Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

Nguyễn Huy Thiệp – Cuộc gặp gỡ muộn màng

Phải thú thật, tôi là người ít để ý đến những nhà văn đương đại, xuất thân từ miền Bắc. Thế cho nên, trong tựa đề “… gặp gỡ muộn màng” là chữ tôi dùng để nói về chuyện biết đến ông Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021) khi nhà văn này đã từ giã cõi trần ngày 20/3/2021. 

Biết ông qua việc đọc các tác phẩm thật muộn màng, hơn nữa, chính ông, năm 1986, cũng xuất hiện khá muộn trên văn đàn đương đại. Tuy vậy, ông lại được coi là một trong những người đạt đỉnh cao của nghệ thuật viết truyện ngắn tại Việt Nam.

Người đọc chú ý đến một loạt tác phẩm như: Tướng về hưu, Không có vua, Tuổi 20 yêu dấu, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết... 


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021)


Theo Nguyễn Huy Thiệp, cuộc đời sáng tác của ông có thể chia làm 2 giai đoạn. Khởi đầu với “Tướng về hưu”, “Không có vua”, “Giọt máu”, “Phẩm tiết”, “Kiếm sắc”... thuộc về giai đoạn “viết theo bản năng”. Giai đoạn tiếp theo là “tôn giáo, đa tầng, đa nghĩa” với “Sang sông”, “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt”, “Mưa Nhã Nam”; “Thương cả cho đời bạc”…

“Trong đời văn, tôi cũng tìm hiểu về các văn sĩ trong lịch sử, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm. Tôi nhận ra một điều, cái xuất xứ của nhà văn quan trọng lắm. Mình phải làm sao có mặt đúng lúc, chứ sớm hơn hoặc muộn hơn thì có tài giỏi đến đâu, nhiệt huyết lớn lao đến đâu mà nó lỡ trớn thì cũng bại.

“Nhiều khi trong viết lách cũng thế, đôi khi tôi cũng lặng im, để tác phẩm của mình vào ngăn kéo. Nhưng nhìn chung, trong 30 năm đổi mới, đường văn của tôi khá thông đồng bén giọt. Có thể nói tôi xuất hiện đúng lúc, đúng năm bắt đầu Đổi mới 1986. Mọi người vẫn gọi Nguyễn Huy Thiệp là “cập thời vũ” (mưa đúng lúc).

“Thời điểm của “Tướng về hưu” lúc đó không khí xã hội ngột ngạt lắm. Có những đoạn tôi viết khi đang xếp hàng đong gạo cho vợ, từ 3 giờ sáng. Có khi mua được mấy cân gạo, có khi không có gạo mà mua. Thời bao cấp lúc đó đang trong giai đoạn bế tắc nhất.

 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

 

Qua lời kể của tác giả, nhân vật chính trong “Tướng về hưu” là một người tuy mới 12 tuổi đã trốn nhà ra đi vào bộ đội, rất ít khi về nhà. Đến năm bẩy mươi tuổi, ông về hưu với hàm thiếu tướng. Tác giả viết qua lời của người con trai độc nhất:

“Mặc dầu biết trước, tôi vẫn ngỡ ngàng khi cha tôi về. Mẹ tôi đã lẫn (bà hơn cha tôi sáu tuổi), vì vậy thực ra ở nhà chỉ có mình tôi có những tình cảm đặc biệt với sự kiện này. Mấy đứa con tôi còn bé. Vợ tôi biết ít về ông, vì hai chúng tôi lấy nhau khi mà cha tôi đang bặt tin tức. Bấy giờ đang có chiến tranh. Tuy thế, ở trong gia đình, cha tôi bao giờ cũng là hình ảnh của niềm vinh dự, tự hào. Cả ở trong họ, trong làng, tên tuổi cha tôi cũng được mọi người ngưỡng vọng.

“Cha tôi về nhà, đồ đạc đơn sơ. Cha tôi khỏe. Ông bảo: "Việc lớn trong đời cha làm xong rồi!”. Tôi bảo: "Vâng". Cha tôi cười. Tâm trạng xúc động lây sang cả nhà, mọi người chuếnh choáng đến nửa tháng trời, sinh hoạt tùy tiện, có hôm mười hai giờ đêm mới ăn cơm chiều. Khách khứa đến chơi nườm nượp.

(hết trích)

Ông tướng về hưu có tên thật là Nguyễn Thuấn, trong khi người con trai duy nhất của ông lại là Thuần. Từ ngày tướng Thuấn về hưu khách khứa đến thăm nhiều lắm. Anh Thuần thì lấy làm thích thú riêng cô vợ lại bảo: Đừng mừng... họ chỉ nhờ vả.”

Cô nói với bố chồng: “Cha ạ, cha đừng làm gì quá sức. Ông tướng nói với cô con dâu ông chỉ viết thư thăm bạn cũ và đôi khi có chuyện nhờ vả nhỏ nhặt. Đại khái như:

“Thân gửi N. tư lệnh quân khu... Tôi viết thư này cho cậu... Hơn năm mươi năm, đây là lần đầu tôi ăn tết mồng ba tháng ba dưới mái nhà mình. Hồi ở chiến trường, hai đứa chúng mình đã từng mơ ước v. v... Cậu nhớ cái xóm ven đường, cô Huệ đã làm bánh trôi bằng bột mì mốc. Bột mì bê bết trên lưng v.v... Nhân đây M. là người tôi quen, muốn được công tác dưới quyền của cậu v.v...”.

Cậu con duy nhất của ông năm nay đã  37 tuổi, anh là kỹ sư, làm việc ở Viện Vật lý. Cô vợ là Thủy, bác sĩ, làm việc ở bệnh viện phụ sản. Hai người có hai con gái, đứa mười bốn, đứa mười hai. Chỉ phải cái tội Thuần có tật “nể” vợ nên mọi chuyện cô Thủy đều lấn lướt.

Ngay cả chuyện Thuần biết vợ mình “léng phéng” với một gã làm ở xí nghiệp nước mắm nhưng lại thích làm thơ, có gửi đăng báo địa phương. Thuần cũng ghen nhưng để… trong lòng. Anh có phản ứng tiêu cực bằng cách dắt xe máy ra đường, phóng lang thang khắp phố cho khi hết xăng rồi lại ngồi ở một góc vườn hoa như một tên du thủ du thực!

 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

 

Trong gia đình ông tướng về hưu còn có ông Cơ, 60 tuổi, và cô con gái gàn dở tên Lài… Thấy hai cha con là người đáng thương nên gia đình cho tá túc. Họ không có hộ khẩu nên không hưởng những tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm như những người dân khác trong thành phố.

Công việc của ông Cơ là chăm vườn tược, lợn gà và đàn chó giống béc-giê. Việc “kinh doanh” chó vào thời buổi đó không ngờ lại thu lợi lớn. Một hôm ông Thuấn nói với con: “Con có để ý công việc của Thủy không con? Cha cứ rờn rợn!”.

Thủy làm việc ở bệnh viện với công việc chính là nạo phá thai. Hàng ngày các nhau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn ăn. Thực ra, điều này anh chồng biết nhưng cũng bỏ qua, vì cho rằng chẳng quan trọng.

Ông tướng về hưu dắt con xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu. Nguyễn Huy Thiệp viết qua lời kể của Thuần:

“Tôi lặng đi. Cha tôi khóc. Ông cầm phích đá ném vào đàn chó béc giê: "Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này”. Đàn chó sủa vang. Ông bỏ lên nhà. Vợ tôi đi vào nói với ông Cơ: Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?!”. Ông Cơ bảo: “Cháu quên, cháu xin lỗi mợ.

 

Tác phẩm “Tướng về hưu”

 

Bà vợ của ông tướng đã bị lẫn bốn năm nay, cho ăn biết ăn, cho uống biết uống, nhưng phải giục mới đi đại tiện. Ông Bổng (em của ông Thuấn) sang thăm. Ông hỏi: “Chị ơi, chị có nhận ra em không?”. Bà bảo: “Có”. Lại hỏi thêm: “Thế em là ai?”. Bà trả lời: “Là người”.

Ông Bổng khóc òa lên: “Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người”.

Lần đầu tiên, cái ông chú đánh xe bò, lỗ mãng, táo tợn, làm đủ mọi điều phi nhân bất nghĩa hóa thành đứa trẻ khóc thút thít ngay trước mắt Thuần.

Thế rồi bà qua đời. Khi liệm bà, người chồng khóc, hỏi ông Bổng: “Sao người bà ấy rút nhanh thế? Người già ai cũng chết khổ như thế này à?”. Ông Bổng trả lời: “Anh lẩm cẩm. Hôm nào nước mình cũng có hàng nghìn người chết khổ nhục vật vã đau đớn. Mỗi lính tráng các anh, "đòm" phát là sướng”.

Ông Bổng cạy miệng người chết, cho vào đó chín đồng, vừa tiền chinh Khải Định, vừa tiền một hào nhôm. Ông bảo: “Để đi đò". Lại cho vào cỗ bài tổ tôm, có lẫn cả mấy quân tam cúc. Ông bảo: Không sao, ngày xưa bà ấy vẫn chơi tam cúc.

Con gái Thuần hỏi bố: Sao chết đi qua đò cũng phải trả tiền? Sao lại cho tiền vào miệng bà? Đấy có phải ngậm miệng ăn tiền không bố?”. Người bố khóc. Các con không hiểu đâu, cả bố cũng không hiểu, đấy chắc là mê tín. Cô con gái lại nói, con hiểu rồi, đời người cần không biết bao nhiêu là tiền, đến chết cũng vẫn cần.

 

Những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp

 

Sau khi vợ chết, đơn vị cũ cho xe về đón ông tướng về thăm lại cơ quan. Ông Thuấn nay đã già sụp hẳn đi từ khi về hưu nhưng vẫn hăm hở lên đường. Anh Thuần không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng của một vị tướng. Cháu nội ông lại còn hát “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”!

Mấy hôm sau, ở nhà nhận được bức điện: “Thiếu tướng Nguyễn Thuấn, hy sinh khi làm nhiệm vụ hồi... giờ... ngày mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ hồi... giờ... ngày”. Khi vợ chng anh Thuần lên đến nơi thì lễ an táng đã được cử hành trước đó hai tiếng.

Người chỉ huy đơn vị kể lại chuyện ông cụ ra trận địa và đòi lên chốt. Tuổi già, sức yếu nên cụ đã bỏ mình và nằm xuống cùng các bạn bè, đồng ngũ! Anh Thuần khóc như chưa bao giờ được khóc. Anh cũng hiểu được người ta nói khóc như cha chết là khóc thế nào.

Ở đoạn kết, Nguyễn Huy Thiệp viết qua lời kể của người con trai duy nhất của ông tướng về hưu:

“Trên đây là những sự việc lộn xộn của hơn một năm cha tôi nghỉ hưu mà tôi chép lại. Tôi coi đấy như nén hương thắp nhớ người. Nếu có ai đã có lòng để mắt đọc điều tôi viết, xin lượng thứ cho tôi. Tôi xin cảm tạ”.

 

Tác phẩm “Tướng về hưu” từng được dựng thành phim

 

Như đã nói ở phần đầu, thành kiến với các nhà văn miền Bắc khiến tôi không thích đọc những tác phẩm của họ vì nghĩ rằng thế nào cũng, không ít thì nhiều, có luận điệu “tuyên truyền” cho nhà nước.

Mãi đến khi đọc Nguyễn Huy Thiệp thành kiến đó có phần thay đổi. Phải nói đó là sự thay đổi muộn màng. Người Phương Tây nói “Thà muộn còn hơn không” (Better late than never).

Tôi thấy sự muộn màng sau khi đọc Nguyễn Huy Thiệp là sự muộn màng trong văn học! Và cả trong cuộc đời của chúng ta. 

***

* Đọc “Tướng về hưu” qua https://isach.info/story.php... 

***

* Tham khảo thêm “NHỮNG AI LÀ NGƯỜI DÁM “CẢ GAN” IN TRUYỆN NGẮN “TƯỚNG VỀ HƯU” CỦA NGUYỄN HUY THIỆP TRÊN BÁO “VĂN NGHỆ”, TẠO TIỀN ĐỀ CHO HÀNG CHỤC KIỆT TÁC TRUYỆN NGẮN CỦA ÔNG THIỆP XUẤT HIỆN, LÀM NÊN MỘT CỘT MỐC VĂN HỌC QUAN TRỌNG NHẤT THẾ KỶ 20 ?” của nhà văn Trần Mạnh Hảo tại: https://www.facebook.com/tran.manhhao.376/posts/2975024299436421 

***

* Xem phim "Tướng về hưu": https://www.youtube.com/watch?v=JgcJVk8rmr4

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts