* Kính tặng hương hồn ký giả
thể thao Huyền Vũ, người bình luận túc cầu “không thể nào thay thế” của mọi thời
đại.
***
Ký giả Huyền Vũ (1914-2005)
Nhạc hiệu quen thuộc của buổi trực tiếp truyền thanh đã nổi lên. Một
lần nữa, khán giả lại được nghe giọng nói của Huyền Vũ từ bên kia thế giới vọng
về qua làn sóng điện. Giọng ông vẫn không có gì thay đổi sau cuộc hành trình từ
giã cõi đời ngày 24/8/2005 tại Virginia, Hoa Kỳ. Khi đó, ông đã 90 tuổi và, nếu
bây giờ còn sống, ông đã ngoài trăm tuổi với gần 25 năm trong nghề tường thuật
túc cầu.
Việc Huyền Vũ có mặt tại thủ đô nước Nga trong mùa World Cup này
quả là một chuyện đầy bí ẩn, chỉ xảy ra trong mơ… nhưng giọng nói của ông vẫn
oang oang trên sân vận động Luzhniki tại thủ đô Mạc Tư Khoa. Vẫn biết nghề của
ông là ký giả thể thao nhưng làm sao ông đến được nơi đây khi âm dương cách biệt
để tường thuật trận chung kết giữ Pháp và Croatia?
Có người nói, Huyền Vũ là “người
không thể thay thế” trong vai trò phóng viên tường thuật túc cầu trên làn
sóng điện ở Sài Gòn năm xưa. Đó là thời kỳ chưa có TV và người ta chỉ có chiếc
radio “một đèn” và tiếp theo tiếp theo đó là radio transistor. Chúng ta hãy trở
về thời kỳ đó và tưởng tượng Huyền Vũ trước máy ghi âm để tường thuật cho mọi
khán giả Miền Nam qua đài phát thanh Sài Gòn… Và, Huyền Vũ cất tiếng nói khởi đầu
buổi tường thuật World Cup 2018:
“Huyền
Vũ xin kính chào quý vị thính giả. Điều đầu tiên chúng tôi phải nhắc lại trước
khi trận cầu bắt đầu là radio transistor của quý vị mang theo chỉ mở vừa đủ
nghe để không gây trở ngại cho việc trực tiếp truyền thanh.”
Đó cũng là điều dễ hiểu. Nếu mở radio quá lớn trong sân vận động sẽ
tạo nên tiếng vang (echo) mỗi khi ông nói trực tiếp vào máy vi âm. Khi đó, khán
giả nghe radio tại nhà sẽ phải nghe tới hai lần: giọng nói trực tiếp của ông và
theo sau đó là tiếng vọng lại qua radio trên sân cỏ.
Sân vận động Luzhniki trong trận chung kết Pháp gặp Croatia hôm
nay được bắt đầu bằng lễ bế mạc với những màn ca múa nhạc của những người Nga
thật đặc sắc. Công nghệ mới giúp các diễn viên tạo thành hình những màn ảnh đa
sắc màu, thay đổi đến chóng mặt nhưng cũng thật đặc sắc.
22 cầu thủ tiến ra sân cỏ để trình diện khán giả, họ có dắt thêm
22 cầu thủ “nhí” đi cùng. Huyền Vũ nhận thấy trong số các em có một cậu bé da
vàng, đeo kính cận và, theo ông, đó là một bé trai người Việt (?). Ông tường
thuật tiếp:
“Sân
cỏ rực một sắc màu xanh-đỏ-trắng của “màu cờ sắc áo” hai đội bóng. Cờ “tam tài”
và cờ carô đỏ-trắng biến sân Luzhniki thành một bức tranh đầy màu sắc trên các
khán đài…
“…
Và trận đấu then chốt rồi cũng đến sau màn chào cờ hai nước Pháp và Croatia. Bản
quốc ca “La Marseillaise” của Pháp với những nét nhạc hùng dũng cất lên và tiếp
sau là quốc ca Croatia, “Lijepa naša domovino”, có phần trầm buồn như hoàn cảnh
chiến tranh tương tàn của nước này trên một phần lãnh thổ Nam Tư cũ sau thế chiến
thứ hai”.
(hết trích)
Sau những tiếng đếm ngược từ 10 đến 1, trái bóng lăn trên sân cỏ để
bắt đầu cuộc tranh tài. Croatia ra quân với “hừng
hực khí thế” của một đội bóng trẻ trong khi Pháp “già dặn hơn” nhưng lại có
phần yếu thế hơn trong chiến thuật “rình
sơ hở của đối phương”. Hai đội hầu như không phải thăm dò vì đã hiểu nhau
quá rõ. Tỷ số được mở khi trận đấu diễn ra chưa đầy 20 phút. Giọng của Huyền Vũ
theo sát từng đường banh:
“Sau
nhiều đợt tấn công bão táp của Croatia nhưng chưa thể ghi bàn, các chú Gà Trống
phản công trước cầu môn… Từ một quả đá phạt của đội Pháp, bóng được câu
vào trước khung thành, người ta thấy hai ba cái đầu cùng nhảy lên đón…
Thật
bất ngờ, tiền đạo Mandzukíc của Croatia đội đầu phá bóng… nhưng quả da lại
không dội về phía trước… mà lại trượt về phía sau khiến thủ môn Subasic không kịp
phản ứng… Màng lưới của Croatia đã không còn trinh bạch với cú đánh đầu về lưới
nhà… Bây giờ mới chỉ là phút thứ 18…”
(hết trích)
Bị dẫn trước nhưng Croatia vẫn không hề nao núng. Chỉ 10 phút sau
đó họ có ngay bàn gỡ hòa khi bóng đến chân của tiền vệ Perisic và anh khéo léo
ngoặt bóng lừa hàng thủ của Pháp rồi tung cú sút tréo góc để hạ gục thủ môn
Lloris của Pháp. Tiếng Huyền Vũ vang lên trong máy thu thanh:
“Tiền
vệ số 4 [Perisic] làm người ta nhớ đến
truyện “Bồn Lừa” của Duyên Anh với tài lừa bóng và cú “ngả bàn đèn” điệu nghệ.
Cầu trường một lần nữa lại bị khấy động vì cú dứt “thần sầu, quỷ khóc” của cầu
thủ Croatia trong bàn gỡ huề. Cả hai đội lại tiếp tục trận đấu tại vạch vôi giữa
sân…”
Đội Pháp lại vượt lên dẫn 2-1 vào phút thứ 34 với quả phạt đền của
Griezmann khi hậu vệ Croatia để bóng chạm tay trong vùng cấm địa. Trọng tài quyết
định tạm ngưng trận đấu để tham khảo những hình ảnh của VAR (video assistant
referee). Công nghệ VAR, còn được gọi là biện pháp phán xét theo sự trợ giúp của
video, được FIFA chính thức áp dụng tại World Cup 2018. Huyền Vũ bình luận:
“VAR
giúp các trọng tài quyết định chính xác hơn khi những pha gay cấn được chiếu chậm
trên máy vi tính. VAR giúp cho trọng tài có quyết định cuối cùng khi cầu thủ
Croatia đã để bóng chạm tay trước khi phá bóng ra vạch vôi cuối sân. Tuy nhiên,
VAR cũng làm giảm đi sự hào hứng của khán giả cũng như cầu thủ khi phải chờ đợi
quyết định cuối cùng của trọng tài…”
Tỷ số 2-1 được giữ cho đến hết hiệp 1. Đa số người hâm mộ trên sân
đều công nhận Croatia chơi hay hơn Pháp trong suốt 45 phút đầu. “Les Blues” ghi 2 trái trong khi đó chỉ
có một cú ghi bàn còn trái kia là do Croatia “biếu không” cho Pháp. Thể thao là
vậy, đội chơi hay chưa chắc là đội thắng chung cuộc!
Hiệp 2 vẫn hừng hực khí thế của cả hai đội. Pháp với thể lực sung
mãn còn Croatia đã bị “bào mòn” qua 3 trận đấu trước đó, trận nào cũng phải đá
thêm hiệp phụ! Phút thứ 52 có hai khán giả tìm cách chạy xuống sân cỏ nhưng đã
bị nhân viên an ninh kịp thời “áp giải” ra khỏi sân. Đó là “lối chơi trội” vẫn thường thấy ở những thanh niên trong những trận
banh có nhiều người xem.
Phút 60 và 65, từ những cú sút xa “thần tốc” của Mbappe và Pogba
đã nâng tỷ số lên 4-1 cho đội tuyển Pháp. Tưởng chừng như cách biệt 3 bàn sẽ
khiến đội Croatia mất đi nhuệ khí. Nhưng không, Huyền Vũ tường thuật với tất cả
sự say mê của một “ký giả lão làng” về thể thao:
“Croatia
vẫn thi đấu với một tinh thần thể thao tuyệt vời. Và ở phút thứ 68, Croatia đã
có một bàn thắng “trời cho” khi thủ môn Lloris giữ bóng trong chân, anh vụng về
“lừa” Mandzukic. Lừa bóng không phải là sở trường của các thủ môn nên “chỉ
trong một phút phù du”, Mandzukic đã lấy được bóng và dùng chân trái đẩy nhẹ
vào khung thành của Pháp, rút ngắn tỷ số còn 4-2!”
Mandzukic đã “lập công chuộc
tội” khi anh đội đầu ngược về khung thành đội nhà ở phút thứ 18 đầu trận.
Tuy nhiên, tỷ số 4-2 được giữ cho đến khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu
vô địch World Cup 2018. Chiếc Cúp vàng đã về tay đội tuyển Pháp lần thứ hai,
sau 20 năm chờ đợi!
Cổ động viên Croatia
Có người ví trận túc cầu Pháp-Croatia như một cuộc “thư hùng giữa David và Goliath”. Có
khác chăng là chàng David nhỏ bé với hơn 4 triệu dân không thắng được người khổng
lồ Goliath vốn mang biệt danh “Gà Trống
Gaulois”. Dù sao đi nữa, Croatia đã chiến đấu ngang ngửa với Pháp trên sân
cỏ trong một tinh thần thể thao tuyệt vời!
Một cách ăn mừng chiến thắng của người Pháp:
treo cờ "Tam Tài" với 3 màu xanh-trắng-đỏ trước cổng nhà!
Hình ảnh đáng nhớ là hai vị Tổng thống Pháp và Croatia thắm thiết
bên nhau trên khán đài và trong buổi lễ trao cúp. Cả hai người, ông Emmanuel
Macron (Pháp) và bà Kolinda Grabar-Kitarovic (Croatia), đều là những nguyên thủ
quốc gia trẻ, họ đã trở thành một biểu tượng tuyệt vời của thể thao và chính trị.
Đối đầu trên sân cỏ nhưng cũng là bạn bè trên chính trường.
Ông Emmanuel Macron (Pháp) và bà
Kolinda Grabar-Kitarovic (Croatia) đội mưa trong lễ trao giải
Tổng thống Croatia, Kolinda
Grabar-Kitarovic
Tổng thống Emmanuel Macron ăn mừng
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét