Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Kiến trúc độc đáo của những chiếc Cầu Ngói


Khi nói đến cầu, người ta liên tưởng ngay đến phương tiện nhằm vượt qua chướng ngại vật, giúp cho việc đi lại được thông suốt. Tại một số nơi trên thế giới còn có những chiếc cầu tương đối nhỏ, được thiết kế với mái che nhằm giúp người đi bộ tránh được mưa nắng. 

Việt Nam có một từ ngữ để chỉ những chiếc cầu này: Cầu Ngói. Đơn giản chỉ vì phía trên cầu được lợp mái bằng ngói với những kiểu dáng kiến trúc mang nét nghệ thuật thật phong phú. Cũng vì thế, cầu ngói là những nơi hấp dẫn du khách, trong cũng như ngoài nước.

Đi dọc từ Miền Trung ra Bắc, chúng ta gặp một số cầu ngói nổi tiếng, mỗi chiếc cầu mang một công trình kiến trúc đặc thù. Chiếc cầu ngói ở phố cổ Hội An là một trong những chiếc cầu nổi tiếng nhất nước.

Đó là Chùa Cầu, được chọn là một trong những biểu tượng của thành phố Hội An và cũng là Di sản Thế giới. Chùa Cầu còn xuất hiện trên tờ giấy bạc 20.000 đồng vẫn được lưu hành nhưng lại rất nhiều người để ý đến.

Hình ảnh Chùa Cầu xuất hiện trên tờ giấy bạc 20.000 đồng

Vào thế kỷ thứ 17, người Nhật đã đến Hội An buôn bán và họ xây dựng Chùa Cầu tại Faifo, tên gọi ngày xưa của Hoài Phố, tức Hội An ngày nay. Cũng vì thế, Chùa Cầu còn được gọi là Chùa Nhật Bản. Các thương gia Nhật tin rằng chiếc cầu là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật “namazu”, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất.

Năm 1653, phần chùa trên cầu được thiết kế từ giữa cầu nên mới có tên là Chùa Cầu. Đến năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là “Lai Viễn Kiều” (cầu đón khách phương xa). Theo niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được dựng lại vào năm 1817.

Chùa Cầu, Hội An

Chùa Cầu là một kiến trúc bằng gỗ được xây dựng trên những trụ cầu bằng gạch, dài khoảng 18m, có mái che, vắt ngang một lạch nước chảy ra sông Thu Bồn. Mái chùa lợp ngói âm dương, trên cửa chính của cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán “Lai Viễn Kiều”.

Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông Thu Bồn. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ. Có người giải thích vì cây cầu xây từ năm Thân và hoàn tất vào năm Tuất (?).

Người dân Hội An rất hãnh diện về kiến trúc của Chùa Cầu. Dù khởi thủy là một tác phẩm của người Nhật nhưng công trình này đã gắn bó với địa phương để trở thành một di sản kiến trúc của quốc gia và cả thế gới với những câu thơ:  

“Ai đi phố Hội Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu.”  

Chùa Cầu vào ban đêm

Từ Quảng Nam ra Huế, sau khi vượt đèo Hải Vân, du khách sẽ gặp một chiếc cầu ngói giữa khung cảnh thơ mộng của vùng quê đất Thần Kinh. Chiếc cầu này thường được nhắc đến trong kho tàng ca dao của địa phương:

“Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui.”

Cầu ngói Thanh Toàn thời Pháp thuộc

Tôi đã từng đến Chùa Cầu và cả cầu ngói Thanh Toàn. Qua cái nhìn của một du khách, cầu ngói Thanh Toàn đẹp hơn Chùa Cầu rất nhiều mặc dù sự nổi tiếng hơn vẫn thuộc về Chùa Cầu. Khung cảnh là yếu tố quan trọng. Cầu ngói Thanh Toàn nằm giữa một thiên nhiên mộc mạc trong khi Chùa Cầu lại ở trung tâm của phố thị đông người qua lại.

Độ dài của hai chiếc cầu xấp xỉ ngang nhau nhưng khi bước lên cầu ngói Thanh Toàn khách sẽ có một cảm giác gần gũi với thiên nhiên trong khi Chùa Cầu lại mang sắc thái đường phố, dù đó là phố cổ. Người đến Thanh Toàn sẽ thấy một sự khác biệt giữa thế giới phố thị và làng quê mộc mạc.

Cầu ngói Thanh Toàn, thuộc địa phận huyện Hương Thủy, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km. Thân cầu được làm bằng gỗ, phía trên lợp mái ngói hình ống, tráng men. Cầu được chia làm 7 gian với gian giữa là nơi thờ bà Trần Thị Đạo, người góp tiền xây cầu cho dân làng tiện đường qua lại vào thế kỷ 18.  


Cầu ngói Thanh Toàn

Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng theo lối “thượng gia hạ kiều” với ý tưởng trên là mái nhà và dưới là cầu. Cầu bắc ngang dòng sông Như Ý với hai bên thân là lan can, có bục gỗ để ngồi nghỉ ngơi và trên đầu lợp mái ngói lưu ly, che mưa, che nắng.  

Sau hơn hai thế kỷ dãi dầu với năm tháng, đương đầu với gió bão lụt lội và chiến tranh tàn khốc.... cầu ngói đã được trùng tu, sửa chữa vào các năm 1847, 1906, 1956 và 1971. Qua các lần tu sửa, kích thước thu hẹp đi, chiều dài còn 16,85m và rộng 4,63m.

Bên cạnh cầu, từ năm 2015 có một Nhà trưng bày nông cụ Thanh Toàn. Nơi đây triển lãm các loại nông, ngư cụ truyền thống và còn “kể” những câu chuyện sinh hoạt thôn quê, với sự trợ giúp kinh phí và phối hợp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO).

Gian thờ và những bục gỗ trên cầu ngói Thanh Toàn

Ra đến Bắc, chúng ta sẽ được đi trên cầu ngói Phát Diệm, xây dựng năm 1902. Thị trấn Phát Diệm thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Thái Bình, nơi có một quần thể nhà thờ đá nổi tiếng trên một vùng đất sình lầy ven biển. Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) là người đã có công lớn trong việc khai sinh, mở rộng và ghi danh vùng đất này trên bản đồ Việt Nam.

Cầu ngói Phát Diệm có dáng cầu cong cong, bên trên lợp ngói… không chỉ để đi lại mà còn là điểm hẹn văn hóa của người dân địa phương qua nhiều thế hệ. Hơn 100 năm qua, cây cầu ngói Phát Diệm luôn là niềm tự hào của người dân thị trấn và là một công trình văn hóa rất ý nghĩa.

Cầu ngói Phát Diệm

Sông Ân chảy qua thị trấn Phát Diệm là một công trình thủy lợi được Nguyễn Công Trứ cho xây dựng để lấy nước ngọt từ đầu nguồn về rửa mặn giúp người dân sản xuất nông nghiệp. Khi có con sông này, việc đi lại hướng về phía biển gặp nhiều khó khăn nên ông đã xây dựng một cây cầu nối đôi bờ sông Ân.

Ban đầu cầu được làm bằng thân những cây gỗ to, những tấm gỗ lớn để cầu rộng rãi cho người dân đi lại. Do thời gian bị hư hại, năm 1902, cầu được thay thế bằng một cây cầu có mái lợp ngói.

Trải qua một thế kỷ, cầu ngói Phát Diệm ngày nay vẫn còn giữ được nguyên dáng vẻ của chiếc cầu xưa với hai bên là hai hàng cột gỗ lim và lan can rất chắc chắn. Cầu có 3 nhịp, mỗi nhịp 4 gian với chiều dài 36m, chiều rộng 3m. Phía hai bên đầu cầu có các bậc tam cấp và chỉ người đi bộ mới qua được cầu.

Cầu ngói Phát Diệm soi bóng bên dòng sông Ân

Ngoài cây cầu ngói Phát Diệm, huyện Kim Sơn còn có 2 cây cầu ngói khác và trở thành địa phương có nhiều cầu ngói nhất nước. Cầu ngói Lưu Quang (xã Quang Thiện) được khánh thành, đưa vào sử dụng tháng 8/2015. Đây là cây cầu ngói thứ 2 bắc qua sông Ân. Cầu được làm bằng bê tông cốt thép, bên trên có phần mái che lợp ngói, thiết kế gần giống với cầu ngói Phát Diệm.

Cầu ngói Lưu Quang (xã Quang Thiện)

Cầu Hòa Bình (xã Hùng Tiến) là cây cầu ngói thứ 3 bắc qua sông Ân, huyện Kim Sơn. Cầu được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2016. Cầu có 3 nhịp, 9 gian, chiều dài hơn 20m, rộng 8m. Cầu có thiết kế giống như một ngôi chùa với mái cong vút.

Cầu Hòa Bình (xã Hùng Tiến)

Tôi đã đến khu quần thể Nhà thờ Chính tòa được xây dựng bằng đá và gỗ từ năm 1875 ở Phát Diệm trong một chuyến “cross-country” với đoàn sinh viên Mỹ nhưng quả thật chưa được bước chân lên cầu ngói Phát Diệm. Tuy nhiên, những gì được đọc và thấy qua hình ảnh, cầu ngói Phát Diệm rất xứng đáng được xếp vào nhóm những cây cầu ngói nổi tiếng của Việt Nam.

Riêng với hai cây cầu mới được địa phương “bê-tông-hóa” thành “cầu ngói” là những kiến trúc, phải nói là “thô kệch”, ‘tân không ra tân, cổ không ra cổ”. Những kiểu kiến trúc này ngày nay không hiếm, nhất là tại miền Bắc.

Người ta nghĩ ngay đến những dinh thự, biệt phủ của các trọc phú, quan chức lắm tiền, nhiều của. Bắt chiếc một chút Gothic, lấy một chút nét La Mã, cóp một chút ảnh hưởng của Phục Hưng… để có một tác phẩm “lai căng” hay nói theo ngôn ngữ bình dân là “tả pín lù”!

Cầu ngói Phát Diệm

Tại chùa Lương (Hải Hậu, Nam Định) có cầu cây cầu ngói trên sông Trung Giang, được xây dựng vào thời Lê, cuối thế kỷ 15. Chùa Lương, còn được gọi là “Chùa Trăm Gian” hay Phúc Lâm Tự được xây dựng vào đời vua Lê Hồng Thuận (1509-1515).

Theo lịch sử, cầu ngói Chợ Lương có niên đại cùng với chùa Lương. Cầu có 9 gian bằng gỗ lim bắc trên hai hàng cột đá được gia công tỷ mỉ, kỹ thuật chạm trổ khéo léo. Nhìn từ xa, chiếc cầu như một con rồng đang vươn mình lên trời cao. Người thợ thủ công mỹ nghệ làng Hải Minh được ca tụng:

“Ai qua Cầu Ngói Chợ Lương,
Ghé thăm Mỹ nghệ Hải Minh làng nghề”

Mỗi đầu cầu đều có 4 con nghê chầu, với dáng vẻ vừa thân thuộc vừa uy nghiêm, ý nghĩa ấy được dân gian thể hiện trong câu: “Bốn con nghê đực chầu về tổ tông”. Hình ảnh cầu ngói Chợ Lương đã được đưa lên trên tem bưu chính để cả nước chiêm ngưỡng.

Tem cầu ngói chùa Lương (Hải Hậu, Nam Định)

Hà Nội có  Chùa Thầy (thuộc Hà Tây cũ) với hai cây cầu ngói Nhật Tiên và Nguyệt Tiên. Tương truyền hai cây cầu này do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528- 1613) xây dựng vào khoảng những năm đầu thế kỷ 17. Đến nay cầu đã qua nhiều lần trùng tu và kiến trúc hiện tại cũng vẫn còn mang những nét đặc trưng của kiểu cầu ngói vùng đồng bằng Bắc bộ.

Cầu Nhật Tiên nằm về bên trái chùa để đi ra đảo có đền thờ Tam phủ

Cầu Nguyệt Tiên ở bên phải chùa nối với bờ hồ có đường lên núi

***

Khác biệt với miền Trung và miền Bắc về lịch sử mở mang bờ cõi, miền Nam được coi như “vùng đất mới” nên thiếu hẳn những chiếc cầu ngói, nét đặc trưng về văn hóa “bán cổ điển” của Việt Nam. Đó cũng là sự thiệt thòi của những vùng đất “sinh sau, đẻ muộn”.

Thay vào đó, Miền Nam có những kiến trúc mang đậm nét Phương Tây, đặc biệt là ành hưởng của văn hóa Pháp trong việc xây dựng những tòa dinh thự. Sài Gòn là một thí dụ điển hình về phong cách kiến trúc theo trường phái Gothic, Roman, Baroque do người Pháp thết kế và xây dựng.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts