Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Vùng đất sương mù thời niên thiếu

 Ngay từ những ngày chập chững bước vào đời, Đà Lạt đối với tôi là một vùng đất vừa lạ… lại vừa quen!

Tôi chào đời năm 1946 và đến năm 1953 đã “bay” từ Hà Nội vào thẳng phi trường nhỏ ở Cam Ly thay vì phi trường chính Liên Khương trên Đà Lạt. Mới 7 tuổi, không ngờ đã trải qua một cuộc “thiên di” từ Bắc vào Nam bằng máy bay quân đội vì hồi đó bố tôi phục vụ trong lực luợng Ngự Lâm Quân của Bảo Đại.

 

Phi trường Cam Ly, Đà Lạt

 

Lúc đó, Đà Lạt còn được gọi bằng cái tên “Hoàng triều Cương thổ”, hiểu nôm na là… vùng đất được xây dựng cho riêng vị vua cuối cùng của Việt Nam và những “người đẹp” của nhà vua. Ông được mệnh danh là… “dân chơi hoàng gia”.

Vua Bảo Đại đã chọn vùng đồi núi thơ mộng với những đồi thông xanh biếc, hồ nước trữ tình để biến thành một nơi nghỉ ngơi, săn bắn ngoài những giờ lo việc quốc gia đại sự tại vùng đất Thần Kinh ngoài Huế.

Dĩ nhiên là vua Bảo Đại đã không lầm khi chọn Đà Lạt và cũng may cho số ít thần dân của ông đã quy tụ về đây, trong đó có gia đình tôi.

 

Bố tôi trong bộ quân phục Ngự Lâm Quân

 

Những ngày đầu tiên vào Đà Lạt, gia đình tôi ở nhờ nhà người bạn của bố trên đường Cầu Quẹo, ông cũng là dân Ngự Lâm Quân. Cầu Quẹo ngày nay thuộc đường Phan Đình Phùng, nơi có rạp xinê Ngọc Hiệp, một trong 2 rạp nổi tiếng tại Đà Lạt, rạp kia là Ngọc Lan nằm gần khu Hoà Bình.

Chẳng bao lâu sau, hai người “lính ngự lâm” mua được một căn nhà trên đường Lê Thái Tổ, cách Trại Hầm chẳng bao xa. Nhà là biệt thự của một luật sư người Pháp đang sửa soạn về nước với kiến trúc “song hành”, nghĩa là gồm 2 phần dính vào nhau tựa như một cặp song sinh.

 

Căn nhà tại Đà Lạt, hình chụp năm 2004

 

Đà Lạt khi đó có 2 chùa thuộc loại “xưa nay hiếm”: Chùa Linh Sơn ở ngoài phố còn chùa Linh Phong ở tận Trại Hầm, đặc biệt là nơi tu hành của các sư nữ. Bố mẹ tôi đều quy y tại Linh Phong  và đến khi hai người mất đều an nghỉ trong nghĩa trang Trại Hầm, rất gần với nơi quy y khi còn sinh thời!

 

Chùa Linh Phong, Trại Hầm

 

Tôi đã trải qua thời niên thiếu tại đây, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 3 km. Phương tiện di chuyển hàng ngày của chúng tôi là những chuyến “xe đò” mang tên Trại Hầm - Đà Lạt.

Xuất phát từ thung lũng Trại Hầm (nơi nổi tiếng về các vườn mận Đà Lạt), xe đi theo lộ trình từ đường Lê Thái Tổ rồi đổ một con dốc nhỏ xuống đại lộ Trần Hưng Đạo, nơi có những biệt thự đẹp nổi tiếng dọc hai bên và sau đó bắt đầu đổ một con dốc dài để đến hồ Xuân Hương.

Sau khi vượt qua một chiếc cầu mang tên Ông Đạo, xe đò lại leo một con dốc nhỏ để đến chợ Đà Lạt và kết thúc cuộc hành trình Trại Hầm – Đà Lạt tại bến xe, nơi hội tụ các chuyến khác đến từ Chi Lăng (St. Benoit), khu Địa Dư, Tùng Nghĩa…

 

Bùng binh Đà Lạt & cầu Ông Đạo ngày ấy và bây giờ đã thay đổi rất nhiều

 

Riêng tôi lại còn phải cuốc bộ thêm một đoạn nữa để đến trường Nam Tiểu Học Đà Lạt, nơi tôi bắt đầu việc học hành ở tiểu học. Đến năm sửa soạn lên Lớp Nhì, ông anh tôi lại kèm cho tôi “học nhảy” để đi thi tiểu học nên phải chuyển sang trường Đa Nghĩa để học Lớp Nhất.

 

Hãnh diện với Bảng Danh Dự chụp năm 1954 tại Đà Lạt

 

Trường Đa Nghĩa xa hơn trường Nam Tiểu Học cho nên đoạn đường cuốc bộ từ bến xe đò đến trường mới xa hơn nhiều nhưng tiếc một điều là năm đó tôi lại không đậu Tiểu học cho nên bị “đúp” lại một năm. Thế là đâu vẫn hoàn đấy, phải học lại 2 năm ở Lớp Nhất.

 

Trường Tiểu học Đa Nghĩa

 

Cũng may, khi thi tuyển vào Đệ Thất trường Trần Hưng Đạo tôi đã trúng tuyển nhưng đoạn đường đi bộ đến trường lại dài hơn rất nhiều. Đó cũng là một sự may mắn được vào học trường công cho đến khi chuẩn bị vào năm Đệ Ngũ. Một lần nữa, gia đình tôi lại “thiên di” về Ban Mê Thuột theo bước đường công vụ của bố!

Nhìn lại quãng đường học tập của tôi đã gặp quá nhiều biến đổi nhưng cũng an ủi là những ngày ở Đà Lạt giúp tôi hình thành một thứ tình cảm gắn kết với thành phố sương mù mà tôi, cho đến bây giờ, vẫn coi là “quê hương thứ hai”!

 

Gia đình chụp tại cổng tam quan chùa Linh Phong nhân một chuyến trở về.quê hương thứ hai

 

Đà Lạt là nơi tôi có quá nhiều kỷ niệm của thời thơ ấu. Ngày xưa những học sinh ở xa trường thường phải mang theo “gà-mên” cơm trưa vì trường học 2 buổi. Ngay cả thầy giáo cũng vậy, có thầy cũng ở lại với chúng tôi và khi đó tình thầy trò thắm thiết hơn bao giờ hết.

Đoạn đường từ bến xe đò đến trường thường phải qua nhiều vườn trồng rau hay quả vì chúng tôi chọn đường tắt cho ngắn. Đây cũng là dịp để những học trò lén hái trộm những quả dâu tươi rồi đút ngay vào mồm mặc dù biết rằng dâu có khi được tưới bằng… nước tiểu!

 

Huy hiệu trường Trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt

 

Riêng tại trường Trần Hưng Đạo có một sân banh “mini” gần ngay bên hồ Vạn Kiếp. Thế là thường có những trận banh giao hữu giữa các khu vực của học sinh, nổi bật nhất là khu Địa Dư và Chi Lăng có nhiều cầu thủ xuất sắc trong việc dẫn bóng và ghi bàn.

Sau mỗi trận đấu, cầu thủ hai bên kéo nhau xuống hồ tắm rửa để chuẩn bị vào lớp buổi chiều. Nhiều khi còn cay cú ăn thua nên hẹn nhau lúc tan học sẽ thi đấu tiếp. Mải tranh tài nên nhiều lúc quên cả giờ xe đò chuyến chót rời bến.

Thế là đoạn đường từ trường về đến nhà hơn 3 cây số phải hoàn toàn trông cậy vào cặp giò. Thế vẫn chưa xong, trên đường về nhà còn phải tìm lời giải thích với bố mẹ. Lý do thường là “thầy bắt ở lại học cho xong bài”… hay “không hiểu tại sao xe đò nghỉ sớm hơn mọi ngày”!

 

Tôi trong tấm ảnh đầu tiên để làm thẻ học sinh

 

So với học sinh ngày nay, chúng tôi “quá hiền”! Ngày đó làm gì có những phút đắm mình vào game trên điện thoại, làm gì có việc phóng xe gắn máy về nhà cho lẹ như ngày nay?

Thời buổi văn minh, hiện đại đem lại cho con người nhiều tự do để làm những điều mình thích… Nhưng tự do vốn không phải đơn giản là làm điều mình thích, làm những thứ mình muốn hay sống một cuộc sống mà không vướng bận một điều gì.

Tự do thực sự là khi ta có thể cảm nhận rằng trong một phút giây nào đó của cuộc đời mình ta có thể ngồi lặng yên và nhắm mắt ngủ mà không thấy lo lắng hay phiền muộn nào trong lòng cả.

Cho đến giờ, kỷ niệm của những ngày sống giữa thông xanh và hồ nước lững lờ đã trở thành một hồi ức đẹp trong lòng của một người gần bước sang… chuyến tàu định mệnh của cuộc đời.

Chuyến tàu chót đó không có vé khứ hồi vì chẳng biết sẽ đi về đâu! 

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts