Vốn tính cẩn thận,
tôi lưu giữ các loại giấy tờ rất kỹ vì biết rằng có một ngày nào đó chúng rất cần
thiết đối với mình. Ấy thế mà gần đây không thể nào tìm lại được quyển hộ chiếu!
Tôi đã có nhiều hộ chiếu mà ta thường gọi là passport, từ Hộ chiếu Công vụ khi còn làm báo để đi công tác cho đến Hộ chiếu Phổ thông dùng khi đi du lịch hay thăm con cái. Tất cả những hộ chiếu đó, dù đã hết hạn nhưng tôi vẫn cất giữ như những kỷ niệm để đánh dấu những nơi tôi đã đi qua.
Tình hình dịch bệnh đang từ từ có vẻ như “dễ thở” phần nào nên con gái ở Paris đề nghị tôi làm một chuyến đi thăm “Kinh đô Ánh sáng”. Quả thật tôi không mặn mà lắm vì giờ tuổi đã cao, không còn háo hức “đi đó, đi đây” như hồi còn trẻ.
Trước đây vài năm tôi đã thoái thác không đi Nhật với vợ chồng con gái bên Úc, lý do đơn giản là vì mình giả rồi nên “dừng bước giang hồ” dù Nhật Bản là nước tôi chưa từng đến trong số 15 quốc gia mà tôi đã... ghi lại dấu giày!
Ở Châu Âu, tôi đã đến Đức, Ý, Áo nhưng con gái út lại thuyết phục tôi nên đến Pháp, một nước rất gần gũi với Việt Nam trong lịch sử cận đại. Cuối cùng tôi đã “bị” thuyết phục và con gái giao trách nhiệm cho chồng còn kẹt lại trong nước trong mùa dịch để lo các thủ tục làm visa.
Hộ chiếu cuối cùng của tôi sẽ hết hạn vào tháng 10/2022 nhưng đến khi tìm lại passport thì không biết nó nằm ở đâu trong mớ hộ chiếu đã cẩn thận cất giữ, chỉ còn lưu lại bằng hình ảnh qua scan! Cẩn thận quá nên lúc cần lại chẳng thấy đâu, có lẽ vì tuổi già đã bắt đầu... lú lẫn!
Con rể bàn cứ lên
Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an Thành phố xem sao. Thế là hai bố con đến
đường Nguyễn Thị Minh Khai, đối diện với Công viên Tao Đàn. Nơi đây thật nhộn
nhịp vì Covid-19 đã có phần “trầm lắng”, thiên hạ bắt đầu đến làm thủ tục xuất
cảnh.
Ở Pháp, con gái đã làm thủ tục xin visa nên chỉ cần qua công đoạn đầu tiên là chụp hình, đóng 20.000 đồng. Tiếp đến là việc cứu xét hồ sơ, đây là “khâu quyết định thành bại” và kết quả là những rắc rối đã đến với tôi...
Thứ nhất, tôi phải làm tờ khai cớ mất hộ chiếu, người đánh mất sẽ bị phạt nhưng xét vì tôi đã lớn tuối nên “du di”... miễn phạt! Sau đó nhân viên lại phát hiện Chứng minh Nhân dân của tôi đã “không còn hiệu lực”.
Tôi giải thích toán làm Căn cước Công dân mới đã đến tận nhà làm vì tôi thuộc nhóm “cao tuối” nhưng đến nay vẫn chưa nhận được căn cước mới! Theo lời nhân viên, vậy thì phải đợi đến khi nhận được căn cước mới mới được!
***
Thế là hai bố con tiu nghỉu ra về. Để “giải sầu”, trước khi về nhà hai bố con ghé quán cà phê Phindeli mới mở ở Hồ Con Rùa và cũng là để “giải khát” trong một buổi chiều nắng nóng.
Cũng tại đây, tôi nảy ra ý định gọi điện thoại về chị tổ trưởng dân phố để hỏi chừng nào mới có căn cước mới? Thật đúng là “hay” không bằng “hên”! Chị tổ trưởng trả lời đã có căn cước mới gửi về từ Hà Nội, tôi có thể liên lạc với anh cảnh sát khu vực hiện đang trực tại Công an phường nhận gấp để bổ xung hồ sơ...
Thế là hai bố con tức tốc lên đường đến Công an Phường nhận căn cước mới sau khi nộp lại căn cước cũ! Rồi lại tức tốc đến Phòng quản lý Xuất Nhập cảnh làm lại thủ tục từ đầu: chụp hình, làm đơn cớ mất hộ chiếu, điền vào mẫu đơn có số căn cước mới... Phải làm cho nhanh vì đã gần giờ đóng cửa!
Tôi đã xong một công việc “trần ai” của giai đoạn “làm hộ chiếu” nhờ công sức của anh con rể! Giá một mình tôi chắc chắn sẽ không thể nào thực hiện được vì nội việc đi xe ôm cũng mất quá nhiều thì giờ, cộng thêm với tuổi già chậm lụt chắc cũng phải còn lâu tôi mới có được hộ chiếu mới!
Cuộc hành trình “làm hộ chiếu” của tôi bắt đầu từ 12g30 và kết thúc lúc 4g30. Trong trường hợp của tôi, cần xét lại câu các cụ ta ngày xưa thường cho rằng “dâu là con, rể là khách”.
Tôi quá may mắn có được một anh con rể còn quý hơn là con trai!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét