(Tiếp theo)
Australia còn được
gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký
dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.
Ngày 4/4/2013
Chương trình cả ngày hôm nay là khám phá Phillip Island,
một hòn đảo nằm cách Melbourne khoảng 200 km, chừng 3 tiếng lái xe. Một trong
những lý do hấp dẫn du khách đến Phillip Island vì đây là vùng duy nhất tại Úc
có loài chim cánh cụt nhỏ gọi là Little
Penguin. Nhưng Phillip Island còn nhiều cái khác chờ khách đến khám phá…
Sau khi vượt qua cầu West Gate, cây cầu lớn nhất
Melbourne bắc ngang sông Yarra, chúng tôi lái xe đến Phillip Island với vé vào
cửa các điểm du lịch của Phillip Island được mua trước trên Internet. Mua vé
qua mạng vừa rẻ vì có discount lại vừa tiện vì không phải xếp hàng nếu có đông
du khách.
Cầu West Gate
Theo xa lộ M420 rồi rẽ phải và muốn ra Phillip phải đi
qua một chiếc cầu nữa rồi mới vào địa phận đảo. Phillip Island chỉ có khoảng
10.000 dân, nếu tính theo diện tích thì mỗi người dân có tới 1 hecta đất. Xứ
Kangaroo là vậy, đất rộng người thưa, chả bù với Việt Nam ta, đất hẹp người
đông.
Điểm dừng đầu tiên trên đảo là Chocolate Factory. Nhà máy
sản xuất chocolate có 2 con bò đứng chào đón khách đến thăm. Tượng hai con bò
có mầu chocolate khiến bà xã thắc mắc không biết bò bằng chocolate thật hay giả.
Con gái nửa đùa nửa thật, chút nữa me ra quệt tay nếm thử thì biết ngay!
Hai con bò mầu chocolate đang gặm cỏ
Muốn vào nhà máy để xem các công đoạn làm chocolate phải
mua vé riêng nên chúng tôi chỉ dạo quanh khu vực được gọi tên là Amazing World of Chocolate, nơi trưng
bày và bán đủ loại và đủ kiểu chocolate, từ căn nhà bằng chocolate cho đến chiếc
áo sơ mi cũng bằng chocolate.
Thế giới diệu kỳ của chocolate
Chocolate bán tại đây có giá từ $10 trở lên, rẻ nhất là
những gói kẹo hoặc thỏi chocolate có hình dáng bắt mắt. Đắt nhất là giày làm bằng
chocolate, giá tới $55 một chiếc, nếu mua đủ một đôi để “ăn” chứ không để “đi”,
cũng mất hơn 100 đô. Theo quảng cáo, mỗi chiếc giày được trang trí hoàn toàn bằng
phương pháp thủ công bởi những nghệ nhân làm chocolate vào bực thầy.
Tôi nghĩ người mua những chiếc giày này đem về nhà để
chưng chứ ít ai dám ăn và chắc chắn không có ai muốn xỏ chân vào. Thợ làm
chocolate xem ra cũng rất rành “tâm lý”. Họ chỉ làm những chiếc giày cao gót
cho cánh phụ nữ chứ chẳng thấy chiếc nào dành cho các ông, dù quý ông là người
đưa thẻ ra cà!
Một chiếc giày chocolate giá chỉ có hơn… 1
triệu đồng
Trong khi cánh phụ nữ như lạc vào thế giới ngọt lịm của
chocolate, tôi ngồi nhâm nhi ly chocolate nóng trong quán cà phê tại nhà máy,
chọn chỗ ngoài trời có nắng ấm. Nhiệt độ ở Phillip vào buổi sáng khá lạnh, được
thưởng thức 1 ly chocolate nóng hổi thì không còn gì thú vị bằng. Chocolate
nguyên chất vượt xa loại cacao sữa thường uống, thật đáng đồng tiền bát gạo!
Mời bạn thưởng thức ly chocolate nóng
Đường xá trên Phillip Island rất tốt, hai bên là những
cánh đồng màu cỏ úa. Thỉnh thoảng thấy một trang trại với những đàn bò hoặc đàn
cừu đang gặm cỏ. Mỗi trang trại đều có hàng rào vây quanh nên gia súc cứ việc
thả rông, tự do… gặm cỏ. Không thấy trẻ chăn bò như ở Việt Nam, mà cũng chẳng
thấy anh cowboy nào cưỡi ngựa như ở Texas bên Mỹ.
Nghe nói một số người Việt tại Úc đi làm farm, lương trên
$10 mỗi giờ. Bù lại họ phải sống giữa sự hiu quạnh của trang trại, xa hẳn cuộc
sống tiện nghi của các đô thị. Đó cũng là luật bù trừ, mọi cái đều có giá của
nó. Điều quan trọng là có thể thích nghi được với lối sống đó hay không và biến
nó thành nguồn vui để sống.
Một trang trại nằm bên đường
Rời nhà máy chocolate chúng tôi quẹo phải để đến
Churchill Island, một hòn đảo nhỏ rộng 57 héc ta. Muốn đến đảo này phải qua một
chiếc cầu “độc đạo” với 1 làn xe, từ đó đi theo một con đường trải đá dăm được
giữ lại từ thời của những người tiên phong trên đất Úc.
Năm 1872, Samuel Amess, cựu Thị trưởng thành phố
Melbourne, đã mua trang trại này và ngày nay, qua tên gọi Churchill Heritage
Farm, được mở cửa cho công chúng đến để tìm hiểu về sinh hoạt của những người sống
trong thời kỳ nước Úc lập quốc. Đây cũng là điểm du lịch đầu tiên trong số 3 điểm
được bán vé trên mạng.
Churchill Heritage Farm nhìn ra biển
Đã vào trưa nên chúng tôi ngồi ăn trưa để ngắm nhìn trang
trại một cách bao quát. Rải rác trên lối vào là những bức tượng và di vật từ thời
xa xưa. Nổi bật nhất là bức tượng ngựa gỗ được khắc bằng cưa máy của Dean Smith
trong Lễ hội 2003.
Festival về ngựa là một trong những lễ hội được tổ chức
hàng năm trên đảo Phillip. Mấy xắp nhỏ rất thích con ngựa có một bên hông bị
khuyết một tảng thịt này. Tôi thấy chúng thay nhau trèo lên lưng ngựa để chụp
hình vì đây chỉ là một chú ngựa con.
Tượng chú ngựa con bằng gỗ
Xa hơn chú nữa là bức tượng một chú chim sắt được ghép bởi
các bộ phận cơ khí, ống nước và cả những cái muỗng ăn. Bước tượng hoàn toàn dùng
chất liệu máy móc vật chất nhưng lại toát lên một ý nghĩa tinh thần của sự tung
cánh tự do, as free as a bird!
Cánh chim tự do
Đây đó khắp trên sân trang trại là những máy móc, trang
thiết bị mà những người di dân dùng trong thời kỳ khẩn hoang khi mới đặt chân đến
xứ sở được gọi là Down Under, còn có tên xứ Miệt Dưới trong tiếng Việt.
Tại một giếng nước ngầm người ta thấy một cuộc hành trình
đầy lý thú của những giọt nước bơm từ dưới đất lên. Nước được di chuyển qua nhiều
giai đoạn bằng những dụng cụ thường dùng hằng ngày tựa như những cái xẻng xúc đất
trước khi được xử dụng:
Trang trại cũng có một vườn rau nhỏ, cổng vào được trang
tí bằng một loại cây leo xanh um. Quan sát kỹ mới biết là cây “chanh leo”. Ở Việt
Nam, đặc biệt là tại Đà Lạt, tôi nhớ ngày còn nhỏ thường gọi là trái “mát mát”
hay “mác mác”.
Cổng vào vườn rau trồng cây chanh leo
Trong vườn có cả một bụi chuối. Chợt nhớ đến vùng quê Việt
Nam với “bụi chuối sau hè” và tiếng ru con não nuột của người vợ than thân
trách phận:
“Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ”
Gió đưa bụi chuối sau hè…
Bước vào những ngôi nhà trong trang trại khách có thể
hình dung được phần nào cuộc sống của những người tiên phong trên đất Úc. Dưới
đây là một số hình ảnh được ghi lại trong Amess House:
Churchill Heritage Farm còn có các show diễn lại sinh hoạt
hàng ngày tại trang trại như vắt sữa bò, chó đi chăn cừu, gọt lông cừu, ném
boomerang… show có lịch diễn theo giờ giấc đã định trước nhưng vì thời giờ có hạn
nên chúng tôi chỉ xem cảnh vắt sữa bò.
Khán giả vậy quanh chuồng bò, có hai nhân viên phụ trách
màn trình diễn này. Đến giờ diễn người ta thấy con bò sữa tự động bước vào sân
khấu bỏ túi đứng gặm cỏ khô, theo sau là một nhân viên biểu diễn. Anh ta vuốt
theo vú của con bò và bóp nhẹ, luồng sữa chảy ra từng vòi theo nhịp chuyển động
của tay người vắt.
Tiếp theo là màn để khán giả tự tay vắt sữa theo hướng dẫn
của nhân viên. Có vài khán giả nhỏ tuổi tham gia màn thực tập vắt sữa bò. Chắc
chắn đó là những trải nghiệm mà các cô bé, cậu bé sống tại thành phố sẽ không
thể nào quên.
Thực tập vắt sữa bò
Chúng tôi lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình khám phá
Phillip Island…
(Còn tiếp)
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh
thổ)
Như vừa đọc thêm một quyển sách nói về nước Úc, như thấy về nước Úc trong những quyển truyện, trong những bộ phim nói về Úc thời kỳ lập quốc quá anh Chính ạ, chỉ còn thiếu mỗi cưỡi ngựa đi sâu vào lục địa vào sa mạc vào giữa cái nắng và cái lạnh.
Trả lờiXóaVà tự nhiên thấy thèm cũng được ngồi nhâm nhi một ly chocolate nóng thơm ngon quá. :)
Hì, mần như mình ên Tỷ dzà thèm hong bằng!
XóaCho Dzà em một ly chocolate nóng với anh Chính ui.