Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

Thời Hậu Điêu Linh


Chúng ta đã biết khá nhiều về “Thời Điêu Linh” với những từ ngữ lạ lẫm như “cải tạo công thương nghiệp”, “đổi tiền”, “kinh tế mới” hay “học tập cải tạo” từ hồi năm 1975… Tôi đã có rất nhiều bài viết về giai đoạn này dựa theo nhiều tài liệu cũng như theo cách nhìn của chính bản thân mình.

Bài viết dưới đây lại khác, nó có tựa đề “Thời Hậu Điêu Linh” vì nó “nóng hổi” và có tính cách “thời sự” trong giai đoạn con người bị đe dọa bởi nạn dịch quái ác mang tên Covid-19. Làm sao kể ra hết những chuyện xảy ra trong thời kỳ bùng phát bệnh dịch từ Vũ Hán, Trung Quốc.

 

Một bệnh nhân Covid-19 trên giường bệnh

 

Thế cho nên, đây chỉ là chuyện kể của một người đã sống trong thời kỳ kinh hoàng đó mà tôi đã được nghe cũng như được thấy. Đây cũng là “người thật, việc thật” của một người làm bánh mì, anh nhỏ hơn tôi đến 10 tuổi, nhưng chắc chắn những việc anh đã từng trải qua là một kỷ niệm khó quên…

Cách nhà tôi chỉ vài căn có một lò bánh mì, không biết có từ bao giờ nhưng khi tôi dọn đến xóm nhỏ đã thấy nó hiện diện. Lò bánh mì chạy bằng điện và “anh chủ” phải nói là suốt ngày “sống chết với những ổ bánh mì” còn nóng hổi từ tờ mờ sáng cho đến lúc lên đèn.

Sản phầm anh làm ra một phần được bỏ mối cho các khách hàng quen thuộc, phần còn lại anh cung cấp cho xe bánh mì của gia đình để phục vụ khách vãng lai với các món thịt nguội, patê, chà bông và trứng ốp-la… tùy theo sự yêu cầu của khách.

Công việc làm ăn của gia đình anh đang trong thời kỳ khấm khá thì bất ngờ tai họa Covid-19 ập đến. Bệnh dịch bắt đầu vào cuối tháng 12/2019 với tâm dịch từ một nhóm người mắc viêm phổi tại thành phố Vũ Hán. Giới chức y tế địa phương xác nhận rằng trước đó họ đã từng tiếp xúc với những thương nhân buôn bán và làm việc tại chợ hải sản Hoa Nam.

Các ca nhiễm virus đầu tiên được xác nhận bên ngoài Trung Quốc bao gồm hai người phụ nữ ở Thái Lan và một người đàn ông ở Nhật Bản. Sự lây nhiễm virus từ người sang người đã được xác nhận cùng với tỷ lệ bùng phát dịch tăng vào giữa tháng 1/2020 và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra tuyên bố gọi "Covid-19""Đại dịch toàn cầu".

Việt Nam phải áp dụng “giãn cách xã hội” từ ngày 31/5/2021. Chình quyền quyết định tăng cường mức độ giãn cách bằng cách áp dụng Chỉ thị 16, bắt đầu từ 0h ngày 9/7/2021. Sau gần 3 tháng áp dụng Chỉ thị 16, đã có khoảng 20.000 người dân thành phố tử vong vì nhiễm Covid-19, cùng với hàng chục vạn ca nhiễm chưa được dập tắt.

 

Rào cản tại những nơi có dịch

 

Hàng rào mọc lên ở khắp nơi để giảm việc đi lại, thậm chí còn có những khu vực nguy hiểm bị giăng dây để cô lập với xã hội. Nghề làm bánh mì của anh chủ lò trên nguyên tắc được xếp vào loại sản xuất thực phẩm nhưng anh cũng vẫn gặp khó khăn khi mang bánh mì đến người tiêu dùng.

Việc đầu tiên là phải có “Gấy phép đi lại” để có thể vượt qua những trạm kiểm soát của quân đội, công an và dân phòng. Anh đã nhiều lần lên phường xin giấy nhưng lần nào cũng bị từ chối vì không đủ… “tiêu chuẩn”!

Khách đến mua kéo đến tận lò thường bị chặn lại vì lý do “tụ tập đông người” dễ dàng tạo nguy cơ lây nhiễm. Có lúc dân phòng còn kéo đến dùng loa để giải tán người mua, mà số người đến mua cũng chỉ loe hoe vài người nhưng vẫn là “đối tượng” mang đến nguy cơ truyền bệnh cho cộng đồng.

 

Dùng loa phóng thanh để tuyên truyền chống dịch

 

Anh chủ lò vốn là một người hoạt động xã hội nên anh không ngại việc cung cấp bánh mì cho cả những lực lượng “gác chốt kiểm soát dịch bệnh”, họ hoan hỉ nhận quà của anh nhưng vẫn nghiêm trang cảnh báo việc làm… “từ thiện” này! Anh chỉ nghĩ đơn giản: họ cũng là con cháu của mình.

Anh còn liên lạc với tổ trưởng dân phố để nhờ chuyển bánh mì đến các gia đình khó khăn trong tổ, một việc làm đúng với nghĩa từ thiện, “lá lành đùm lá rách”. Trước khi có dịch, anh tính sẽ sang nhượng quán cà phê gần đó để mở rộng việc kinh doanh. Chủ quán ra giá rất cao nên kế hoạch của anh phải tạm thời gác lại.

Khi dịch bùng phát, giá sang nhượng mặt bằng từ giá “trên trời” bỗng trở về với mặt đất và anh không bỏ lỡ thời cơ cho việc phát triển kinh doanh. Thế mới biết trong cái rủi cùa “Thời Hậu Điêu Linh” cũng có cái may bất ngờ để anh có thể vươn lên trong cuộc sống.

 

Xét nghiệm bắng cách... ngoáy mũi

 

Quán cà phê mới sang nhượng của anh là một căn nhà ngoài mặt đường, gồm 2 tầng ở ngay một ngã tư gần đường Phan Xích Long mà có người gọi đùa là “San Francis Long” của Mỹ! Tầng trên anh dành cho gia đình con trai (gồm vợ và 2 con) để ở cho tiện việc điều hành quán cà phê dười nhà.

Cô con gái lớn đã lập gia đình, có nhà riêng nhưng vẫn hàng ngày đến bán bánh mì thịt nguội. Khách khứa lúc nào cũng đông vì nằm trên trục đường giao thông chính, tiện việc ghé qua đối với những đi làm hoặc chở con đi học.

 

Xe bánh mì và quán cà phê

 

Phải thầm phục “anh chủ lò bành mì” vì anh sắp xếp mọi thành viên trong gia đình một cách nhuần nhuyễn và hợp lý, người nào việc đó. Các con anh cũng rất ngoan, chí thú làm ăn dưới sự “chỉ đạo” của người cha tháo vát.

Mọi thành viên đều cùng một lòng, chung sức cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Họ không nề hà phân biệt đó là việc của xe bánh mì hay của quán cà phê. Riêng phần mình, anh vẫn “ôm” lấy chiếc lò bánh mì, một mình anh nhào bột, chạy lò để làm ra những ổ bánh nóng hổi, thơm phức.

 

Lò bánh mì và xe bánh mì

 

Ta thấy, cuộc đời của người dân Sài Gòn tuy có điêu linh, lên bờ xuống ruộng… nhưng họ vẫn biết xoay xở để thích nghi với mọi biến chuyển của thực tế trước mắt.

Dù trong “thời điêu linh” hay “hậu điêu linh” vẫn có những con người biết tận dụng hoàn cảnh để tương lai của mình khả dĩ sáng sủa hơn giữa một bầu trời đen tối! 


***



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts