Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2022

Chuyện chiếc váy "huyền thoại" của MM

Bên Tây có cô đào nhí nhảnh Brigitte Bardot với cặp môi “cong tớn” lúc nào cũng mời chào một nụ hôn tình tứ. Brigitte Bardot được những người hâm mộ điện ảnh vào thập niên 60-70 gọi bằng cái tên thân quen: BB.

 

Brigitte Bardot có biệt danh BB

 

Bên Mỹ cũng có Marilyn Monroe (1926-1962), cô đào tóc vàng, vừa sexy vừa gợi tình, được dân ghiền ciné gọi tắt là MM. Nhưng nhiều người lại thích MM hơn BB, một bằng chứng là chiếc váy màu trắng cô diện trong phim “The Seven Year Itch” sau này được bán đấu giá với 4,6 triệu đô la!

 

“The Seven Year Itch” (1955) - Marilyn Monroe, Tom Ewell.

 

Nổi bật nhất trong phim là cảnh MM đứng trên nắp thông gió của đường xe điện ngầm tại thành phố New York khi chiếc đầm trắng của cô bị gió thổi trong lúc đoàn tàu chạy qua. Tựa đề bộ phim vừa hài hước vừa lãng mạn được dịch sang tiếng Việt là… “Bảy năm ngứa ngáy”!

Phim được phát hành vào năm 1955 do Billy Wilder đồng sáng tác và đạo diễn, với diễn xuất của Marilyn Monroe và Tom Ewell. Cảnh “tốc váy” MM được giới phê bình điện ảnh coi là… “một trong những hình ảnh biểu tượng của thế kỷ 20”.

 

Marilyn Monroe và Tom Ewell trong phim “The Seven Year Itch”

 

Chiếc váy được William Travilla thiết kế đã từng gây một “cơn bão” vào một ngày giữa tháng 9/1954. Khi đó MM đang quay một cảnh gần ga xe điện ngầm tại thành phố New York. Chiếc váy trắng trên người cô bị tốc trong khi cô nói hỏi bạn diễn Tom Ewell một cách ngây thơ: "Anh có cảm nhận được luồng gió từ tàu điện không?”.

Cảnh quay được thực hiện lúc một giờ đêm tại góc đại lộ Lexington và Đường số 52. Họ đã phải quay đi quay lại tổng cộng 14 lần trong hơn ba giờ đồng hồ đạo diễn mới ưng ý! Điều đáng nói là cảnh quay thu hút khoảng 100 phóng viên và có đến hàng ngàn khán giả chứng kiến. 

Tuy nhiên, 14 cảnh quay không thể được xử dụng bởi tiếng ồn quá lớn từ đám đông hiếu kỳ. Cuối cùng, cảnh này được thực hiện lại trong phim trường “20th Century Fox” ở California. Khán giả chỉ còn thấy cảnh “tốc váy” ngắn ngủi, để lộ một phần chân sexy của cô đào.

Cuốn phim kể về người đàn ông bị vợ và con bỏ rơi trong chuyến nghỉ mát gia đình. Anh ta gặp, làm quen với một người mẫu tóc vàng gợi cảm do MM thủ vai. Một buổi tối, cả hai đi xem phim. Khi bước khỏi rạp chiếu, họ tới bến tàu điện ngầm và dẫn tới cảnh “tốc váy”  kinh điển. 

 

Marilyn Monroe trong cảnh quay tại New York

 

Người thiết kế chiếc váy là William Travilla (1920-1990), ông là nhà tạo mốt hàng đầu thời đó. Ông đã từng tạo mẫu y phục cho MM trong các phim như “How to Marry a Millionaire”“Gentlemen Prefer Blondes” trong năm 1953.

Với chiếc váy trong phim, Travilla sử dụng một loại lụa trơn từ tơ nhân tạo đủ nhẹ để bay lên khi có gió. Travilla mô tả thiết kế của mình: "Mát mẻ và sạch sẽ, trong một thành phố đầy tăm tối như New York!".

 

Nhà thiết kế trang phục William Travilla (1920-1990)

 

Sự thành công của trang phục không hoàn toàn nằm ở sự hở hang. Theo nhiều nhà tạo mẫu, chiếc váy thể hiện những nét tương phản trong cá tính của nhân vật: vừa ngây thơ nhưng cũng lại vừa toan tính. Bộ váy rất phù hợp với phong cách của cô đào MM nóng bỏng.

Tuy nhiên, trang phục và cảnh phim cũng là đoạn kết cho cuộc hôn nhân lần thứ hai của MM với cầu thủ Joe Dimaggio. "Marilyn chia tay Joe vì những bức ảnh gợi cảm", tờ Daily News giật tít. Chồng cô ghen tuông vì muốn vợ thành người phụ nữ truyền thống, trong khi Marilyn khao khát sự nổi tiếng.

Dimaggio cũng đã có mặt trong cảnh quay tại ga tàu điện, giận dữ khi vợ liên tục tốc váy trước con mắt hàng nghìn đàn ông. Hai vợ chồng tranh cãi sau khi trở về khách sạn và đó là  “giọt nước tràn ly” cho cuộc hôn nhân chỉ kéo dài chín tháng. Ba tháng sau, MM tuyên bố ly hôn!

Khi nhà thiết kế Travilla qua đời, nữ diễn viên Debbie Reynolds mua lại chiếc váy với giá 200 USD. Năm 2011, chiếc váy được bán lại với giá 4,6 triệu USD trong một cuộc đấu giá các kỷ vật của Hollywood do Reynolds tổ chức.

 

Chiếc váy “huyền thoại” do William Travilla thiết kế

 

Câu chuyện chiếc váy vẫn chưa kết thúc ở đây khi nhà điêu khắc Seward Johnson đã tái tạo hình ảnh MM qua bức tượng khổng lồ có tên “Forever Marilyn” năm 2011. Bức tượng đã xuất hiện ở nhiều thành phố tại Mỹ, thậm chí còn đặt chân đến Úc Châu!

Bức tượng MM cao 7,9 m, nặng 15.000 kg, được làm từ nhôm và thép không gỉ, lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố Chicago năm 2011. Một năm sau đó, tượng tọa lạc tại Palm Springs, California, ngày 27/3/2014.

Sau đó tượng được đưa về Hamilton, New Jersey, để tưởng niệm điêu khắc gia Seward Johnson từ giã cõi đời. Năm 2016, tượng lên đường đến Bảo tàng Nghệ thuật thành phố Bendigo, Úc Châu, nhân cuộc triển lãm mang chủ đề Marilyn Monroe.

 

Bức tượng “Forever Marilyn” của nhà điêu khắc Seward Johnson 

 

Năm 2018, “Forever Marilyn” có mặt tại Công viên Latham, Stamford, Connecticut, thu hút sự quan tâm lớn của những người mến mộ điêu khắc gia Seward Johnson. Có tới 36 bức tượng của ông hiện diện trên đường phố và công viên ở Stamford.

Không phải công chúng hoàn toàn ủng hộ bức tượng “Forever Marilyn” vì một số người, đặc biệt là những tổ chức tôn giáo, cho rằng tượng đã để lộ phần thân thể của MM, dù được che bằng quần lót! Vấn đề “thuần phong mỹ tục” đã được đặt ra!

 

Bức tượng đã bị một số người phản đối vì cảnh hở hang   

 

Ngày 25/9/2019, Thị trưởng Thành phố Palm Springs, ông Robert Moon, cho biết bức tượng sẽ ở lại tại thành phố này trong thời gian 3 năm. Kể từ tháng 6/2021, những vụ kiện tụng tìm cách ngăn chặn “Forever Marilyn” tiếp tục diễn ra tại các tòa án. 

Trong tháng 8 và tháng 9/2011, bức tượng đã bị phá hoại ba lần, gần đây nhất là bức tượng bị tạt sơn đỏ. Một bức tượng “nhái” cũng đã được làm tại Trung Quốc để xử dụng trong một bộ phim truyền hình!

 

Forever Marilyn” đã gây nhiều tranh cãi

 

Chuyện “chiếc váy huyền thoại của MM” đã trở thành một đề tài tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều. Người ta thường nói, “bộ áo không làm nên thầy tu” nhưng cũng có người lại nghĩ “không có bộ áo thì là sao có thầy tu”!


 *** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts