Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

Đầu tư… từ đâu?


Sau một thời gian “xất bất xang bang” khi đi cải tạo về, tôi bước vào nghề báo tiếng Anh với tờ Vietnam Investment Review (VIR). Nói cho ngay, tôi “tự hào” là một trong số ít những người viết báo bằng tiếng Anh vào những năm đầu của thập niên 90, thời kỳ mà tôi gọi là “điêu linh”! Đơn giản chỉ vì hồi đó người ta vuợt biên rất nhiều.

VIR là một tuần báo chuyên về kinh tế, dành cho các doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam đầu tư. Vào thời buổi “mở cửa”, Việt Nam được coi như là một trong những “biên giới cuối cùng” (the last frontiers) của giới kinh doanh nước ngoài. Cũng vì thế, nhu cầu có một tờ báo tiếng Anh để phục vụ người nước ngoài trở nên cấp thiết.

Người Úc thấy được cơ hội này nên vội nhảy vào thị trường báo chí bằng một Hợp đồng Hợp tác Kinh doan (Business Co-operation Contract – BCC) với chính phủ Việt Nam. Sau này, Australian Publishing Group, tập đoàn báo chí lớn nhất của Úc thay thế nhóm tư nhân và chính thức đều hành tờ VIR.

Vietnam Investment Review, số đầu tiên ra mắt ngày 27/09/1991

Chính sách đầu tư nước ngoài của Việt Nam tương đối thoáng. Tuy nhiên, vẫn có phần hạn chế trong lãnh vực in ấn và xuất bản nên chỉ có một hình thức duy nhất là BCC. Trong khi ở các lãnh vực khác, các nhà đầu tư nước ngoài có thể “liên doanh” với các đối tác trong nước dưới hình thức “joint venture” hoặc thành lập công ty có 100% vốn nước ngoài (100%-foreign-owned company).

Tôi bắt đầu viết ngay từ những số báo đầu tiên vào tháng 9/1991. Nếu việc tuyển người thuộc phía Việt Nam, chắc chắn tôi không có cơ hội vì lý lịch thuộc thành phần “ngụy” trước năm 1975.  

Tấm “name card” năm 1991

VIR có trụ sở chính tại Hà Nội, nơi gần “mặt trời”, nhưng trên thực tế hầu như mọi hoạt động kinh doanh đều ở Sài Gòn. Tổng biên tập là người của nhà nước, ngồi tại Hà Nội. Nhiệm vụ chính của ông là duyệt các bài viết với sự hỗ trợ của một thông dịch viên tiếng Anh. Nếu qua khỏi “cửa ải” cuối cùng này, các bài viết mới được phép in trên báo.

Theo yêu cầu của phía Việt Nam, ngoài tờ VIR lại có thêm tờ Việt Nam - Đầu tư Nước ngoài, viết bằng tiếng Việt và dĩ nhiên người viết là những nhà báo do nhà nước chọn. Tờ báo tiếng Việt này sau rút gọn chỉ còn là báo Đầu tư. Trên thực tế, tờ Đầu tư là một ấn bản phụ của VIR nhưng đến khi hợp đồng với nước ngoài hết hạn 10 năm, Đầu tư lại là tờ báo chủ lực của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Bây giờ về hưu sau một thời gian dài gắn bó với VIR và cũng có liên quan không ít thì nhiều đến tờ Đầu tư… tôi không khỏi “chạnh lòng” vì một bài báo đã gây ra một cơn bão trên mạng xã hội. Ngày 3/2/2020, Đầu tư đã đưa lên trang nhất bài viết với tựa đề “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc”.

Bài báo gây nhiều tranh cãi

Ca tụng đảng là chuyện bình thường đối với một tờ báo nhà nước. Có điều, đây là bài viết của Tiến sĩ Nhị Lê, Phó tống biên tập Tạp chí Cộng sản, đã được đăng trên báo Thanh Niên ngày 3/2/2019… Tức là một năm về trước.

Bài của TS Nhị Lê đăng trên Thanh Niên ngày 2/2/2019

Năm nay, 2020, cũng nhân ngày kỷ niệm thành lập đảng Cộng sản, báo Đầu tư đăng lại bài viết đã dẫn… chỉ cần sửa đối năm 2019 thành 2020. Đó là một nguyên tắc tối kỵ của báo chí. Thứ nhất, báo đã không tôn trọng người viết, tự ý sửa đổi ngày tháng.

Nếu như báo đã có thỏa thuận với tác giả thì phần lỗi thuộc về người viết đã không lên tiếng làm rõ vấn đề. Có người bình luận việc “tái sử dụng” bài này một năm về trước là “vô minh” đối với tác giả. Còn nếu Đầu tư tự ý đăng bài viết này thì báo phải nợ một lời xin lỗi với cả tác giả lẫn người đọc.

Thứ nhì, báo đã không trung thực với người đọc vốn cần thông tin và thời điểm chính xác. Ba nguyên tắc “Nhanh, Đúng và Trúng” là điều mà bất cứ tờ báo nào, dù “lề trái” hay “lề phải”, cũng phải tôn trọng và thực hiện.

Ngoài ra, cách đặt tựa của Đầu tư cũng gây nhiều tranh cãi qua hai chữ “dân tộc”. Người đọc tự hỏi làm sao lại có thêm một “dân tộc” bên cạnh 54 dân tộc vốn có của Việt Nam. Cũng có thể chấp nhận được nếu từ ngữ “dân tộc” được để trong ngoặc kép với hàm ý bổ xung cho 54 dân tộc có yếu tố con người hữu hình, khác hẳn Đảng là một thực thể vô hình!




Nhân đây cũng xin nhắc lại một “cơn bão” khác mà Đầu tư cũng là tác nhân “gieo gió”.  Năm 2006, tờ báo có bài viết “Không thể tung hô” của Nguyễn Lưu, một nhà báo (kiêm nhạc sĩ) của Đầu tư “mạnh miệng” tuyên bố ông không thể nào “tung hô” Phạm Duy. Ngay từ đoạn mở đầu, nhà báo viết:

“Có thể nói, một trong những niềm tự hào, tự tôn của dân tộc Việt Nam là triết lý "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại". Tuy nhiên, "không đánh kẻ chạy lại" cần được hiểu thêm rằng, kẻ chạy lại là ai, và "không đánh" có nhất thiết đồng nghĩa với việc xem người ấy là thần tượng, là nhân vật tiêu biểu để đón rước trọng thể...?  Tôi muốn nói đến trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy, người mới được xưng tụng sau đêm nhạc "Ngày trở về".


“Đất nước đang đổi mới, chúng ta chấp nhận việc khép lại quá khứ để xây dựng tương lai, nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc bỏ quên tất cả, từ những hy sinh gian khổ đến những bài học máu xương... Chúng ta cũng không quên tổ tiên ta luôn tỏ rõ nghĩa khí, quyết không sợ xâm lăng và cũng không trù dập kẻ thất trận. “Tù binh giặc còn được cấp lương, thuyền để chúng ra đến bể chưa thôi trống ngực" hay "về đến nhà còn đổ mồ hôi" (Cáo bình Ngô). Nhưng cái khái niệm ân nghĩa bốn bể ấy cũng có những nguyên tắc và với trường hợp của Phạm Duy, chúng ta lại càng cần phải hiểu cho rõ ngọn nguồn”.

(hết trích)

Nhạc sĩ Phạm Duy tự nhận là “người hát rong”

Bài báo đã khiến người yêu thích âm nhạc phải “nhíu mày” cũng như “buồn cười” vì những lập luận vừa ngô nghê pha lẫn ấu trĩ:

"Đỉnh cao" sự nghiệp chống Cộng của Phạm Duy là bài ‘Mùa thu chết’ [?]. Ở đó, tác giả đã công khai tư tưởng chống Cộng của mình. Ông ta đã từ bỏ tình yêu với Tổ quốc bằng một bút pháp thật sâu cay, đểu giả và ít ai quên cái mùa thu trong ca khúc ấy chính là Cách mạng mùa thu, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Khi đất nước bị chia cắt, Phạm Duy đã vào Nam theo chính quyền Ngô Đình Diệm, lần lượt đi sâu vào con đường chống Cộng và lên đến chức Bộ trưởng Văn hóa [?]. Nhưng, sự nghiệp âm nhạc của ông ta vẫn càng lún vào "vũng bùn" phản quốc. Bài ‘Ru con’ đã thay câu cuối cùng bằng “Mấy đời Cộng sản biết thương dân mình”. Nhạc tuổi xanh đã bị biến chất để đi ngược lại điều đã ấp ủ của cả một thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam đang lên đường đổi cả sinh mạng lấy tự do, độc lập. Và để khẳng định mình, Phạm Duy liên tiếp cho ra đời những tác phẩm vừa chống Cộng, vừa bệnh hoạn”.

Vụ “lùm xùm” về Phạm Duy đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Công ty Phương Nam, đơn vị tổ chức biểu diễn đêm nhạc ‘Ngày trở về’ và đồng thời là người mua bản quyền khai thác các tác phẩm hợp pháp của nhạc sĩ Phạm Duy… cũng vào cuộc.

Phương Nam đã gửi văn bản đến các cơ quan thẩm quyền, từ Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Cục Bảo vệ An ninh Văn hóa Tư tưởng xuống đến Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ban biên tập báo Đầu Tư cùng các cơ quan thông tin đại chúng khác.

Tập nhạc “Ngày trở về” do Nhà xuất bản Trẻ và Công ty Phương Nam phát hành

Như đã nói ở phần trên, tôi là người viết cho báo Vietnam Investment Review nhưng VIR lại cũng là người “khai sinh” ra báo Đầu tư. Thế cho nên, ở một mức độ nào đó, cả hai tờ báo ngày xưa có những mối liên quan không thể tách rời được.

Hy vọng bài viết “Đầu tư… từ đâu” nói lên được phần nào những uẩn khúc đằng sau mối quan hệ này!

***

* Tham khảo thêm các bài viết:

- “Một thời làm báo tiếng Anh”: https://chinhhoiuc.blogspot.com/2017/08/mot-thoi-lam-bao-tieng-anh.html 

- “Nguyễn Lưu ‘không thể tung hô’ Phạm Duy”: 
https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/nguyen-luu-khong-tung-ho-pham-duy.html

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts