Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Review chuyến viễn du Hồng Kông

Tôi đến Hồng Kông 6 ngày, từ 24/4 đến 2/5/2024. Gọi đó là chuyến “viễn du… dối già” vì quả thật những năm gần đây tôi ít ra khỏi nhà, chỉ trừ mỗi sáng ngồi nhìn người qua lại từ quán cà phê chỉ cách nhà vài trăm bước đi bộ.

Đúng là “dối già” vì giờ tuổi tôi đã gần 80… nhưng con gái đang làm việc tại Hồng Kông thuyết phục tôi nên đi một chuyến vì khoảng cách chỉ nhỉnh hơn thời gian bay đi Hà Nội một chút chứ không kéo dài như các chuyến đi đến Châu Úc hoặc Châu Âu.

Con rể lại còn cẩn thận “tháp tùng” chuyến đi nên hai cha con rời Sài Gòn vào ngày 24/4/2024 trên chuyến bay của hãng Cathay Pacific.

 

Ngày 1/7/1997, Hồng Kông trở thành một phần của Trung Quốc

 

Đã lâu không ra phi trường Tân Sơn Nhất nên thấy nơi đây có vẻ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn ngày xưa. Mọi thủ tục đều được tiến hành qua cổng điện tử, chỉ trừ lúc ký gởi hành lý.

Phi trường Hồng Kông rộng lớn hơn Tân Sơn Nhất với hành khách đến và đi từ khắp thế giới. Tọa lạc tại một ngọn núi được san bằng tại đảo Chek Lap Kok, đây là sân bay dân dụng chính thức và duy nhất của Hồng Kông. Đây cũng là một trong những sân bay lớn nhất châu Á và cả thế giới.

 

Phi trường Hồng Kông

 

Số lượng người thông qua sân bay Chek Lap Kok lên tới 40 triệu hành khách và 3 triệu tấn hàng hóa vào năm 2005 cùng hơn 210.112 lượt cất cánh và hạ cánh. Chi phí xây dựng sân bay này khoảng 20 tỷ USD trên diện tích hơn 12km².

Công trình xây dựng mất 6 năm và được khánh thành năm 1998. Phi trường có tổng cộng 70 cửa lên máy bay, với 63 cửa ra máy bay. “Terminal” là một toà nhà 6 tầng lầu được nối với đường xe lửa cho tiện việc đi lại của hành khách.


Với nhân viên xe lửa tại Phi trường Hồng Kông

 

Hiện đại là thế nhưng cũng có những nghịch lý riêng đối với những người nghiện thuốc lá như tôi!

Hành khách có thể được hút thuốc trong “Smoking Lounge” tại phi trường nhưng lại không có hộp quẹt để mồi thuốc... vì hộp quẹt được khuyến cáo vứt bỏ vào thùng, có nghĩa là… không được hút thuốc! Đến khi tìm được “Smoking Lounge” hay “Sky Garden” trong phi tường thì lại không có hộp quẹt để châm thuốc!

Cũng may, trong phòng hút thuốc vẫn có những người đang hút nên đành phải… “xin tí lửa”! Chắc họ không quan tâm đến việc khuyến cáo bỏ lại hộp quẹt nên mới “ung dung” mồi lửa cho điếu thuốc của mình!

 

“Smoking Lounge” tại Phi trường Hồng Kông

 

Tại Sài Gòn, ngày xưa tôi đã từng sống trên đường Hàm Tử, Chợ Lớn. Cộng đồng người Tàu ở đây nói tiếng Quảng Đông nhưng tại Hồng Kông người ta dùng phổ biến cả hai ngôn ngữ: Quảng Đông và Quan Thoại.

Ở Hồng Kông, gặp người nói tiếng Quảng Đông có thể hiểu lõm bõm một số chữ đã được “Việt hóa” nhưng người Trung Quốc đến từ lục địa lại nói rặt tiếng Quan Thoại hoàn toàn xa lạ!

Hiện tại, ở Hồng Kông có hiện tượng những chiếc xe mà biển của chúng chỉ có một chữ cái đang gây chú ý hơn bao giờ hết vì khác với những xe biển số 2 chữ. Trong một cuộc đấu giá dịp Tết Nguyên Đán, có chiếc xe chỉ có một chữ R trên biển số được trả tới 3,2 triệu USD (khoảng 75,6 tỷ đồng).

Tấm biển số xe mang chữ “Love U” có giá 179.000 USD! Vì nắm trong tay nguồn tài chính vững chắc nên việc giới siêu giàu sở hữu biển số xe có một không hai, không trùng với bất kỳ ai cũng là điều dễ hiểu.

 

Taxi tại Hồng Kông

 

Tại 2 nước ở khu vực Châu Á thì Singapore và Hồng Kông (đều lái xe bên trái) các phương tiện cá nhân lắp biển số trắng ở phía trước và biển số vàng ở phía sau. Tại Việt Nam, việc thay đổi biển số xe kinh doanh vận tải (các loại xe chở khách) sang biển số màu vàng bắt đầu xuất hiện từ 2 năm trước đây.

So với loại biển số dùng nền màu trắng, xanh, đỏ... biển số nền vàng chữ đen cho khả năng nhận diện tốt hơn, đặc biệt là vào ban đêm. Riêng taxi Hồng Kông có hai màu: đỏ ở phần thân xe và trắng ở phần mui xe nên cũng rất dễ nhận diện.

 

Xe hơi đều mang biển số màu vàng tại Hồng Kông

 

Cảnh sát Hồng Kông không thấy xuất hiện nhiểu như ở nước ta. Họ đi thành từng nhóm từ 2 người trở lên tại các địa điểm tập trung nhiều người như Bến cảng Victoria để giữ gìn an ninh trật tự.

Tôi chưa thấy một trường hợp giật điện thoại hay giật túi xách ở những nơi công cộng tại Hồng Kông dù du khách vẫn hớ hênh với chiếc smartphone trên tay. Chợt nghĩ về Việt Nam… nơi mà các tệ nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào chúng ta mất cảnh giác!


Cảnh sát Hồng Kông

 

Trong đêm bắn pháo bông nhân Lễ Lao Động 1/5 tôi mới thấy một lực lượng cảnh sát hùng hậu được tăng cường để giữ trật tự tại bến cảng. Sự hiện diện của họ đúng ra chỉ để giúp người dân yên tâm thưởng thức màn trình diễn ánh sáng bắt đầu từ lúc 8g tối và chỉ kéo dài có 10 phút.

 

Cảnh sát trong đêm bắn pháo hoa

 

Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ đều áp dụng việc thanh toán bằng mã QR trên khắp lãnh thổ Hồng Kông. Hình thức thanh toán bằng mã QR được ưa chuộng vì mang đến tiện ích cho cả người thực hiện thanh toán lẫn người nhận thanh toán.

Cách thanh toán bằng mã QR giúp người dùng không cần mang theo tiền mặt mà vẫn có thể mua bán nhanh chóng chỉ với một chiếc điện thoại. Các thông tin chuyển khoản quan trọng đã được chứa trong mã QR giúp tránh sai sót khi giao dịch, gây thất thoát doanh thu.

Theo chính sách của hầu hết ngân hàng, người thực hiện thanh toán sẽ không mất bất kỳ chi phí nào khi thanh toán bằng mã QR. Cũng theo quy định trên, người nhận thanh toán cũng không phải trả phí khi nhận tiền qua mã QR.

 

Mã QR

 

Lại nói đến tài tử Bruce Lee (1940-1973), được biết đến với tên Lý Tiểu Long mà "những người mê phim võ thuật Hồng Kông" tại Việt Nam ưa thích. Ông được coi là “con cưng” của Hồng Kông, được biết đến qua các vai diễn trong những phim như Đường Sơn đại huynh (1971), Tinh Võ Môn (1972); Mãnh long quá giang (1972), Long tranh hổ đấu (1973).

Tại Bến cảng Victoria ở Tsim Sha Tsui (Tiêm Sa Thủy) có một bức tượng Lý Tiểu Long đứng múa võ. Tượng cao 2,5 m nằm trên đại lộ Ngôi sao, một con đường dài 440m, là nơi vinh danh các nhân vật nổi tiếng của điện ảnh Hồng Kông.

 

Bên tượng Lý Tiểu Long

 

Và cuối cùng là câu chuyện ẩm thực tại xứ sở mà đa số người Việt đã từng được nếm khi vào các tiệm Tàu trong Chợ Lớn. Ấn tượng nhất phải nói đến là món thịt vịt được quay theo kiểu Hồng Kông!

Chúng tôi vào một tiệm mang tên Monogamous, quán “nhỏ & hẹp ngoài sức tưởng tượng” tại một căn phố có những lối đi ngoằn nghèo những bậc thang nhưng lại có cách trang trí đậm nét Tàu từ thời Mao Trạch Đông, toạ lạc ngay tại trung tâm Hồng Kông.

 

Lối vào nhỏ hẹp của Monogamous

 


Lối vào được trang trí bằng chiếu áo “đại cán” của Mao Trạch Đông

 

Nghe nói đây là một quán ăn cũng khá nổi tiếng với món được gọi là “Peking Duck”. Vịt quay Bắc Kinh vốn có tiếng nên chúng tôi ba người gọi một nửa con vịt, được bày trên một cái đĩa kèm theo “đồ phụ tùng” gồm một cái “xửng” đựng “homemade pancake” (giống như bánh tráng của ta), kèm theo đĩa dưa leo và củ cải trắng được cắt thành từng miếng dài…

 

Thưởng thức món “Peking Duck”

 

Một nừa con vịt quay

 

Con gái tỏ ra thành thạo với món vịt quay nên cuốn cho bố một miếng thịt vịt kèm dưa leo, củ cải… Tất cả được gói trong một loại bánh tráng “pancake” như món chả giò của ta. Thật tình ăn tạm được chứ không xuất sắc như lời ca tụng món Vịt quay Bắc Kinh!

 

Vịt quay được gói kèm dưa leo & củ cải trong một “homemade pancake”

Hồng Kông còn có món “Duck Pizza” là món thịt vịt được chế biến như bánh “pizza” của Ý. Chúng tôi đã nếm thử món này khi order từ nhà hàng, ship đến tận nhà.

Kể cũng lạ vì chắc trên thế giới này chỉ ở nơi đây mới có món ”thịt vịt pizza” kết hợp hai phong cách ẩm thực giữa Đông và Tây!

  

Món “Duck Pizza”

 

***

Thay lời kết về Hồng Kông:

Thật đúng như ngày xưa các cụ thường nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Chuyến “viễn du… dối già” của tôi đã mở rộng tầm mắt trước một thế giới không ngừng thay đổi ngày nay!

Một người lớn tuổi như tôi không ngờ lại có dịp “mở mắt” để nhìn sang một vùng lãnh thổ nổi tiếng mà chỉ cách Việt Nam có hơn 2 giờ bay. Đúng là một chuyến viễn du dối già!

Tạm biệt Hồng Kông và cũng cám ơn con gái đã tạo điều kiện mang lại cho bố một tuần rong chơi những điểm đặc biệt cũng như thưởng thức những món “đặc sản” của xứ Cảng Thơm theo như tên gọi ngày xưa của lãnh thổ Hồng Kông!

 

Trở về sau chuyến đi Hồng Kông

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts