(Tiếp
theo)
Australia còn được gọi
là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới
đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.
Ngày 1/4/2013
Năng
mời đi xem ca nhạc vào chiều nay, đây là lời mời từ tuần trước ngày April
Fools’ Day 1/4 chứ hoàn toàn không có ý gì liên quan đến… Poisson d’Avil (Cá
Tháng Tư). Gần 3g chiều Năng đến đón, từ
nhà đến rạp chỉ mất độ 5 phút lái xe. Live show Một thời để nhớ diễn tại Millenium Reception thuộc khu Sunshine,
nơi tập trung khá đông người Việt.
Theo
quảng cáo trên tờ Nhân Quyền, chương trình có đến “14 nghệ sĩ, 14 nhân tài, 14 viên ngọc quý với tên tuổi đã sáng chói
trong vòm trời ca nhạc và kịch nghệ Việt Nam trước năm 75… Những giọng hát đặc
biệt không thể thay thế được lần đầu tiên trình diễn chung trên sân khấu”.
Rạp
hát tương đối nhỏ nếu so với Nhà hát Thành phố hay rạp Hòa Bình ở Sài Gòn. Nhận
xét đầu tiên khi đến rạp là khán giả có mặt tại đây đa số là những mái đầu bạc
hoặc đầu hói và nếu có tóc đen chắc hẳn phải xài thuốc nhuộm! Cũng là điều dễ
hiểu, những người già thường có chung một khung trời kỷ niệm, họ hội tụ về đây
cũng vì có chung… một thời để nhớ.
Giá
vé xem ra cũng không rẻ: Platinum $140, VIP $120, Gold $80 và Silver $60. Năng
giữ chỗ 2 vé thuộc loại oách nhất và ngồi ngay ở bàn 01, gần sân khấu, dĩ nhiên
là chủ nhà đãi khách! Theo chương trình thì live show bắt đầu lúc 3g nhưng mãi
gần 4g mới khai mạc.
Thế
mới biết, người Việt Nam, dù ở trong nước hay hải ngoại, đều áp dụng “giờ cao
su”, ngay cả việc đi ăn đám cưới cũng như đi xem hát, bao giờ cũng tà tà. Hình
như việc không giữ đúng giờ đã trở thành thói quen khó bỏ của người Việt.
MC
Nam Lộc điều khiển chương trình tối nay và chính anh cũng mở đầu live show bằng
màn trình diễn bài hát Sài Gòn vĩnh biệt
do chính anh sáng tác. Tài ăn nói của Nam Lộc trên Asia không thua gì Nguyễn Ngọc
Ngạn trên Paris By Night.
Nam
Lộc, tên thật là Nguyễn Nam Lộc, lớn hơn tôi 2 tuổi, anh sinh năm 1944. Người
nhạc sĩ kiêm ca sĩ này có đến gần 50 năm là MC kể từ ngày còn đi học. Vào thời
điển đó anh thường tham gia các chương trình “nhạc trẻ”.
Ngày
xưa người ta không gọi người điều khiển chương trình đại nhạc hội là MC mà dùng
một cái tên rất gợi hình: “hoạt náo viên”. Còn “nhạc trẻ” trước đó được gọi là
“kích động nhạc”, với các nhịp điệu nhanh, trẻ trung như twist, be-bop, limbo
rock, à gogo…
Tham
gia phong trào nhạc trẻ vào đầu thập niên 1960, Nam Lộc và một số nhạc sĩ như
Trường Kỳ, Tùng Giang, Jo Marcel… mở lối “Việt hóa” nhiều bản nhạc ngoại quốc
thịnh hành bằng cách đặt lời Việt. Vào những năm đó, Nam Lộc có cà phê Quán Gió làm đất hoạt động, anh cũng thỉnh
thoảng đứng ra tổ chức các buổi trình diễn Đại hội Nhạc trẻ ở trường Lasan Taberd rồi Sân Vận động Hoa Lư hay
Thảo cầm viên Sài Gòn.
Mãi
sau này tại hải ngoại mới nổi lên MC Nguyễn Ngọc Ngạn. Nguyên là nhà văn, Nguyễn
Ngọc Ngạn mới chỉ có 20 năm làm MC nhưng phong cách đĩnh đạc, lối nói chuyện
cũng thiên về văn chương, tung hứng với Kỳ Duyên nên rất ăn khách trên Paris By
Night. Nam Lộc hợp cùng Thùy Dương, Ngọc Đan Thanh và Việt Dũng diễn trên sân khấu
Trung tâm Asia có phần lép vế hơn Paris By Night.
Dạo
gần đây Asia lại nổi bật trên làng ca nhạc tại hải ngoại vì… lệnh cấm DVD Asia
32 Anniversary Celebration của chính quyền Việt Nam. Trong DVD này có hai bài Triệu con tim và Bạn thân của Trúc Hồ đụng chạm đến chế độ nên một số ca sĩ đã bị
ngưng cấp phép biểu diễn tại Việt Nam. Trong số đó có Thanh Tuyền, Tuấn Vũ, Gia
Huy, Mạnh Đình và vợ chồng nghệ sĩ Quang Minh - Hồng Đào.
Trước
khi hát Sài Gòn vĩnh biệt, Nam Lộc
cũng giải thích tại sao tối nay chỉ có mình anh làm MC cho chương trình Một thời để nhớ dành cho những người lớn
tuổi. Anh nói đùa, có lần MC trẻ Thùy Dương đã giới thiệu bài hát Cho một người nằm xuống của Trịnh Công
Sơn thành Cho một người nằm… sướng.
Cô MC đã bị “Mỹ hóa” đổ tội cho Nam Lộc đã viết tiếng Việt không dấu, cô còn lý
luận cứ nằm là sướng rồi nên nằm xuống hay nằm sướng cũng same same! Khán giả cười dù họ biết đó chỉ
là chuyện bịa cho vui của Nam Lộc.
MC, nhạc sĩ kiêm ca sĩ Nam Lộc
Không
kể Nam Lộc, ca sĩ đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Một thời để nhớ là Mai Lệ Huyền với các bài thuộc dòng “kích động
nhạc”: Một trăm phần trăm, Sáu mươi năm
cuộc đời, Anh là lính đa tình… Tên
tuổi của Mai Lệ Huyền đã một thời gắn bó với Hùng Cường, trên sân khấu đêm nay,
cô cũng nhắc lại tên của người bạn diễn đã ra đi trước khi làm nóng sân khấu với
những bài nhạc trẻ.
Người
biết chuyện còn nhớ và đầu thập niên 60 cô nữ sinh Nguyễn Thu Cúc học tại trường
trung học Bình Long đã xuất hiện trong buổi ca nhạc gây quỹ từ thiện với sự góp
mặt của ban Tân Dân Nam. Theo chương trình, đêm đó có sự hiện diện của “nữ
hoàng” Yến Vỹ nhưng ca sĩ này bị bịnh đột ngột nên trong phần văn nghệ, Tân Dân
Nam yêu cầu nhà trường góp vui với “cây nhà lá vườn”.
Cô
bé Thu Cúc có hai giòng máu Việt-Lào, nước da bánh mật ngăm ngăm nên bạn bè thường
ghẹo là Cúc “noir” đã trở thành Mai Lệ Huyền của làng ca nhạc Sài Gòn từ đó.
Chẳng bao lâu Mai Lệ Huyền trở thành một cái tên khá quen thuộc tại vũ trường Melody, càng lúc càng được chú ý nhiều hơn khi được mời trình diễn tại các Club Mỹ và cô có dịp hát chung với Trần Văn Trạch, Elvis Phương, Khánh Hà…
Chẳng bao lâu Mai Lệ Huyền trở thành một cái tên khá quen thuộc tại vũ trường Melody, càng lúc càng được chú ý nhiều hơn khi được mời trình diễn tại các Club Mỹ và cô có dịp hát chung với Trần Văn Trạch, Elvis Phương, Khánh Hà…
Nhạc
Twist bùng nổ tại Sài Gòn sau khi nhóm Trịnh Lâm Ngân (gồm Trần Trịnh & Nhật
Ngân) tung ra ca khúc Gặp Nhau Trên Phố
do Mai Lệ Huyền lần đầu tiên hát chung với Hùng Cường mặc áo treilli bên cạnh một
cô búp bê bằng... lửa. Mai Lệ Huyền rất sexy, bộ ngực thì nửa kín nửa hở, mini
jupe thì may sát mông… Nhiều tờ báo lớn ở Sài Gòn gọi Hùng Cường và Mai Lệ Huyền
là cặp “đệ nhất sóng thần” nhưng đối với những người khó tính thì đây là cặp chuyên hát… nhạc sến!
Sự
nghiệp ca hát của Mai Lệ Huyền đã lên tới đỉnh cao khi cô chọn Đệ Nhất Khách Sạn
để làm nơi trình diễn ca nhạc hàng đêm với các nghệ sĩ tên tuổi như Thanh Tuyền,
Phương Dung, Carol Kim, Giao Linh, Phương Hồng Quế… Thái Châu khi mới vào nghề cũng đã may mắn được Mai Lệ Huyền mời về cộng
tác tại Đệ Nhất Khách Sạn.
Ngoài
việc đi hát cho các vũ trường, thu băng liên tục, nhiều người còn biết đến những
tài năng đa dạng khác của Mai Lệ Huyền như đóng kịch, đóng phim. Trong đêm Một thời để nhớ cô cũng đã diễn chung với
Xuân Phát trong một vở nhạc kịch lipsing mang tựa đề Bún bò giò heo Mụ Rớt. Đây là một hoạt cảnh diễn viên chỉ diễn xuất
điệu bô còn phần nhạc hát nhép theo đĩa thâu sẵn. Cô cũng là 1 trong 3 ca sĩ xuất
hiện trong phần 2 của đêm live show như là một diễn viên… bao sân.
Nữ hoàng nhạc Twist ngày nào
Sài
Gòn xưa có ba người lính trẻ, điểm trai, thuộc Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương,
Thanh Phong-Duy Mỹ-Phương Đại, thành lập nhóm Sao Băng từ năm 1963 và trở thành
ban tam ca nổi tiếng nhất miền Nam trong suốt hai thập niên 60 và 70. Sao Băng
đã từng xuất ngoại các nước Âu-Á và cũng đã có lần trình diễn trên Đệ thất Hạm
đội Hoa Kỳ ngoài khơi Thái Bình Dương.
Tam
ca Sao Băng thường hát nhạc của nhóm Lê-Minh-Bằng, gồm các nhạc sĩ Lê Dinh,
Minh Kỳ và Anh Bằng, được thành lập năm 1966 và hoạt động đến ngày Sài Gòn thất
thủ. Quả là có một sự trùng hợp ngẫu nhiên trong mối liên lạc giữ hai nhóm bộ
ba nhạc sĩ và ca sĩ trong nền âm nhạc Việt Nam trước năm 1975.
Định
mệnh của hai nhóm cũng có những điểm giống nhau đến kỳ lạ. Ca sĩ Duy Mỹ và nhạc
sĩ Minh Kỳ ở lại Việt Nam và “băng” khi tuổi đời còn trẻ; nhạc sĩ Anh Bằng và
Phương Đại đến Hoa Kỳ còn Lê Dinh và Thanh Phong định cư tại Pháp.
Tuy
nhiên, chỉ có một trong 3 thành viên Sao Băng có mặt trong đêm Một thời để nhớ được MC Nam Lộc mô tả là
người ca sĩ có “khuôn mặt mũm mĩn, dễ thương” y như ngày nào. Trên sân khấu,
Thanh Phong tâm tình cùng khán giả, tam ca Sao Băng có ngôi sao Duy Mỹ đã
“băng”, ngôi sao Phương Đại còn đang lơ lửng chờ băng nên chỉ còn lại mình anh
gặp gỡ đồng hương tại Melbourne.
Thanh
Phong trông còn rất trẻ, vẫn nét thư sinh ngày nào và anh đã thành công trong
việc chinh phục lớp khán giả đầu bạc với giọng ca điêu luyện, phong phú. Mở màn
phần trình diễn của minh, Thanh Phong đã khiến một số người ngạc nhiên với một
loạt 3 bài Hòn Vọng Phu của Lê Thương
và trong số 3 nhạc phẩm trình diễn, Ly cà
phê cuối cùng của nhóm Lê-Minh-Bằng đã gieo vào lòng người nghe những cảm
xúc y nguyên từ thời son trẻ…
Thanh Phong vẫn còn giữ được nét thư sinh ngày nào
Ngày
xưa, “lò” Nguyễn Đức đào tạo khá nhiều ca sĩ nổi tiếng qua ban Việt Nhi, trong
đó phải kể đến một loạt các ca sĩ có tên Phương Hồng như Phương Hồng Quế,
Phương Hồng Ngọc, Phương Hoài Tâm… và những tên tuổi đã đi vào lòng người yêu
nhạc của Sài Gòn xưa như Thanh Phong, Thanh Lan, Hoàng Oanh…
Vốn
sinh trưởng trong một gia đình nghệ sĩ, Huỳnh Kim Chi được thân phụ huấn luyện
kỹ thuật ca ngâm từ năm 5 tuổi và đến 8 tuổi đã bước lên sân khấu với bài Hương lúa miền Nam. Kim Chi có biệt tài
ca hát, ngâm thơ từ nhỏ, khi còn học tại trường Gia Long vẫn thường xuyên đi
thu âm và biểu diễn. Người ta đã bắt đầu làm quen với người nghệ sĩ mang tên
Hoàng Oanh từ đó.
Tốt
nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn với bằng Cử nhân văn chương nhưng Hoàng Oanh tạm
gác ước mơ làm cô giáo để bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp qua các
chương trình Tiếng Tơ Đồng của Hoàng
Trọng, Tiếng Hát Đôi Mươi của Nhật
Trường, Trường Sơn của Duy Khánh, Nhạc Vàng của Phó Quốc Lân, Tiếng Thùy Dương của Châu Kỳ… Hoàng Oanh
cũng góp giọng ngâm thơ qua chương trình Tao
Đàn của Đinh Hùng, Tiếng Thơ của
Thanh Nam, Ly Tao của Thái Thủy trên
đài phát thanh.
Hoàng Oanh thời son trẻ
Đặc
điểm đáng lưu ý là trong sự nghiệp trình diễn của mình, Hoàng Oanh không xuất
hiện tại các vũ trường hay phòng trà mà chỉ thỉnh thoảng hát tại đại nhạc hội
vì gia đình rất nghiêm khắc. Riêng trong hoạt động thu âm, Hoàng Oanh được đánh
giá là một trong những nữ ca sĩ được mời thâu dĩa nhiều nhất thời bấy giờ với
khoảng 200 đĩa hát của các hãng Asia, Sóng Nhạc, Việt Nam, Sơn Ca, Thiên Thai,
Continental…
Tại
Melbourne, Hoàng Oanh ra mắt khán giả bằng Chuyến
đò vĩ tuyến của Lam Phương và, dĩ nhiên, có phần ngâm thơ dạo đầu. Trong
bài tiếp theo, người nghe nhạc có gốc miền Trung chắc phải xúc động với Chuyện một chiếc cầu đã gãy của Trầm Tử
Thiêng, chuyện kể sau biến cố Tết Mậu Thân ở Huế. Cô nữ sinh Gia Long ngày nào
vẫn sống mãi trong lòng người yêu nhạc dù đã ở vào tuổi 63.
Hoàng Oanh trên sân khấu “Một thời để nhớ” vào tuổi 63
Thật
tình, nếu Hoàng Oanh vẫn chiếm được sự ngưỡng mộ của khán giả thì người ca sĩ
tiếp đó đã làm người xem thấy tiếc và buồn cho cuộc đời cầm ca. Để trụ vững
trên sân khấu, người nữ ca sĩ cần 2 yếu tố: Tài và Sắc.
Có
Sắc nhưng thiếu Tài cũng có thể được khán giả thuộc loại dễ tính chấp nhận khi
bước lên sân khấu. Tuy nhiên, nếu có Tài nhưng thiếu Sắc chắc chỉ có con đường
duy nhất dẫn đến thành công là hát trên đài phát thanh, trên làn sóng điện để
không ai có thể chiêm ngưỡng được sở đoản của mình.
Điều
đáng buồn là Trúc Mai không nằm trong trường hợp nào đã nói ở trên. Hồi cuối thập
niên 1950 Trúc Mai đã vào nghề ca hát với thể điệu boléro tại phòng trà Hòa
Bình với Bạch Yến, Bích Chiêu… Trúc Mai nổi tiếng với bài Bambino mà danh ca Dalida thường hát nhưng phải nói thành công nhất
là bài Hàn Mặc Tử của Trần Thiện
Thanh. Đó cũng là lý do Trúc Mai gắn bó với loại nhạc được nhiều người cho là…
rẻ tiền.
Với
tuổi tác và sức khỏe, Trúc Mai trở lại với khán giả ngày nay không được như kỳ
vọng của cả người hát lẫn người nghe. Đó là sự thật, một sự thật đáng buồn
nhưng có lẽ đành phải chấp nhận. Người ta thường nói “lực bất tòng tâm” cho nên
nhiều nghệ sĩ đã chọn con đường giải nghệ khi cảm thấy mình không còn đủ sức đứng
trên sân khấu.
Trúc Mai: "Lực bất tòng tâm" |
Trường
hợp của Giang Tử cũng không khác Trúc Mai là mấy. Giang Tử là ca sĩ nổi lên từ
những thập niên 60-70 với sở trường là các ca khúc bolero mùi mẫn. Tuy nhiên,
anh có cái dũng cảm của một người ca sĩ đã thẳng thắn tuyên bố trong đên Một thời để nhớ: anh sẽ rời ánh đèn sân
khấu sau đêm diễn tại Melbourne. Và cũng để chia sẻ với quyết định giải nghệ của
anh, Melbourne đưa một ca sĩ trẻ, “cây nhà lá vườn”, hát chung với Giang Tử và
được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt.
Giang
Tử tên thật là Nguyễn Văn Giang, theo anh giải thích, vì ưa thích phiêu bạt “giang
hồ lãng tử” nên anh mới ghép tên thành Giang Tử. Năm 2009 anh được con gái bảo
lãnh qua Mỹ và trung tâm ca nhạc đầu tiên anh cộng tác tại hải ngoại là Asia với
bài Giọt buồn không tên hát chung với
Phương Hồng Quế, người anh coi là em gái và cũng là người giới thiệu anh với
Asia.
Năm
1958 Giang Tử theo học nhạc sĩ Y Vân, năm 1960 bắt đầu bước vào lãnh vực ca nhạc
và năm 1963 nhập ngũ, phục vụ tại Cục Tâm lý chiến. Ngoài ca hát, Giang Tử còn
là một diễn viên trong ban kịch Gió Nam
và anh cũng có tài ngâm thơ. Hiện nay Giang Tử đang định cư tại thành phố
Houston, Texas.
Giang Tử với phần phụ họa của một ca sĩ trẻ
Melbourne
Ca
nhạc Sài Gòn xưa có Ban tạp lục của
Tùng Lâm được phát sóng hàng tuần trên Đài phát thanh. Chương trình luôn kết
thúc với câu hát quen thuộc “Tới đây chấm
dứt chương trình của ban Tùng Lâm…” và câu nói đó đã đi vào cuộc sống hàng
ngày của người Sài Gòn khi muốn nói đến việc chấm dứt.
Tùng
Lâm tên thật là Lâm Ngươn Phẩm, sinh năm 1934 tại Biên Hòa. Con đường nghệ thuật
bắt đầu mở ra vào năm 1948 khi Tùng Lâm đoạt thủ khoa cuộc thi hát của Đài Phát
thanh Pháp - Á qua ca khúc An Phú Đông
của nhạc sĩ Lê Bình, sau đó ông lại chiếm thủ khoa cuộc thi hát do Đài Phát
thanh Sài Gòn tổ chức năm 1952 - 1953 với bài Tiếng dân chài của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Phải
nói Tùng Lâm có ngoại hình không mấy ăn khách, ông chỉ cao 1m54, nặng 49kg, nhưng
bù lại có tài diễn hài rất tinh tế và duyên dáng nên được báo chí gọi là “Tiểu
Quái Kiệt”, sau “Quái Kiệt” Trần Văn Trạch, em trai của Giáo sư Trần Văn Khê.
Tùng
Lâm còn mở lớp dạy đàn, luyện thanh và nhạc lý tại tư gia trên đường Trần Văn
Thạch, cạnh chợ Tân Định, đối diện rạp hát Modern. Cũng như “lò” Nguyễn Đức với
các ca sĩ có tên bắt đầu bằng Phương Hồng, những ca sĩ xuất xứ từ “lò” Tùng Lâm
đều mang họ Trang như Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến, Trang Kim Phụng và Trang
Mỹ Dung.
“Tiểu Quái kiệt” Tùng Lâm
Trang
Mỹ Dung là ca sĩ duy nhất trong đên Một
thời để nhớ đến từ Việt Nam và được khán giả vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Trang
Mỹ Dung ra đĩa hát đầu tiên khi mới 17 tuổi với nhạc phẩm Hai mùa mưa của Lê-Minh-Bằng
qua hãng đĩa Sóng Nhạc và bây giờ ở Việt Nam chị chỉ hát cho các chương trình từ
thiện.
Trang
Mỹ Dung thuộc thế hệ ca sĩ của thập niên 1960 cùng với Duy Khánh, Chế Linh,
Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Giao Linh, Phương Dung... Chị đã góp phần
định hình nên một dòng nhạc có cách hát khác hẳn với các ca sĩ thuộc dòng nhạc
tiền chiến và Trang Mỹ Dung đã trở thành một trong những huyền thoại của nền ca
nhạc trước năm 1975.
Một
lần nữa, trên sân khấu Melbourne, bản nhạc Hai
mùa mưa lại vang lên trong khán phòng với tiếng hát trầm buồn của Trang Mỹ
Dung. Người nghe như chùng xuống để thấy lòng trở về những ngày xa xưa của Một thời để nhớ…
“Mùa
mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi
Tình
xưa bạn cũ gặp nhau đêm ấy mưa rơi.
Tách
cà-phê ấm môi,
Mình ngồi
ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi
…
Mùa mưa
lại đến tôi mừng vui đón tin anh
Đèn
khuya một bóng nhìn mưa rơi suốt năm canh.
Nghĩ rằng
tôi vắng anh...
Vì nghiệp
trai còn đi giữ quê hương cho chúng mình...
Trang Mỹ Dung: giọng ca trầm ấm
(Còn
tiếp)
***
(Trích
Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi
Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương
1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương
2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương
3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương
4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương
5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương
6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương
7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương
8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương
9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Cam on anh Chinh bai viet hay qua
Trả lờiXóaCam on anh Chinh bai viet hay qua
Trả lờiXóaĐến năm 1975 anh Chính mới vào tuổi gần tam thập, nhưng anh nhớ thật kỹ từng nghệ sĩ trong từng giai đoạn, bái phục anh!
Trả lờiXóaNhưng đọc xong những suy tư của anh khi viết về các nghệ sĩ, thấy thật ngậm ngùi với sự khắc nghiệt của thời gian.
Chào anh Chính,
Trả lờiXóaVề già ai cũng mong tìm lại được những kỷ niệm của ngày xưa, thấy bích chương “Đại nhạc hội Một Thời Để Nhớ” với sự góp mặt của nhiều ca sĩ danh tiếng trước 75, thích ghê đi, nhưng ở Canada chúng tôi không được xem. Tò mò tìm bài tường thuật trên Net để biết kết quả thì vào được Blog của anh với bài viết tường thuật đầy đủ cùng với những bài viết khác, nhiều hình ảnh rất thú vị và có giá trị. Xin cám ơn anh. Có một chi tiết nhỏ, mong được nhắc anh: Ca sĩ Trang Mỹ Dung học nhạc với nhóm Lê Minh Bằng, không phải với Tùng Lâm.
Tôi đã tham khảo thêm về Trang Mỹ Dung và thấy đúng là TMD học nhạc với nhóm Lê-Minh-Bằng, còn với Tùng Lâm cô chỉ tham gia vào Ban Tạp Lục mà thôi. Xin cảm ơn anh.
Xóa