Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Học trò thời xưa

Không biết nên gọi cuốn sách “Tuấn chàng trai nước Việt” là tiểu thuyết hay hồi ức. Ngay phần mở đầu sách, tác giả Nguyễn Vỹ đã khẳng định: “Bộ sách này không phải một tiểu thuyết. Cũng không phải là một ký ức cá nhân…”. Cuốn sách được viết năm 1959 tại Sài Gòn và dựa vào bối cảnh đất nước trong hai thập niên 1900-1910 với nhân vật chính là Tuấn.

Tên cúng cơm của Tuấn là Chuột. Đến khi đi học, Chuột được thầy giáo đặt tên là Trần Anh Tuấn và với tư cách của một nhân chứng thời đại, Tuấn thuật lại một cách vô tư, khách quan và chân thật những diễn biến của đất nước khi người Pháp đến Miền Nam.

Tác phẩm “Tuấn chàng trai nước Việt” – Nguyễn Vỹ (1959)

Vào đầu thế kỷ 20, chữ Hán còn rất thịnh hành, chữ quốc ngữ được rất ít người học, thậm chí còn chê bai. Năm 1910, thằng Chuột khi đó mới 9 tuổi, đã vào học Lớp Năm (lớp Một ngày nay) để bắt đầu học chữ quốc ngữ tại một tỉnh ở miền Trung.

Vào thời đó, những đứa con nít như Chuột đều sợ hãi mỗi khi gặp “ông Tây, bà Đầm”. Chúng chạy trốn vô nhà và chỉ ló đầu ra nhìn khi họ đã đi qua! Nguyễn Vỹ còn đưa ra hai nhân vật: cậu Bốn, một thanh niên thuộc loại đẹp trai nhất xóm, anh đem lòng thầm yêu trộm nhớ cô Ba Hợi. Chuột nói với bạn (tên Đít) về cậu Bốn:

“- Ảnh sợ Tây vậy, chớ hôm trước gặp cô Ba Hợi con gái ông Bá Hộ đi chợ về, ảnh cứ đeo theo chọc hoài, không sợ đâu mầy ơi! Cô Ba không thèm nói gì hết, để cho ảnh cứ đi theo cho tới gần ngõ cổ mới quay lại bảo ảnh: "Nhà tôi có con chó dữ lắm, cậu đừng xớ rớ đây, tôi xịt nó ra cắn thì chịu đấy". Vậy mà anh Bốn cũng không sợ con chó Vện của cô Ba Hợi, mầy ơi!
- Ảnh cứ đứng ngoài ngõ hả?
- Ừ, mầy biết ảnh mê cô Ba Hợi lắm. Mẹ tao nói thế đó. Tại cô Ba Hợi có nhan sắc hơn hết thẩy ở đây.
- Cô Ba Hợi có xịt chó ra cắn ảnh không?
- Không. Nhưng không biết cổ có méc với ông Bá Hộ làm sao mà ông cầm cây roi mây chạy ra ngõ... Anh Bốn thấy cái roi của ổng, sợ quýnh cắm đầu cắm cổ chạy thẳng một mạch về nhà, mầy ơi…(hết trích)

Một lớp học vùng ven

Ở xóm Cửa Bắc, chỉ có thằng Chuột là đi học “Trường Nhà Nước” vào năm 1910. Nói một cách nôm na, Chuột thuộc loại “Lắc-léo-mê-dòng-lô”, được phiên âm từ tiếng Tây “bồi”: “L'élève maison l'eau”, ám chỉ “Học Trò Nhà Nước”.

Số là thầy giáo cứ đến nhà thằng Chuột, thuyết phục cha mẹ nó cố xin cho nó đi học. Thầy còn đem cho nó một xấp “giấy tây” thật trắng, một quyển vở ngoài bìa có in hình “Bà Đầm xoè” thật đẹp, một cây bút, một ngòi bút, một bình mực, một cây thước, một cây bút chì và một cục “gôm”.

Tuy thầy giáo đã dụ dỗ nó ba lần bảy lượt, mà thằng Chuột cứ nhất định không đi học Trường Nhà Nước, nó muốn học “chữ ta” tức là chữ Nôm. Sau cùng, một hôm thầy giáo đến hăm dọa cha mẹ nó: "Chú thím không cho thằng Chuột đi học thì Quan Tây bỏ tù, đừng có trách tôi, nghe không?".

Thầy giáo cũng thú thật rằng thầy được lịnh Quan Đốc và Quan Sứ bảo phải đi kiếm con nít tới học cho đông vì Trường Nhà Nước chưa có học trò. Mấy ngày đầu Tuấn chỉ muốn trốn học, vì thầy giáo bắt học “chữ Quốc Ngữ” ABC. Chuột thấy kỳ cục quá… không giống những chữ “Thiên trời, Địa đất, Thất mất, Tồn còn, Tử con, Tôn cháu, Lục sáu, Tam ba...”.

Thầy giáo bắt nó học “Ba, Bă, Bâ, Bi…”, nó vừa học vừa tức cười. Nó mắc cở, nhưng vì nó sợ ba mẹ nó bị bắt bỏ tù nên nó phải đi học. Trường tỉnh mà vẫn ít học trò, lớp Năm mà chỉ có 7 đứa, lớp Tư cũng 7 đứa, lớp Ba 6 đứa. Lớp Nhì, lớp Nhất chưa có trò nào.

Thầy giáo bảo thằng Chuột về nhà dụ những đứa trẻ khác đi học, Nhà Nước phát cho giấy bút, mực, khỏi phải mua, lại còn phát cho nó một cái mũ trắng nữa. Nó rủ thằng Đít, con chú thợ mộc, nhưng thằng Đít không chịu đi. Thằng Đít nhất định ở nhà học chữ “Thánh Hiền”. Cha nó, chú thợ mộc, muốn thế.

Trong tháng đầu, mỗi lần thằng Chuột đi học là nó cứ khóc tuy nó đã 9 tuổi rồi, cái chởm tóc trên đỉnh đầu đã dài xuống đến ót. Nhưng học được một năm, nó biết chút ít “tiếng Tây”.

Dân Cửa Bắc đồn rùm lên là thằng Chuột giỏi tiếng Tây lắm, mới học một năm mà đã nói được chữ Tây. Nó vô tình trở thành người quảng cáo chữ Tây và Trường Nhà Nước cho cả dãy phố Cửa Bắc. Nhờ nó mà tháng 9/1910, sau kỳ nghỉ hè trường có thêm khá đông học trò.

Thầy đồ và lớp học chữ Nho

Trường hợp của cậu Bốn khác hẳn với chuyện đi học của thằng Chuột. Cậu nhất định chê chữ Tây không có nghĩa lý cao thâm bằng chữ Ta. Vả lại, cậu đã 18 tuổi rồi, chữ Hán cậu đã giỏi, đã thuộc hết “Tứ Thư Ngũ Kinh”, còn học chữ Quốc Ngữ và tiếng Tây làm chi nữa?

Không dè rốt cuộc cậu cũng phải học chữ Quốc Ngữ. Nguyên do là tại cô Ba Hợi, con gái ông Bá Hộ ở bến Tam Thương. Không biết ai bày vẽ cho cổ từ hồi nào, mà cô ở nhà đã học chữ Quốc Ngữ, thuộc vần xuôi, vần ngược, bắt đầu đánh vần và viết được rồi.

Cô đi chợ, mua một đồng tiền bột phẩm tím về nhà bỏ trong một cái ve, đổ nước sôi vào, hoà thành ra mực. Cô đến một tiệm lớn của khách trú mua một “manh giấy Tây” giá là một tiền, cô bọc lá chuối thật kỹ, cho khỏi nhớp. Cô cũng mua một cán bút, một ngòi bút.

Những lúc rảnh, cô tập viết chữ Quốc Ngữ một mình. Kể ra ở tỉnh cô Ba Hợi là một cô gái tân tiến nhất lúc bấy giờ trong giới phụ nữ, nghĩa là chỉ có mình cô là con gái học chữ Quốc Ngữ mà thôi. Cô phải học lén ở nhà với một ông thầy vì sợ chúng bạn ngạo.Một hôm cô Ba đi chợ, tình cờ gặp lại cậu Bốn Thanh, khăn đeo áo dài với cái búi tóc trên đầu mà lại… đi chưn không. Đến chỗ vắng, chàng thanh niên chận cô Ba Hợi giữa đường để tán tỉnh. Nguyễn Vỹ tả lại cách tán gái của chàng thanh niên Nho học:

- Cô Ba ơi! cô nỡ lòng nào chê bai kẻ tiện sĩ này sao? Tôi không thấy mặt cô mộtngày thì nhớ cô lòng thắt ruột đau. Sách có chữ “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề”,mà cô không thương xót tôi sao đành! Cô ơi, sách lại có chữ “Xuân bất tái lai”, thì giờ chạy mau như bạch câu quá khích, hay là cô còn chọn đá thử vàng mới kết duyên TầnTấn?

Cô Ba đội nón, còn cúi mặt xụp xuống nữa, không dám ngó cậu Bốn, nhưng cô la lớn: “Cậu không để tui đi, tui la làng la xóm bây giờ đây”.

Câu Bốn sợ cô Ba la làng, nên phải đứng né qua một bên để cô Ba đi, nhưng cậucứ lẽo-đẽo theo sau nói lải-nhải hoài. Cô Ba làm thinh không trả lời một tiếng. Tối hômấy, dọn dẹp bếp núc xong, cô lấy một tờ giấy Tây, bình mực tím và cây viết… cổ vừađánh vần Quốc Ngữ, vừa viết thật kỹ:

“CẬU BỐN

“Chừng nào cậu đọc được bức thư này, thì tôi mới nói chuyện với cậu. Còn cậu không đọc được thư này, thì cậu đừng có nói chuyện với tui mất công. Thư bất tận ngôn.

Nguyễn Thị Hợi”

(hết trích)

Học trò thời Pháp thuộc

Hôm sau, cô Ba đi chợ, dắt thằng em trai 6 tuổi đi theo. Đi khỏi nhà được một quãng, gần chỗ ngã tư rẽ ra Cửa Bắc, cô gặp cậu Bốn Thanh đứng câu cá nơi mương. Cậu giả vờ câu cá mà thực ra là mong được gặp cô Ba đi chợ như mọi ngày.

Cô thò tay trong yếm (năm 1910, cô Ba mặc yếm cũng như đời nay mặc coóc-xê), cô rút ra phong thư bằng giấy Tây mà cô đã viết đêm qua. Cô đút thư trong bàn tay của đứa em trai và nói thầm gì với nó. Cô bước đi thật nhanh, để em đứng lại sau đưa thư cho cậu Bốn Thanh. Nó sợ sệt nói ấp úng: “Chị tui đưa cho chú cái này nè”.

Chàng trai vui mừng cầm giấy thì đứa bé đã chạy thật lẹ để theo kịp chị nó. Chàng mở giấy ra coi, đứng tần ngần một lát, mắc cở đỏ mặt tía tai… vì chàng không biết chữ Quốc Ngữ. Chàng không đọc được bức thư của cô Ba Hợi, tức quá, không biết là cổ viết gì?

Thế là chàng nhất định phải tìm người dạy chữ Quốc Ngữ. Thầy giáo chỉ cho chàng học A,B,C, Ba, Bă, Bâ... không ai xa lạ: chính là thằng Chuột! Thằng Chuột thật là quái ác. Thanh đã dặn nó đừng tiết lộ cho ai biết câu chuyện “bức thư quốc ngữ” của cô Ba Hợi, thế mà thằng nhỏ lại đi mách lẻo cùng cả dãy phố, làm cho ai nấy ôm bụng cười.

Từ hôm đó, cả ngày Thanh không dám bước chân ra phố. Chàng lén đưa tiền bảo thằng Chuột mua dùm giấy, bút và mực để nó cứ tối tối đến dạy cho chàng học chữ Quốc Ngữ. Thằng Chuột đã học hết vần xuôi vần ngược, và đã tập viết, tập đọc, ba tháng sau khi đến trường nên nó đủ sức dậy lại cậu.

Tuy nhiên, thân sinh của cậu Bốn là ông Xã không bằng lòng. Một hôm ông rầy con với giọng bực tức: “Mầy đã 18 tuổi, thằng Chuột 9 tuổi mà nó làm Thầy mầy, thiệt ốt nhột quá”. Ông còn nói, học A.B.C. đó là “chữ Tây” chứ đâu phải “chữ Ta”.

Cậu Bốn giải thích đó là chữ Tây nhưng đánh vần thành ra… chữ Ta. Thí dụ như muốn viết chữ "cha", thì đánh vần ch.a.cha.. Chữ "mẹ" thì đánh vần m-e-me-nặng-mẹ. Cuối cùng, vì sợ ba rầy, cậu nói với Chuột là cậu đã đánh vần được chữ quốc ngữ nên từ nay khỏi đến dạy nữa.

Thầy giáo dạy môn địa lý

Biết quốc ngữ nên để trả lời cho người đẹp, chàng thanh niên tên Lê Văn Thanh đã viết một bức thư dài hai trang giấy tây với chữ thật to.. vì mới tập viết! Và thế là chuyện tình của Lê Văn Thanh – Nguyễn Thi Hợi đã tiến tới một đoạn kết… có hậu.

Cả khu phố Cửa Bắc, và cả làng Chánh Lộ, ở ngay tỉnh lỵ, không ai ngờ cậu Bốn Thanh học trò chữ Nho của ông Tú Phong, bây giờ lại cắp vở đến Trường Nhà Nước học chữ Tây. Ai hỏi tại sao thì cậu trả lời: “Tại Nhà Nước Đại Pháp bắt buộc, khôngđi học thì bị tù”.

Thật tình cô Ba Hợi yêu cậu Bốn Thanh, nhưng cô chỉ bằng lòng làm vợ của cậu với một điều kiện là người yêu của cô phải đi học chữ Tây ở trường Nhà Nước, phải thi đậu làm thầy Thông, thầy Ký.

Chàng Thanh đã 18 tuổi bắt đầu vào học lớp Năm! Nhưng chàng không ngượng, vì thời bấy giờ theo học chữ Hán học trò toàn là 17, 18 sắp lên. Tụi con nít như thằng Chuột chưa phải là học trò chánh hiệu. Vả lại, Trường Nhà Nước mới mở, học trò còn hiếm lắm.

Chân dung một học trò

Ngày nhập học, Lê Văn Thanh, vẫn để búi tóc trên đầu, vẫn bịt khăn đen, mặc áo dài đen, chân mang guốc, cặp hai quyển vở và cây bút sắt, cây bút chì, thước gạch, bình mực tím, bẽn lẽn đến trường. Đây là một ngôi trường lợp tranh, vách tường bằng phên tre quét vôi, nền tô xi-măng. Ông Đốc là người Việt Nam nói:

“Trưa nay về nhà, trò phải cúp tóc ca-rê, bỏ cái búi tóc kia đi và đừng bịt khăn... Chiều nay cậu cúp tóc rồi Nhà Nước sẽ cho cậu một cái mũ trắng để đội”.

Ba cậu phản đối kịch liệt, ông nói: “Làm con, có cái búi tóc ở trên đầu để thờ Cha kính Mẹ mà cắt bỏ đi, thì còn gì là Cha con, Mẹ con nữa!... Mầy mà nghe lời người ta cắt bỏ cái búi tóc là tao nhẩy xuống giếng tao tự tử!”

Ông Xã khóc, bà Xã khóc, chàng thanh niên Lê văn Thanh cũng khóc, nhưng rốt cuộc cái búi tóc trên đầu chàng cũng phải cắt bỏ đi, tóc phải cúp "carré" vì Quan Đốc học trường Nhà Nước đã truyền lịnh như thế.

Nhưng năm 1910, tận nơi tỉnh lỵ ở Trung Việt, chỉ mới có một vài người làm nghề hớt tóc. Chú Bảy theo ghe nước mắm vào Đồng Nai học nghề cúp tóc trước đó một vài năm. (Lúc bấy giờ các tỉnh Trung Việt, người ta vẫn gọi Sài Gòn là Đồng Nai, danh từ Saigon chưa được thông dụng).

Chú mua kéo, toon-đơ, dao cạo, cũng ở tại Đồng Nai, đem về mở tiệm cúp tóc ở tỉnh lỵ.Nói là mở tiệm, nhưng chú chỉ thuê một xó hè của một tiệm buôn khách trú, đặt mộtcái bàn con, một chiếc ghế đẩu, và treo một tấm kiếng trên vách tường. Thế là đủ chochú hành nghề.

Chú treo tấm vải trắng phía ngoài đường, trên vải chú viết bằng mực Tàu, một chữ Tây "COIFFEUR" và chua ở dưới hai chữ Hán (Thế Phát: Cắt Tóc). Chữ Quốc Ngữ vì chưa được truyền bá, ít người biết, nên chú thợ hớt tóc chỉ viết quảng cáo bằng chữ Hán và chữ Tây. Chú để chữ Tây cho oai, bắt chước chữ Tàu học lỏm trong Đồng Nai, và thỉnh thoảng chú còn nói với mấy bác lính tập: "Tui làm cốp phơ cho quan Công Sứ".

Cậu Thanh tình thật đến nhờ chú Bẩy đem đồ nghề qua nhà cúp tóc vì ông già còn phải cúng ông bà để cho cắt tóc. Chú Bẩy cốp phơ gật đầu lia lịa. Chú còn nói cái búi tóc trên đầu mình là của ông bà cha mẹ. Cắt nó đi là có tội, cho nên phải cúng ông bà.

Chú “cốp phơ” gói đồ nghề đến nhà ông Xã. Trên bàn thờ có bầy một hộp trầu cau, một nải chuối chín và một con gà luộc. Một mâm gỗ lớn đựng mười chén cháo và mười đôi đũa, đặt trên bộ ván kê trước bàn thờ. Ông Xã thắp đèn hương, đứng khấn vái hồi lâu. Ông khấn như sau:

“Bữa nay, thằng con bất hiếu Lê văn Thanh, tuân lệnh Quan, phải cắt tóc để đi học trường Nhà Nước, nên có lễ vật để cáo với liệt vị tiền nhân, các bậc Cao tằng Tổ khảo với Tổ phụ, Tổ mẫu, chứng giám. Xin vong linh liệt vị phù hộ cho con cháu, để nó học hành, công danh hiển đạt” 

“Coiffeur” ngày xưa

Mỗi năm Thanh đều lên lớp, đến năm 22 tuổi anh học hết lớp Nhất, được đi thi “Khoá Sanh”, nói theo tiếng Pháp là thi “Ri me” (Primaire). Thi “Ri me” rất khó vì có ông Tây chấm thi, và hầu hết các môn thi bằng chữ Tây.

Lê văn Thanh bây giờ đã hoàn toàn là một cậu học trò “Trường Pháp Việt”, học chữ quốc ngữ, chữ Tây, nói tiếng Tây, tuy chưa phải là thứ tiếng Tây đúng đắn, nhưng cũng cứ nói được, hiểu được khá nhiều để có thể bập bẹ đối đáp với “ông Tây bà Đầm”.

Một tuần lễ sau khi tuyên bố kết quả kỳ thi “Ri me” năm 1915 là ngày cậu Khoá Lê Văn Thanh được “vinh quy bái tổ” về làng. Tám giờ sáng, cậu mặc áo dài đen mới may bằng “vải trăng đầm”, mang đôi guốc, đội mũ trắng, được quan Đốc học dẫn đến chào Quan Công Sứ Pháp và Quan Tuần Vũ.

Trước cổng dinh Quan Tuần, chức sắc và dân làng sở tại đã về tựu rất đông với cờ quạt, trống chiêng, và một chiếc xe kéo gỗ, bánh bọc bằng niềng sắt. Lúc bấy giờ, từ khoảng năm 1910 đến 1920, chưa có bánh xe bằng cao su.

Ông Xã phải giết một con bò và một con heo để đãi làng, đãi dân. Kể từ đây, chàng thanh niên Lê Văn Thanh được lên địa vị “khoá sanh”, được miễn khỏi xâu, khỏi thuế, lại còn được đứng vào hàng chức sắc Hương Cả.

 Lễ Vinh quy Bái tổ

***

* Thay thời kết:

Học chữ quốc ngữ và tiếng Tây hồi đầu thế kỷ 20 xem ra cũng không có gì là khó. Chỉ một cậu bé 9 tuổi như thằng Chuột cũng có thể chỉ cho người người lớn như chú Bốn Thanh. Thời gian cũng chỉ mất vài tháng vừa đánh vần xuôi, vần ngược mà lại còn có thể viết ra giấy.

Ấy thế mà các vị khoa bảng ngày nay không hài lòng với tiếng Việt. Họ muốn cải tiến. Nhưng hình như càng sửa lại càng làm cho tiếng Việt mất đi sự trong sáng vốn có từ bao đời nay.

Phải chăng chuyện của tác giả Nguyễn Vỹ trong “Tuấn chàng trai nước Việt” có thể coi như bài học cho các Giáo sư, Tiến sĩ và các quan chức ngày nay? Các vị hãy dừng lại những “tối kiến” trước khi làm cho tương lai tiếng Việt… ngày một tối tăm! Xin đừng để con em chúng tôi trở thành những con chuột bạch trong phòng thí nghiệm.

Mong lắm thay.

Lớp học ngày xưa

***

* Vài dòng về tác giả Nguyễn Vỹ:

- Nguyễn Vỹ là nhà báo, nhà thơ thời tiền chiến. Các bút hiệu khác của ông là: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền.

- Năm 1937, Nguyễn Vỹ sáng lập tờ “Việt – Pháp” lấy tên là “Le Cygne”, tức Bạch Nga. Báo có nhiều bài viết chỉ trích đường lối cai trị của người Pháp nên bị đóng cửa. Còn bản thân ông bị kết tội phá rối trị an và phá hoại nền an ninh quốc gia, bị tòa án tuyên phạt 6 tháng tù và 3.000 quan tiền.

- Năm 1939, quân Nhật vào chiếm đóng, Nguyễn Vỹ lại tranh đấu chống Nhật, bằng cách soạn và cho xuất bản hai quyển sách chống chế độ quân phiệt Nhật. Nguyễn Vỹ bị nhà cầm quyền Nhật bắt giam tại ngục Trà Khê.

- Năm 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt, Nguyễn Vỹ sáng lập tờ báo “Tổ quốc” tại Sài Gòn, rồi tờ “Dân chủ” xuất bản ở Ðà Lạt, cả hai tờ báo lần lượt bị đình bản. Năm 1952, một nhật báo khác, tờ “Dân ta”, sống được một thời gian, cuối cùng cũng bị đóng cửa.

- Năm 1958, ông đứng ra chủ trương bán nguyệt san “Phổ Thông”, chú trọng về nghệ thuật và văn học, tạp chí này được coi là có nhiều uy tín đối với làng báo miền Nam. Ngoài ra, ông còn cho ra tuần báo “Bông Lúa”, tuần báo thiếu nhi “Thằng Bờm”. 

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts