Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Ngôn ngữ: Tiếng Anh bản địa

(Tiếp theo)

Thuật ngữ “tiếng Anh bản địa” dùng trong bài viết này bao gồm tiếng Anh của người Anh (British English) và tiếng Anh của người Mỹ (American English). Bên cạnh đó còn có các quốc gia đã từng là thuộc địa của Anh & Mỹ nhưng cho đến ngày nay vẫn coi tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức.

Hai lá cờ Mỹ & Anh tượng trưng cho tiếng Anh bản địa

Tiếng Anh thuộc nhóm ngôn ngữ German trong ngữ hệ Ấn-Âu, đây là ngôn ngữ sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Ngoài Vương quốc Anh và Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, tiếng Anh còn giữ địa vị ngôn ngữ chính thức tại các nước thuộc khối Liên hiệp Anh như Scotland, Wales, Bắc Ireland, Úc, Tân Tây Lan, Canada, Ireland và một số đảo quốc trong vùng Caribbean.

Anh ngữ là hậu thân của một ngôn ngữ chung được sử dụng bởi các giống người Angle, Saxon và Jute – thường được gọi chung là người Anglo-Saxon. Ba giống dân này thuộc các dân tộc German, từng sống ở những vùng nay là Hà Lan và phía bắc nước Đức.

Các nhà ngôn ngữ học gọi tiếng Anh phát triển trong ba thế kỷ sau năm 1066 là tiếng Anh Trung cổ (Middle English). Hai tác phẩm nổi tiếng được viết bằng tiếng Anh thời kỳ này là Beowulf (sử thi, viết vào khoảng thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 10) và The Canterbury Tales của Geoffrey Chaucer [1].

Tiếp đến là thời kỳ tiếng Anh Cận đại (Modern English) được các nhà ngôn ngữ học tính từ đầu thế kỷ 16 và người có công nhất trong sự phát triển thời kỳ này là văn hào nổi tiếng của Anh, William Shakespeare [2]. Đây chính là tiếng Anh được dùng phổ biến trên thế giới ngày nay.

Trong số các dân tộc dùng Anh ngữ như tiếng mẹ đẻ, có khoảng 71% dùng American English, 15% nói tiếng Anh British English, 7% nói tiếng Canadian English và phần còn lại nói các loại tiếng Anh khác được gọi chung là “tiếng lai” (creole hay pidgin), kết hợp giữa tiếng Anh và các ngôn ngữ địa phương.

Tiếng Đức trước đây là ngôn ngữ của khoa học. Nhưng ngày nay, hơn 80% các bản ghi chép khoa học được trình bày với ngôn ngữ thứ nhất là tiếng Anh. Tương tự, quá nửa tài liệu kỹ thuật và khoa học trên thế giới cũng được phổ biến bằng tiếng Anh. Anh ngữ còn được dùng trong các lĩnh vực kinh tế, y học, điện tử và kỹ thuật không gian.

Trên tạp chí Fortune, Paul Krugman, nhà kinh tế học người Mỹ, cho rằng mẫu số chung cho sự thành công của các quốc gia ngày nay là tiếng Anh. Phần thế giới không nói tiếng Anh thường không theo kịp trào lưu, đơn giản vì họ không có khả năng đọc nguyên tác các học thuyết kinh tế viết bằng tiếng Anh [3].  

Ngôn ngữ của thời đại thông tin ngày nay cũng là tiếng Anh. Hơn 80% nguồn dự trữ thông tin của hàng trăm triệu máy tính khắp thế giới là tiếng Anh. 85% các cuộc trao đổi qua điện thoại quốc tế được sử dụng bằng tiếng Anh. Chương trình chỉ dẫn trên máy tính và các chương trình phần mềm cũng thường sử dụng tiếng Anh.

Nhà sản xuất từ điển Mỹ, Merriam-Webster, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu các từ ngữ được tra cứu nhiều nhất trong năm 2004 trên Internet và vị trí hàng đầu là từ “blog”, một từ mới xuất hiện trong năm bầu cử tổng thống Mỹ. “Blog” được Merriam-Webster định nghĩa như một trang web có “tờ báo cá nhân trực tuyến” trong đó có bình luận và thường được kết nối với các trang web khác.

Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa thuần túy trong ngôn ngữ học (linguistic purists) không chấp nhận những từ lai ghép trong tiếng Anh theo kiểu “English language hybrids”, đặc biệt là tiếng Anh trên Internet. Họ không chấp nhận “emailear” thay cho “email” (điện thư, thư điện tử), “surfen” thay vì “surf” (lướt web) hoặc “downloaden” thay cho “download” (tải xuống từ trên mạng).

Người ta còn lo ngại hiện tượng “weblish”, tạm dịch là ngôn ngữ sử dụng trên các trang web. Người viết tiếng Anh trên Internet và các phương tiện truyền thông khác rất dễ trở nên cẩu thả. Chẳng hạn như việc lười không sử dụng chữ hoa khi viết e-mail hoặc cách viết tắt quá dễ dãi trong khi “chat” cũng như cách viết khi nhắn tin trên điện thoại di động.

Những câu tiếng Anh được viết tắt đến độ chỉ còn là những mẫu tự chứ không phải là câu chữ, được sử dụng ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông khiến một số người lo ngại ngôn ngữ trở thành những “ám hiệu” bí ẩn. Ngày nay không ít người viết “RUF2T” thay vì “Are you free to talk?”; “CUL8R” (See you later) hoặc thậm chí một câu dài như “I just called to say I love you” biến thành “IJC2SaILuvU”!


Điều đặc biệt của tiếng Anh là sự vay mượn từ gần 350 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Chỉ riêng Thời Trung Cổ (Middle Ages) đã có khoảng 60.000 từ ngữ thâm nhập vào tiếng Anh. Đó là những từ có xuất xứ từ tiếng Pháp, Latin, Hy Lạp, Ý, Đức và Tây Ban Nha.

Theo David Crystal, chuyên gia ngôn ngữ và cũng là Giáo sư Danh dự của Đại học Wales, sự mở rộng bằng cách vay mượn từ các ngôn ngữ khác là một trong những lý do khiến tiếng Anh thành công như ngày nay. Crystal nhận xét:

“Từ vựng của Shakespeare, cả về diện và lượng, xuất phát từ việc ông sử dụng các từ có xuất xứ từ tiếng Đức, Pháp và Latin để đặc tả những nhân vật khác nhau trong các vở kịch của ông” [4]

Lướt qua một số từ vựng tiếng Anh ngày nay, ta có thể thấy ngay sự vay mượn đó. Có những từ ngữ người ta dùng quá quen thuộc nên hầu như không hề biết chúng có xuất xứ từ ngôn ngữ nước ngoài.

Điển hình nhất là “kindergarten” (mẫu giáo), một từ theo tiếng Đức có nghĩa là vườn trẻ. Khái niệm về vườn trẻ được Friedrich Fröbel đưa ra từ năm 1837 tại Bad Blankenburg. Vườn trẻ là bước chuyển tiếp từ gia đình sang trường học cho trẻ con chưa đến tuổi đến trường.

“Hot dog” là một món ăn của Mỹ với nhiều huyền thoại có dính dáng đến nước Đức và tiếng Đức. Vào đầu thế kỷ 20, ở Đức, việc tiêu thụ thịt chó là điều bình thường và từ “dog” hầu như đồng nghĩa với xúc xích “Frankfurter Würstchen” từ năm 1884. Tiếng Đức “Würstchen” có nghĩa là loại xúc xích nhỏ, còn “Frankfurter” xuất xứ từ thành phố Frankfurt.

Ý tưởng bán bánh mì kẹp xúc xích là của một người Đức ở thành phố St. Louis, tiểu bang Missouri vào năm 1880. Bánh khá nóng nên hồi đó người bán còn tặng khách chiếc găng trắng mỗi khi mua. Thế là “Frankfurter” một mặt du nhập vào nước Mỹ, mặt khác làm giàu cho kho từ vựng tiếng Anh. Ngày nay Hot Dog còn liên quan mật thiết với môn thể thao bóng chày tại Mỹ, khán giả vừa xem trận đấu vừa ăn Hot Dog mới đúng điệu Huê Kỳ! [5]

Xe bán Hot Dog ở thành phố New York (1906).
Giá bán được ghi là 3 cents 1 cái hoặc 5 cents 2 cái

Tiếng Anh cũng mượn của tiếng Pháp những từ ngữ ta thường gặp trên sách báo. Thỉnh thoảng trên báo tiếng Anh ta gặp tin đại loại như “a bloody coup d’etat” hoặc “a military coup” về một cuộc đảo chính đẫm máu hoặc cuộc đảo chính do quân đội khởi xướng. Cuộc đảo chính thường kết thúc với việc hành quyết nhà độc tài bị lật đổ và “coup de grâce” là phát súng ân huệ cuối cùng!      

Tiếng Pháp cũng đi vào thời trang, ẩm thực trong cuộc sống hàng ngày của người dùng tiếng Anh là bản ngữ. Vào nhà hàng có thể chọn thực đơn “à la carte” theo giá của từng món, trong đó có món“soup du your” với hàm ý  “soup of the day”. Ăn mặc theo thời trang được mô tả là “à la mode”.

Tiếng Anh còn mượn cả tiếng Tàu. Chẳng hạn như từ “typhoon” xuất xứ từ chữ “đại phong” để chỉ một cơn bão lớn; “sampan” là ghe “tam bản”; “kowtow” là hành động “khấu đầu” để chỉ sự tôn kính. 

Kowtowing in a court

Giữa British English và American English cũng có nhiều điểm khác nhau cả về từ vựng, văn phạm, cú pháp lẫn cách viết. Ở Anh, để chỉ thang mày, người ta dùng từ “lift” trong khi tại Mỹ và Canada lại dùng “elevator”. Người Anh gọi môn bóng đá là “football” trong khi tại Mỹ là “soccer” vì tại đây “football” lại là môn bóng bầu dục!

Nội chuyện xe hơi cũng đã có nhiều khác biệt. Ở Anh, người lái xe tìm “car park” để đậu xe nhưng bên Mỹ lại phải kiếm “parking lot” mới đậu được; muốn lái xe bên Anh thì phải có “driving licence” còn bên Mỹ thì lại cần “driver's license”; xe bên Anh dùng hộp số “gearbox” còn bên Mỹ lại gọi là “transmission”; British English gọi xe tải là “lorry” qua đến Hoa Kỳ lại kêu là “truck”…

Thật oái ăm khi một tòa nhà 3 tầng “3-storey building” ở London, gồm tầng trệt (ground floor) và 3 tầng lầu, nhưng người Mỹ lại coi đó là nhà 4 tầng “4-story building” vì tầng trệt được tính là tầng 1. Điều này cho thấy không chỉ khác nhau về cách viết mà còn khác nhau cả về khái niệm.

Người ta thấy cách viết khác nhau giữa “storey”“story” như thí dụ về tầng lầu ở trên. British và American English có khá nhiều khác biệt về spelling: “neighbour” (láng giềng), “labour” (lao động), “colour” (màu sắc), “harbour” (bến cảng) ở bên xứ Hồng Mao sang đến Huê Kỳ lại viết là “neighbor”, “labor”, “color”, “harbor”.

Sự khác biệt trong cách viết giữa “cái đuôi” (tiếp vĩ ngữ)“our”“or” được các chuyên gia ngôn ngữ giải thích chỉ xuất hiện ở các từ ngữ khi phát âm không nhấn (unstressed) ở vần cuối. Ngược lại, những từ ngữ vay mượn từ tiếng Pháp hoặc Latinh chỉ có một cách viết duy nhất như “contour” (đường viền), “velour” (nhung, dạ), “troubadour” (người hát rong) ở cả British lẫn American Enlglish.

Bảng so sánh Tiếng Anh & Tiếng Mỹ

Còn rất nhiều trường hợp khác nhau về cách viết. Chẳng hạn như người Anh viết “centre” (trung tâm), “theatre” (rạp hát) người Mỹ đổi thành “center”, “theater”… “catalogue” (danh mục, mục lục), “dialogue” (đối thoại) biến thành “catalog”, “dialog” trong American English.

Một số từ ngữ tận cùng bằng “ise” lại biến thành “ize” khi sử dụng tại Mỹ: “apologise” (xin lỗi),  “criticise” (phê bình), “analyse” (phân tích)…  đổi thành “apologize”, “criticize”, “analyze”. Khác biệt về spelling giữa hai trường phái tiếng Anh bản địa còn rất nhiều nhưng trong phạm vi bài viết này chỉ đưa ra một số trường hợp để tham khảo.

Giữa người Anh và người Mỹ cũng có những điểm khác biệt về văn phạm và cú pháp. Cùng muốn đi tắm, người Anh nói: “I'd like to have a bath” trong khi người Mỹ lại đổi là “I'd like to take a bath”. Cùng một lời khyên không cần phải giữ chỗ trước, người Anh cho ý kiến “You needn't reserve seats” nhưng người Mỹ lại nói “You don't need to reserve seats”.

British English Vs American English

Chuyện tiếu lâm kể rằng có một bệnh nhân đã bị ngất xỉu khi bác sĩ cho biết: “You’re going home to die!”. Đến khi tỉnh dậy thì bệnh nhân lại được xuất viện về nhà vì đã hết bệnh. Hóa ra chỉ vì người bệnh không nghe quen giọng Úc khi bác sĩ phát âm “today” thành… “to die”.

Nước Úc vốn là thuộc địa của Anh nên ngôn ngữ chính thức vẫn là British English nhưng tiếng Anh của người Úc mang “phong cách Úc” mà chỉ ở “xứ miệt dưới” (Down Under) mới có. Để người nước ngoài không bị “sốc” vì Australian English khi đến Úc xem thế vận hội Sydney 2000, hãng thông tấn Reuter đã có một bài báo về các “từ lóng” (slang word) và tiếng Anh ở Úc.

Trong kho từ vựng tiếng Anh có “D Day” (ngày đổ bộ của lực lượng đồng minh lên Normandy), tại Úc có “G Day” nhưng với nghĩa hoàn toàn khác. Người Úc thường chào nhau “G Day, mate!” với hàm ý chúc “good day”. “Mate” cũng được dùng phổ biến tại Úc để chỉ cả nam lẩn nữ.

Nước Úc cũng làm phong phú thêm cho kho từ vụng tiếng Anh với một số từ có nguồn gốc từ thổ dân (aborigine) như “kangaroo” (chuột túi), “koala” (một loại gấu nhỏ), “dingo” (chó rừng), “kookaburra” (một loại chim có tiếng hót như tiếng cười), “boomerang” (một loại vũ khí của thổ dân có thể tấn công mục tiêu rồi lại quay về với người ném). Tại Úc còn có một loại vẹt rất ồn ào mang tên “galah” thế nên ai đó được gọi là “galah” sẽ là kẻ… lắm mồm!

Thổ dân và boomerang

Những người Anh di dân sang Úc được gọi là “pom” trong khi “whingeing pom” lại là cụm từ ám chỉ những thành phần xấu đến từ nước Anh trong thời kỳ Úc còn là thuộc địa. Người Úc và Tân Tây Lan còn dùng “larrikin” để nói đến những kẻ vô lại và một băng lưu manh lại được mệnh danh là “push”.

Về thực phẩm, xứ kangaroo có “tucker” để gọi chung các loại đồ ăn. Kem que được gọi là “icy-pole” và món đặc sản nổi tiếng của Úc có tên là “vegemite”, một loại mứt trét lên bánh sandwich như marmalade ở các nước dùng tiếng Anh là bản ngữ khác.

Đặc biệt hơn cả là món “rat’s coffin”, hoàn toàn không liên quan đến thịt chuột mà cũng chẳng phải là “quan tài chuột”, chỉ thuần túy là món bánh kẹp thịt theo cách gọi của người Úc xưa. Ngày nay, giới trẻ tại Úc đã quên dần cái tên “rat’s coffin”, họ thích “thịt chó nóng” (hot dog) của Mỹ hơn!

Vegemite

Một số người cho rằng xu hướng vay mượn trong ngôn ngữ là một hiện tượng đáng khuyến khích vì nhờ đó ngôn ngữ được phong phú hơn và sự giao tiếp với các ngôn ngữ khác cũng dễ dàng hơn. Nhiều người thậm chí còn nghĩ đến việc một ngày nào đó thế giới sẽ có một ngôn ngữ chung và tiếng Anh là ứng cử viên hàng đầu.

Ngày đó chắc hẳn còn quá xa vời vì ngôn ngữ chỉ là một phương tiện để liên lạc giữa con người với nhau trong khi các dân tộc luôn cố gắng bảo tồn di sản văn hóa của mình!

***

Chú thích:

[1] Geoffrey Chaucer (1343 – 1400) là tác gia, nhà thơ, nhà triết học, công chức, quan tòa và nhà ngoại giao người Anh. Ông được hậu thế tôn vinh là cha đẻ của nền văn học Anh, Chaucer còn được một số học giả vinh danh là tác giả đầu tiên thể hiện được tính nghệ thuật của tiếng Anh nguyên thủy, ngoài tiếng Pháp hay tiếng La tinh.

Tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông là tập truyện dài The Canterbury Tales còn đang viết dở dang. Các tác phẩm khác gồm:

  • The Book of the Duchess
  • The House of Fame
  • Anelida and Arcite
  • Parlement of Foules
  • Troilus and Criseyde
  • The Legend of Good Women
  • Treatise on the Astrolabe
Geoffrey Chaucer

[2] William Shakespeare (1564 – 1616) là một nhà văn và nhà viết kịch Anh, được coi là nhà văn vĩ đại nhất của Anh và là nhà viết kịch đi trước thời đại. Ông cũng được vinh danh là nhà thơ tiêu biểu của nước Anh. Những tác phẩm của ông bao gồm 38 vở kịch, 154 bản sonnet, 2 bản thơ tường thuật dài, và vài bài thơ ngắn. Những vở kịch của ông đã được dịch ra thành rất nhiều ngôn ngữ lớn và được trình diễn nhiều hơn bất kì nhà viết kịch nào.

William Shakespeare

[3] Paul Krugman viết trên Fortune: 
“The common denominator of the countries in this age of dashed expectations is that they are the countries where English is spoken. The non-English-speaking world often misses the tide simply because they are not able to read English economic theories in originals”

[4]: Trong cuốn English as a Global Language, David Crystal nhận xét:
“Both the range and depth of Shakespeare’s vocabulary comes from the way in which he employs Germanic words, French words and Latin words to characterise the different people that he has in his plays”

[5] Tham khảo về Hot Dog trên Wikipedia: 

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 8: Thời mở cửa)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

2 nhận xét:

  1. Bài viết của anh Chính quá công phu, mà M đọc đi đọc lại đã mấy ngày nay rồi, chợt thấy kiến thức ngôn ngữ của mình quá hạn chế như bị quấn hút vào vào một vòng xoáy của sự thiếu hiểu biết.. huhu

    Trả lờiXóa
  2. Sao anh không edit trang blog của anh cho gọn lại. Anh sang trang blog của Từ Thức hoặc của Bongnguoilangle có vài bài hướng dẫn để chỉnh HTML đó.
    Còn nếu anh cần thì M sẽ giúp cho anh nha.

    Trả lờiXóa

Popular posts