Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Lê Phổ: Họa sĩ vẽ ra tiền


Đầu năm 2017 tôi có viết một bài lấy tựa đề “Họa sĩ… vẽ ra tiền?” (*). Đó là câu chuyện của các danh họa lừng danh thế giới như Pablo Picasso (1881-1973),  Paul Cézanne (1839 -1906), Paul Gauguin (1848-1903), Vincent van Gogh (1853 -1890) và Willem de Kooning (1904- 1997).

Họ là những người lúc đương thời sáng tác trong cơ hàn, thiếu thốn. Cho đến khi qua đời, những tác phẩm của họ được giới sưu tập tranh săn lùng và “nâng giá” qua các phiên đấu giá (chứ không phải “đấu phí” theo ngôn ngữ thời nay!) .

Điển hình là Picasso đã chiếm 3 vị trí trong danh sách “20 tác phẩm hội họa đắt giá nhất thế giới”. Đó là những vị trí thứ 7 (179,4 triệu đô la), thứ 9 (155 triệu đô la) và thứ 18 (106,5 triệu đô la).

Trong bài viết này, chúng ta làm quen với một họa sĩ người Việt cũng đã… “vẽ ra tiền”. “Làm quen” bởi vì đa số người Việt chúng ta thường không biết và cũng có thể chưa nghe nói đến họa sĩ Lê Phổ và các phiên đấu giá tranh tại nước ngoài. Một lý do dễ hiểu vì phần đông chúng ta không quan tâm đến hội họa.

Hơn nữa, họa sĩ Lê Phổ tuy sinh ra tại Hà Đông, Hà Nội, năm 1907 nhưng đến năm 1937 ông sang Pháp định cư và từ đó cho đến khi qua đời năm 2001 ông chưa lần nào trở lại Việt Nam. Ông đã chọn nước Pháp vốn là “trung tâm nghệ thuật của Âu châu” nên chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Họa sĩ Lê Phổ xuất thân từ một gia đình quan lại triều Nguyễn, cha ông là Lê Hoan, người được sử sách xem là “có công” giúp chính quyền bảo hộ Pháp đàn áp nghĩa quân Đề Thám. Tuổi thơ của họa sĩ Lê Phổ cũng không hạnh phúc, mồ côi mẹ lúc 3 tuổi và mồ côi cha lúc 8 tuổi.

Họa sĩ Lê Phổ (1907-2001)

Năm 1925, họa sĩ Lê Phổ trúng tuyển khoá 1 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội). Ông là một trong 10 sinh viên Việt Nam được giáo sư Victor Tardieu xếp vào nhóm sinh viên "tinh hoa" của khóa học. Ông cũng là người hướng Lê Phổ đi theo trường phái nghệ thuật Á Đông trong suốt 5 năm học.

Giáo sư Victor Tardieu (1870-1937) là một họa sĩ người Pháp có kiến thức sâu sắc về các trường phái nghệ thuật châu Âu. Năm 1924, ông cùng họa sĩ người Việt, tên Nam Sơn, thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tiền thân của Đại học Mỹ thuật Hà Nội ngày nay.

Giáo sư Victor Tardieu và những sinh viên “tinh hoa” của khóa 1, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (họa sĩ Lê Phổ ở bìa trái)

Tại Pháp, năm 1947 họa sĩ Lê Phổ cưới vợ người bản xứ là bà Paulette Vaux, phóng viên báo Life & Time ở Paris. Bà Vaux nói về người chồng quá cố: "Ông không kể với con cái về tuổi thơ của mình, ông trầm lặng và sống nội tâm. Ông không nhớ gì về cha mình ngoại trừ việc biết cha mình hút thuốc phiện".

Cũng theo lời bà Paulette Vaux: "Ông Lê Phổ xem giáo sư Tardieu như người cha tinh thần. Ông ngưỡng mộ và rất gần gũi với Tardieu. Giáo sư Tardieu đã đặt nền móng cho những thành công trong hội hoạ sau này của ông".

Bà Paulette Vaux và con gái

Năm 1928, Lê Phổ cùng với các họa sĩ Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ tổ chức triển lãm tranh đầu tiên tại Hà Nội. Năm 1931, ông sang Pháp để trang trí một số cuộc triển lãm ở Paris. Sau đó 1 năm, ông được cấp học bổng tại Trường Mỹ thuật Paris.

Năm 1933, họa sĩ trở về Hà Nội tham gia giảng dạy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1935, ông được mời vào Huế để vẽ chân dung vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Ngoài ra, ông còn vẽ tranh khổ lớn để trang trí ở cung đình Huế.

Năm 1938, tại Paris, lần đầu tiên họa sĩ Lê Phổ tổ chức triển lãm phòng tranh cá nhân của mình với các tác phẩm như tranh vẽ các người đẹp Việt Nam hoặc đang say sưa bên các sắc hoa, hoặc đang mơ màng bên trang sách, hoặc tranh thiếu nữ đọc thư tình trong vườn, những cô gái đang phơi áo... Những tác phẩm đó được công chúng Phương Tây đón nhận nồng nhiệt.

Năm 1963, ông hợp tác cùng phòng tranh Wally Finday, Hoa Kỳ, tổ chức vài buổi triển lãm tranh. Phòng tranh cũng chính là nơi ông giới thiệu và công bố các tác phẩm của mình ra khắp thế giới. Kể từ năm đó, Gallery Wally Findlay đã trở thành nhà sưu tập gần như độc quyền về tranh Lê Phổ, họ có cả trăm bức.

Có thể nói, họa sĩ Lê Phổ là một con người sống nội tâm, rất nhạy cảm và cũng rất tinh tế. Cuộc đời của ông cũng có những giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn kết thúc “có hậu”. Tác phẩm của ông đã được đấu giá nhiều lần trên thị trường hội họa thế giới, một hiện tượng mà ít họa sĩ Việt Nam có được.

Họa sĩ Lê Phổ bên tác phẩm

Họa sĩ Lê Phổ cho rằng các chất liệu trong tranh lụa có một số nhược điểm, không những về khuôn khổ mà còn về màu sắc đều chưa bộc lộ những ý tưởng tác giả muốn thể hiện. Đó là lý do ông đã chuyển sang vẽ tranh sơn dầu.

Ngoài việc thay đổi chất liệu vẽ, ông cũng mở rộng đề tài một cách phóng khoáng và thoải mái hơn. Ví dụ rõ nét đó là người phụ nữ trong tranh của họa sĩ dần vượt ra ngoài lễ giáo Khổng Mạnh để mang một sắc màu "thế tục".

Waldemar George, nhà phê bình nghệ thuật Pháp khi viết cuốn sách về Lê Phổ vào năm 1970, ông gọi hoạ sĩ Việt này là “Hoạ sĩ siêu phàm” (Divine Painter). Waldemar cho rằng phong cách hội họa của Lê Phổ được phân thành hai giai đoạn và cả hai giai đoạn đều có sự kết hợp của trường phái Đông Tây từ kinh nghiệm thực tế cũng như kiến thức họa sĩ học được.

Trong cuốn sách đã dẫn, Waldemar viết về họa sĩ Lê phổ: "Những con đường của châu Á và châu Âu giao thoa, nghệ thuật phương Đông và nghệ thuật phương Tây mở ra một cuộc đối thoại thân tình".

Bức "Thiếu phụ trong vườn" thuộc triển lãm Leslie Hindman, dạng tranh sơn dầu trên lụa, khổ 104,1 x 83,8 cm được định giá từ 30.000 đến 50.000 USD vào tháng 9/2007. Dạng tranh cỡ nhỏ (46,4 x 27,3 cm) cũng có giá khoảng 6.000 đến 8.000 USD. Tác phẩm "Cho chim ăn" đã được rao bán giá kỷ lục là gần 100.000 USD vào năm 1997.

Những Gallery nổi tiếng thế giới như Romanet (Paris), Florence Art (Ý), Simyo (Hàn Quốc), Art Forum, Ode To Art (Singapore), La Luna, Thavibu (Thái Lan)… đều có chú ý đặc biệt đến họa sĩ Lê Phổ. Nguồn tranh chủ yếu đều xuất phát từ Wally Findlay.

Lê Thái Sơn, chủ Thai Son Fine Arts Gallery & Collection, nhận xét: “Khi nhìn vào hệ thống chuyên nghiệp và trải rộng như thế này, chắc chúng ta cũng hình dung được tại sao tranh Lê Phổ thu hút được người mua ở khắp thế giới” .

Tác phẩm “Hoài cố hương” được nhà đấu giá Sotheby’s đưa ra năm 2006 tại Singapore, có giá bán khoảng 360.000 Đô La Singapore (tương đương 4,7 tỷ đồng)

Bức “Chân dung thiếu phụ và hoa sen” vẽ năm 1939, đạt mức giá 1.240.000 đô la Hồng Kông (gần 3,5 tỉ đồng)

Bức “Mẹ và con” nhà đấu giá Christie’s định giá khoảng 130.000 USD và đã từng đạt mức giá 1.160.000 đô la Hồng Kông (hơn 3,2 tỉ đồng)



Bức “Gia đình nhỏ” vẽ năm 1940. Tác phẩm từng đạt mức giá 740.000 đô la Hồng Kông (khoảng 2 tỉ đồng)

Bức “Những chú chim” được mua với giá 625.000 đô la Hồng Kông (hơn 1,7 tỷ đồng)
  
Bức “Đi tắm” được thực hiện năm 1937-1938, có giá 562.500 đô la Hồng Kông (gần 1,6 tỉ đồng)



Bức “Hai chị em gái” được thực hiện năm 1940 đạt mức giá 250.000 đô la Hồng Kông (hơn 700 triệu đồng)

“Bức màn tím”, vẽ từ 1942-1945 đã được bán đấu giá với mức giá 2,9 triệu đô la Hồng Kông

“Chân dung một cậu bé Việt Nam” từng đạt mức giá 225.000 đô la Hồng Kông (631 triệu đồng)

“Nhìn từ đỉnh đồi”, vẽ năm 1937 đạt mức giá 840.000 đô la - 22.11.2014 trong cuộc bán đấu giá tại nhà đấu giá nghệ thuật Christie’s International Hồng Kông.

“Hoa loa kèn” có giá 187.500 đô la Hồng Kông (526 triệu đồng)

“Nắng trong nhà”, có giá 225.000 HKD (614 triệu đồng)


"Tĩnh vật với hoa quả”, vẽ năm 1963, đã được bán thành công với giá 350.000 HKD (khoảng 955 triệu đồng)

“Nho và rượu vang”, vẽ năm 1950, được mua với giá 200.000 HKD (gần 546 triệu đồng)

***

Lúc sinh thời, họa sĩ Lê Phổ chưa từng vẽ những tờ tiền giấy nhưng tác phẩm của ông dẫn đến cả một kho bạc. Điều mâu thuẫn này khiến cho lằn ranh “nghệ thuật vị nghệ thuật”“nghệ thuật vị nhân sinh” trở nên mong manh hơn chúng ta thường nghĩ.

***
Chú thích:

(*): Tham khảo bài viết “Họa sĩ… vẽ ra tiền?” trên FB tại:

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts