn có thể tìm hiểu được rất nhiều điều
thú vị về lịch sử!
***
Nice post thank you Will
Trả lờiXóa