Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

Tôi… “nhảy dù”


* Đây là một truyện ngắn, viết theo lời kể của một sinh viên sĩ quan Không quân theo học Anh văn tại Trường Sinh ngữ Quân đội. Thời gian của câu chuyện: những tháng cuối cùng của VNCH, rất gần với ngày 30/4/1975… “định mệnh”.

***

Tôi hãnh diện khi mặc bộ quân phục của quân đội VNCH. Điều hãnh diện hơn nữa đó là bộ quân phục của binh chủng Không quân, trên ngực áo có may hai tấm bảng: bảng tên và mã số khóa học vì tôi là sinh viên sĩ quan chưa ra trường. Nhưng có lẽ niềm hãnh diện tột cùng là tôi đang trong giai đoạn học Anh văn tại Trường Sinh ngữ Quân đội để chuẩn bị lên đường đi Hoa Kỳ thụ huấn khóa đào tạo phi hành.

Tôi nghĩ, mình còn rất trẻ nên chọn binh nghiệp cho đời mình là một quyết định đúng đắn của một thanh niên trong hoàn cảnh đất nước đang lâm vào cảnh binh đao. Và đó cũng là con đường duy nhất, nếu không muốn sống một cuộc đời… “trốn lính”. 

Nếu không mặc quân phục trong thời chiến người ta sẽ tự tách mình ra bên lề xã hội. Tôi không muốn mình lúc nào cũng phải trốn chui, trốn nhủi khi thấy bóng cảnh sát xét hỏi giấy tờ.

Lời bài hát “Bức tâm thư” của Lam Phương & Hồ Đình Phương rất thịnh hành vào thời đó, lúc nào cũng như nhắc nhở: “Vài hàng gửi anh trìu mến. Vừa rồi làng có truyền tin. Nói rằng: Nước non đang mong. Đi quân dịch là thương nòi giống….”


Hình minh họa: 
Sinh viên Sĩ quan Không quân chuẩn bị lên đường du học Hoa Kỳ


Cuộc sống của khóa sinh Không quân đang học sinh ngữ tràn đầy những kỷ niệm, vui cũng như buồn. Chúng tôi ở trong trại lính thuộc khu vực Tân Sơn Nhất được gọi là “Trại Khóa Sinh” hay còn có một cái tên rất thân thương: “Tent City”.

Gọi như thế vì trại lính chỉ là những chiếc lều dã chiến của quân đội dùng làm nơi ăn ở và cứ thế, mỗi sáng chúng tôi xếp hàng, đi bộ sang trường Sinh ngữ để học Anh văn. Trường chỉ cách Tent City một hàng rào kẽm gai.

Người ta thường nói, tuổi trẻ luôn luôn sôi động… nhưng cũng có những lúc bỗng thấy lòng mình chùng xuống trong những ngày ở “Tent City”. Đó là những phút nhớ nhà, nhớ cuộc sống tự do của những ngày dân sự. Thế cho nên, thỉnh thoảng cũng có những khóa sinh “chịu chơi” nghĩ đến chuyện… “dù về nhà”.

Tôi cũng thuộc loại “chịu chơi” nên đã có những lần… “nhảy dù”. Chuyến “vượt rào đầu tiên” thành công mặc dù đến khi lọt vào thành phố bị quân cảnh (QC)… “hỏi giấy”. Cũng may, gặp mấy anh QC dễ dãi… nhìn tờ giấy duy nhất tôi có trong người và “thông cảm” cho đi.

Bạn biết không? Đó chỉ là “Phiếu mượn sách” của trường, trên đó có ghi họ tên, số quân của khóa sinh. Trên phiếu mượn sách in tên các cuốn sách ALC (American Language Course) mà tôi đang học.

Bộ sách ALC gồm 4 cuốn dành cho những người học “vỡ lòng”: từ 1100 đến 1400. Học hết sơ cấp, khóa sinh tiếp tục lên trung cấp cũng với 4 cuốn: 2100-2400. Sách không bán ờ ngoài, nhà trường chỉ cho mượn nên mới có đóng dấu ngày nhận và trả sách.

Anh QC có lẽ cũng chẳng hiểu gì nhưng có lẽ vì tôi “thật thà” trình giấy chứng minh mình đang học sinh ngữ nên khoát tay… cho đi! Thật hú hồn, tôi thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc.

Ăn quen nên nhịn chẳng quen. Tôi “nhảy dù” lần thứ hai, lần này về tận Biên Hòa. Và lần này mới là “đại họa” vì trong người chẳng có một tấm giấy lận lưng. Lại gặp QC hỏi giấy, lục trong túi tôi tìm mãi mới thấy “Phiếu ăn” mà trên phiếu chỉ có tên, không có số quân đi kèm.

QC nói chỉ biết tên mà không có số quân nên phải về Quân vụ Thị trấn. Tạm giữ cho đến khi đơn vị có công văn xác nhận. Cứ tưởng chuyện “nhảy dù” đơn giản, giờ mới biết… đi đêm có ngày gặp ma.

Hình chỉ có tính cách minh họa

Quân vụ Thị trấn Biên Hòa có một khu, tạm gọi là “quân lao”. Đó nơi QC giam giữ các quân nhân không có giấy tờ chứng minh và chờ đơn vị xác nhận. Trong khu này cũng chia làm hai: khu binh sĩ và khu sĩ quan. Tôi là sinh viên sĩ quan nên được “tạm giam” ở khu sĩ quan.

Ở khu sĩ quan tương đối còn được “tự do” trong vòng rào kẽm gai. Bạn có thể ra câu lạc bộ ăn uống nhưng không được “vượt rào” để trở thành một quân nhân bình thường. Nằm tại đây tôi đã nghĩ ra cách “tự cứu mình” bằng cách viết thư nhờ nhân viên câu lạc bộ chuyển ra ngoài. Dĩ nhiên là phải tốn tiền nhờ vả.

Tôi viết 2 lá thư: một cho gia đình và một cho ông thầy dạy tại trường. Trong thư gửi về gia đình, tôi dặn kỹ là phải đem thư riêng đến tận tay Thiếu úy NCB, người đang phụ trách dạy lớp tôi tại trường Sinh ngữ. Đó cũng chỉ là việc làm “cầu âu”, không có gì bảo đảm ông thầy sẽ giúp mình vượt qua “đại nạn”.

Thật bất ngờ, thư đến tay ông thầy và chỉ vài hôm sau có giấy xác nhận tôi là khóa sinh của trường. Như một phép lạ: tôi được QC trả tự do và vội vàng về trường, trình diện ông thầy. Ông chỉ nói tôi “ba gai”… mà không hề giải thích những việc ông làm một cách chi tiết.

Đại khái chỉ biết cách của ông làm là chỉ "chạy chọt" trong vòng những bạn bè ở trường, hoàn toàn không dính dáng tới “hệ thống quân giai” của trường. Ông còn nói vui, “Chỉ tốn vài chầu nhậu”. Câu nói của ông làm tôi phải suy nghĩ.

Tháng đó sau khi lĩnh lương hơn 8.000 đồng, tôi bỏ riêng ra 200 đồng trong phong bì. Tôi gặp ông trong câu lạc bộ và nói: 

“Thiếu úy ơi, ơn này em không biết làm thế nào trả nổi… Bỗng dưng thầy lại tốn tiền vì em nên em chỉ xin bù đắp lại phần đó…”

Mặt ông thầy nghiêm hẳn ra, ông gọi tôi bằng “mày”, xưng “tao”, thay vì “anh” như mọi khi. Ông “quạt” tôi một tràng như một loạt tiểu liên:

“Thế này là mày hối lộ cho tao đấy hả? Tao làm chỉ vì tao thấy hoàn cảnh của mày tội nghiệp. Vụ này nếu trường biết thì mày chắc chắn sẽ bị trả về đơn vị, rồi Không quân sẽ đưa mày về Bộ binh… hậu quả rất khó lường. Tao đếm từ 1 đến 3… mày phải cất cái phong bì đi. Tiền nằm trong đó không đủ để mua cái tình người đâu!”

Cho đến giờ, đã gần 50 năm mà tôi vẫn nhớ như in những lời của Thiếu úy TCB. Tôi đã tìm cách liên lạc với các giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội để biết tin tức của ông giờ này ra sao. Cho đến giờ này cũng chẳng ai biết ông ở nơi nào. Hy vọng mong manh ông đọc được những dòng chữ này để thấy được lòng biết ơn của tôi. 

Cho đến ngày 30/4/75, tôi vẫn chưa ra trường để trở thành một sĩ quan thực thụ, tôi cũng chưa đi Mỹ học lái máy bay… nhưng tôi đã có được một bài học để đời.

Phải chăng đó là bài học "huynh đệ chi binh" mà ngày xưa người ta thường nói.

Hình chỉ có tính cách minh họa

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts