Trong tiếng Anh chúng ta thường gặp những thành ngữ mà người Phương Tây thường sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Đôi khi người Việt cảm thấy những câu nói đó có phần khó hiểu nhưng cũng có những trường hợp tương đồng với ngôn ngữ của nước mình nếu ta chịu khó tìm hiểu sâu hơn một chút.
Trong bài viết này, chúng tôi chọn một số thành ngữ thông dụng nhất trong tiếng Anh. Mỗi thành ngữ đều có hai ý nghĩa: Nghĩa đen và Nghĩa bóng. Ngoài ra còn có thêm phần giải thích tại sao lại có những câu nói thú vị đó, là những ví dụ để thuyết minh.
Mời các bạn cùng tham khảo.
***
* “Bite the Bullet”
Nghĩa đen là "cắn vào viên đạn”, tức là hành xử một cách can đảm khi đối diện với sự đau đớn hay khó khăn trước mặt. Thành ngữ này xuất xứ từ thế kỷ thứ 18 khi một binh sĩ làm điều gì lầm lỗi thì bị trừng phạt nên phải cắn vào một viên đạn để khỏi rên la. Thời xa xưa chưa có thuốc mê nên viên đạn trong miệng người lính trước khi phẫu thuật có tác dụng tăng sức chịu đựng về thể xác! Thế cho nên, “cắn vào viên đạn” tức là hành xử một cách can đảm trước nghịch cảnh cũng tựa như ta có câu “ngậm đắng nuốt cay” hay “nằm gai, mếm mật”!
* “Blood is Thicker than Water”
Thành ngữ này có nghĩa đen là máu thì đặc hơn nước. Nghĩa bóng nôm na là “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” theo cách nói của ta. Thời xưa, người ta tin tưởng rằng những người anh em chiến đấu, sống chết bên nhau lại thân thiết hơn những mối quan hệ huyết thống theo gia đình, họ tộc. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, đa số vẫn quan niệm rằng mối quan hệ huyết thống vẫn là nền tảng của xã hội.
* “Break the Ice”
“Break the Ice” đơn giản chỉ là “phá băng” tại những nơi băng tuyết gây trở ngại cho việc di chuyển trong mùa đông. Theo nghĩa sâu sắc hơn, thành ngữ này ám chỉ việc phá vỡ những dè dặt trong việc giao tiếp giữa hai người xa lạ, chưa hề quen biết nhau để sau này trở nên thân thiết hơn. Đây cũng là một “nghệ thuật” giúp những người làm nghề “dẫn chương trình” (MC) có khả năng khuấy động bầu không khí hòa nhập của khán giả.
* “Cat Got Your Tongue?”
Trong tiếng Anh, người ta thường nói “Bộ con mèo nuốt lưỡi rồi sao?” để hỏi những người ú ớ, không nói nên lời trước một sự việc nào đó. Có 2 nguồn xuất xứ của thành ngữ này: (1) Trong Hải quân Anh quốc ngày xưa, có một loại roi dài được gọi là “cat-o'-nine tails” dùng để trừng phạt các thủy thủ vô kỷ luật… (2) Cũng có thể đó là tập tục “cắt lưỡi” những kẻ gian dối rồi đem cho mèo ăn!
* “Caught Red-Handed”
Một kẻ ăn trộm súc vật rồi giết nó cuối cùng bị bắt với bàn tay đầy máu, đó là bằng chứng anh ta bị trừng trị trước pháp luật. Người ta kết luận anh ta bị “caught red-handed” hay nói theo tục ngữ của ta là “bị bắt quả tang” với chứng cứ là những vết máu trên tay. Ngày nay những kẻ phạm tội (không nhất thiết chỉ ăn trộm một con thú) vẫn được mô tả là “caught red-handed”!
* “Don’t Throw the Baby Out with the Bathwater”
Bạn đang tìm cách để khuyên ai đó bình tĩnh và xem xét lại những hành động mà họ có thể hối tiếc? Bạn nói "don't throw the baby out with the bathwater" để ngăn họ hành động vội vàng với các quyết định và nên xem xét hậu quả của hành động này. Từ những năm 1500 người ta rất tiết kiệm nước trong việc tắm rửa, đầu tiên là ông bố, sau đó tới bà mẹ và cuối cùng là con cái. Khi đổ nước đi, nhớ đừng… đổ con. Có thể tương đương với thành ngữ “Đừng ném chuột mà làm vỡ lọ quý”!
* “Eat Humble Pie”
Vào thời Trung Cổ, các lãnh chúa thường đãi kẻ hầu người hạ sau những chuyến đi săn. "Humble pie" được hiểu là miếng bánh khiêm nhường nhất dành cho những gia nhân thấp kém trong bữa tiệc. “Eat Humble Pie” hàm ý là người nhận phần bánh đó, biết nhận sai sót của mình và cố gắng sửa chữa để trở thành người tốt hơn trong tương lai: "He really had to eat humble pie when the promotion didn't go to him."
* “Give the Cold Shoulder”
"Cold shoulder" ở đây không phải là “cái vai lạnh” mà là món thịt vai của con bò hay con cừu, một món ăn không ngon mà theo phong tục từ thế kỷ 19 người ta dành cho khách nào mà họ không ưa thích. Vì thế thành ngữ này có nghĩa là lạnh nhạt, thờ ơ, tỏ thái độ coi thường người khác: “I thought she really liked me, but the next day she gave me the cold shoulder”.
* “Jaywalker”
“Jay” là một loài quạ thường thấy ở vùng Bắc Mỹ. Có một con quạ đi lạc vào thành phố, vốn không quen với sự lưu thông trên đường phố nên cứ lang thang trên mọi nẻo đường bất chấp mọi nguy hiểm của xe cộ. Thế là người ta dùng chữ “jaywalker” để chỉ những người băng qua đường một cách bất cẩn. Thành ngữ đã biến từ quạ sang một người cẩu thả trong ngôn ngữ hàng ngày!
* “Let Your Hair Down”
Những phụ nữ đẹp chỉ ra đường khi đầu tóc được chải chuốt, vén khéo một cách cẩn thận. Đến khi về nhà họ xỏa tóc để có được cảm giác sống tự nhiên, thoải mái... Từ đó thành ngữ “Let Your Hair Down” (hãy xõa tóc) xuất hiện với ý nhắc nhở chúng ta hãy sống tự nhiên, không cần màu mè, làm đỏm!
* “Kick the Bucket”
Để diễn tả việc lìa trần người Việt mình thường dùng cách nói như “đi bán muối”, “đi ngủ với giun” hay nhẹ nhàng hơn là... “trút hơi thở cuối cùng”. Phương Tây cũng có cách nói thật thi vị dưới hình thức “uyển ngữ” để nói về cái chết: “Kick the Bucket”. Nguyên do lấy từ chuyện súc vật trước khi bị sát sinh thường được nhốt trong lồng, chúng dùng chân dãy dụa trước khi bị... hóa kiếp!
* “More Than You Can Shake a Stick At”
Thường thì người chăn cừu có một cây gậy để điều khiển đàn cừu nhưng khi đàn cừu quá đông, cây gậy không thể nào làm được chức năng vốn có của nó. Đó là khi người ta thốt lên “More Than You Can Shake a Stick At” với nghĩa bóng một khi sự việc đạt đến mức quá nhiều, quá đông… người ta không thể nào giải quyết được một cách ổn thỏa như mong muốn.
* “No Spring Chicken”
Ở New England, nông dân thường bán gà vào mùa xuân vì đó là mùa mà gia súc được nuôi tốt hơn là mùa đông. Đôi khi họ lại bán gà mùa đông với giá của gà mùa xuân nên khi khách hàng phát hiện ra sự thật, họ thường nói “No Spring Chicken”. Nghĩa bóng của thành ngữ này nuốn đề cập đến những ngày vàng son thời tuổi trẻ của những người tuổi đã về già!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét