Tuyên truyền là việc truyền bá thông tin với mục đích lèo
lái thái độ, suy nghĩ, tâm lý và ý kiến của quần chúng theo chiều hướng có lợi
cho một phong trào hay chế độ. Nói đến tuyên truyền người ta thường lồng trong
mục tiêu chính trị và xã hội.
Thông tin tuyên truyền có thể không thực, hoặc có thể có
thực nhưng được thổi phồng để làm nổi bật mục đích và đồng thời có thể cố tình
che giấu một số dữ kiện liên hệ không có lợi cho mục đích tuyên truyền. Mục
tiêu tối hậu của tuyên truyền không dừng lại ở việc thay đổi suy nghĩ hay thái
độ của quần chúng, mà còn tạo hành động trong quần chúng.
Tuyên truyền không chỉ lôi kéo cá nhân ra khỏi sự tin tưởng
cũ, mà cần phải làm cho cá nhân đó tin một cách mù quáng vào cách suy nghĩ mới
và đưa đến hành động có lợi cho thế lực tuyên truyền. Cá nhân bị tuyên truyền sẽ
không còn sự lựa chọn và cũng mất hết phản xạ tự nhiên, từ đó sẽ có những hành
động mà chính sách tuyên truyền nhắm vào.
Người ta phân biệt hai loại tuyên truyền chính: (1) mang
tính cách xã hội hoặc (2) chính trị. Để thực hiện việc truyên truyền, một hình
thức phổ biến nhất là dùng bích chương (poster, affiche), còn được gọi là tranh
cổ động. Riêng đối với Việt Nam, vì là đặc thù của một đất nước chiến tranh,
nên các loại tranh cổ động mang tính xã hội thì ít trong khi bích chương tuyên
truyền chính trị lại chiếm đa số.
Trước tiên, chúng ta bàn về các bích chương xã hội ỏ miền
Nam dưới thời VNCH. Tháng 4/1968, theo yêu cầu Sở Giáo dục & Y tế thuộc Bộ Y
tế, cơ quan JUSPAO (1) đã thực hiện một bích chương mang tên “Đừng khạc nhổ” với lời giải thích “Để chấm dứt sự lan truyền của bệnh lao”. Bích
chương nhắm vào việc tuyên truyền giữ vệ sinh chung trong cộng đồng dân cư
thành thị, đả phá thói quen khạc nhổ nơi công cộng.
Chủ đề là chuyện khạc nhổ nhưng họa sĩ vẽ tranh lại không
thể hiện được hành động xấu xí đó một cách rõ ràng. Nhìn kỹ, người ngồi trên xe
hình như đang nhổ một bụm nước lớn xuống đường chứ không phải là việc khạc nhổ.
Bích
chương của Bộ Y Tế VNCH
Tháng 10/1969, cũng cơ quan JUSPAO thực hiện bích chương “Tự túc phát triển”, đề cao sự phát triển xóm làng để tiến đến một đời sống tự
túc, tự cường. Rõ ràng là bích chương này nhắm vào cuộc sống nông thôn, tuyên
truyền cho sự tự lực, không trông mong vào sự trợ giúp từ bên ngoài.
Tự túc phát triển
Bước sang lãnh vực quân sự, VNCH và phía đồng minh cũng
có một số bích chương chống cộng. Bích chương dưới đây chắc cũng do cơ quan
JUSPAO thiết kế và in ấn vì tiếng Việt trong tranh thiếu dấu. Thay vì “Việt-Cộng hãy coi chừng!!” chữ “chừng” thiếu dấu huyền thành “coi chưng”. Trong hình có huy hiệu của Trung
đoàn Thiết kỵ Ngựa Đen (Blackhorse Regiment) thuộc Quân đội Hoa Kỳ nên có thể kết
luận cơ quan JUSPAO của người Mỹ chứ không phải Quân lực VNCH in bích chương
này (2).
Nhiều thắc mắc về bức tranh trên khiến chúng tôi tra cứu
trên Internet và cuối cùng thu thập được một số thông tin như sau. Trên trang
Wikepedia (http://en.wikipedia.org/wiki/11th_Armored_Cavalry_Regiment)
cũng có một bích chương tương tự như trên nhưng kèm lời giải thích:
“Viet Cong Beware!
There is nowhere to
run… nowhere to hide! The tanks and armored vehicles of the Blackhorse Regiment
will find and destroy you! It is too late to fight. Beware Viet Cong, we are
everywhere! Rally now under the Chieu Hoi Program; it is your only hope to live!”
Tạm dịch: “Việt Cộng
hãy coi chừng! Không còn nơi nào để chạy… không còn nơi nào để trốn! Xe tăng và
thiết vận xa của Trung đoàn Ngựa Đen sẽ tìm và diệt các bạn! Quá muộn để chống
cự. Việt Cộng hãy coi chừng, chúng tôi ở khắp mọi nơi! Ngay bây giờ hãy về theo
Chương trình Chiêu Hồi; đó là hy vọng duy nhất để sống sót!”
Chương trình Chiêu hồi đã được nói đến trong bài viết “Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Những từ ngữ đã đi
vào quá khứ” (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/ngon-ngu-sai-gon-xua-nhung-tu-ngu-i-vao.html).
Chính phủ VNCH cho in và phổ biến Giấy
thông hành nhằm mục đích giúp các cán binh, du kích trở về với quốc gia
trong Chương trình Chiêu Hồi.
Phần trên của Giấy
thông hành có cờ VNCH và cờ của các quốc gia tham chiến gồm Hoa Kỳ, Úc Đại
Lợi, Thái Lan, Đại Hàn, Tân Tây Lan và Phi Luật Tân. Giấy thông hành được viết
bằng 4 ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Đại Hàn và tiếng Thái. Phần dưới
có nội dung nguyên văn như sau:
“MANG TẤM GIẤY
THÔNG HÀNH nầy về cộng tác với Chánh Phủ Quốc Gia các bạn sẽ được:
Đón tiếp tử tế
Bảo đảm an ninh
Đãi ngộ tương xứng
(Ký tên)
Nguyễn Văn Thiệu
Tổng thống Việt Nam
Cộng hòa
Và dưới cùng là lời bảo đảm: “Tấm Giấy Thông Hành nầy có giá trị với tất cả cơ-quan quân chính Việt-Nam
Cộng-Hòa và Lực-lượng Đồng-Minh”.
Giấy Thông Hành
Năm 1969 chính phủ VNCH còn làm túi nylon với thông điệp:
“Chiêu hồi giúp bạn gặp lại cha mẹ, vợ
con trong cảnh thanh bình của nước Việt tự do, dân chủ”. Vào thời điểm cuối
thập niên 60, bao nylon là một vật dụng chứa đồ rất tiện dụng nên những túi
nylon cùng Giấy Thông Hành được máy
bay thả vào những vùng tình nghi có Việt Cộng để kêu gọi họ trở về với Quốc gia
theo chương trình Chiêu hồi.
Có điều không ngờ, hơn 40 năm sau, các loại túi plastic này
được coi là “không thân thiện với môi trường” vì không thể phân hủy trong lòng
đất như các loại rác khác. Thậm chí ngày nay có những chiến dịch “Nói Không với bao nylon” mà thay vào đó
dùng các loại bao bì bằng giấy khác.
Bao nylon có dòng chữ Chiêu hồi
Bích chương Chiêu hồi chỉ thấy xuất
hiện tại các vùng xa xôi, vùng “xôi đậu” tình nghi có VC, còn các loại tranh ảnh
“Tố Cộng” được phổ biến tại thành thị. Trong bức tranh tuyên truyền mang tựa đề
Bọn chúng đồng phạm! vòng tròn ở giữa
là 3 thế lực “tam cùng gây ác” trong
cuộc chiến: Bắc Kinh (tượng trưng là
Mao Trạch Đông), Hà Nội (Hồ Chí Minh)
và Giải phóng Miền Nam (cán binh VC).
Những hành động của liên minh này
bao gồm: cưỡng bách tòng quân, cưỡng bách nhân công, giết chóc và đả thương,
thi hành công lý dã man, tịch thu thực phẩm và tài sản, khủng bố và phá hoại. Phía
dưới bức tranh đưa ra lời kêu gọi: “Hãy
tiếp tay với chánh quyền để dẹp sạch cái dịch Cộng Phỉ khỏi miền Nam thân yêu của
chúng ta”.
Trên nguyên tắc, trong một bức
tranh cổ động, phần quan trọng là hình ảnh đập vào mắt người xem, phần từ ngữ
dùng càng ít càng tốt. Trong bức tranh Bọn
chúng đồng phạm! đã đi ngược lại nguyên tắc tuyên truyền nên chắc chắn
không đạt hiệu quả. Hơn nữa, lối hành văn rườm rà, chẳng hạn như cụm từ “cái dịch Cộng Phỉ”, chữ “cái” dùng
trong trường hợp này rất vụng về, chứng tỏ người vẽ tranh không rành lối hành
văn Việt. Người ta lại nghĩ đến cơ quan JUSPAO là tác giả.
Bức tranh dưới đây cũng mang lại một hiệu quả không như
mong muốn vì có những nét vẽ ngây ngô, không tạo được tác động tuyên truyền của
loại tranh cổ động.
Chúng tôi đưa ra hai bích chương cuối cùng của chính phủ
VNCH tuyên truyền cho chính sách “chống cộng cứu nước” bằng cách dựa vào nhân vật
lịch sử Trần Hưng Đạo.
Noi gương Trần Hưng Đạo
Bức tranh thứ hai, noi gương Lê Lợi, để “nâng cao ý chí bất khuất của giống Lạc Hồng
trong công tác diệt Cộng cứu nước”. Có thể nói đây là những tranh có yếu tố
lịch sử có ý nghĩa nhất đồng thời có tác động tuyên truyền mạnh nhất.
Noi gương Lê Lợi
Trong cuộc chiến vừa qua, cả hai phe Quốc gia ở niền Nam và
Cộng sản tại miền Bắc đều nỗ lực sử dụng chính sách tuyên truyền cho mục đích
chính trị của mình bên cạnh những xung đột quân sự. Cuộc chiến không tiếng súng
đó đi song hành với bom đạn và được coi là góp phần cho chiến thắng cuối cùng.
Công tâm mà nói, “phía bên kia” rất mạnh trên mặt trận
tuyên truyền trong khi “phía bên này” với cả một guồng máy Tâm lý chiến, Bộ
Chiêu Hồi và cơ quan JUSPAO của Mỹ với ngân sách mỗi năm lên đến hàng chục triệu
đô la vẫn tỏ ra yếu thế hơn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc
Sài Gòn bị thất thủ vào năm 1975.
***
Chú thích:
(1) JUSTPAO: Joint United States Public Affairs Office (Liên
vụ Thông tin Hoa Kỳ) là một cơ quan dân sự nhưng hoạt động trong lãnh vực tâm
lý chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đây cũng là cơ quan có liên lạc mật
thiết với Bộ Chiêu hồi của chính phủ VNCH.
JUSPAO có 37 cơ sở tại các tỉnh, thành phố miền Nam gồm
các trụ sở đại diện, các hội Việt Mỹ, các phòng triển lãm, phòng bán sách, trường
dạy Anh ngữ, các báo tạp chí như Thế giới
tự do, Hương quê, Triển vọng, Đối thoại, Tạp chí Trẻ và Ban Vô tuyến VOA (Voice of America) phục vụ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Với khả năng sản xuất một số lượng lớn tạp chí, áp phích,
truyền đơn và các loại tài liệu khác có màu sắc rất đẹp và in ra bằng ít nhất
14 thứ tiếng tại châu Á. Sản phẩm của cơ sở này đã nhận được bằng khen của Bộ
Quốc phòng Mỹ vì những đóng góp vào toàn bộ nỗ lực chiến tranh tâm lý nói
chung.
(2) 11th Armored Cavalry Regiment (Trung Đoàn Thiết Kỵ 11
còn gọi là Trung đoàn Blackhorse) là một đơn vị của quân đội Hoa Kỳ đã phục vụ
trong chiến tranh Philippines, chiến tranh thế giới thứ hai, chiến tranh Việt
Nam và chiến tranh Iraq. Blackhorse tham gia cuộc chiến tại Việt Nam từ tháng
3/1966 đến năm 1972 với lực lượng chủ yếu là thiết vận xa M113.
Huy hiệu Trung đoàn Thiết kỵ 11
(Còn tiếp)
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh
thổ)
Vẫn là những sưu tầm nghiên cứu đầy tâm huyết và giá trị anh Chính ơi. Cám ơn anh rất nhiều về những cố gắng này.
Trả lờiXóaCHET DI MAY
Trả lờiXóaXin phép anh Chính cho tôi đăng lại hai bài Bích chương ở trang nhà của tôi: https://nuocnha.blogspot.com
Trả lờiXóaCám ơn anh.