Dù
không phải là một người chuyên về… “Đà Lạt
Học” nhưng tôi đã viết khá nhiều về vùng cao nguyên Lâm Viên (hay còn gọi
là Langbiang), nơi có độ cao trung bình 1.500 mét so với mực nước biển.
Vào
cuối thế kỷ 19, khi tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho
người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer đã quyết định chọn cao nguyên
Lâm Viên theo đề nghị của bác sĩ Alexandre Yersin, người từng thám hiểm nơi đây
vào năm 1893.
Leo đỉnh Langbiang (1994)
Các
bạn sẽ tham khảo những bài viết về Đà Lạt ở phần cuối, tôi chỉ xin kể ra đây những
bài viết điển hình, chẳng hạn như “Đà Lạt
sương mù: Quê hương thứ hai” là chuyện một chú bé rời Hà Nội vào Đà Lạt từ
năm 1953 (trước cuộc di cư năm 1954) trên bước đường theo bố phục vụ trong lực
lượng Ngự Lâm Quân của vua Bảo Đại.
Trong
“Đà Lạt sương mù: Đất lành chim đậu” người
đọc có dịp tìm hiểu cuộc sống của người Đà Lạt xưa theo những gì mắt thấy tai
nghe và trong “Đà Lạt sương mù: Năm tháng
ngao du” kể lại sự trở về Đà Lạt năm cuối cùng thời Trung học sau một thời
gian lưu lạc đến xứ Ban Mê.
Cũng
có bài viết “Hồi ức về một người thân” kể lại kỷ niệm những ngày học hành ở Đà Lạt
dưới sự dạy kèm tại nhà của ông anh lớn tuổi. Tôi đã học “nhảy”, có nghĩa là từ
lớp Ba sang lớp Năm mà không ngồi ở lớp Tư để thi Tiểu học.
Đà Lạt sương mù
Những
bài viết trong quá khứ là tâm sự của một người Đà Lạt, hồi tưởng đến những kỷ
niệm khó quên, từ thuở thiếu thời, một quãng đời kéo dài từ những ngày còn đi học
cho đến khi vào lính. Giờ thì tóc đã điểm sương nhưng trong đầu vẫn còn những
hình ảnh của một Đà Lạt xa xưa.
Tôi
nghĩ bài viết này với tiếng gọi thống thiết “Thôi
rồi… Đà Lạt ơi!” sẽ là bài cuối cùng về vùng cao nguyên Lambiang của ngày
nào. Tại sao ư? Mai này Đà Lạt sẽ không còn là địa điểm nghỉ mát của những người
đi tìm một nơi bình yên cho cả tâm hồn lẫn cuộc sống. Vì có đi đâu cũng chỉ thế
thôi, làm sao tìm lại một Đà Lạt của ngày nào.
Rồi
bạn sẽ thấy một Đà Lạt “văn minh, hiện đại”
với những tòa building bê-tông cốt thép
đứng ngạo nghễ giữa thành phố mà hồi xưa được mệnh danh là “Paris Nhỏ”. Cũng giống như những thành phố “tân tiến” khác của Việt
Nam ngày nay như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… bạn sẽ gặp một Đà Lạt “đổi mới” từ vật
chất đến tinh thần!
Khu Hòa Bình và Chợ Đà Lạt (Ảnh: Bill Robie, 1968)
Ngày
16/3/2019, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã bất ngờ công bố quyết định của tỉnh, cái gọi
là, “quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị”
của khu trung tâm Hòa Bình đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo
bản đồ tỷ lệ 1/500, trung tâm Hòa Bình, có diện tích 39 ha, thuộc phường 1. Cụ
thể, khu này bao gồm chợ Đà Lạt và đường Nguyễn Thi Minh Khai (6,95 ha); khu
trung tâm Hòa Bình (3,37 ha); khu đồi Dinh (4,43 ha); khu chỉnh trang đô thị
(9,19 ha) và khu vực ven Hồ Xuân Hương (6,06 ha).
Quan
trọng hơn cả là rạp hát Hòa Bình và Dinh Tỉnh trưởng sẽ bị dỡ bỏ, di dời nguyên
khối để thực hiện các công trình nằm trong đồ án với ý tưởng chủ đạo trong quy
hoạch chung của Đà Lạt: “Thành phố trong
rừng – Rừng trong thành phố”!
Chợ cũ Đà Lạt (1945)
Chợ
Đà Lạt cũng có một lịch sử gian truân như thân phận nàng Kiều. Khởi đầu là “Chợ
Cây” năm 1929 tại khu vực ngày nay là khu Hòa Bình. Năm 1937, một vụ hỏa hoạn
đã xảy ra và người ta xây dựng một chợ bằng gạch để thay thế “Chợ Cây”.
Khi
tôi đến Đà Lạt vào năm 1953, “Chợ Gạch” đã dời vào địa điểm “Chợ Tạm” cách đó
chỉ vài trăm mét. Tôi còn nhớ rất rõ, chợ tạm lợp tôn ở dưới chân đồi. Đây cũng
là nơi mỗi buổi trưa từ trường Nam tiểu học Đà Lạt tôi thường ra sạp bán mũ dạ
của mẹ vì nhà ở gần Trại Hầm, cách khoảng 3 cây số.
Cũng
tại ngôi chợ tạm này tôi thường được ăn các món quà chợ như bún cà ri của một
ông già râu tóc bạc phơ, nhìn tướng thật dữ dằn nhưng ông lại có tính hay pha
trò dí dỏm. Còn có món mì quảng của một bà mặc áo dài quảy đôi quang gánh đi khắp
chợ. Người Đà Lạt xưa đa số là người Miền Trung nên còn giữ phong cách áo dài của
mấy o, mấy mệ khi ra chợ.
Mãi
đến năm 1958, một ngôi chợ ba tầng lầu mới được xây dựng, đây cũng là “Chợ Lầu”
đầu tiên tại Việt Nam. Chợ được xây dựng trên một vùng đất sình lầy trồng
xà-lách-son (cresson) mà người Đà Lạt gọi là “ruộng xà-lách-son”. Chợ do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế,
nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu thi công và được hoàn thành năm 1960.
Về
sau, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ tham gia chỉnh trang chợ Đà Lạt, đặc biệt là việc
thay đổi mặt tiền, thiết kế bổ sung cầu nổi bằng béton dẫn vào hông chợ, khu
công viên trước chợ và các dãy phố lầu xung quanh chợ.
Ngôi chợ ba tầng lầu đang trong giai đoạn thi công
Rõ
ràng Khu Hòa Bình là trung tâm của Đà Lạt với một ngọn tháp đủ cao để khi người
ta vượt qua dốc chợ giữa hai hàng cây anh đào có thể thấy ngay trước mắt. Đó
cũng là trái tim của Đà Lạt với mặt tiền là rạp hát Hòa Bình.
Rạp
hát Hòa Bình là nơi tôi còn nhớ mãi với kỷ niệm đứng trên sân khấu cùng ban nhạc
trường Trần Hưng Đạo trong một buổi văn nghệ liên trường. Chúng tôi biểu diễn
những bản nhạc theo phong cách “The Shadows” qua những bài như Apache, Man of
Mystery.
Hội
trường Hòa Bình cũng là nơi một anh học trò “vô
danh tiểu tốt” Từ Công Phụng đứng hát những bài như “Bây giờ tháng mấy”, “Mùa thu mây ngàn” do chính anh sáng tác. Họ Từ
là một học sinh người Chàm ở Ninh Thuận, lên Đà Lạt học năm Đệ Nhất tại Trần
Hưng Đạo. Anh là người ít nói, hiền lành nên các bạn đều quý mến.
Hội
trường Hòa Bình là nơi Phụng đứng hát lần đầu trong đời và Đài phát thanh Đà Lạt
mang tiếng hát của anh về đến Sài Gòn. Chỉ một năm sau, Từ Công Phụng trở thành
một nhạc sĩ được giới trẻ ưa thích trong suốt thập niên 60-70.
Cũng
từ Đà Lạt, “nữ hoàng chân đất” Khánh
Ly cất tiếng hát và cặp song ca Lê Uyên Phương chinh phục giới trẻ với phong
cách tương tự như “Sonny & Cher” bên trời Tây. Phải nói, Đà Lạt là một cái
nôi ươm mầm văn hóa, văn nghệ và Café Tùng là một địa điểm gặp gỡ của giới văn
nghệ sĩ.
Ban nhạc trường Trần Hưng Đạo – Vĩnh Anh, Huỳnh Bá Tuệ
Dương, Nguyễn Ngọc Chính (1965)
Trong
hai địa điểm phải bị dỡ bỏ, Dinh Tỉnh Trưởng ít nổi tiếng hơn Khu Hòa Bình. Đối
với tôi, một người đã có một thời gắn bó với Đà Lạt, điều này cũng dễ hiểu. Tòa
nhà hai tầng được người Pháp xây dựng từ năm 1910 và sau đó được sử dụng vừa
làm nơi ở cũng như làm việc của Tỉnh trưởng Tuyên Đức trước đây.
Ít
người để ý vì đây là cơ quan công quyền, chỉ những người có việc phải đến mới
nhận ra vẻ uy nghi của tòa nhà. Sau năm 1975, có thời gian Dinh được sử dụng
làm Bảo tàng Lâm Đồng, nhưng không hiểu vì lý do gì mà sau đó bị bỏ hoang.
Năm
2011, tỉnh Lâm Đồng có chủ trương giao cho một nhà đầu tư tôn tạo công trình để
khai thác kinh doanh, tuy nhiên cũng không đem lại hiệu quả, toà dinh thự tiếp
tục bị bỏ hoang, trở thành nhà kho chứa đồ đạc.
Thật
ra dinh thự này đã chìm dần vào quên lãng và chỉ khi có quy hoạch tháo dỡ người
ta mới bắt đầu chú ý đến. Âu đó cũng là tâm lý người đời: chỉ khi nào biết sẽ bị
mất người ta mới thấy quý!
Dinh Tỉnh Trưởng ngày
nay sau hơn 100 năm hiện hữu
Có
hai luồng ý kiến trái ngược nhau giữa việc bảo tồn hay dỡ bỏ những di sản. Những
người chủ trương dỡ bỏ có cái lý của họ khi nghĩ đến hình ảnh một Đà Lạt trở
thành một thành phố năng động với các tiện nghi của thời kỳ hiện đại.
Hình
như người ta quên rằng Đà Lạt là một thành phố du lịch với khí hậu mát mẻ và địa
điểm lịch sử hấp dẫn đối với cả những khách trong và ngoài nước. Du khách sẽ
không tìm đến nơi đây vì những trung tâm thương mại mới xây dựng vì đó là những
hình ảnh họ có thể tìm thấy ở những thành phố nổi tiếng khác.
Chi
bằng, một mặt ta cứ hài lòng với những gì mình có, mặt khác nâng cao trình độ
quản lý và điều hành du lịch để thu hút khách phương xa. Cũng cần nói thêm, sự
hợp tác của cư dân địa phương là một trong những yếu tố quyết định sự thành
công trong việc thực hiện những chính sách du lịch thuận lợi cho toàn tỉnh. Vì
đó là “nồi cơm chung” cho toàn thành
phố.
Đà Lạt ngày xưa lúc bình minh ló dạng
Tin
mới nhất cho biết, Phó chủ tịch hội Kiến trúc sư Lâm Đồng đã tuyên bố đồ án quy
hoạch cho thành phố Đà Lạt mới chỉ là “gợi
ý” và “vẫn có thể chỉnh sửa được”.
Kiến trúc sư Lê Tứ cho biết:
“Khi quy hoạch Đà Lạt
mở rộng, trong đồ án chung có xác định vùng lõi cho Đà Lạt cũ, trong đó có khu
trung tâm Hòa Bình. Theo quy định pháp luật phải làm từ quy hoạch chung đến quy
hoạch chi tiết, phạm vi trung tâm này đã được xác định, cần rà soát, xem xét lại,
chỉnh trang để đáp ứng nhu cầu mới dưới sự kiểm soát của cơ quan chuyên ngành”.
Cái
mà người dân lo ngại là “kiến trúc kiểu
nhà kính” của một trung tâm đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải
trí hãy còn quá xa lạ và không phù hợp với hiện trạng của Đà Lạt. Có nên đặt kiến
trúc này vào vị trí của rạp hát Hòa Bình hiện tại hay không?
Người
dân cũng đồng quan điểm khi cho rằng Dinh Tỉnh Trưởng là một công trình có giá
trị về mặt kiến trúc cũng như lịch sử. Việc thay thế tòa nhà này bằng một khối
khách sạn sẽ trở nên quá xa lạ với kiểu… “mái
úp tròn”. Có nên thực hiện việc hoán đổi này hay chăng?
Dân
gian ta có câu cảm thán “Thôi rồi Lượm
ơi!” để chỉ lời than khi mọi chuyện xảy ra không như ý mong muốn. Xin đừng
biến câu nói này thành “Thôi rồi… Đà Lạt
ơi!”.
***
Tham
khảo:
·
Bài
viết “Đà Lạt sương mù: Năm tháng ngao du”:
chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/a-lat-suong-mu-nam-thang-ngao-du.html
·
Bài
viết “Hồi ức về một người thân”: chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/hoi-uc-ve-mot-nguoi-than.html
·
Bài
viết “Tiếng còi tầu thời thơ ấu”: chinhhoiuc.blogspot.com/2018/12/tieng-coi-tau-thoi-tho-au.html
·
Bài
viết “Đà Lạt sương mù: Quê hương thứ
hai”: chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/a-lat-suong-mu-que-huong-thu-hai.html
·
Bài
viết “Đà Lạt sương mù: Đất lành chim đậu”:
chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/a-lat-suong-mu-at-lanh-chim-au.html
·
Bài
viết “Ai lên xứ hoa đào…”:
chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/ai-len-xu-hoa-ao.html
·
Bài
viết: “Đôi điều về Đà Lạt sương mù”:
chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/oi-ieu-ve-lat-suong-mu.html
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét