Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

Đọc lại Nhã Ca: “Giải khăn sô cho Huế”

Khi nói đến biến cố Tết Mậu Thân người ta thường nhắc đến hồi ký “Giải khăn sô cho Huế” (*) của Nhã Ca, viết năm 1969. Nhà văn nữ sinh trưởng tại vùng “sông Hương, núi Ngự” đã tạo cho mình một chỗ đứng quan trọng trong số 5 cây bút nữ nổi tiếng trước 1975: Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ và Trùng Dương.

Kể cũng lạ. Trong số 5 nữ sĩ, những người gốc xứ Thần Kinh chiếm hết 3: Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng và Túy Hồng. Hiện tượng này được một số nhà phê bình văn học giải thích là vì… “gái Huế đa tình” hoặc… sông Hương tuy không sâu, núi Ngự cũng chẳng cao… nhưng lại đủ lực để hun đúc những giòng văn thơ trữ tình.

Tuy vậy, cả ba nhà văn nữ, dù sinh trưởng tại Huế nhưng Sài Gòn lại là nơi mà họ đã thành công trong sự nghiệp văn chương. Khi khởi đầu viết truyện ngắn, Túy Hồng dạy học tại trường Trung học Hàm Nghi, phía sau cửa Thượng Tứ, Huế. Nguyễn Thị Hoàng cũng là cô giáo trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt, nơi đã tạo ra bối cảnh cho tiểu thuyết rất ăn khách: “Vòng tay học trò”.

Đối với Nhã Ca có phần khác. Nhã Ca rời Huế vào Sài Gòn năm 1960 và, như định mệnh run rủi, năm 1968 về lại Huế để ăn tết với gia đình. Đó là một sự trùng hợp do Trời sui khiến, và đó cũng là dịp may để Nhã Ca viết “Giải khăn sô cho Huế” đã mang lại tiếng tăm cho nhà văn “may mắn” này.

Nhã Ca với “Giải khăn sô cho Huế” qua nét vẽ của họa sĩ Chóe

Tác phẩm “Giải khăn sô cho Huế”, được Giải thưởng Văn học Việt Nam năm 1970, gồm 13 Chương, cộng thêm một Chương Kết (hình như để tránh con số 13 xui xẻo?). Mà hồi ức của Nhã Ca cũng mở đầu bằng súng đạn ngay từ đầu một cách… xui xẻo:

“Không biết tiếng súng đầu tiên nổ vào giờ khắc nào? Giữa đêm, tôi đã choàng tỉnh dậy vì tiếng nổ xé toạc cả những giấc mơ vụn. Vừa kịp lăn xuống khỏi tấm phản gỗ, tai tôi đã ù đi vì những tiếng nổ ran bốn phía. Chuyện gì vậy? Không biết làm thế nào mà tôi lăn tròn từ phòng ngoài vào phòng trong. Bàn tay ai kéo tôi giúi vào giữa phòng. Tôi nằm đè lên da thịt ai non mát. Một tiếng kêu nhỏ tắc nghẽn vào âm thanh hỗn độn của súng đạn bên ngoài. Khi tôi kịp định tỉnh lại tâm thần thì đứa cháu nhỏ đã ngồi lên được, nằm gọn gàng trong lòng tôi.

Tôi vỗ về đứa cháu. Nhưng cùng lúc đó những tiếng nổ ình ình lại dội thốc lên. Ðứa cháu bỏ tay, ôm chặt lấy tôi, người nó run cầm cập. Trời ơi, súng bắn cả sau vườn mình. Tôi nghe tiếng súng đằng sau vườn thật trong, thật buốt. Thằng em ghé vào tai tôi: "AK. Thôi, tụi nó về rồi."

“Cánh cửa sổ bỗng bị bật ra và cứ thế, hai cánh cửa cứ dội mở ra, đóng ập vào theo những tiếng nổ lớn. Tiếng đạn ở sau vườn bắn thật rát. Má tôi thì thầm:
"Ðánh tới đồn vận tải."
"Không, đồn trường bia."
"Không, đánh cùng khắp. Con nghe phía vận tải, phía trường bia, phía ruộng, phía sau đường rầy."
"Suỵt, im đi cho với. Trời ơi. Trời ơi. Trời ơi."
Anh tôi giọng hơi gay gắt:
"Nó bắn như pháo ở bên ngoài, vài tiếng động nhỏ làm sao nghe được."
Rồi anh tiếp:
"Quái gì, nó về đánh đồn trường bia rồi. Lần trước cũng đánh suốt một đêm, sáng ra là rút hết."

(hết trích)

Căn nhà của gia đình Nhã Ca nằm lẻ loi nên “tứ bề thọ địch”! Quốc lộ và bờ ruộng ở ngay trước mặt, đường rầy xe lửa ở đằng sau lưng. Hai bên, một xéo với đồn trường bia, một xéo với đồn vận tải An Cựu.

Cô em gái nói đùa: “Chị Vân [tên thật của Nhã Ca], sáng ra chị với em đi thăm trận đánh nghe. Coi chừng về Sài Gòn viết một phóng sự chiến trường đầu năm đầy gay cấn." Vân tình thật trả lời: "Giỡn chi mà giỡn vô hậu tế đợi rứa. Mấy chuyện đó đừng có ham.”

Mọi người cứ tưởng đến sáng là yên. Nhưng niềm hy vọng đó không xảy ra vì đúng lúc có tiếng gà gáy thì tiếng súng đã bắt đầu nổ lại. Rồi có tiếng đấm cửa rầm rầm, cùng nhiều tiếng chân chạy ở ngoài sân: “Mở cửa, mở cửa”. Họ là những người chạy giặc:  

“Tụi nó đông lắm… Dân chạy xuống dưới này hết. Trên đó mọt-chê câu sập hết nhà cửa. Chạy giữa đường em thấy Việt cộng tụm năm tụm ba, nó ngồi cả trước sân nhà người ta...".

Rồi một quả B-40 phạt xuống mái ngói. Cái bô để dưới chân giường như bị ai đá vào tràn ra nhà, mùi thúi xông lên tận đầu. Nhiều đứa trẻ không chịu đựng nổi ré khóc vang nhà. Người em họ kể:

“Em đi tìm con Hồng với thằng Cu, em phải đi bằng ngả sau vườn. Ngang đường rầy em gặp tụi nó, nó hỏi em đi mô rồi bắt giữ em lại. Chúng nó có ba đứa, một đứa bị thương. Em năn nỉ nói đi tìm con lạc, ban đầu nhất định nó không cho, nó hỏi em làm nghề gì. Em nói thợ mộc, em bị lạc con. Về sau nó cho đi. Em tính nếu nó bắt, em liều chết giựt súng. Một thằng bị thương gần chết, một thằng bị thương nhẹ không cầm súng được, còn thằng kia ốm yếu hơn em..."

Vào lúc 8 giờ sáng, tiếng súng như dồn về miệt Phú Cam, đại bác từ dưới Phú Bài không câu lên nữa. Lúc đó họ mới lần ra sân. Vườn cây yên tĩnh không một bóng người, nhưng trên cỏ, trên đất, còn lấm tấm những vạt máu khô đặc.

“Giải khăn sô cho Huế”

Từ Sài Gòn, những ngày cuối năm Nhã Ca về ăn Tết ở Huế, cùng lúc đó nhà văn hay tin cha đang hấp hối. Họ xin được chỗ trên một chiếc máy bay quân sự chở thực phẩm cho lính ở tiền đồn và về tới nhà vừa kịp những giờ cuối cùng của người cha.

Im tiếng súng nhưng lại có nhiều tiếng động ì ầm của xe chạy vào thành phố theo ngã quốc lộ. Một đoàn xe cam nhông chở lính Mỹ và những khẩu đại bác đang từ từ đỗ lại ngoài đường nối hàng dài. Lính Mỹ nhảy xuống, tiến vào các khu vườn, nằm bò xuống vệ đường, lủi xuống phía ruộng.

Hai người lính Mỹ đi ngang qua sân và hờm súng bước vào trong nhà. Một người lính nói hai tiếng gì đó nhưng hình như không phải tiếng Anh. Cả nhà ngơ ngác nhìn nhau, người lính lộ vẻ tức giận, nạt lớn: “Kên cượt”. Cuối cùng, bà mẹ lại là người giỏi đoán nhất nhà, bà nói lớn: “Ông Mỹ hỏi thẻ căn cước.”

Cả nhà trình thẻ căn cước. Người lính gật đầu và khuyên mọi người nên ở yên trong nhà. Họ còn trọ trẹ một câu tiếng Việt cám ơn, rồi đi ra phía vườn. Tiếp đến lại có tiếng đạn B-40 từ phía núi, từ phía đường rầy bắn ra như mưa. Phía ngoài đường, những xe thiết giáp mang súng cối 40 ly bắn trả lại kịch liệt. Từng mảnh ngói bị sức ép tung lên đầu, lên cổ.

Ầm. Ầm. Vài thân cây lớn ở ngoài vườn đổ xuống. Mấy người lính Mỹ đang núp ở vườn sau vội chạy ra đường. Lúc này đạn bắn đi cứ như mưa, tiếng B-40 yếu dần rồi tắt luôn. Tiếng kêu khóc đã nghe rõ mồn một. Ngôi vườn mé mặt trước đang có căn nhà bốc cháy và lính Mỹ đang cố dập tắt lửa.

Trong tiếng lửa nổ lốp đốp, trong âm thanh ồn ào của những tràng tiểu liên bắn ran khắp các miệt vườn, tiếng khóc nổi lên thảm thiết: “Dì ơi, dượng ơi, má tui chết rồi. Ai cứu cho với”. Tiếng kêu, tiếng khóc, tiếng chân hàng xóm chạy thình thịch bất chấp cả súng đạn.

Chừng mười lăm phút sau, khi nhìn ra đường, mọi người thấy có một đoàn người mặc quần áo màu vàng, vai vác súng đi đầu trần. Nhã Ca kể lại:

“Thôi đúng rồi, họ rút đi, và lính mình về. Tôi mừng rỡ như điên định đưa tay vẫy thì chợt nhận ra nơi hông họ đeo cái bị rết. Lính quốc gia thì mang ba lô chứ. Tôi sững lại. Ðoàn người cũng không đông lắm, chỉ chừng vài chục người…”

Một người thân vừa chạy loạn tới nhà Nhã Ca nói thêm:

“… Bác ui, họ về đông như kiến. Họ đang họp ngoài nghẹo, họ treo cờ, họ hô hào. Họ lấy hết Huế rồi. Người ta bảo bên Phú Văn Lâu treo cái cờ gì to thục lúc. Con vừa tới thấy họ đang bắc loa gọi, con lủi nhanh vào vườn Bác Ái lủi về, may mà họ không thấy.

“Tôi hỏi có ai bị thương không, Bé nói là thấy họ đông lắm, sáng thấy có người bị thương, chừ đem đâu hết rồi. Má tôi nói liệu có di tản lên Từ Ðàm được không thì Bé cho biết là đường sá họ gác hết rồi, góc nào cũng có người đứng gác. Tôi hỏi đi hỏi lại là mày có thấy tận mắt không, nó bực mình: “Thì thấy mới chạy thục mạng về đây. Ðồn vận tải thấy vắng teo như không có người ở, tường thành gì cũng đổ nát hết...

“Lúc đó khoảng mười một giờ. Chúng tôi hết đứng lại ngồi, lóng ngóng nhìn ra đường. Lát lát má tôi sai một đứa cháu ra nhìn xem có ai đi lại không. Nhưng đường xá vắng ngắt. Mấy lần nó định đi lần về phía nghẹo đường ray, nhưng không đủ can đảm lê bước tới đó. Lúc này nó đã nhìn thấy ở đó treo một lá cờ VC. Nó trở vào mặt mày rầu rỉ:
“Trời lính mà ai cũng như tui thì Huế mất là phải. Biết vậy đừng có về cho xong. Ðã nghe lịnh cấm trại rồi mà còn về.”

“Bé buồn cũng phải. Ðáng nhẽ ra dù Huế còn hay mất nó cũng phải có mặt với anh em. Nhưng ba tôi chết cuối năm, Bé được giấy phép mấy ngày đầu năm để lo việc nhà. Lúc này, đèn đuốc trên bàn thờ ba tôi lại sáng trưng, mỗi đứa chúng tôi đều thắp hương và cầu nguyện. Ðây là căn nhà thờ duy nhất của dòng họ tôi mà phải suốt cả một đời lăn lộn cực khổ làm ăn lương thiện, ba tôi mới gầy dựng nổi. Căn nhà chưa tu bổ thì ba tôi đã có một chỗ ngồi trong căn nhà thờ này. Súng đạn đêm qua và sáng nay đã nhân đức với căn nhà thờ của dòng họ chúng tôi ngoài mức tưởng tượng.”

(hết trích)

Không ai biết trong thành phố Huế lúc này ra sao nên chỉ còn biết hợp nhau lại sửa căn hầm cũ dưới nhà bếp. Tiếng súng càng về chiều càng dữ dội. Ngoài đường bỗng vắng tanh. Ở nhà bếp, nhà trên, dân trong xóm đến tỵ nạn nằm la liệt mấy căn buồng nhỏ được che hai ba mặt tường.

Một hai người đạp xe từ phía cầu An Cựu đi lui đi tới. “Ngoài nớ có ai đi không?”… “Người ta tản cư qua bên sông hết”… “Lên Bến Ngự Từ Ðàm được không?”… “Chắc được.”

“Nghe tiếng “chắc được” thôi mà cả gia đình tôi cũng tràn trề hy vọng. Mấy đứa cháu giục phải di tản qua bên kia sông hoặc lên Từ Ðàm chứ ở đây chắc chết hết. Việt cộng đã về đóng kín hết mọi nhà, mọi đường phố. Nhà chúng tôi lại nằm ngay giữa hai cái đồn và ngọn đồi Thánh Giá nằm ngay phía đàng sau lưng. Nếu xáp lá cà ở đây một trận chắc cả làng An Cựu ra tro hết.

“Má tôi vơ vội một ít quần áo của ba tôi những thứ còn bỏ lại, không đem liệm cho người chết. Bà gói lại cẩn thận. Gia đình mấy đứa em họ tôi thì lo gánh gạo, quần áo, nồi chảo và những dụng cụ cần thiết. Tôi xách cái ví tay, cái xách nhỏ. Anh tôi dắt chiếc Honda chở em gái tôi với hai đứa cháu đi trước.

“Tới gần cầu An Cựu, má tôi nói anh cứ đi trước đi, chở con và em lên rồi trở lại đón từng người bằng xe cho mau. Thái lấy chiếc xe đạp tìm đường sang phố. Chúng tôi chia tay ở trước đồn vận tải. Từng đoàn người cắm cúi lật đật, bồng bế, xách gói chạy qua phía cầu. Chúng tôi theo họ nhưng tới cầu cả bọn không được đi về phía Tân Lăng, Phú Cam mà cứ bị xua lại cầu. Lúc chúng tôi chạy tới, một trong hai người đàn ông gác cầu đưa tay chận lại: “Ði đâu, bà con ai ở yên trong nhà, không được chạy.”

“Tôi đứng sững đàng sau lưng má tôi. Hai người đàn ông mặc quần áo ka ki vàng, nhưng chân đi dép. Không phải là lính quốc gia rồi; chắc họ là quân giải phóng. Tôi nhìn sững họ không nói được một câu, miệng tôi cứng lại. Má tôi nói như muốn khóc: “Nhà cửa sập rồi mấy ông ơi, còn chi mà ở. Tui sang nhà bà con bên kia sông.”

“… Hai người lính vẫy cho chúng tôi qua cầu. Mấy vũng máu đọng giữa cầu chưa khô, ruồi nhặng bu đen xì. Chỉ một đoạn đường ngắn mà tôi nhìn thấy biết bao nhiêu dép, giày vớ, quần áo rách, bị rết, ba lô văng bừa bãi, dính lẫn với máu và những mảnh thịt.
Má tôi bảo qua cầu rồi cứ đi dọc bờ sông tìm đường lên căn nhà ở Từ Ðàm.

“Nhưng đi được một đoạn, chúng tôi thấy những người đi trước lúp xúp chạy trở lại, vừa chạy vừa khóc. Chúng tôi hỏi họ không nói ra được, cứ làm dấu vẫy lui. Tôi chận một cô nhỏ: “Sao trở lui vậy em?”, “Trên nớ, nơi cầu Phủ Cam họ đứng đầy, họ gác, họ đuổi lui.”, “Cứ đi tràn không được à?”, “Họ bắn hai ba người.”

“Qua được cầu rồi, lúc này tôi mới dám nhìn hai bên đường phố. Chợ An Cựu như một bãi chiến trường, máu còn chưa khô, máu in đỏ trên những bức tường loang lổ vết đạn. Một chiếc xe tăng lủi vào lề đường đâm vào một căn phố, tấm bảng hiệu còn treo lủng lẳng. Hai ba căn phố không còn hình dáng gì. Không một căn nhà trước đường nào còn nguyên. Giữa đường đầy rẫy chướng ngại vật, máu me, quần áo, rác, sắt vụn, gỗ ván. Chúng tôi len lỏi mà đi. Không một đôi mắt nhìn ra cửa, những căn nhà như đã hoang vắng hết. Không còn biết đâu yên mà chạy tới nữa. Thôi cứ liều, má tôi nói liều mà tìm đường lên Từ Ðàm, gia đình họp lại sống chết có nhau.

“Chúng tôi đi hết con đường ngắn, dọc xuống Lê Lợi. Con đường đàng trước mặt dẫn sang nhà bưu điện và cầu Tràng Tiền sao vắng ngắt. Tiếng súng ở mặt nhà dây thép nổ như bắp rang. Ðoàn người này đi tới, đoàn người kia chạy lui, không kịp nghe nhau trả lời, cứ thế, chạy loanh quanh trong những khu vực chưa bị kiểm soát. Cuối cùng chúng tôi dồn vào khu nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế.

“Không còn chạy đi đâu được nữa, phía trước mặt người ta đã chạy lui lại hết. Phía đàng sau cũng không còn đường trở lui. Má tôi kêu trời kêu đất. Anh tôi đã mất tăm dạng. Ngoài đường thưa người dần và nhiều tiếng súng gần tới nơi. Mọi người chạy ào vào bên trong nhà thờ hết. Tất cả được dồn vào khu nhà giảng. Tiếng súng như đã bao quanh khu nhà thờ.

“Má tôi kêu chúng tôi xuống căn hầm xây dưới giảng đường nhưng chỗ đó không còn chen chân nổi. Chúng tôi lại kéo nhau vào một chỗ trong góc. Bé trải chiếc chiếu cũ, cả nhà hơn mười người, gồm người lớn và con nít chen nhau một chỗ ngồi nhỏ. Khi tìm ra được một chỗ ngồi rồi, tôi mới nghe thấy tiếng vo ve từ dưới hầm đưa lên, tiếng trẻ con la khóc, tiếng cãi nhau, tranh giành nhau một góc nhà.

“Bên ngoài tiếng súng vẫn nổ ròn rã. Ðược một lát khi tiếng súng dứt, một số người khác chạy đến nhà thờ. Tôi chạy ra sân gặp Thái đi vào. Nó chụp lấy vai tôi: "Vô đi chị. Súng còn nhiều lắm.". Tôi hỏi: “Sao em trở lại, có gặp anh Lễ không?”. “Không chị ơi, em lên cầu Kho Rèn, định đi qua cầu, gặp họ họ kêu lại, bắt giữ em. Em năn nỉ mãi mới cho đi. Em tưởng em bị bắt rồi.” Tôi hỏi Thái thấy gì không. Thái nói thấy gần mũi cầu xác chết còn la liệt. Một số người bị bắt ngồi bên kia cầu. Có hai ba người Mỹ bị trói dẫn đi.

“Người này cứ hỏi người kia mãi về những điều đã trông thấy, đã kể. Tôi hỏi thăm Thái về đường đi lên Từ Ðàm, Thái nói qua cầu Tràng Tiền được, không đi lên Nam Giao được. Nó đã cố hết sức, nhưng thấy không có cách nào nên đành quay về nhà thờ, không ngờ gặp gia đình cũng ở đó. Tôi và Thái cứ nghe êm êm tiếng súng là ra sân đứng ngóng, cho tới chiều tối không thấy anh tôi trở lại. Chúng tôi dắt nhau đi vào. Thái lấy cái áo măng tô của ba tôi để lại, khoác vào người tôi: "Chị mặc đi kẻo lạnh."

“Trời mưa lất phất, cả một ngày tôi không còn đủ sức để ý đến bầu trời, đến cây cỏ. Tôi nhìn lên bầu trời màu chì, nặng nhọc, những hạt mưa bám vào tóc, vào mặt không làm tôi lạnh hơn. Sự lạnh lẽo, tê cóng, lo sợ, run rẩy suốt một ngày đã bóp cứng da thịt, và thể xác tôi đã như bị ướp trong tủ lạnh.

“Khi trở vào tôi bước qua chân mấy người bị thương nằm la liệt ở một phòng nhỏ gần cửa ra vào. Mấy người đàn ông đang băng bó, họ làm việc cũng lăng xăng lắm. Mấy ngọn đèn cầy đã được thắp ở mấy cái bục, ở các hàng ghế, khi tôi vừa xuống khỏi mấy bực cấp nơi khoảng giữa giảng đường xây cao, đặt tượng Ðức Mẹ, tôi bỗng ngồi thụp xuống. Hình như Thái cũng kéo tay tôi nữa. Một tiếng vỡ khô khan. Tiếng một người rú lên.

“Khi định tỉnh nhìn lại, một trong hai chậu cây kê ở hai cái bệ đá đã đổ xuống. Chị đàn bà nằm sấp xuống nền gạch, bên cạnh những mảnh sành vỡ. Chị đã dựa đầu vào cái chậu, và quên đi. Cái chậu rơi, đẩy chị ngã bổ nhào. Nhiều tiếng chửi rủa vang lên ở nhiều góc tối. Tôi ngồi bó gối bên cạnh má tôi và Thái. Má tôi chưa ăn gì, tôi cũng vậy. Thái hỏi tôi có đói không rồi chạy đi, một lát, nó trở vào với đòn bánh tét trên tay. Cầm miếng bánh đưa lên miệng, tôi nuốt không trôi. Tôi cũng không thấy đói, thấy khát mà chỉ thấy trong lòng cồn cào trăm thứ.

“Một ngày rồi, tôi không nhớ chồng con. Căn nhà nhỏ của gia đình tôi ở Sài Gòn lúc này ra sao? Có yên ổn không? Chồng con tôi đang làm gì? Tôi tưởng tượng từng khuôn mặt các con, hình dáng đi ra đi vào của chồng, rồi cả bữa cơm tẻ nhạt nữa. Bữa cơm không có bàn tay người đàn bà, thiếu chỗ ngồi đó, bữa cơm tẻ nhạt tội nghiệp lắm. Má tôi cầm chặt tay tôi: “Con ơi, dựa vào vai mạ mà ngủ.”

“Thái đứng lên, nó nói phải đi kiếm một chỗ nào tốt hơn. Tôi gục đầu vào vai má tôi. Mấy đứa cháu nhỏ đang khóc, đòi nước, đòi cơm, đòi sữa. Tôi nghe tiếng cánh cửa sắt phía cửa chính kêu lẻng kẻng. Không có một ai ở ngoài đường, ngoài sân. Ngôi nhà giảng rộng lớn có mái cong và nhiều chỗ đặt kính, tường thật dày, cách khoảng những lá cửa bằng gỗ lim đóng chặt.

“Nhiều tiếng đạn lớn bay ngang qua khu nhà thờ, rồi tiếng nổ ầm ầm sau đó. Má tôi kéo tôi tựa người vào bà. Tôi ngồi như thế và nhìn mãi ngọn đèn cầy đặt nơi chân ghế, trước mặt. Ngọn lửa không nhắc nhủ tôi gì hết, cũng không đem tới chút hy vọng nào.
Tôi nghe những tiếng khóc nhỏ, nhiều vô số kể. Có tiếng khóc thét lên ở góc phòng đằng kia. Chắc một người nào đó vừa mới chết.

“Có tiếng dép lẹp xẹp từ một ngách nhỏ nối liền nhà ngang. Rồi một cái bóng to lớn nổi lên ở khoảng tường đằng trước mặt. Rồi lố nhố những cái bóng nhỏ khác, đầu với nửa người cũng hiện lên theo. Tôi quay lại, trên cái bục cao, dưới tượng Ðức Mẹ, một người đàn ông mặc áo chùng đen đang đứng giơ cao ngọn đuốc. Một ông thầy, một linh mục. Tất cả mọi tiếng khóc rấm rứt, những tiếng thì thầm vụt biến mất. Tôi nghe phía đó cất lên một giọng nói:

“Tắt hết đèn cầy đi, tôi sẽ đặt ngọn đuốc này ở đây. Mọi người bình tĩnh và tìm chỗ ngủ đi. Chúa sẽ che chở cho chúng ta”. Ngọn đuốc chiếu những đầu người ngồi lổm chổm lên tường, nhưng chiếc bóng của ông linh mục ngắn dần, rồi biến mất.”

(hết trích)


“Giải khăn sô cho Huế”

Người đọc tìm được nhiều điều thú vị pha lẫn khôi hài đã xảy ra trong gần một tháng “chiến tranh dành dân lấn đất” giữa thành phố Huế. Tác giả tiết lộ những “bí mật quân sự” của bên “lực lượng giải phóng” trong con mắt người dân chạy loạn:

"Thiệt tụi nó khôn hết sức. Nó rút đi hết rồi, chỉ còn để lại vài tên, cứ chạy góc này lẹt đẹt vài tràng đạn, tới góc khác lẹt đẹt vài tràng đạn. Quân Mỹ ở dưới cầu tưởng đông không dám tràn lên, chớ thiệt họ rút đi gần hết, chỉ để lại vài chục mạng cầm chưn rứa thôi. Nói thiệt tức cười, mấy tên ở lại bắn chọc để chặn quân Mỹ, còn đường lên núi họ sắp hàng rút quân, vừa đi vừa hát. Hình như họ đi tiếp viện mô ở cửa Chánh Tây."

Dòng nhật ký của Nhã Ca pha lẫn buồn vui  với những dòng chữ tuôn trào vào những ngày cuối cùng của giao tranh Tết Mậu Thân tại An Cựu. Mạng người là quá rẻ, nhà cửa được biến thành hầm tránh đạn bom nhưng những người dân Huế vẫn vui… đơn giản chỉ vì họ là những người còn sống sót giữa lằn tên mũi đạn. 

“Chiều hôm sau, ở Từ Ðàm lại kéo xuống thêm mấy gia đình nữa, trong đó có gia đình một ông thầy cũ của tôi, và những người con cũng đã đi dạy học, những đứa cháu nhỏ. Anh Lễ đón họ vào nhà, người nào cũng đi chân đất, chạy tơi tả. Chúng tôi được biết thêm là sau khi anh tôi trốn thoát, Việt cộng lại về bắt một số thanh niên. Khéo trốn lắm mới thoát được.

“Tối qua họ còn bắn mấy thanh niên gần nơi trường học." Má tôi hỏi: “Trên nớ đã ngớt súng chưa?”. “Ôi, như mưa rào, càng ngày càng dữ. Chúng tôi liều chết để đi. Lạy Trời lạy Phật, về đây mới biết là sống.

“Ngôi nhà chúng tôi bỗng đông vui hẳn. Ngay sáng hôm sau, mọi người lo làm hầm. Cứ mỗi gia đình một góc sân, tất cả các thứ gì còn lại trong nhà có thể giở ra làm hầm được, họ đều trưng dụng. Nhưng chúng tôi không phiền hà gì, nếu phải tháo cả chiếc nhà ra để làm thêm một cái hầm nữa, chắc ai nấy cũng hết sức vui vẻ.

(hết trích)

Người ta lục tục kéo nhau về nhà cũ, rồi chợ nhỏ họp trên con đường dẫn vào Trường Bia, một vài quán ăn đã mở. Sự hồi sinh của Huế đến thật nhanh, nhanh như những viên đạn bắn ra khỏi nòng. Ở đâu có người, có hơi thở là có quán, có khói, có bữa cơm.

Nhưng chiến tranh cũng thê thảm lắm. Sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc. Buổi sáng đoàn lính biệt động, nhảy dù, thủy quân lục chiến vừa đi ngang qua quốc lộ, nét mặt họ còn đỏ hồng máu. Buổi chiều, xác họ đã được khiêng trở về, vẫn trên con đường mà họ vừa mới đi qua!

Người ta nói tới những xác chết dọc đường. Những đứa trẻ không kịp chôn cất, vất bừa trong bụi cây hay vùi giữa đống gạch. Ðám chó đói từ lâu bỗng được dịp no nê. Ai thống khổ, ai chết chóc cũng mặc… chỉ có lũ chó là phè phỡn. Nhưng chắc chắn chó đói cũng không bằng con người qua lời kể của một người chạy loạn từ Gia Hội:

“Chúng nó bắt đầu giết người dữ lắm rồi. Gặp đàn ông là bắn. Nghe ai điềm chỉ là bắn. Tui trốn hai mươi mấy ngày trên máng xối, có bữa đói quá, phải nhổ rêu mà nhai, lùa nước trên máng xối mà uống. Bà con coi, cái bụng tui phình ra như đàn bà bị báng. Tui phải về Phú Bài xin nằm bệnh viện.”

Người ta còn kể cả một gia đình ở Gia Hội chết vì cái Ti Vi:
"Máy này để liên lạc với địch?"
"Dạ thưa không, cái máy Ti Vi để coi hát múa."
"Vặn lên nghe thử."

“Mở máy, không thấy có hình ảnh hát múa. Một băng đạn, đàn bà trẻ thơ ngã gục. Một bản án được đắp lên: Ðể đồng bào noi gương. Ðứa nhỏ chết không kịp nhắm mắt. Hai đứa con của một người mẹ Việt Nam lai Mỹ, người mẹ đi Vũng Tàu để hai đứa nhỏ ở nhà cho chị vú. Ðây là con Mỹ để lại sau có hại cho tương lai dân tộc. Không cần phí đạn. Hai cái đầu của hai đứa nhỏ bị đập vào tường. Óc, não, máu me phun tung tóe.”

Các anh giải phóng chỉ giải phóng xương máu và cầm nhầm những thứ nhẹ nhàng như đồng hồ, bút máy, những đồ vật nhỏ nhỏ, xinh xinh, hay ngộ nghĩnh. Phần còn lại dành cho kẻ thừa nước đục thả câu, bao nhiêu cũng không vừa. Người ta còn kể rằng, một thanh niên còn nhỏ tuổi, con của một ông chủ tiệm vàng, bị gù lưng, đã dắt trong mình mười mấy lượng vàng chạy trốn. Anh ta bị bắn chết ngay ở trên hố, một phát đạn không biết của ai, vàng cũng chảy theo máu, chỉ để lại xác người xấu số.”

(hết trích)

Có một cảnh tức cười nhưng lại khiến người đọc rơi nước mắt. Người đàn bà chạy loạn đắt theo một đứa nhỏ, miệng la hét trong cơn hoảng loạn: “Ối, bà con làng nước ơi. Nhà tui cháy, chồng tui bị bắt, rứa mà con tui cũng lạc”. Có người tò mò: “Rứa đứa nhỏ bà dắt theo là ai? Không phải con bà hay răng?”. Câu trả lời thật bi hài: "Con tui lạc rồi bà con ơi. Tui cầm nó nơi tay mà lôi mà chạy. Rứa mà khi nhìn lại thì không phải, gặp thằng bé này."

Trong đau thương vẫn, chết chóc vẫn còn những ý nghĩa mang nhiều màu sắc thấm đượm tính nhân bản, cả ở bên này lẫn bên kia chiến tuyến. Ta hãy đọc những gì Nhã Ca viết về suy nghĩ của người “phía bên kia chiến tuyến” ở phần cuối câu chuyện:

“Các bác nghĩ lại, đừng ghét bỏ tụi cháu. Tụi cháu chỉ biết thi hành theo lệnh trên. Tụi cháu cũng xa gia đình, đói khổ. Nhìn cảnh đồng bào chết như thế này, tụi cháu cũng khổ đau lắm. Ngoài Bắc họ tuyên truyền vào Nam đánh Mỹ chớ cháu đâu biết cớ sự như thế này...”

Nhà văn nữ Nhã Ca

Ðêm cuối cùng ở Huế, Nhã Ca không thể nào chợp mắt. Khi rời Sài Gòn, tác giả về lại Huế để chịu tang cha mà không biết rằng đó cũng là cái tang chung cho cả một thành phố. Người cha đã nằm xuống cùng với bao nhiêu người dân Huế đã nằm xuống trong Tết Mậu Thân.

Thế cho nên, “Giải khăn sô cho Huế” vừa mang ý nghĩa riêng tư lại vừa là khăn sô trên đầu những người Huế còn sống sót. Và Nhã Ca kết thúc truyện với những dòng chữ cuối cùng:

“Giữa không khí hoang mang của ngày giá rét, má tôi dường như đang gạt lệ, nhìn ngọn đồi cao trước mặt. Trên đó, là phần mộ ba tôi. Trước khi tôi đi, tôi thắp một nén hương lên bàn thờ. Hình như tôi muốn khấn một điều gì đó, nhưng trí nhớ của tôi thật hoàn toàn mù mịt.

“Xách cái túi nhỏ. Ôm khóc vẫy chào mọi người. Tôi đã ra đến lề đường. Chiếc xe nổ máy chờ sẵn. Ngay trên đầu tôi, những chiếc máy bay không ngớt gầm thét, lượn vòng. Và ở phía xa bên kia thành nội, những ụ khói bốc cao, quằn quại trong những tiếng nổ tung vỡ.

“Tôi thật sắp bỏ Huế rồi sao?”



***

(*): Đọc nguyên tác “Giải khăn sô cho Huế” của Nhã Ca tại http://vnthuquan.org/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n3nmnqn2n31n343tq83a3q3m3237nvn2n.


*** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts