“Đường vào trường đua có trăm lần thua, chỉ một lần huề...”
Sài Gòn có trường đua ngựa Phú Thọ từ năm
1932, nổi tiếng là một trong những “tử địa” của dân máu mê cờ bạc. Một tay chơi
có thâm niên đã khẳng định: “Bắt độ ngựa
mà chỉ tin vào may rủi thì... không còn quần xà lỏn mà mặc!".
Quang cảnh Trường đua Phú Thọ thời Pháp thuộc
Ngựa đua tại Phú Thọ được chia làm 4 hạng
A, B, C và D, được xếp theo tuổi và chiều cao. Ngựa nổi tiếng một thời phải kể
đến những cái tên rất kêu như Đạm Phi Tiên, Đại Anh Hùng, Long Sơn Hiệp, Nữ Thần,
Mã Thượng, Thái Dương, Thoại Lan, Astro Boy... Lại còn có những ngựa mang tên những người đẹp như Lý Lệ Hoa, Dương Quý
Phi…
Trường đua Phú Thọ là một xã hội thu nhỏ và khép kín, ông chủ ngựa làm “vua” vì có khi cả 10 con ngựa trên đường đua đều cùng một chủ, việc phân hạng nhất nhì đều nằm trong tay chủ ngựa từ trước cuộc đua.
Rất hiếm ông chủ không “làm độ” vì trên thực tế nếu về nhất, chủ ngựa chỉ được thưởng vài triệu đồng nhưng nếu có “móc ngoặc” thì thu nhập sẽ tăng đến 10 lần. Đó là chưa kể những quyền lợi “chính đáng” khác từ phần trăm tiền vé hoặc từ các mối quan hệ.
Chủ ngựa dù không muốn “làm độ” cũng bị móc làm độ hoặc bị ép làm độ. Khi đã “làm độ” thì phải hết sức bí mật vì nếu để lộ, tiền thưởng trong vé sẽ giảm xuống. Chẳng hạn như ngựa Dương Quý Phi được mua 1.000 vé, nếu một người trúng sẽ được 1 triệu đồng, nhưng nếu 10 người cùng trúng thì mỗi người chỉ còn 100.000 đồng.
Trường đua Phú Thọ thu hút rất nhiều người đổ về xem đua ngựa và cá cược
Để có được một kết quả làm độ như ý, những
đại gia “cá lậu” tổ chức một hệ thống ngầm quy mô, chặt chẽ với chủ ngựa, nài
ngựa, thậm chí có cả sự móc ngoặc của một số trọng tài trường đua. Ngoài trọng
tài trên đường đua còn có trọng tài chuồng, kiểm tra bước chuẩn bị xuất phát của
ngựa.
Trên đường đua, một con ngựa phụ thuộc vào 3 yếu tố: đường chạy, khả năng của chính nó và tài năng của nài ngựa. Đối với những con ngựa hay thì việc chiến thắng là điều dễ dàng, nhưng ngựa thì thường hay giở chứng, để điều khiển được con ngựa bất kham, điều cần thiết phải có một nài ngựa giỏi.
Các chủ ngựa khi làm độ muốn ngựa mình thua cũng áp dụng nhiều trò với ngựa của mình như: chích thuốc ngủ cho ngựa, phải là tay chuyên nghiệp mới làm được điều này vì nếu canh thuốc không chuẩn, con ngựa chưa vào đường đua đã xỉu thì rất dễ bị phát hiện và trừng phạt nặng theo luật đua; có ngựa còn bị chích ma túy, cho uống thuốc xổ, bỏ đói...
Muốn ngựa thắng thì người ta chích thuốc bổ, thuốc kích thích... Bởi vậy sau mỗi cuộc đua, ngựa bị nghi ngờ có thể sẽ phải thử nước tiểu để rõ trắng đen. Cũng có trường hợp chủ ngựa đã nhận bán độ, cố làm cho ngựa thua nhưng con ngựa do quá sung vẫn phóng ầm ầm, lúc đó nài ngựa sẽ ghì cương cho nó chạy chậm lại.
Theo luật của thế giới ngầm, nếu đã nhận độ nhưng không “làm tròn trách nhiệm” sẽ phải bồi thường gấp 3, nếu “chống án” sẽ bị xử theo luật giang hồ!
Nạn cá lậu có thể chiếm 2/3 doanh số cá cược ở mỗi độ đua, một mặt gây thất thu ngân sách hoạt động của trường đua, mặt khác làm cho các cuộc đua mất đi giá trị đích thực của hoạt động thể thao, gây tâm lý bất ổn cho người làm nhiệm vụ trọng tài, nài ngựa và cả chủ ngựa.
Vó ngựa trường đua, đối với những người ham mê cá độ, có sức quyến rũ chẳng khác gì ma túy!
* Tham khảo thêm “Sài Gòn tứ đổ tường (3) -
Cờ bạc”: https://chinhhoiuc.blogspot.com/.../sai-gon-tu-o-tuong-3...
Trường đua Phú Thọ khi chưa bị đóng cửa năm 2011
Đầu năm 2017, Khu du lịch Đại Nam Văn hiến ở
Bình Dương có trường đua Đại Nam là một công trình thể thao tốc độ phức hợp đầu
tiên tại Việt Nam với sự kết hợp của 5 loại hình: đua ngựa, đua chó, đua mô tô,
đua go-kart và biểu diễn flyboard.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn về việc đua chó và đua ngựa vì có liên quan đến việc dùng tên những nhân vật như Đức Hiển, Hàn Ni, Vi Oanh... là những người có mâu thuẫn với Đại Nam để đặt tên cho chó và ngựa đua nhằm hạ uy tín.
Sau 2 năm tạm dừng các hoạt động vì dịch bệnh, chiều ngày 19/3/2022 khu du lịch Đại Nam tổ chức buổi "giao lưu gặp gỡ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng" được livestream trên mạng xã hội.
Sơ đồ Trường đua Đại Nam
Việc Công ty Đại Nam tổ chức sự kiện cùng
những bình luận khiếm nhã là hành vi cố ý sử dụng tên tuổi của những người đang
có mâu thuẫn với mình để đặt tên cho chó đua, ngựa đua nhằm mục đích xúc phạm,
làm nhục người khác là hành vi vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục ở nước ta.
Trước đó, ngày 16/2/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng. Đến tối ngày 24/3/2022 có lệnh bắt tạm giam bà Hằng trong ba tháng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015”.
Đua ngựa tại Đại Nam
Công an cùng Viện kiểm sát nhân dân Thành
phố Hồ Chí Minh đã đến khám xét nhà bà Hằng tại quận 3 và quận 1 sau đó vài giờ.
Bà hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam T30, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí
Minh.
Xét cho cùng, quyền tự do ngôn luận của Nguyễn Phương Hằng phải đặt trong khuôn khổ pháp luật, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, trong đó có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư, quyền được kết tội theo đúng pháp luật...
Vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng “Lò Vôi” và bà Nguyễn Phương Hằng
Một kết cục đáng buồn nhưng thích đáng cho
Nguyễn Phương Hằng, một phụ nữ tài sắc, từng có những việc làm đáng trân trọng
đối với xã hội nhưng đã có những hành vi vi phạm pháp luật quá đà đến mức quên
mất giới hạn về quyền và nghĩa vụ của một công dân.
Drama Nguyễn Phương Hằng vẫn chưa kết thúc và người ta vẫn còn chờ xem “trùm cuối” là ai vì chắc chắn người phụ nữ này với trình độ và kiến thức hạn hẹp không thể nào một thân một mình lèo lái mọi chuyện suốt hơn một năm qua.
Tiến sĩ Luật Đặng Anh Quân thường xuất hiện trong các livestream của bà Nguyễn Phương Hằng
Chúng ta hãy chờ xem đoạn kết cuộc điều tra
của cơ quan chức năng để phanh phui những góc khuất lâu nay đã được che đậy một
cách bí mật và khéo léo!
Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét