Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

Lễ Phật Đản năm 2024

Một số quốc gia với đa số Phật tử chịu ảnh hưởng Bắc tông (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Các quốc gia theo Nam tông thường tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng 4 âm lịch hay là ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch.

Tại Đại hội Phật giáo Thế giới lần đầu tiên diễn ra tại Colombo, Sri Lanka, từ ngày 25/5 đến ngày 8/6/1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản Quốc tế (hay còn gọi là Vesak) là ngày rằm tháng Tư âm lịch.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tại phiên họp thứ 54 đã chính thức công nhận Đại lễ Phật Đản là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế và những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm từ năm 2000 trở đi, được tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 dương lịch.

Tại các thành phố lớn ở Việt Nam như Huế, Đà Lạt… người ta đã thấy những bông sen hồng xuất hiện trên mặt nước, tượng trưng hình thức chào đón ngày Phật Đản Sinh cộng với những lá cờ ngũ sắc của Phật Giáo phất phới tung bay.

Riêng tại Sài Gòn, một phần của kinh Nhiêu Lộc cũng được sử dụng để kỷ niệm ngày Đức Phật chào đời với những bông sen hồng trang trí kèm theo cờ Phật Giào dọc hai bên bờ kinh.

Chúng tôi đã bỏ ra chút ít thì giờ chụp lại những hình ảnh sống động mà mỗi năm chỉ có một lần. Đoạn trang trí được bắt đầu từ cầu Trần Khánh Dư, nối liền Quận 1 với Quận Phú Nhuận phía hai bên bờ kinh để thấy sự mộ đạo của cư dân thành phố.

 

Cầu Trần Khánh Dư nối liền Quận 1 và Quận Phú Nhuận 

 

Cầu Trần Khánh Dư, chụp từ phía Quận 1 

 

Cầu Trần Khánh Dư, chụp từ phía Quận Phú Nhuận

 

Hoa sen trên kinh Nhiêu Lộc và cầu Trận Khánh Dư

 

Hoa sen trên kinh Nhiêu Lộc

 

 

Hoa sen trên kinh Nhiêu Lộc 

 

Hoa sen trên kinh Nhiêu Lộc

 

 

Bên bờ kinh Nhiêu Lộc nhìn từ phía Phú Nhuận xa xa là cầu Trần Khánh Dư

 
 
Bên bờ kinh Nhiêu Lộc từ phía Phú Nhuận

  

Bên bờ kinh Nhiêu Lộc từ phía Phú Nhuận 

 

Bên bờ kinh Nhiêu Lộc từ phía Phú Nhuận

 

Phật Đản năm 2024 lại còn nổi bật với chuyện một người tu hành với pháp danh Thích Minh Tuệ trong suốt 6 năm qua đã độc hành trên khắp nẻo đường đất nước.

Trong lịch sử tồn tại của xã hội Việt Nam, hình như từ cả trăm năm qua, chưa từng có hiện tượng một cá nhân không sở hữu tiền bạc, đầu trần chân đất, theo con đường tu khổ hạnh mà lại làm dậy sóng dư luận, cuốn hút sự theo dõi của hàng triệu người như trường hợp của thầy Thích Minh Tuệ.

 

Gần đây, Thầy Minh Tuệ trở thành một hiện tượng của Phật Giáo

 

Theo Facebooker Lê Nguyễn, hình ảnh Thầy Minh Tuệ trái ngược hoàn toàn với hình ảnh nhiều nhà tu khác đang có những ảnh hưởng nhất định trong đời sống tâm linh cũng như trong đời sống xã hội: 

“Một bên buông bỏ tất cả những ràng buộc của cuộc sống ta bà, dấn thân vào con đường khổ hạnh, những mong tìm được sự giác ngộ cho bản thân và cho người khác. Một bên “hoằng dương đạo pháp” bằng cách vận động người mộ đạo cúng dường thật nhiều để xây dựng những kiểng chùa to ngang cung điện các vua chúa ngày xưa.

“Nếu tiền cúng dường của người mộ đạo biến thành chùa to, tượng lớn, đủ chỗ cho tín đồ đến chiêm bái, tu tập thì chẳng nói làm chi, đàng này, chúng còn biến tướng thành xe bốn bánh, điện thoại Vertu, đồng hồ Rolex, biến thành chăn êm nệm ấm cho kẻ tu hành. Đó không phải là hoằng dương đạo pháp, mà là lợi dụng đạo pháp để trục lợi.

(hết trích)

 



Chính sinh hoạt Phật giáo trong thời gian qua chứa đựng nhiều cái bất cập như vậy mà lòng tin của công chúng mộ đạo bị sứt mẻ khá nhiều, những bức xúc chỉ chờ cơ hội thuận tiện để bùng phát. Và cơ hội đó đã đến bất ngở với hình ảnh vị sư “đầu đội trời, chân đạp đất”, sống trong tình trạng không còn có thể khổ hạnh hơn, mắt sáng, môi tươi, lòng khiêm cung đáng để cho mọi người học hỏi.

Tất nhiên, những gì đã xảy ra khiến cho kẻ lợi dụng đạo pháp cảm thấy bất an. Họ thể hiện sự thiếu kiên nhẫn một cách vụng về đến đỗi một người mang tiếng tu hành như ông Thích Chân Quang lại gọi một người tu hành khác là “thằng ba trợn”!

Buổi sáng ngày 16/5/2024, tại Hà Tĩnh, công chúng phát hiện một sự kiện “khó hiểu”: một người lạ mang áo nhà tu len lỏi vào số người mộ đạo, dâng cho thầy Minh Tuệ mấy quyển sách mỏng. Tất nhiên là thầy Minh Tuệ từ chối và đông đảo công chúng nhanh chóng vào cuộc.

Được biết trước khi làm cái việc dâng sách cho thầy, người đàn ông lạ mặc áo tu hành này đã mang theo cả túi sách, phân phát cho công chúng. Tin sơ khởi của giới YouTuber cho biết những tập sách đó có in tên thầy Minh Tuệ lên trang đầu và không được phát hành bởi cơ quan xuất bản chính thống!

 



Cũng vào chiều ngày 16/5/2024 một văn bản do người đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký được phổ biến rộng rãi liên quan đến sự tu tập của sư Thích Minh Tuệ. Một lần nữa, cộng đồng mạng dậy sóng, hàng ngàn bình luận được tung ra với chiều hướng nào, ai xem qua cũng có thể hiểu được.

Trong các video được những người dùng mạng xã hội quay lại, Thầy Minh Tuệ lúc nào cũng xưng "con" và khẳng định không theo giáo hội nào, chỉ đang học tu theo Đức Phật Thích Ca và lấy "Giới, Định, Tuệ làm thầy."

Sự việc Thầy Minh Tuệ mang theo nồi cơm điện thay vì bình bát, bộ hành từ Nam chí Bắc, tu theo 13 hạnh đầu đà như: không nhận tiền cúng dường, ăn mỗi ngày một buổi, ngủ ngồi, y áo may bằng vải vụn, ngủ ở nghĩa trang... đã thu hút dư luận trong và ngoài nước thời gian vừa qua, nhất là có nhiều người dân theo dõi hành trình của ông cả ngoài đời và trên mạng.

 



Bình luận về thái độ của Giáo hội đối với Thầy Minh Tuệ, nhạc sỹ Tuấn Khanh nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 17/5/2024:

“Công văn của GHPGVN như một cái nghiến răng tức giận, không kiềm chế nổi của những người lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bởi họ không có một cái quyền gì để có thể cấm cản ông Thích Minh Tuệ đi tu và cũng không có một cái quyền gì để xác định người này tu hay là không tu.

“Cho nên ngay cả những ngôn ngữ hàm hồ đó cho thấy họ đang muốn độc quyền một tôn giáo và thậm chí là họ độc quyền luôn giá trị Đức Thích Ca ở Việt Nam.”

(hết trích)

 



 Có rất nhiều ý kiến chỉ trích Giáo hội, điển hình là bình luận của Facebooker Hoàng Hùng:

“Theo Phật cũng phải có thẻ hay sao? Phật Tổ ngày xưa từ bỏ ngai vàng, đi bộ, nhận khất thực, để hiểu nỗi khổ của người dân, rồi truyền đạo. Ngày nay một số người tự nhận là theo Phật, mang họ Thích, nhưng đi xe đẹp, ở nhà gắn máy lạnh, nhận cúng dường và bái lậy của dân chúng. Ai mới là con nhà Phật, ai là mạo danh con nhà Phật, thì chắc mọi người cũng đoán được.”

Trên trang Facebook của mình, nhà báo kỳ cựu Chu Vĩnh Hải cho rằng “Phật giáo có tám vạn bốn ngàn (84.000) pháp môn, trong đó hạnh đầu đà (tu khổ hạnh) chỉ là một. Hàng trăm ngàn người dân mới chỉ có một tu sĩ, mới chỉ có một đầu đà, vì vậy họ không làm ảnh hưởng đến cá nhân và cộng đồng nếu xét về kinh tế và phát triển.”

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng mọi người nên giữ khoảng cách với sư Thích Minh Tuệ, “nên đứng lặng im bên đường để chiêm bái thầy! Cá nhân đời thường trong thời hiện đại cần quyền riêng tư thì thầy cũng cần cô đơn như tuệ niệm của pháp môn mà thầy đã lựa chọn.”

 



Nhà báo Mạnh Kim lại cho rằng hiện tượng thầy Minh Tuệ không phải là một “hiện tượng tôn giáo”. Đó là một “hiện tượng xã hội”, được mạng xã hội đẩy lên thành sự kiện “chưa từng có”.

“Tại Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, trước 1975 cũng như bây giờ, hình ảnh tu sĩ khất thực quen thuộc đến mức chưa bao giờ trở thành “cơn gió mát”. Bước chân tu sĩ khất thực cũng chưa bao giờ được đánh giá là hành động có thể dẫn Phật tử đến với (con đường) Đạo. Người ta đảnh lễ cúi chào một tu sĩ khất thực để tỏ lòng tôn kính chứ không phải xem ông như Phật sống”.

Mạnh Kim kết luận:

“Phật giáo Việt Nam đã bị phá nát, một cách có tổ chức và có hệ thống. Phật giáo chỉ có thể được cứu nếu tự thân các Phật tử học Phật và hiểu Phật. Điều đó không thể có được bằng việc rủ nhau đi xem một hiện tượng với lòng hiếu kỳ tò mò.

“Việc có quá nhiều người, ngày càng nhiều, vẫn tiếp tục ngồi lắng nghe những lời “giảng” bậy bạ của những ma tăng, mới chính là thứ cần được xem là một hiện tượng đáng lưu tâm. Nó không còn là một tín hiệu dự báo một điềm không lành. Nó đã là một xác chứng cho thấy Phật giáo Việt Nam đang thật sự bị tiêu diệt, bởi một phần từ chính những người gọi họ là “Phật tử”.


***

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts