Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Nhân World Cup đọc truyện “Bồn Lừa” của Duyên Anh

Tiếng “máy phóng thanh” trên “cầu trường” oang oang giữa những ồn ào của khán giả: “Mười phút nữa, hội tuyển Thiếu-niên Sài-gòn sẽ gặp hội tuyển Ba-tây”.

Tiếng ồn trên sân vận động bỗng lắng xuống để nghe giới thiệu tiểu sử và thành tích của 11 “hảo thủ” đến từ vùng đất Nam Mỹ, nơi được coi là “cái nôi của túc cầu”. Đó là Ba Tây, tên gọi của đất nước Brazil được đại diện bởi Pelé trong bộ quần áo thi đấu áo xanh lam sọc trắng và quần mầu tím sậm. Nhà văn Duyên Anh mô tả các cầu thủ Brazil:

- Người nào đen thì như tây đen. Phần đông, họ có nước da cháy nắng, trông to con và khoẻ mạnh vô cùng. Vài khán giả sành điệu, chỉ trỏ anh cầu thủ Ba-tây đen cao kều, la hét: Pelé, Pelé !

Ông vua phá lưới Pelé toét miệng cười. Răng anh chàng trắng ởn, môi đỏ tựa thoa son. Khán giả bàn tán:

- Pelé mà sút, sức mấy thằng Rạng em bắt nổi.

- Hai lần vô địch bóng tròn quốc tế nó đá với mình chắc giống mèo vờn chuột quá à...

- Đi coi chân cẳng Ba-tây chứ tin gì hội nhà...


(hết trích)

Cầu thủ Ba Tây chạy ra giữa sân chào khán giả, họ tạo thành một vòng tròn để biểu diễn “tặng” khán giả Việt Nam. Khi bóng đến chân “vua phá lưới” Pelé thì trái bóng đã dính chặt trên mu bàn chân, ngoan ngoãn… “y hệt một hòn đất nằm im trên lưỡi cuốc”. Pelé giơ chân lên cao, trái banh vẫn dính chặt trong chân. Rất điệu nghệ, anh hất nhẹ ngang tầm đầu rồi “đánh một cú tết” [đội đầu] để chuyền sang cho Vava. Cầu thủ này nghiêng đầu để giữ trái bóng trên vai, chạy vài bước rồi thẳng đầu để bóng rơi xuống chân…

Khán giả sững sờ rồi vỗ tay, hò reo không ngớt. Có người bật thốt: “Trời đất, cầu thủ Ba Tây điệu nghệ quá”. Có người lại than thở: “Nhà nghề như vậy thì đội Thiếu niên Sài Gòn chơi sao cho lại”. Một người khác phụ họa: “Chắc phải đem cả cần xé đựng banh mất thôi!”.

Từ dưới hầm vận động trường, đội bóng Thiếu niên Sài Gòn cũng chui lên, chạy ra sân cỏ giữ tiếng hoan hô, cổ võ của khán giả. Mười một “con cưng” của nền túc cầu Việt Nam ngoài cái tên thật còn được mang những cái tên của lớp cầu thủ đàn anh đi kèm với chữ “em” để tiếp nối truyền thống của túc cầu Sài Gòn.

Trấn giữ khung thành có Chương “còm” tức “Rạng em”, hữu vệ Hưng “mập” mang tên “Lắm em”, tả vệ Tư “chăn vịt” tức “Có em”, trung ứng Sơn “trán cao” còn được gọi là “Tam Lang em”, hữu ứng Tí “điên” tức “Hiền em”, tả ứng Bảo “méo mồm” tức “Thanh em”, trung phong Bồn “lừa” tức “Vinh em”, hữu nội Tiến “gầy” tức Ngôn em, tả nội Quyên “Tân Định” tức Thuận em, hữu biên Dzũng “Đa Kao” tức “Dậu em”, tả biên nhóc con Hùng tức “Ngầu em”.

Nhưng tại sao lại có tên Bồn đi kèm chữ “lừa”? Lừa ở đây không phải là con lừa, cũng không phải là lừa đảo. Trong thể thao, “lừa” tức là lừa banh bằng những động tác kỹ thuật khéo léo của các cầu thủ trên sân cỏ.

Những cái tên đó đều mang biệt hiệu của “thần tượng túc cầu Việt Nam” với hy vọng sẽ ra sân như những ngôi sao mới trên sân cỏ Sài Gòn. Đây là trận banh quốc tế đầu tiên của “hội tuyển nhí” và khán giả không mong sẽ thắng được Ba Tây, những “bậc thầy” của “túc cầu giáo”. Nói theo ngôn từ thời nay chỉ là “cọ xát để rút kinh nghiệm trong thi đấu”. Nếu thủ hòa với đội của Pelé là “may” và “hay” lắm rồi!

Cầu thủ thiếu niên Việt Nam ra sân với màu áo xanh da trời, quần trắng. Được đá mở màn trên sân đã là một “vinh dự” đối với các em nhưng gặp đội “sừng sỏ” là Brazil có lẽ là một điều quá sức, khó có thể “vượt qua chính mình”. Duyên Anh viết:

“Tổng-cuộc và Ban Tổ-chức đã đồng ý chọn hội tuyển Thiếu-niên đá trận đầu với Ba-tây. Khán giả cũng như báo chí đều phản đối sự sắp xếp vụng về này. Đưa thiếu niên chọi nhà nghề có khác gì đưa bầy nai thả vào chuồng cọp. Nhìn mười một cầu thủ nhỏ thó của hội nhà, khán giả bỗng thương hại...”

Thế nhưng, mọi chuyện đã được Tổng cục Túc cầu quyết định và vé đã được bán. Có lẽ khán giả đến kín sân cỏ là để coi trận mở màn “lót đường” cho trận chính. Sau những thủ tục thông thường của một trận cầu quốc tế như chào khán giả, trao cờ kỷ niệm, chụp ảnh, chọn sân, hai đội bóng đã dàn quân. Trận giao hữu mở màn giữa thiếu niên Sài Gòn và đội tuyển Ba Tây diễn ra qua ngòi bút của Duyên Anh:

“Cầu trường im lặng đến ngạt thở. Ba-tây giao ban trước, Pelé hất nhẹ cho Vava. Anh này mang ban lên chuyền cho Garrincha. Garrincha đem sâu xuống nữa, qua mặt Tiến gầy, bắn vào giữa. Tiến gầy chưa tới kịp, Sơn trán cao đã phá ban lên. Bảo méo mồm nhận được ban, mớm nhẹ cho Bồn lừa. Khán giả cổ võ :

- Bồn lừa, Bồn lừa, Bồn lừa...

Bồn lừa, hai tiếng rời nhau và đệm bằng nhịp vỗ tay nghe dõng dạc như hồi trống thúc quân. Bồn lừa giơ tay lên trời, tỏ ý bảo khán giả "biết rồi cứ yên tâm, tôi sẽ làm tụi Ba-tây lác mắt". Nó giữ bóng chập chờn như thể chiếc lá xoay trong cơn lốc nhỏ. Nó đợi đối thủ tới gần mới biều diễn.. lừa lọc. Bồn lừa thường làm chậm trễ đường ban và mất cơ hội làm bàn vì nó thích thêu dệt bay bướm. Nhưng khán giả giận nó mà vẫn khoái nó. Bởi thế, nó mang cái tên Bồn lừa. Bồn lừa len lỏi rất tài tình. Nó qua mặt những ông vua lừa Ba-tây, dẫn bóng xuống tận cấm địa của đối phương, Cầu trường giục nó :

- Sút đi!

- Sút đi Bồn lừa!

Nó không thèm sút vội, thêu dệt thêm vài đường. Và bị đối phương phá bóng. Khán giả yêu nó "ồ " dài thất vọng. Tiếng "ồ" vang hơn sấm sét, Có người yêu quá hóa tức nguyền rủa nó:

- Đồ con khỉ, Bồn lừa!


(hết trích)

Brazil bắt đầu “lấn sân” Sài Gòn. Pelé được bóng, đơn thương độc mã, dẫn lên. Viên huyền châu của vòm trời túc cầu Mỹ châu La Tinh đã làm sáng rực sân Cộng Hòa. Bóng qua vạch vôi trắng giữa sân, sang đất đội Thiếu niên, Pelé nhử Quyên “Tân Định”, giỡn Bảo “méo mồm”, đùa Sơn “trán cao”. Rồi sút tà tà cho Garrincha.

Hữu biên thần sầu của Ba Tây đem bóng sâu xuống, sâu xuống nữa. Hưng “mập” ra cản, Garrincha chuyền bóng cho Pelé. Anh này chặn bóng lại. Đụng Tí “điên”, viên huyền châu quạt chân trái. Quả bóng xé không khí vô thẳng khung thành của hội Thiếu-niên.

Hàng chục ngàn trái tim nín thở. Rồi nở căng để sung sướng tột độ khi nhìn rõ trái sút nghìn cân của Pelé đã nằm gọn trong đôi tay nhựa của “Rạng em” Chương “còm”. Cả triệu dân nghiền quả bóng tròn Sài Gòn được nghe tiếng thét đầy cảm xúc của phái viên thể thao Huyền Vũ trên làn sóng điện. Thủ môn Chương còm nhồi bóng, đá lên cao. Tiến gầy chặn bóng, hất nhẹ cho Dzũng Đakao. Khán giả vỗ tay làm nhịp :

- Dzũng Đakao, Dzũng Đakao...

Dzũng Đakao hứng chí "mơ nê" [dẫn banh] thật bay bướm. Bất thần, nó tạt vào khoảng trống giữa sân. Bồn lừa, như một mũi tên, phóng tới.

- Bồn lừa, Bồn lừa...

- Đừng lừa nữa, Vinh “em” !

- "Dô" liền nghe !

Bao nhiêu lời gửi gấm Bồn lừa. Gã cầu thủ tuyệt luân của nền bóng tròn Việt-nam thực sự đang là một ông vua, một thần tượng trên sân cỏ. Lúc này, không ai nghĩ tới Thủ tướng hay Tổng thống cả. Chỉ biết có mười một “con gà nòi”, mười một anh hùng đương cầm chân cả thế giới bóng tròn, đương làm vô địch Mỹ châu điêu đứng.

Bồn lừa phóng qua trái banh rồi chạy lại ngay. Đó là cái "giơ" [jeu] đặc biệt của nó. Tuy đường banh có bị chậm nhưng nó đã làm đẹp mắt khán giả và trêu tức đối phương. Banh đang ở dưới chân Bồn “lừa”, nó giáo giác nhìn hai bên. Rồi, thay vì lừa banh, nó lại mớm nhẹ cho Tiến “gầy”.

Hữu nội “chân ống xì đồng” trả ban cho Bồn lừa. Thằng Vinh “em” dẫn banh sâu xuống thêm, qua mặt trung ứng Ba Tây. Nó tạt sang bên trái cho Dzũng Đakao. Dzũng Đakao chạy nhanh. Nó "ngả bàn đèn" một cú tuyệt diệu. Trái banh như một đường rót vào giữa. Bồn “lừa” đón đúng lúc, nó tung người, đá vớt. Trái ban trúng trụ thành Ba-tây, dội ra, Sơn “trán cao” sút trái thứ hai. Trái banh lại trúng sà ngang.

Sóng gíó kinh hồn diễn ra ở vùng cấm địa Ba Tây. Pelé phải chạy về giải cứu. Thủ môn Ba Tây rối loạn. Khán giả cổ võ như sấm sét trên sân. Không một người nào ngồi cả. Tường thuật viên Huyền Vũ bộc lộ niềm sung sướng bằng cả trái tìm mình trên đài phát thanh:

"Thưa quý vị. Bồn lừa đã cướp bóng từ đôi chân vàng của quái kiệt Pelé. Anh đang đưa bóng lên... Thưa quý vị, chúng tôi thấy Pelé lắc đầu. Chắc là thán phục... Thưa quý vị thính giả, chúng tôi đang ở phút 20 của trận đấu. Chưa bên nào mở tỷ số."

“Kịch tính” diễn ra trên phần sân của Sài Gòn khi cú sút của Pelé lọt lưới góc trái khung thành, Chương “còm” nhẩy lên nhưng không kịp nữa. Trái ban thần sầu đã phá lưới mở tỷ số cho Ba Tây. Khán gỉả vỗ tay ca ngợi đội khách, nhưng cũng giậm chân nuối tiếc cho đội nhà. Nhưng trọng tài lại thổi còi xua tay khiến khán giả ngơ ngác. Trọng tài chạy tới cửa gôn Sài Gòn rít còi và chỉ tay: Brazil bị phạt việt vị, bàn thắng không được công nhận.

Pelé nhún vai, lắc đầu. Một vài cầu thủ Ba Tây bu quanh trọng tài phân trần, tranh luận. Song trọng tài nhất định không công nhận bàn thắng của Ba Tây, ý ông ta là chỉ căn cứ vào lá cờ của trọng tài biên khi phất lên. Duyên Anh bình luận:

“Chưa có khán giả túc cầu nào ở trên thế giới vô tư và hiếu khách bằng khán giả Việt-nam. Họ đi xem đá bóng với tinh thần thượng võ. Hội khách biểu diễn nghệ thuật, họ hoan hô bằng cả tấm lòng của người mộ điệu, hội nhà chơi đẹp, họ ủng hộ, cổ võ… Nhất là khi trọng tài bất công, bênh vực hội nhà, họ càng nguyền rủa hết lời.”

Còn Huyền Vũ tường thuật trực tiếp trên sân: "Thưa quý vị, chúng tôi đang ở phút 25 của trận đấu. Phút sóng gió đã tan trước cửa thành hội tuyển Thiếu-niên. Trái bóng vàng do hảo thủ Pelé sút lọt lưới Chương còm đã bị trọng tài hủy bỏ. Thưa quý vị, những tiếng ồn ào quý vị vừa nghe trong máy chính là những tiếng la ó của khán giả. Khán giả phẫn nộ khi trọng tài bênh hội nhà một cách lộ liễu. Và thưa quý vị, Ba-tây đã chấp nhận quả phạt việt vị rất mã thượng..."



Sóng gió lại ập đến trên phần sân Brazil. Bồn “lừa” đưa banh ra rồi bất thần ngả người sút một trái… "ngả bàn đèn". Bóng xoáy tròn như một cơn lốc, bay thẳng vào gôn Ba Tây giữa lúc cực kỳ nguy hiểm. Thủ môn Gilmar đã thúc thủ. Quá bối rối, hữu vệ Brazil giơ tay lên đỡ. Trọng tài rít còi. Ba-tây bị một trái phạt đền.

Mấy chục ngàn con mắt hướng về Bồn “lừa” với trái bóng như nhỏ đi khi Bồn “lừa” sút quả phạt đền. Chỉ có Bồn “lừa” sừng sững như một trái núi, như một thần núi. Trọng tài rít còi, nhưng Bồn “lừa”… khẽ hất chân. Trái banh uể oải lăn trên mặt cỏ. Và thủ môn Gilmar thong thả cúi xuống lượm trái bóng “cao thượng” của đối phương.

Phía khán đài bình dân vang lên những lời chửi bới, la ó. Nhưng phía khán đài trung ương và khán đài chính, khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Bồn lừa đã trả nợ trái bóng "ăn gian" của trọng tài. Pelé chạy tới bắt tay Bồn lừa, lắc lia lịa. Thủ môn Gilmar bỏ thành, nhào lên ôm lấy Dzũng Đakao tỏ sự cảm phục. Duyên Anh viết:

“Những tên Việt-nam mất gốc, hễ mở miệng là khinh bỉ đất nước, quê hương mình, đã nghĩ gì về hành động cao thượng của những Bồn lừa, Dzũng Đakao, Chương còm, Tí điên, Tiến gầy, nhóc con Hùng, Quyên Tân-định, Hưng mập, Sơn trán cao, Bảo méo mồm, Tư chăn vịt?”

Sang hiệp hai, Huyền Vũ tường thuật trên radio: "Thưa quí thính giả, chúng tôi đang ở phút đầu tiên của hiệp nhì. Hàng ngũ hai bên không có gì mới lạ. Bên Ba-tây vẫn thủ môn Gilmar, hữu vệ Djalma, tả vệ Nilton, trung ứng Mauro, hữu ứng Zito, tả ứng Marinho de Sordi, trung phong Pelé, hữu nội Garrincha, tả nội Vava, hữu biên Pépé, tả biên Didi. Bên hội tuyển Thiếu-niên giữ nguyên thành phần cũ…”

Ký giả thể thao Huyền Vũ mang đầy "lửa" trong buồi trực tiếp truyền thanh tường thuật trận túc cầu nghìn năm một thuở này. Ông ta nói say sưa như chưa bao giờ từng được say sưa đến thế. Ông là tai mắt của hàng triệu khán giả bốn phương. Ông thuộc tên các cầu thủ hội khách mà dù đương ngồi trên khán đài sân Cộng Hòa, nhiều người vẫn không nhớ nổi, họ phải mang những cái máy thu thanh "tăng-di-to" nhỏ, mở khẽ, để sát bên tai nghe ông đọc tên giùm.

Thế rồi giây phút kịch tính nhất của trận đấu đã đến. Bồn Lừa vốn đã nồi tiếng có tài làm bàn với những thế sút lệch lạc người. Chẳng hạn, đang dẫn bóng thật nhanh, nó ngã ngang người tống banh vào lưới địch. Cú này giống hệt một người nằm hút thuốc phiện nên gọi là cú "ngả bàn đèn". Huyền Vũ phải thét lên với một giọng như lạc đi:

"Bồn lừa bắn bóng thủng lưới Gilmar mở tỷ sõ đầu tiên cho Việt-nam. Chúng tôi đang ở phút thứ 25 của hiệp nhì. Việt-nam dẫn trước tỷ sổ 1-0, Bồn lừa đã phá thủng lưới của Gilmar bằng cú sút lạ lùng nhất thế giới bóng tròn."


Truyện “Bồn Lừa” của Duyên Anh 


*** 


Những diễn biến trên đây chỉ là một giấc mơ của Bồn Lừa. Một giấc mơ mà những người ghiền túc cầu Việt Nam chỉ mong nó sẽ biến thành sự thật một ngày nào đó! Duyên Anh đã vẽ nên một giấc mơ “không tưởng” nhưng chắc chắn những người đọc truyện “Bồn Lừa” (nhất là những bạn trẻ) đã không ít thì nhiều “mơ” đến một tương lai như thế.


Không ai có thể tính giấc mơ bằng tiền bạc. Các bạn trẻ lại càng “sống trong mơ”, một giấc mơ hoàn toàn “miễn phí” nhưng tác dụng của nó là tạo dựng một niềm tin trong bối cảnh một đất nước thiếu hẳn những cơ sở vật chất cho thể thao.


Ở Sài Gòn xưa có bao nhiêu sân bóng? Sân vận động Cộng Hòa đứng đầu danh sách vì nơi đây diễn ra các trận cầu có tầm vóc quốc tế cũng như quốc nội. Dĩ nhiên đây là sân chơi chính nên luôn “cửa đóng then gài” đối với các đội bóng thiếu nhi như của Bồn “lừa”. Vào được sân này chỉ theo chân người lớn hay cùng lắm là “leo rào” coi “cọp”.


Sân Tao Đàn xếp hạng nhì, nơi diễn ra các trận “thư hùng” của các đội bóng hạng hai. Đây cũng là nơi tập luyện của các đội “bán chuyên nghiệp” như đội các nghệ sĩ cải lương, đường Hiệp Hòa… Có lần Bồn Lừa và đồng đội ngồi ở lằn vôi biên xem đội “cải lương” thi đấu trên sân Tao Đàn.


Khi trái banh vượt khỏi lằn vôi biên, kép cải lương Thành Được chạy ra để chuẩn bị ném biên nhưng Bồn Lừa đã đứng dậy, “ngứa nghề” nên lừa banh không cho Thành Được lấy banh. Thế là chỉ trong vài phút “phù du”, Bồn Lừa đi những đường banh lả lướt khiến anh kép cải lương không tài nào lấy được banh. Đó có lẽ là lần đầu tiên Bồn Lừa có vài phút cao hứng biểu diễn nghệ thuật lừa banh trước một số đông người xem trên sân Tao Đàn.


Sân Hoa Lư là “sân nhà” của đội banh Bồn Lừa vì tương đối sân này mở cửa cho bọn trẻ tập dượt và “thi đấu”. Trẻ con chỉ có thể quần bóng vào lúc sáng tinh mơ, giữa trưa nắng cháy hay đá "ké" người lớn ở dưới hai bên cột gôn.Tại đây, có những trận cầu “nảy lửa” giữa đội bán bong bóng và đội bán báo. Thắng bại chia đều cho cả hai đội nhưng cái kết “có hậu” nhất là cầu thủ hai đội đã trở thành “bạn” sau những cuộc tranh tài.


*** 


Nhân World Cup 2018 chúng ta hãy đọc lại “Bồn Lừa” mà Duyên Anh viết từ năm 1967 với lời đề tặng thanh thiếu niên một cách chân tình:


“Tặng thế hệ các em tôi với một niềm ao ước lớn: trong mọi lãnh vực, các em đều phi thường như Bồn lừa.”





*** 


* Tham khảo thêm bài viết “Cuộc đời nhà văn Duyên Anh” tại:

http://chinhhoiuc.blogspot.com/2017/03/cuoc-oi-nha-van-duyen-anh.html


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts