Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Thần Kê Đại Hiệp

Bên Hồng Kông có tiểu thuyết võ lâm của Kim Dung mang tựa đề “Thần Điêu Đại Hiệp” mà rất nhiều người mê truyện kiếm hiệp trước năm 1975 đọc một cách say mê trên báo ra hàng ngày.

Chỉ mới trước đó 1 ngày in trên báo Hồng Kông thì hôm sau trên báo Việt đã có bản dịch “Thần Điêu Đại Hiệp”. Hôm nào không kịp đăng, báo vội vàng cáo lỗi… “vì lý do bất khả kháng, chuyến bay bị trục trặc nên chúng tôi tạm nghỉ một kỳ”!

Chữ “điêu” ở đây ám chỉ một loài chim dữ, chuyên ăn thịt và có tính “sát thủ”. Ăn theo “Thần Điêu Đại Hiệp”, một loài thuộc họ chim ở ta mang tên mới “Thần Kê”, gọi nôm na là… “con gà thần”.

Thần Kê” xuất hiện trong giới bình dân, nhất là dân mê cá độ môn đá gà. Gà cũng là một “đại hiệp” với đầy đủ các môn võ bằng hai chân và điệu nghệ không thua gì các anh hùng võ lâm bên Hồng Kông!


"Thần kê"... lâm trận

“Thần Kê”, chính xác hơn là “gà trống”, thường là những trụ cột trong một bầy chỉ toàn con mái như một chủ gia đình êm ấm hạnh phúc, hoàn toàn không có những ghen tương, tranh dành giữa các nàng gà mái tơ… Điều này khác hẳn với xã hội loài người.


Một gia đình gà

Để đạt được đẳng cấp đó, ban đầu gà trống cũng phải vượt qua các đối thủ khác sau những trận tranh hùng để nắm giữ vai trò của “chủ hộ”. Bổn phận chính của chủ gia đình là đi kiếm ăn nhưng thực ra là “duy trì nòi giống”, được diễn tả nôm na là… “đạp mái”.

Khi tìm ra mồi, chàng sẽ phát ra tiếng “cục cục”, giữ thức ăn trên mỏ rồi lại thả xuống để gọi các nàng gà mái tơ đến ăn… cũng giống y như gà mẹ gọi gà con đến để chia sẻ. Lúc này là thời điểm khả năng thiên phú của chàng có thể thực hiện chức năng “trời cho” trong việc… đạp mái!

“Thiên phú” vì chàng biết cách “dụ” các nàng dù thức ăn đôi khi chỉ là… những hòn sỏi chứ không phải là con sâu, con giun… Trong khi nàng gà mái chưa phát hiện được chiêu trò “dụ khị” thì chàng đã xù lông để lấy trớn, nhảy phóc lên lưng nàng với chiếc mỏ cắm vào đầu nàng để làm điểm tựa!

Thế là một cuộc giao phối chớp nhoáng xảy ra trước khi nàng gà mái biết là mình đã bị chàng lợi dụng tính tham ăn của mình. Chỉ khoảng chưa đầy một phút sau, chàng gà đã làm xong việc truyền giống. Chàng khoan khoái nhảy xuống đất và gáy vang, ăn mừng chiến công!


Thực hiện chức năng truyền giống

Chuyện gì xảy ra trong phút đạp mái của “thần kê”?

Tinh trùng của gà trống được truyền vào cơ quan sinh dục của gà mái và sẽ di chuyển đến ống dẫn trứng và thụ tinh với trứng. Sau khi thụ tinh sẽ phát triển thành phôi thai trong trứng và gà mái sẽ đẻ trứng sau khi thụ tinh khoảng từ 24 đến 26 giờ.

Gà trống thật ra không có cơ quan sinh dục ngoài, thay vào đó, chúng có một chỗ phình hình bong bóng của ống dẫn tinh. Khi giao phối, gà trống áp sát cơ quan sinh dục của mình vào lỗ huyệt của gà mái.

Lúc này, âm đạo của gà mái mở ra, tinh trùng được phóng vào âm đạo và đi vào trong tử cung. Tinh trùng có thể sống trong tử cung gà mái hơn 10 ngày, do đó, gà mái có thể đẻ trứng có phôi trong nhiều ngày sau khi giao phối dù chỉ với một lần đạp mái.


Đạp mái

Phản xạ không điều kiện của gà mái xảy ra trong cùng một thời gian ngắn và có mối quan hệ với nhau. Phản xạ giao tiếp của gà trống thể hiện ở các hành vi: rượt đuổi gà mái, gáy, cục tác, mổ thức ăn thật/giả để gà mái lại gần, vỗ cánh quanh gà mái, v.v.

Khi con cái đứng yên chịu trận, bộ phận sinh dục của con đực bị kích thích. Và khi gà trống nằm trên lưng gà mái, nó dùng mỏ đỡ đầu gà mái và dùng hai chân ôm lấy lưng gà mái để điều chỉnh tư thế cho ổn định.


"Trai trên... gái dưới"

Âm thanh cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của loài gà. Với gà trống, cứ mỗi tờ mờ sáng chàng cất tiếng gáy để đánh thức mọi người còn đang mơ màng trong giấc điệp.

“Bản đồng ca buổi sáng” được hợp sức cùng những chú gà lân cận thi nhau gáy thật to. Phải chăng cũng vì thế các cụ ta thường nói “Con gà tức nhau tiếng gáy”?


Gà gáy lúc bình minh

Phần gà mái thì cục tác ầm ĩ sau khi đẻ trứng để khoe công trình của mình. Lại còn cục tác khi gọi gà con đến quây quần chia sẻ miếng ăn hoặc phát ra tín hiệu cảnh báo khi có sự xuất hiện của những sinh vật lạ như diều hâu.

Thống kê tiết lộ tuổi thọ trung bình của gà vào khoảng 14 năm. Theo sách kỷ lục Guinness, con gà sống dai nhất là một con gà mái, “cụ bà” lìa trần năm 16 tuổi. Cũng có trường hợp ngoại lệ, như một con gà mái sống ở Vân Nam đến 22 năm và đẻ hơn 5.000 quả trứng!


"Gươm lạc giữa rùng hoa!"

Người ta thường nói “mắt quáng gà” hay “trông gà hoá quốc” để ám chỉ những người mắt kém. Tuy nhiên, mới đây các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Washington lại phát hiện mắt gà có khả năng thị giác đáng kinh ngạc, mở ra hướng nghiên cứu chữa trị cho bệnh thị giác ở người.

Cuộc sống của loài gà là để phục vụ con người. Người ta hay dùng câu nói khôi hài “gà khoả thân” để chỉ con gà luộc nằm chễm chệ trên bàn thờ như một món cúng “sang trọng”. Có điều ít ai lại thích ngồi ngắm “gà khoả thân” từ trên bàn thờ của chính mình!


"Gà Khoả Thân"

Ngoài các món khoái khẩu như gà luộc, gà đút lò, gà quay… ngày nay còn có gà rán trong việc tạo nên một sở thích trong ẩm thực hàng ngày. Điển hình là KFC (Kentucky Fried Chicken), với tổng cộng gần 20.000 nhà hàng tại 123 quốc gia và vùng lãnh thổ. Món “gà rán Kentucky” đã trở thành quen thuộc đối với những người trẻ sính đồ ăn ngoại ngày nay.


Kentucky Fried Chicken

Với những người “thủ cựu” thì còn có các món như cháo gà, gà rút xương, gà tiềm thuốc bắc, gà kho sả… được chế biến từ 2 nguồn: gà công nghiệp và gà thả rong hay còn gọi nôm na là “gà đi bộ”.

Thần Điêu” đã đi vào kho tàng ca dao ẩm thực Việt Nam với câu thơ hướng dẫn cách chế biến từ con gà, con lợn và con chó:

“Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng, khóc ngồi

Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”



 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts