Đầu
năm 2016 Sài Gòn có Đường Sách được chính thức khai trương vào ngày 9/1/2016.
Đó là con đường mang tên Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, bên hông Nhà thờ Đức
Bà. Con đường chỉ dài 144m, rộng 8m với hai hàng cây xanh nhưng chiếm một địa
điểm quan trọng ngay trung tâm thành phố.
Cổng chính vào Đường Sách
Đường
Sách có hai lối vào: cổng chính nằm bên hông Bưu điện Thành phố và cổng phụ giáp
với đường Hai Bà Trưng, Quận 1. Nếu bước vào từ cổng chính người ta nhìn thấy
ngay hơn 20 gian hàng sách phía bên trái, phía đối diện là những gian hàng “Cà
phê Sách” trong đó có cả một quán McDonalds ở ngay đầu đường.
Các gian hàng sách nằm phía bên tay trái Đường Sách
Quy
hoạch và địa điểm là 2 yếu tố thành công của Đường Sách. Thêm vào đó, việc
trang trí của từng cửa hàng sách cũng như quán cà phê là nét nổi bật về văn hóa
& nghệ thuật. Mỗi gian hàng mang một sắc thái riêng biệt nhưng lại không
mang tính cạnh tranh vì khách đến đây hầu như chỉ để dạo chơi trong một không gian
hoàn toàn khác hẳn những nơi buôn bán khác.
Một gia đình đi dạo trên Đường Sách
Khách
có thể là cả một gia đình chọn đường sách làm điểm đến cho ngày cuối tuần. Con
cái có thể vào một quán sách đọc những chuyện thiếu nhi và bố mẹ sẵn sàng mua những
quyển sách mà con thích. Một cách đầu tư văn hóa vào những tâm hồn trẻ thơ mà
chỉ ở Đường Sách mới đáp ứng một cách tự nhiên. Cũng từ đây, trẻ con tự tạo cho
mình thú đọc sách ngay khi còn bé.
Giới thiệu sách mới
Khách
có thể là những cặp thanh niên nam nữ đang yêu. Họ đi bên nhau, chụp ảnh kỷ niệm
với nhau hay ngồi dự một buổi giới thiệu sách mới. Sinh hoạt văn hóa thường làm
con người quên đi những lo toan trong cuộc sống hàng ngày. “Cơm, áo, gạo, tiền” tạm thời nhường chỗ cho tinh thần. Thú vui
trong việc đọc sách hay chỉ ngắm sách cũng đủ để con người trở nên thánh thiện
và thanh thản hơn khi dạo chơi Đường Sách.
Một buổi giới thiệu sách
Bạn
bè gặp nhau bên ly cà phê giữa khung cảnh sách cũng thấy mình như sống.. “chậm
lại”. Không ít thì nhiều, người ta cảm nhận được sự thư thái giữa cuộc sống xô
bồ thường nhật của xã hội. Chỉ ngồi nhấm nháp ly cà phê và ngắm người qua lại
trên Đường Sách cũng là một cái thú mà không nơi nào có được.
Bạn bè gặp nhau trên Đường Sách (ảnh: FB Tuan Anh Nguyen
Xuan)
Thật
tình, tôi không đến Đường Sách thường xuyên vì đã lớn tuổi, ngại di chuyển. Tuy
vậy, mỗi khi đến đây tôi lại khám phá nhiều điều bất ngờ. Đến Đường Sách tôi
thường ghé lại những gian hàng bán sách
cũ, chọn mua vài quyển và ngồi uống cà phê để đọc lướt qua.
Chuyện trò cùng bạn bè bên ly cà phê
Có
lần một thanh niên trẻ ghé bàn tôi và xin phép “nhờ” tôi làm mẫu để anh chụp ảnh.
Quả là một lời đề nghị đầy bất ngờ. Anh thanh niên đang học một lớp nhiếp ảnh
và hôm đó đi thực tập sáng tác. Tôi vốn thích chụp ảnh nên có người lại chụp
cho mình thì chẳng có lý do gì để… từ chối.
Tác phẩm của người thanh niên chụp một ông già
Chụp
xong, anh xin tôi địa chỉ email để gửi tác phẩm của mình. Vài hôm sau, tôi nhận
được mấy kiểu ảnh anh chụp. Anh thanh niên đã giữ đúng lời hứa và ảnh anh chụp
còn đẹp hơn tôi ngoài đời gấp ngàn lần!
Bức hình thực tập thứ hai
Đường
Sách còn là nơi bạn bè văn nghệ gặp nhau để hàn huyên hay được mời nhau tham dự
buổi giới thiệu sách của mình. Đây cũng là nơi lý tưởng để cập nhật tin tức,
người còn, người mất trong buổi xế chiều. Tôi vốn ít đi chơi nên những buổi hội
ngộ này quả thật là hữu ích vô cùng.
Bạn bè tặng nhau những sách mới xuất bản
Khoảng
cuối năm 2017 trong một lần đến Đường Sách (qua ngõ đầu đường Hai Bà Trưng) tôi
thấy một tấm bích chương rất đẹp như để chào đón khách đến đây. Tấm bích chương
ghi lại một danh ngôn:
“Không cần phải ĐỐT
SÁCH để phá hủy một nền văn hóa, chỉ cần buộc người ta NGỪNG ĐỌC mà thôi”
Bên
dưới những dòng chữ đó là tên của Mahatma Gandhi để trong ngoặc đơn với hàm ý
ông là tác giả của câu nói đó. Ông Ghandi được người Ấn Độ coi là “thánh sống”
với chủ trương chống lại người Anh bằng đường lối bất bạo động.
Tấm bích chương tại Đường Sách (phía đường Hai Bà Trưng)
Tôi
rất tâm đắc với câu nói đó vì quả thật sau biến cố năm 1975 sách cũ đã bị đốt
trong chiến dịch “bài trừ văn hóa đồi trụy”.
Vì thế nên tôi mới tìm hiểu thêm về câu nói này trên Google. Hóa ra, người
nói câu đó lại là nhà văn người Mỹ gốc Thụy Điển, Ray Douglas Bradbury (1920 – 2012)
chứ không phải là ông Gandhi!
Ông
Bradbury chuyên viết về chuyện kinh dị và khoa học giả tưởng. Vào năm 2012, tàu
Curiosity Rover của NASA hạ cánh trên Sao Hỏa được đặt theo tên ông,
"Bradbury Landing". Nguyên văn danh ngôn của ông Ray Douglas Bradbury
trong tiếng Anh như sau:
“You don't have to
burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them" (tham khảo: https://www.brainyquote.com/quotes/ray_bradbury_120122).
Lão
Tử cũng đã để lại cho đời một câu nói bất hủ: "Làm thầy thuốc mà sai lầm thì chỉ giết một người; làm chính trị
mà sai lầm thì tàn hại cả đất nước; làm văn hóa mà sai lầm thì gây tai họa cho
muôn đời".
Tôi
không có ý quy chụp chuyện sai lầm đến độ “tai
họa cho muôn đời” trong việc trích dẫn câu nói của nhà văn Ray Douglas
Bradbury là người sống trong thế kỷ của chúng ta thành… Ông Thánh Mahatma
Gandhi (1869 – 1948).
Viết
ra đây để thấy, xây dựng Đường Sách sẽ là một “chuyện nhỏ” nếu đem so sánh với
Đường Đời. Dù sao đi nữa, sách cũng chỉ là một công cụ phục vụ cho đời sống của
chúng ta. Sách có thể hay hay dở và cuộc đời của chúng ta cũng chỉ phần nào lệ
thuộc vào sách vở mà thôi.
Rất
may, tấm bích chương đầy màu sắc đó đã không còn hiện diện tại Đường Sách nữa.
Có lẽ những người làm văn hóa cũng nhận ra mình đã sai lầm nên “khẩu hiệu” này
đã.. âm thầm ra đi!
Chụp ảnh bên tấm bích chương (ảnh: Ngô Thế Vinh)
***
Chào anh Chính, xin phép anh đăng lại bài này ở blog của tôi: https://nuocnha.blogspot.com
Trả lờiXóaCảm ơn anh trước.